Truyện Ngắn Luật Nhân Quả - Alissa

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Alissa, 12 Tháng một 2019.

  1. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    [​IMG]

    Luật nhân quả

    Tác giả: Alissa

    Số chương: 2

    Chương 1:

    Ông Thành, một người đàn ông trung niên, tuổi tầm 45, đầu tóc hoa râm điểm trắng, nét mặt đen già nua nhìn có vẻ hung dữ, người to con nhưng lại hiền lành như nước, ông có một đứa con trai tên Lượm. Nó không phải là con ruột của ông. Như cái tên của nó - Lượm đã nói lên nguồn gốc của nó, Lượm được lượm về trong một đêm mưa gió bão bùng, tôi không rõ chỉ nghe bà ngoại bảo thế bởi lúc đó tôi còn quá bé.

    Hắn năm nay tròn 25, người gầy ốm, đen sì, học hết cấp 2 rồi nghỉ đi làm phụ hồ ở tận Hải Dương, có lần Lượm bị bắt vào khám vì tội chơi gà chọi ăn tiền, ông phải chuộc nó ra. Rồi nó lại ra đi, lâu lâu mới về quẳng cho người cha già không máu mủ vài trăm nghìn lẻ rồi biệt vô âm tính, đến tận Tết năm trước hắn về còn dắt theo một em trông ngon cơm lắm rồi bảo với người cha già yếu của mình:

    - Số tiền tôi gửi ông cất giữ đấy, ông trả lại cho tôi, tôi còn phải cưới Nhàn. - Rồi hắn chìa đôi bàn tay trước mặt ông.

    Hôm ấy là một buổi chiều cuối đông, cái rét câm của miền Bắc cùng với ít mưa lất phất ghim vào da thịt. Ông Thành trong manh áo mỏng manh, rách vài chỗ được khâu vụng về, ông ngồi trên chiếc ghế gỗ bên chiếc bàn nhựa đã gãy một bên chân, ngồi cắt một ít thuốc nam dại do ông tìm được quanh nhà, thời tiết trở trời bệnh ho rồi xương khớp tái phát trầm trọng, có hôm ông đau như chết đi sống lại. Ông không có vợ, duy nhất chỉ có thằng con trai nuôi, thế mà cũng chẳng nhờ được vào đâu, chỉ biết hành thân già này thêm.

    - Lượm, con chờ thêm ít năm nữa cha bán vài con nghé, nó mới sinh được vài hôm, chí ít cũng để nó lớn lên được giá rồi bán.

    Anh con trai cười cay nghiệt:

    - Thế số tiền tôi đưa cha vào dạo trước đâu. Ấy.. Hay là ông tiêu rồi, tiền tôi làm mồ hôi nước mắt, ông thế mà lại tiêu mất của tôi.

    Anh ta tức giận đạp đổ chiếc bàn, lá thuốc vừa cắt xong theo đà rơi xuống đất, chiếc bàn ngã trúng vào ông Thành, ông Thành ngã xuống, tay ông chống xuống đất rồi trẹo qua một cái. Ông ôm tay, cắn răng nuốt nước bọt, vẫn giọng nhỏ nhẹ với anh:

    - Dạo trước cha bị sốt xuất huyết phải nhập viện, nên..

    Lượm ngắt lời ông bằng ngụm nước bọt.

    - Tôi không cần biết ông làm cách gì đào lại số tiền đó cho tôi, vài ngày nữa tôi sẽ trở lại lấy. Ông không chịu chạy tiền thì tôi bán nhà, xem ông ở đâu cho biết mặt. Hừ..

    Rồi anh dắt cô bồ nóng bỏng đi mất hút sau rặng tre. Người cha già với đôi tay trật khớp vẫn dõi mắt trông theo đứa con. Mặt trời đã lặn rồi, miền đất sỏi đá nay cũng hoang tàn hẳn, bóng tối lại cứ tuần hoàn mà đến, ngày qua ngày, năm tháng cứ một chỗ, một xó góc hoang lạnh, mùa đông cũng sắp qua mà sao cái lạnh vẫn dai dẳng đeo bám những mảnh đời bất hạnh.

    * * *

    Hôm sau vẫn là một ngày không thấy ánh mặt trời, âm u, và tĩnh lặng, chìm ngấm trong giá lạnh. Tôi và bà ngoại đang ngồi khâu lại mấy chiếc áo bị bung cúc, chợt ẩn ẩn hiện hiện trước ngõ nhà dáng hình một người đàn ông đang loay hoay, muốn vào nhưng lại sợ phiền hà người khác, bước chân muốn rời đi mà lòng còn vướng bận nỗi muộn phiền. Tôi nói khẽ vào tai bà:

    - Ngoại ơi, hình như ngoài cổng là ông Tư ạ?

    Bà ngoại đưa mắt ra nhìn rồi cười dịu hiền:

    - Ông Tư đấy, con ra mở cửa cho ông đi.

    - Vâng ạ.

    Tôi đeo đôi dép lê, kéo chân chạy vụt ra cổng, đập vào mắt tôi là người đàn ông đang đứng thất thần cúi mặt, trên mặt ông là nỗi buồn miên man, ánh mắt nhìn xa xăm không bến bờ, tôi thấy thế lên tiếng chào hỏi:

    - Con chào ông Tư.

    Ông lúc đấy mới nhìn tôi ông cười hiền lành.

    - Cái Tú đó à, có ngoại con ở nhà không?

    - Có ạ, mời ông vào nhà dùng nước với ngoại con ạ.

    Tôi mở cổng, thân thiện kéo tay ông vào nhà.

    Đến sân trước đã nghe tiếng ngoại nói vọng ra.

    - Cậu Tư đấy hả, cậu vào nhà đi, trời lạnh thế này cậu qua đây có chuyện chi không?

    Ông Thành buông chiếc nón cối xuống bàn kéo ghế ngồi rồi mới kể với ngoại tôi về Lượm, về cái tiệc cưới không đủ tiền tổ chức. Ngoại tức giận, đập tay mạnh xuống bàn, làm cái tách con keo lên lạch cạch như phẩn nộ cùng bà.

    - Thằng Lượm nó vậy mà lại là cái đứa mất dạy, cậu không việc gì phải chìu nó, cứ bỏ mặc nó muốn làm gì thì làm. Tháng trước cậu bị sốt xuất huyết chút nữa là đi đời, thế mà chẳng thấy mặt mũi nó đâu. Có mấy trăm nghìn không đủ viện phí, chị phải thêm vào người ta mới cứu cậu đấy. Thế nó còn bảo cho tiền cậu nhiều ấy không bằng?

    - Em cảm ơn chị, dạo đó không có chị giúp giờ này em có lẽ gặp ông bà rồi. Nhưng chị có thể cho em vay ít tiền không, dẫu sao em làm cha cũng muốn cho nó ít tiền làm đám cưới, cho mà có mặt có mũi với người ta.

    Bà ngoại biết, ông thương con dù là không ruột thịt cũng dành đủ tình thương mà người cha muốn dành cho con trai mình. Bà lắc đầu chua chát thay ông. Rồi cũng mềm lòng trước người đàn ông đáng thương này, bà lấy ba triệu đưa cho ông, rồi dặn dò:

    - Cậu cứ giữ, làm không hết thì để lại mà sài, cứ ăn uống kham khổ, sống sao nổi. Không cần trả gấp cho chị, mà tay cậu đỡ chưa, nhà chị có ít thuốc về xương khớp cậu cầm về mà uống, không hết thì đi gặp bác sĩ, kẻo về sau có di chứng thì khổ thân.

    Ông Thành nói cảm ơn rồi lúi cúi thân già đi về giữa trời mưa đang nổi lên dông bão.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng mười hai 2019
  2. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    Chương 2:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đã hai tuần trôi qua kể từ ngày ông Tư rời khỏi nhà ngoại tôi. Vẫn như ngày hôm ấy, hôm nay vẫn có mưa kèm theo từng đợt rét kéo về, nó hoành hành khắp nơi đây, cơn rét buốt ấy len lỏi, ăn sâu vào tận xương tủy khiến tôi phải run lên từng đợt liên hồi mặc dù trên người tôi đang mặc hai chiếc áo khoác dày cộm, tay lại đeo thêm một đôi găng tay vải làm bằng thứ vải dày được xếp li nhiều tầng tạo độ dày phù hợp nhưng dù có trang bị áo rồi găng tay nếu thêm một cái mũ len nữa thì tôi nghĩ trong thời tiết kiểu này cũng khó cảm thấy ấm được. Tôi ngán ngẩm nhìn màn mưa bên ngoài và thở một hơi dài thườn thượt rồi tiếp tục dúi đầu vào trang sách cuối cùng còn chưa xem xong.

    Bỗng có một dáng người hớt ha hớt hải từ cổng chạy đến, nhìn lướt qua tôi liền nhận ra đó ấy là cậu út của tôi. Trông mặt cậu lấm lét, nhợt nhạt như vừa trải qua một chuyện kinh sợ. Cậu chạy nhanh lắm, chưa mất mấy giây đã đến gần chậu mai trước sân nhà, giọng cậu cất lên khàn khàn, thứ giọng mang nét đặc trưng của riêng cậu, cậu nói vọng vào nhà pha lẫn hơi thở hổn hển phát ra từ miệng và mũi:

    - Mẹ.. mẹ ơi, thằng Lượm đâm chết chú Tư rồi. Mẹ qua gấp đi, chú nói muốn gặp mẹ. - Cậu vừa nói vừa run lên như là đang hồi tưởng lại cái cảnh tượng đấy.

    Tôi buông quyển sách sang một bên, ngẩng đầu mạnh, mắt trừng to. Đôi mắt nghi ngờ nhìn cậu và luôn tự nhủ rằng mình nghe nhầm rồi. Đến khi ngoại từ dưới bếp chạy lên, tôi mới thoát ra khỏi suy nghĩ của mình và chăm chú nghe.

    - Con nói sao! Ai đâm ai? - Đấy là bà ngoại hỏi, trong giọng nói của bà cũng bọc lộ giống tôi rằng không tin điều cậu út nói.

    - Là thằng Lượm, nó đâm chú Tư rồi, bên nhà chú đang loạn hết cả lên. Hàng xóm họ kéo nhau đến bu đông như kiến. Ông Tư nói muốn mẹ qua bên ấy, có chuyện cần nói. Nhanh lên mẹ, nếu không sẽ không kịp nữa. - Cậu vừa nói nước mắt đã dâng lên che mờ đôi mắt.

    Tôi nhíu mày, mũi nóng lên, rồi bậc dậy chạy đến bên ngoại, nắm lấy đôi tay già run rẫy.

    - Ngoại, ông Tư sẽ không có chuyện gì chứ? Cho con đi với.

    Ngoại ngậm ngùi, vuốt mái tóc ngắn của tôi, giọng run run:

    - Ông sẽ không sao đâu, con ở nhà đi Tú, trông nhà, ngoại đi sang đó với cậu được rồi.

    Ngoại nói rồi vội vã cầm ô bước sải chân đi theo cậu út, bên ngoài trời vẫn mưa, tôi như cảm nhận được cơn mưa dai dẳng này như ngày càng to hơn, nặng hạt hơn. Có lẽ ông trời đang khóc cho người đàn ông khốn khổ kia. Tôi mặc kệ lời ngoại bảo, khóa trái cửa rồi chạy vụt đi hướng rặng tre làng, nơi có một mái nhà vách lá rũ rượi, nơi có một người ông suốt đời vì con mà chẳng hề than thân trách phận với đời, thế mà!

    * * *

    Khi tôi đến nơi cũng là lúc ông vừa dừng hơi thở cuối cùng trên cuộc đời dằng dặc ròng rã 45 năm của mình. Hàng xóm đến rất đông gần như là cả cái xóm nhỏ này, họ khinh ông vào ngôi nhà của ông để nằm lên chiếc giường tre. Tất cả mọi người trên khuôn mặt hiện lên sự đau thương và họ đều đã khóc và cả tôi, tôi đã bật khóc như đứa trẻ vừa mất đi người ông ruột của chính mình. Vì sao tôi lại khóc? Vì tôi quá nhạy cảm, tôi quá mền yếu? Đều không phải mà nước mắt tôi rơi chính do cái chết đau thương thấu trời cao của ông Tư, nó thấm tận vào nơi nhạy cảm của tôi đánh thức phần mỏng manh, nhạy cảm của tôi nên tôi đã khóc.

    Bên ngoài trời mưa và chỉ có mưa, những giọt nước mưa trong suốt thi nhau rơi vèo xuống đất, hình ảnh đó làm tôi hình dung là chúng đang tìm đến nơi sinh ra chúng. Nơi có cây, hồ, đất.. cung cấp hơi nước để tạo nên những hạt nước là chúng. Hạt nước bé nhỏ quả là một cậu bé cô bé hiếu thảo vì chúng biết tìm về với người có ơn đã cho nó hình hài này dẫu không hề biết chính xác vị nào mới thật sự là mẹ ruột. Rồi tôi cười chua chát nhận ra hiện thật đó chỉ là hiện tượng tự nhiên, vòng luân chuyển bình thường của nước là một quy luật riêng muôn đời.

    Nước biết ơn phải trả, còn con người thì sao? Loài vật được mệnh danh khôn ngoan, cấp bậc max, làm chủ mọi thứ thế lại chẳng bằng một giọt nước nhỏ kia sao? Họ không trả ơn cho người đã nuôi mình lớn khôn, người mà đã dành cả đời họ để đổi lấy đời mình, yêu thương một giọt máu rơi trên đường quê trong cơn mưa bão bùng như Lượm. Thế rồi sao chứ? Thế thì nói lên điều gì? Thế ông Tư nhận được gì? Hay chỉ là cái chết thảm thiết.

    * * *20 năm sau***

    Vẫn là ngày mưa bão bùng nhưng lại là của hai mươi năm sau. Tôi, người con gái chọn cái nghề luật sư. Tôi yêu sự thật, tôi ghét giả dối, tôi đứng về phía cái đúng và tố cái sai. Và giờ đây, tôi đang ngồi trước người đàn ông 45 tuổi, nhìn ông ta thật thê thảm. Người gầy gò lở loét, đầu trọc lóc, màu da đen nhánh.. Ông ngồi trước mặt tôi, ông cười khó coi:

    - Tú, cháu có thể làm cho thằng An nhà chú giảm bớt án được không?

    Tôi nhìn xoáy vào mắt ông, cười đúng chuẩn nghề nghiệp:

    - Không được! Cháu không có khả năng làm cho nạn nhân bị An giết có thể cải tử hồi sinh. Cũng không tìm thấy chứng cứ có lợi cho anh An vì con hẻm đó có camera an ninh, nó là bằng chứng rõ rành rành, dù cháu có là luật sư giỏi cũng chẳng giúp được gì. Xin lỗi chú.

    Nói rồi tôi đứng dậy rời khỏi căn phòng, để lại người đàn ông có cái tên từng một thời bị bọn người trong làng ghét bỏ - Lượm. Ông đã nhận được rồi đó, quy luật nhân quả không không trừ một ai cả, chỉ là nó ứng nghiệm khi nào, lúc nào mà thôi. Ông đã được ưu ái cho hai mươi năm ngoài vòng pháp luật chì vì.. Ông Tư đã tự nhận chính tay ông gây ra, không hề liên quan đến con ông.

    Ngoại kể với tôi, về câu nói cuối cùng của ông Tư rằng:

    "Mọi người làm ơn giúp tôi việc cuối cùng. Đừng để thằng Lượm vào tù, cứ bảo tôi vô ý té nên.. Chị, hãy làm ơn giúp em."

    Ngoại nói ánh mắt ông ấy lúc đó yên tĩnh lạ lùng, cái nhìn nài nỉ ép người và mọi người không thể nào không đồng ý. Ngày đó pháp luật nơi đó lỏng lẻo chẳng khác nào không có cả. Thế là dưới sự che chở của mọi người Lượm không bị gì cả. Nó đã trốn chạy, dắt theo con vợ mới cưới đi biệt tăm. Đến cả chục năm sao mới về, bên cạnh dẫn theo một đứa bé trai, nhìn giống Lượm như đúc.

    Họ lại trở lại sống dưới mái nhà lá ngày xưa, người trong làng làm như không thấy sự hiện diện của bọn họ. Rồi một sự kiện diễn ra là ngày Lượm bị ngất xỉu. Mọi người không nỡ nhìn Lượm chết, đưa đến bệnh viện mới tá hỏa ra ông bị nhiễm HIV, và đứa trẻ cũng bị lây nhiễm. Hỏi ra thì biết em hàng kia là gái làng chơi, sau khi sinh đứa trẻ được hai năm, cô ấy đã chết. Báo ứng, đây có gọi là báo ứng không! Trong lòng mọi người điều hiểu phải không!

    Và bây giờ vẫn mười mấy năm nữa qua, đứa con trai con của kẻ giết người đã lãnh án tù chung thân thay cho người cha của mình. Những gì Lượm làm bây giờ chính đứa con phải trả "nợ cha con trả".

    Thật ra mọi người không hề nhận ra những gì mình làm trời thấy. Chỉ là ông chưa trừng trị vội vàng. Ông chờ đến một ngày khi đúng thời điểm thế là nó đã thành hiện thực "gieo nhân nào gặp quả ấy". Nhân - quả là một quy luật tiềm ẩn, bạn không nhìn thấy nhưng nó vẫn tồn tại trên người bạn, song hành với bạn, hãy suy nghĩ lại bạn đã làm gì, đã gây ra gì.. để rồi đến cuối đời đừng nói hay từ "tại sao?"

    Hết.
     
    Nghiên Di, Quỳnh Anh KellyMộ Thiện thích bài này.
    Last edited by a moderator: 30 Tháng tám 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...