Luật hiến pháp là gì? Luật Hiến pháp (hay Luật Nhà nước) là một ngành luật gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ cơ bản về tổ chức quyền lực Nhà nước, về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, chế độ bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân, về quốc tịch.. Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân tồn tại ở trong hoặc ngoài nhà nước đó, nhưng vẫn là nhân dân thuộc nhà nước đó. Vai trò của Luật hiến pháp - Thiết lập và trao quyền cho bộ máy nhà nước: Hiến pháp quy định cơ cấu của bộ máy nhà nước và trao quyền hạn cho cơ quan nhà nước chính (quyền lập pháp cho Nghị viện/ Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ, quyền tư pháp cho Tòa án). Chỉ khi được quy định trong Hiến pháp, các cơ quan nhà nước và quyền lực của các cơ quan đó mới có tính pháp lý chính đáng. - Giới hạn và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước: Cùng với việc trao quyền, Hiến pháp xác định giới hạn và cách thức sử dụng quyền lực được giao của các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, hiến pháp còn thiết lập các cơ chế và thiết chế để giám sát, kiểm soát và xử lý việc lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước (ví dụ: Cơ chế giám sát nội bộ giữa các cơ quan nhà nước; cơ chế giám sát của xã hội thông qua các quyền con người, quyền công dân; cơ chế giám dát thông qua các cơ quan hiến định độc lập). - Bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân: Quyền con người, quyền công dân là một trong những nội dung quan trọng nhất không thể thiếu trong bất kỳ Hiến pháp của quốc gia nào trước đây. Bên cạnh việc ghi nhận các quyền con người, quyền công dân, các hiến pháp còn quy định các cơ chế, thiết chế để đảm bảo rằng các quyền đó được tôn trọng, thực hiện trong thực tế, ví dụ như Ủy ban nhân quyền Quốc gia. Hệ thống ngành luật hiến pháp Ngành LHP không phải là một tập hợp hỗn độn các Quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh các QHXH nền tảng, cơ bản và quan trọng trong xã hội. Trái lại, ngành LHP là một tập hợp có hệ thống các QPPL theo các bộ phận có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khoản 2 Điều 7 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. Phận cấu thành nhỏ nhất là QPPL, hệ thống ngành LHP còn được cấu thành bởi hai bộ phận là các nguyên tắc bao trùm (các nguyên tắc chung) và các chế định. Các nguyên tắc ngành LHP: Các QPPL của ngành LHP thường mang tính khái quát thì các nguyên tắc bao trùm thậm chí còn mang tính khái quát cao hơn, đó là các tư tưởng, quan điểm mang tính chủ đạo đối với toàn bộ các chế định và QPPL của ngành LHP, chúng chi phối nội dung của các QPPL của ngành LHP ở tất cả các lĩnh vực. Có ba nguyên tắc bao trùm của ngành LHP: - Nguyên tắc chủ quyền nhân dân: Nguyên tắc này được thể hiện xuyên suốt trong các chế định và quy định của ngành LHP mà trực tiếp nhất là tại khoản 2 Điều 2 và Điều 3 của Hiến pháp năm 2013. Nội dung của nguyên tắc này là đặt con người vào vị trí trung tâm của tất cả các công việc của nhà nước và xã hội, từ ngay trong lĩnh vực chính trị tới các chính sách trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, đên các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân cũng như lĩnh vực tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. - Nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN: Nguyên tắc này được quy định tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013. Nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN yêu cầu tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong mọi lĩnh vực mà ngành LHP điều chỉnh và tôn trọng tính tối cao của pháp luật trong mọi mặt tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. - Nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc: Nguyên tắc này được thể hiện một cách rõ ràng ở Điều 5 Hiến pháp năm 2013. Nội dung của nguyên tắc là ngành LHP trong mọi lĩnh vực điều chỉnh của mình phải bảo đảm không có sự phân biệt giữa các dân tộc, các dân tộc thiểu số hoặc ở những địa bàn khó khăn phải được hưởng những chính sách ưu tiên phù hợp. Các chế định của ngành LHP: "Chế định" là một trong những khái niệm cơ bản của luật học. Thuật ngữ "chế định" được dùng để chỉ tập hợp các QPPL của một ngành luật điều chỉnh một nhóm các QHXH cùng loại, tức là có cùng tính chất hay đặc điểm nhất định. Có thể hình dung rằng mỗi ngành luật đều là tập hợp của nhiều chế định được hình thành trên cơ sở các QPPL điều chỉnh các nhóm QHXH có cùng tính chất, đặc điểm trong tổng thể các QHXH là đối tượng điều chỉnh của ngành luật đó. Cần lưu ý rằng, xác định các chế định trong một ngành luật là một việc làm linh hoạt. Một ngành luật có thể có một số chế định lớn và trong chế định lớn có thể có chế định nhỏ tùy thuộc phạm vi của các QHXH có cùng tính chất mà các chế định điều chỉnh. "Chế định" cũng là một khái niệm có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác lập pháp và hoàn thiện pháp luật. Các QHXH cùng loại luôn đòi hỏi sự điều chỉnh nhất quán và do đó các QPPL trong chế định tương ứng cũng phải được xây dựng thống nhất với nhau. Như vậy, chế định của ngành LHP là tập hợp các QPPL của ngành LHP điều chỉnh một nhóm QHXH có cùng loại trong phạm vi đối tượng điều chỉnh của ngành LHP. Ngành LHP có các chế định lớn cơ bản như sau: - Chế định về chế độ chính trị bao gồm các QPPL của ngành LHP điều chỉnh các vấn đề cơ bản và quan trọng nhất trong lĩnh vực tố chức thực hiện quyền lực nhà nước. - Chế định về mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với công dân Việt Nam và người dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm các QPPL của ngành LHP quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên lãnh thổ Việt Nam. Chế định này cũng có thể được gọi là chế định quyền cơ bản của người dân. - Chế định về chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại bao gồm các QPPL của ngành LHP quy định những QHXH cơ bản, quan trọng nhất trong lĩnh vực tương ứng, qua đó hình thành các chính sách định hướng của nhà nước trong các lĩnh vực. - Chế định về chế độ bầu cử bao gồm các QPPL điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực bầu cử để hình thành Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, hay còn gọi là hệ thống cơ quan dân cử ở Việt Nam. - Các chế định về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, chính quyền địa phương, TAND, VKSND và các cơ quan hiến định độc lập bao gồm các QPPL của ngành LHP điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước tương ứng. (Nội dung được tổng hợp từ nhiều nguồn, có chỉnh sửa)