Lòng căm thù giặc là một đặc điểm tiêu biểu trong văn học nước ta nói chung và văn học thời Lý Trần nói riêng. Lòng căm thù đến tận xương tủy khi thấy chúng giày xéo lên mảnh đất của ông cha, muốn hất cổ bọn ngang ngược đê hèn ra khỏi đất nước còn là một nhân chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước. Trong hai câu cuối bài "Sông núi nước Nam" : "Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư." Phải thù, phải căm ghét thì mới quả quyết sự thất bại của lũ giặc hung tàn. "Chúng mày", nó thể hiện một thái độ giận tức và chỉ muốn đánh cho bọn chúng ngã nhào mà cút thẳng ra khỏi bờ cõi dân tộc. Lòng tự tôn dân tộc và căm thù giặc đã hun đúc qua mấy mươi thế kỉ đã hóa thành tư thế đứng thẳng làm người, mặt đối mặt với kẻ thù. Ở Hịch tướng sĩ, lòng căm thù giặc, nỗi xót đau trước cảnh đất nước bị giày xéo tàn phá, ý chí sẵn sàng xả thân vì nước trào dâng mãnh liệt trong lòng vị thân vương họ Trần. Nghe ông kể tội ác kẻ thù mà ta sởn gai óc. Ông gọi giặc là "cú diều, dê chó, hổ đói" không chỉ vạch trần sự tham lam, độc ác mà còn vạch rõ dã tâm xâm lược của giặc; thể hiện sự khinh bỉ, căm ghét tột độ. Không chỉ kể tội ác của giặc mà Trần Quốc Tuấn còn bày tỏ nỗi đau xót trước nỗi nhục của quốc thể, nỗi đau đớn xót xa. Đó là biểu hiện của sự sẵn sàng xả thân để rửa nhục cho nước, để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, khát vọng xả thân cho đất nước: "Chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng". Căm tức tới mức đó, quả thật có yêu nước sâu sắc tới mức nào mới có những lời đanh thép như thế. Qua đó khẳng định rằng giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục Bằng lối văn biền ngẫu nhịp nhàng và rắn rỏi, Trần Quốc Tuấn vạch mặt bọn giả nhân giả nghĩa, có lòng tham không đáy, mưu toan vét sạch tài nguyên của cải đất nước ta, người đã coi chúng như những loài cầm thú bạo tàn, ngang ngược. Điều đó minh chứng cho lòng yêu nước mãnh liệt của dân tộc. Cũng với sự căm thù tột cùng ấy, Bình Ngô đại cáo cũng là lời cáo trạng sắt thép, cũng là mối hận sâu khôn cùng. Tác giả đã khẳng định đó là tội ác "Bại nhân nghĩa nát cả đất trời" và kể ra những hành động dã man của bọn chúng. Âm mưu xâm lược của quân giặc gian xảo bao nhiêu thì chính sách cai trị của chúng càng thâm độc bấy nhiêu. Vẫn là những chính sách cũ nhưng thâm độc hơn nhiều: Chúng không chỉ bóc lột vơ vét hết mọi sản vật, sức người, sức của của dân ta mà chúng còn huỷ hoại cả môi trường sống (tàn hại giống côn trùng cây cỏ) và tàn sát con người không biết ghê tay. Hai câu: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ." Đây là hình ảnh vừa cụ thể, vừa khái quát như một lời cáo trạng, lời buộc tội quân giặc. Hận sâu đậm bấy nhiêu thì tố cáo càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Vơ vét sản vật, tiêu diệt con người, tội ác của giặc không giấy bút nào tả xiết: "Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi Lẽ nào trời đất dung tha Ai bảo thần nhân chịu được?" Nguyễn Trãi chọn cái vô cùng (trúc Nam Sơn, nước Đông Hải) để nói đến tội ác của một loài quỷ dữ (thằng há miệng, đứa nhe răng). Bọn chúng như những con thú dữ khát máu người, chỉ nhăm nhe cắn xé nhân dân ta đến tận xương tủy. Tội ác của giặc Minh đã vượt qua cái giới hạn của lẽ trời. Hành động nhơ bẩn của chúng khiến cả thần và người đều không thể tha thứ. Đứng trên lập trường nhân nghĩa, đoạn văn là máu, là nước mắt, thể hiện sự căm hận sục sôi của Nguyễn Trãi đối với kẻ thù.