LLVH: Mối Quan Hệ Giữa Nhà Văn, Tác Phẩm Và Bạn Đọc Qua Chí Phèo Của Nam Cao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thích Vị, 17 Tháng bảy 2021.

  1. Thích Vị Tác giả tự do

    Bài viết:
    23
    [​IMG]

    (Nguồn: Internet)

    Đời sống văn học chính là những cuộc đối thoại. Người đọc, nhà văntác phẩm đối thoại để tìm thấy tiếng nói tri âm hoặc để làm sáng tỏ chân lý.

    Bằng những trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy viết bài văn chứng minh bằng một tác giả hoặc một nhân vật văn học mà mình yêu thích.

    .. xXx..

    M. Gorki từng nói: "Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng". Ta có thể nói, nhà văn là cây cầu nối tuyệt diệu giữa thế giới văn chương huyền ảo và cuộc đời trần tục. Họ khai thác những chất liệu thô ráp từ cuộc đời và mài dũa nó thành ngôn từ chứa đựng nhiều tầng lớp tư tưởng và cảm xúc. Từ đó, nhà văn, tác phẩm và người đọc như có một tiếng nói tri âm thấu hiểu lẫn nhau. Và qua nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, ta có thể thấy rõ được điều đó.

    "Chí Phèo" là một tác phẩm văn học hiện thực được nhà văn Nam Cao sáng tác vào năm 1941. Đây được xem là một tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của Nam Cao đồng thời là một tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội . Trong đó, Chí Phèo cũng là tên nhân vật chính của truyện. Hắn vốn là một nông dân chất phát lương thiên nhưng vì bị sự chèn ép áp bức của bọn bá hộ cầm quyền mà đánh mất bản tính vốn có trở thành tay sai cho kẻ ác. Tuy nhiên, sau này Chí Phèo đã có thể tìm lại niềm tin và những ước mơ lương thiện, hạnh phúc ban đầu nhờ gặp gỡ Thị Nở. Đến cuối cùng, Chí Phèo chọn cách kết thúc cuộc đời mình cùng với Bá Kiến (kẻ gây ra tất cả bi kịch cho hắn) để tìm thấy điều mình mong muốn. Truyện ngắn của nhà văn Nam Cao đã góp phần khắc họa một xã hội bê tha đổ nát bấy giờ. Trong đó, con người không có quyền quyết định số phận của mình mà bị phụ thuộc vào lòng tham, dã tâm và quyền lực của tầng lớp nắm quyền. Và cũng nhờ có câu chuyện mà thế hệ đi sau đã biết thêm về thời đại cũ một cách tận tình và tinh tường hơn. Câu chuyện như một quyển hồi kí đưa độc giả về một miền kí ức trong tâm thức nhà văn. Từ đó, "Chí Phèo" trở thành sự liên kết thấu đáo giữa tâm hồn Nam Cao và bạn đọc, chứng minh cho tiếng nói tri âm của ba tầng lớp sáng tạo, tiếp nhận và tác phẩm văn học. Mà ta còn có thể nói đó là mối tương quan giữa quá trình sáng tạo và quá trình tiếp nhận trong văn học.

    Trước hết, mỗi nhà văn muốn sáng tác đều phải dựa vào cốt lõi cuộc đời. Như nhà thơ Tố Hữu từng nói: "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học". Không có cuộc đời, tác phẩm sẽ trở thành những khúc ca sáo rỗng vô hồn. Mà cuộc đời ở đây chính là cuộc đời của độc giả, cũng là cuộc đời của Chí Phèo. Trong đoạn trích đầu tiên của tác phẩm, ta có thể thấy hình ảnh một thằng bợm rượu say xỉn chửi trời chửi đất. Trước hết, hắn chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại. Nhưng chẳng ai đáp lại hắn, họ đều nhủ: "Chắc nó chừa mình ra". Thế rồi, hắn lại chửi "cha cái thằng nào không chửi nhau với hắn" nhưng cũng chẳng ai thèm bén mảng câu nào. Cuối cùng, Chí Phèo chửi luôn cả "đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn" khiến hắn phải chịu khổ đến thế. Một đoạn văn ngắn ngủi nhưng đa thanh từ tiếng của tác giả đến dân làng và cả Chí Phèo. Tất cả tạo nên một thứ âm thanh hỗn hợp xô bồ nhưng lại đem đến cho người ta cảm giác chạnh lòng. Bởi trong vô vàn thứ âm thanh đó, chẳng có âm thanh nào đáp lại Chí. Làng Vũ Đại như đang từ bỏ sự tồn tại của hắn, họ không buồn quan tâm, không buồn nhìn mặt cũng chẳng buồn chửi với hắn. Sự cô đơn của Chí như chính sụ cô đơn của những con người thấp cổ bé họng bấy giờ. Họ có những nỗi đau, những khát khao không nói nên lời mà chỉ biết dùng những hành động tiêu cực để bày tỏ nỗi niềm. Nhưng rồi, xã hội đương thời khắc khổ khiến cho con người chỉ biết bo bo giữ mình, họ thầm nghĩ "một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất." (trích "Lão Hac" – Nam Cao). Đó chính là cuộc đời mà Nam Cao nhìn thấy, cũng là cuộc đời mà ông muốn đưa vào nhân vật Chí Phèo. Ngoài ra, hình tượng của Chí Phèo cũng được nhà văn đưa vào từ những con người sống quanh ông. Trong quyển "Chuyện chưa biết của nhà văn Nam Cao" do bà Trần Thị Hồng – con gái đầu lòng của nhà văn – có viết: "Trong ba người mà cha tôi chọn để xây dựng nhân vật Chí Phèo thì hai ông vẫn sống ở làng cho tới lúc già mới mất, ông còn lại đi biệt tích chứ không đâm chém với Bá Kiến như cha tôi viết. Theo đó, làng xưa có người tên Chí, mổ lợn giúp người ta không đòi tiền mà chỉ xin phèo và rượu nhấm nháp. Khi say lảo đảo, ông không" rạch mặt ăn vạ "mà thường tìm lều chợ để ngủ, hễ ai hỏi đi đâu thì ông luôn nói" đi phèo ", ý là đi ngủ. Do vậy, người làng gọi luôn tên Chí Phèo. Ông Chí không lấy vợ, nhưng khoảng cuối thập niên 1930 thì có với bà bán trứng trong làng một người con trai đặt tên Rụ, có vợ và sinh hai con gái. Ông Chí về sau bỏ làng biệt xứ. Người thứ hai tên là Trinh, vốn là đứa trẻ được nhặt từ cái lò gạch trong làng, có vợ và đàn con. Người này" uống rượu nhiều như người ta uống nước, mỗi khi say thường chửi trời, chửi mọi người và ăn vạ ". Người thứ ba tên Đào, chính là lực điền đi ở cho ông chánh Bính ở làng. Đào từ thanh niên hiền lành, sau khi bị tù, trở về làng sa vào rượu chè và tính tình ngỗ ngược". Từ đó, ta có thể thấy quá trình sáng tạo của người viết luôn phải gắn liền với đời sống con người. Bởi con người và đời sống con người là trung tâm và là nguồn cảm hứng vô tân của mỗi người nghệ sĩ. Tuy nhiên, nhà phê bình Nguyễn Đình Thi cũng có viết: "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh". Ngoài cuộc đời, mỗi tác phẩm bao giờ cũng chứa đựng vô vàn giá trị tình cảm của người viết. Bởi trong quá trình sáng tạo cái mới và tái tạo cuộc sống, họ không chỉ thông qua cái nhìn khách quan của xã hội mà còn nhào nặng bởi lăng kính chủ quan của tư tưởng cá nhân. Chính vì thế, tác phẩm vừa mang lại cái nhìn khách quan lẫn chủ quan cho người đọc, tạo nên mối tương quan mật thiết giữa cuộc đời – tác phẩm mà điển hình ở đây là giá trị nhân đạo mà nhà văn Nam Cao đã lồng ghép trong tác phẩm của mình. Trong đó, Nam Cao cho Chí Phèo gặp Thị Nở, một cuộc gặp gỡ đầy tình người. Nhờ Thị Nở, Chí Phèo lần đầu tiên cảm nhận được ấm áp của gia đình, biết cái gì là yêu, hắn nếm thử mùi vị cháo do chính tay Thị nấu mà rưng rưng nước mắt. Những giọt nước mắt của Chí Phèo đã thể hiện một Nam Cao với lòng trắc ẩn cao và tinh thần nhân đạo to lớn. Ông cho hắn được "làm người" một cách hoàn chỉnh, giúp "con quỷ làng Vũ Đại" tìm ra chân lý của đời mình. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và lý tưởng, tạo nên một tác phẩm điển hình trong chủ nghĩa hiện thực bấy giờ đồng thời khẳng định quan điểm của nhà văn Nam Cao trong sáng tạo nghệ thuật: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than".


    Văn học dường như đã trở thành một thế giới nhiệm màu gắn kết bạn đọc và người viết qua chiếc cầu ngôn ngữ. Đồng thời, nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao đã giúp ta nhìn nhận được một cách rõ ràng hơn về mối quan hệ ràng buộc này Nhờ có nó, ta có thể hiểu rõ hơn về cuộc đời, nhìn thấy mọi vấn đề ở nhiều góc cạnh khác nhau đồng thời cũng hiểu được cách mà người khác đánh giá về các vấn đề ấy. Như nhà văn cùng thời – Thạch Lam từng nói: "Đối với tôi văn chương không phải là cách đem lại cho người đọc sự cách ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn".

    -Thích Vị-​


    Góc bàn luận: [Thảo luận - Góp ý] - Góc Bình Luận: Tác Giả Thích Vị
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng sáu 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...