Liệu ta có thể tự kiến tạo nên hiện tại của chính mình?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Diễn Đồng, 13 Tháng ba 2023.

  1. Diễn Đồng

    Bài viết:
    5
    LIỆU TA CÓ THỂ TỰ KIẾN TẠO NÊN HIỆN TẠI CỦA CHÍNH MÌNH?

    Thời gian gần đây, các bạn có thể bắt gặp những bài viết hay video trên mạng xã hội có nội dung như "Tôi đã đỗ nguyện vọng 1 bằng manifestation như thế nào?", "Cách manifest để người bạn thích luôn nghĩ về bạn", v. V. Hẳn không ít người khi bắt gặp những bài đăng này cảm thấy rất khó hiểu và lạ lẫm với danh từ tiếng Anh "manifestation" và động từ "manifest" tương ứng đang xuất hiện khá thường xuyên trong các trào lưu mạng xã hội của những bạn trẻ trong và ngoài nước.

    Vậy, manifestation là gì? Manifestation tạm dịch là những phương pháp thực hành Luật hấp dẫn. Đó là những phương thức giả khoa học để một người có thể biến những mong ước thành sự thật bằng cách liên tục tưởng tượng trong tâm trí những điều họ muốn đạt được. Những hình thức ấy được xây dựng để đảm bảo sự hoạt động của Luật hấp dẫn (Law of Attraction) - học thuyết của phong trào tâm linh Tư Tưởng Mới (New Thought) vào thế kỷ 19. Ý tưởng chủ đạo của Luật hấp dẫn cho rằng, những suy nghĩ hay thái độ sống tích cực/tiêu cực của chính chúng ta quyết định trải nghiệm sống tích cực/tiêu cực tương ứng. Quá trình thực hành Luật hấp dẫn bao gồm việc giữ những suy nghĩ tích cực trong tâm trí, hay gửi những năng lượng tốt và yêu cầu đến vũ trụ. Tuy nhiên, để có kết quả thì chủ thể cũng cần có những hành động thực tế hướng tới mục tiêu mình cần đạt được.

    Các phương pháp giúp thực hành Luật hấp dẫn thành công thường rất đa dạng và có thể thay đổi linh hoạt cho phù hợp với mỗi cá nhân. Một số người sẽ liên tục viết những câu khẳng định ở thì hiện tại ra giấy như "Tôi đạt điểm tốt", "Tôi giàu có". Những người khéo tay hơn thì có thể tự thiết kế cho mình một quyển sổ hay một tấm bảng trực quan chứa những hình ảnh và biểu tượng liên quan đến mục tiêu của mình. Ví dụ, nếu bạn mong ước được đi du lịch thì bạn sẽ lấp đầy quyển sổ hay tấm bảng của mình bằng những hình ảnh bãi biển, máy bay, hành lý, v. V. Tuy nhiên, đặc điểm mấu chốt của tất cả các phương thức ấy là tần suất thường xuyên. Ta phải liên tục tự nhắc nhở chính mình về mục tiêu mình muốn đạt được và thực tại mà ta muốn xây dựng. Nhờ đó, niềm tin chúng ta sẽ có được những gì mình mơ ước mới càng được củng cố.

    Mặc cho sự phổ biến của nó, những phương pháp thực hành Luật hấp dẫn chưa được phát triển và nghiên cứu đủ sâu rộng để có thể trở thành một bộ môn thực hành khoa học. Bên cạnh đó, chúng còn nhận không ít sự chỉ trích bởi không bắt nguồn từ cơ sở trong khoa học vật lý. Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn cho rằng, phương thức hoạt động của việc thực hành Luật hấp dẫn khá hữu ích để thay đổi thái độ và phản ứng của ta một cách tích cực hơn trong một số trường hợp nhất định. Các phương thức thực hiện Luật hấp dẫn được giáo sư Alison Berstein, giảng viên Khoa học thần kinh tại Đại học bang Michigan, so sánh với liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy) trong tâm lý học. Đó chính là phương pháp can thiệp nhắm tới việc xử lý và thay đổi những niềm tin, suy nghĩ và thái độ tiêu cực trong nhận thức đang ảnh hưởng xấu tới cảm xúc và năng suất hoạt động của đối tượng trị liệu. Từ đó, những hành vi tiêu cực ở người đấy có thể giảm bớt, giúp cảm xúc được cân bằng và điều hòa, giúp cá nhân có động lực và quyết định sáng suốt hơn để giải quyết những khó khăn và đạt được mục tiêu trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi một người thực hành Luật hấp dẫn để thay đổi và chuyển hóa những suy nghĩ tiêu cực thành những niềm tin tích cực (ví dụ: Biến sự tự ti thành tự tin), năng suất và kết quả của họ có thể được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, còn một lý thuyết được cho là khá phù hợp để giải thích cho cơ chế hoạt động của các phương pháp thực hành Luật hấp dẫn. Khi não bộ con người tập trung vào một mục tiêu, nó sẽ tìm ra những con đường và phương thức nhanh chóng để đạt được mục tiêu ấy. Nhờ đó, bạn sẽ đưa ra được những quyết định hành động hiệu quả hơn, dần dần rời bỏ những mối quan hệ hay thói quen xấu cản bước bạn đến với mục tiêu bạn đặt ra. Ví dụ, nếu bạn đặt ra cho não bộ mình mục tiêu trở nên hạnh phúc, thì nó sẽ xem những người liên tục làm bạn tổn thương hay những thói quen không lành mạnh như là vật cản đến với mục tiêu hạnh phúc. Từ đó, não bộ sẽ thúc đẩy bạn dần bỏ lại phía sau những chướng ngại ấy để bạn đạt được sự hạnh phúc mà bạn hằng mong muốn.

    Có thể đã có những lời thổi phồng quá mức về sự kỳ diệu của việc thực hành Luật hấp dẫn trong những trào lưu nổi lên trong giới trẻ. Thực tế, trong quan điểm của những chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này như tác giả Joseph Vitale thì những kết quả thần kỳ sẽ không bao giờ đến với người không hành động. Phương pháp thực hành Luật hấp dẫn vẫn sẽ có ích nếu bạn thực sự quyết tâm và sẵn sàng để nỗ lực trong thực tiễn. Nhìn chung, ta có thể tự do lựa chọn những phương thức để phát triển bản thân phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của chính mình bên cạnh thực hành Luật hấp dẫn. Tuy nhiên, chỉ có ta mới có toàn quyền quyết định và làm chủ hiện tại của mình. Hiện thực ta tạo nên xung quanh ta vẫn luôn là tấm gương phản ảnh những hành động và nỗ lực ta đã bỏ ra. Những niềm tin, suy nghĩ và thái độ tích cực sẽ là công cụ và là kim chỉ nam giúp ta đối mặt dễ dàng hơn với những chông gai thử thách để tiến một bước gần hơn tới thành công ta luôn hằng ao ước.
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...