LIỆT SĨ ĐẶNG VĂN LUẬN Liệt sĩ Đặng Văn Luận là người cùng làng với tôi, ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 1967, chú ấy vào học tại Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Đến tháng 8 năm 1970, Luận tình nguyện nhập ngũ, vào Tiểu đoàn 719, Trung đoàn cao xạ 226. Luận đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, bảo vệ bầu trời miền Bắc và tham gia cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Luận được sinh ra trong một gia đình có bốn chị em. Luận là con trai duy nhất. Năm 1970, Luận thành hôn với em gái tôi, cô giáo Nguyễn Thị Minh. Bố mẹ Luận mong mỏi vợ chồng Luận sớm có con để ông bà sớm có cháu bế bồng. Nhưng chẳng hiểu sao điều mong ước ấy không sớm đến. Thế nên, đã có lần hai vợ chồng Luận phải xuống nhà tôi ở Hà Nội để đi thăm khám... Vào dịp Tết Nguyên đán đầu năm 1975, Luận được nghỉ phép. Đêm 30 Tết, tôi đang ngồi nấu bánh trưng thì Luận sang chơi. Hai anh em cùng ngồi bên bếp lửa hồng, vừa trò chuyện khá lâu. Nhiều chuyện lắm. Luận thông báo cho tôi đợt này chú ấy về nghỉ phép và khi trở lại đơn vị sẽ hành quân vào Nam. Chiến trường đang nóng bỏng và quân ta sẽ mở chiến dịch tổng tấn công cần rất nhiều lực lượng tham gia... Luận nói với tôi, chú ấy lo lắng vì bố mẹ đã già, lại thương vợ mình sẽ phải một mình đảm đang bao nhiêu việc không tên khi mà chú ấy chẳng thể giúp gì được. Lặng đi một lát, Luận chuyển sang nói với tôi về niềm đam mê với văn học, với thơ ca. Chú ấy mong ước sau này, khi rời quân ngũ, muốn ra công tác tại một tờ báo hoặc tạp chí nào đó để có điều kiện thoả chí sáng tác văn, thơ của mình... Thật không ngờ lần nghỉ phép ấy lại là lần cuối cùng Luận được sống trong tình thương yêu của bố mẹ, cuả vợ, của các chị em gái và họ hàng, người thân. Chia tay gia đình và quê hương, Luận đã ra đi và không bao giờ trở về nữa. Chú ấy đã hy sinh ở Tràng Dù trên đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, khi mà chỉ còn đúng mười ngày nữa là miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Nhưng, thật may mắn làm sao khi mà chính trong thời gian nghỉ phép ấy, Luận đã để lại giọt máu của mình: Đặng Ngọc Linh. Chỉ tiếc là khi cháu Đặng Ngọc Linh sinh ra ngày 14-10-1975 thì Luận đã đi xa, không bao giờ bố - con còn có dịp gặp mặt nhau. Tiếc hơn nữa là Luận hy sinh mà không hề biết mình đã có đứa con nối dõi. Trước lúc đi xa, Luận đã căn dặn đồng đội rằng hãy khuyên vợ mình đi bước nữa. Nhưng, Luận cũng không biết rằng vợ mình khi ấy mới 26 tuổi, nhưng đã nén đau thương vào lòng, một mình ở vậy, tận tuỵ nuôi con khôn lớn và trường thành. Năm tháng cứ trôi đi. Đất nước thống nhất lâu rồi, nhưng việc đi tìm hài cốt của Liệt sĩ Đặng Văn Luận vẫn canh cánh trong lòng những người thân yêu ở quê nhà. Bố mẹ Luận đã mất. Cô Minh bận rộn vì công việc dạy học và một mình nuôi con nhỏ thời bao cấp đầy rẫy khó khăn... Phải đến 20 năm sau tôi mới vào Đồng Nai tìm mộ chú ấy. Cũng là chuyện vô tình, hay là cũng có thể chú ấy mách bảo tôi. Một hôm, tôi vô tình đọc được một tin nhắn nhỏ xíu, nhỏ như một bao diêm, đăng trên trang trong của một tờ báo Quân đội nhân dân. Tin ấy nhắn Liệt sĩ Đặng Văn Luận được chôn cất ở một nghĩa trang huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ngày 30-4-1995, tôi vào TpHCM tường thuật trực tiếp cuộc mit tinh kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xong công việc, được sự giúp đỡ của PV Mai Hoa và Cơ quan thường trú của Đài TNVN tại TpHCM, ngày 4-5-1995 tôi đã lên huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai để tìm mộ Đặng Văn Luận. Các đồng chí ở Huyện đội Vĩnh Cửu đã rất nhiệt tình cung cấp cho tôi những di vật của Đặng Văn Luận và hai đồng chí cùng hy sinh ngày ấy, quê ở Thanh Hóa và Cao Bằng. Nhưng, hài cốt của cả ba người hiện đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang Biên Hòa. Lãnh đạo Huyện đội Vĩnh Cửu đã tận tình đưa chúng tôi về Biên Hòa. Ở đây, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, chúng tôi được đưa ra nghĩa trang Biên Hòa. Tôi đã quỳ sụp xuống bên mộ của Luận và hai đồng đội của chú ấy mà không thể nào cầm được nước mắt. Mừng mừng, tủi tủi. “Luận ơi. Vậy là sau hai mươi năm anh đã tìm thấy em rồi. ” Tôi thầm hứa với chú ấy là sẽ sớm đưa chú ấy về quê hương, về với ông bà, tổ tiên và để chú mãi mãi được sống gần với vợ con thân yêu của mình, để cái mộ mang tên chú ấy ở nghĩa trang của xã không chỉ còn là ngôi mộ tượng trưng mà quê hương đã xây lên từ 20 năm nay không còn là ngôi mộ tượng trưng... Tìm thấy mộ của Đặng Văn Luận, tôi đã viết bài báo “ĐI TÌM MỘ EM”, kèm theo ảnh chụp tôi ngồi ôm lấy mộ của chú ấy. Cả ảnh của nhà báo Mai Hoa nữa. Bài báo này tôi đã gửi đăng trên một tạp chí chuyên ngành của báo Quân đội nhận dân. Chỉ tiếc là đến nay tôi không còn giữ được bài báo này. Ngay sau khi tìm được mộ của Đặng Văn Luận, tôi đã phác thảo kế hoạch chuyển hài cốt của chú ấy về quê. Không chỉ chuẩn bị các phương án thực hiện những nghi lễ cần thiết trên dọc đường đưa hài cốt chú ấy từ Đồng Nai về quê theo đúng phong tục, nghi lễ, mà tôi còn liên hệ với Báo Phú Thọ và Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Phú Thọ chờ đón và đưa chú ấy từ ga Việt Trì về đến quê nhà. Mọi việc chuẩn bị đã xong. Nhưng... Giữa tháng 7-1995, cô Minh - vợ chú Luận vào TpHCM để lên Biên Hòa thăm mộ chồng. Thêm một lần nữa PV Mai Hoa và Cơ quan thường trú của Đài TNVN tại TpHCM nhiệt tình giúp đỡ em tôi. Mai Hoa đã đưa cô Minh và gia đình cô Loan, em út của tôi đang sinh sống ở TpHCM, lên nghĩa trang Biên Hòa thăm mộ chú Luận. Cũng là đề chuẩn bị cho việc đưa hài cốt của chú ấy về quê nhà. (Cũng xin được nói thêm là trong những ngày chuẩn bị đưa hài cốt chú Luận về quê, gia đình tôi đã được nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chú Luân, từ thời còn học Đại học hoặc cùng quân ngũ, động viên, thăm hỏi và hứa sẽ sẵn sàng giúp đỡ khi gia đình tiến hành công việc này. Một trong những người bạn ấy mà tôi còn nhớ là anh Dương Trọng Dât...) Thế nhưng, có một việc tâm linh xảy ra trong chuyến đi này của cô Minh. Ấy là trong những ngày ở nhà cô Loan, cô Minh đã được giới thiệu và tìm đến nhà một ông thày. Trong cuộc gặp gỡ ông thày này, khi ông gọi hồn chú Luận, cô Minh đã được nghe những lời dặn dò của chồng. Đại ý chú ấy nói rằng chú ấy sống ở đây quen rồi và không nỡ rời xa những người đồng đội. Quan trọng hơn, chú ấy bảo chú ấy chưa muốn về quê vào lúc này, vì cháu Linh còn đang đi học, chú ấy mà về quê thì cháu sẽ quẩn quanh ở quê nhà với bố, với mẹ mà không thể đi đâu xa được... Thêm vào đó, những năm tháng ấy cuộc sống của mẹ con cô Minh cũng còn nhiều khó khăn, vất vả lắm. Nên khi cô ấy trao đổi với tôi về việc chưa đưa hài cốt chồng về quê vào lúc này, tôi cũng phải đồng ý. Thôi thì cứ để chú ấy yên nghỉ trong đó. Bởi dẫu sao thì mộ chú ấy cũng đã có nơi có chốn đàng hoàng. Đã 40 năm trôi qua, Liệt sĩ Đặng Văn Luận vẫn yên nghỉ tại nghĩa trang thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cô Minh cũng đã nhiều lần vào thăm phần mộ của chồng. Năm 1999 cô Minh đã đưa mẹ tôi vào Biên Hòa thăm mộ con rể. Hàng năm, vào những dịp lễ, tết vợ chồng cô em út Nguyễn Thị Loan vẫn thường xuyên lên nghĩa trang Biên Hòa thăm nom, hương khói cho anh rể. Từ khi tốt nghiệp Trường Tuyên huấn trung ương (Học viện báo chí và tuyên truyền bây giờ) và về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, cháu Đặng Ngọc Linh cũng đã nhiều lần vào Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai thăm viếng bố. Cô Nguyễn Thị Minh cũng đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay và hiện sống với vợ chồng cháu Linh ở Hà Nội. Việc có đưa hài cốt liệt sĩ Đặng Văn Luận về quê hay không và vào thời gian nào, hẳn là vợ con chú ấy sẽ tính toán trong thời gian thích hợp. TB: Ngày 20-12-2015 gia đình và địa phương đã tổ chức đưa hài cốt của Liệt sỹ Đặng Văn Luận từ Nghĩa trang liệt sỹ Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai về an táng tại Nghĩa trang quê nhà: Xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. ĐÌNH KHẢI