Hiện nay ở nước ta và một số nước khác trong khu vực Ðông Nam Á đang còn xuất bản và sử dụng hai loại lịch, đó là dương lịch và âm lịch. + Dương lịch là loại lịch theo Mặt Trời, dùng đơn vị thời gian thiên nhiên là năm Mặt Trời, tức là độ dài chu kỳ quay của Trái Đất xung quanh Mặt Trời. + Âm lịch là loại lịch theo Mặt Trăng, dùng đơn vị thời gian thiên nhiên là tháng Mặt Trăng, tức là độ dài chu kỳ quay của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất. Theo Hán - Việt thì Mặt Trời là Thái Dương, Mặt Trăng là Thái Âm. Do vậy, lịch theo Mặt Trời gọi là dương lịch, lịch theo Mặt Trăng gọi là âm lịch. Vì tồn tại hai loại lịch như vậy và cứ mỗi lần đón mừng xuân mới của năm âm lịch lại là một dịp bàn tán xôn xao về tên của năm ấy. Người ta cho rằng nếu năm nào có nhuận thì năm đó sẽ là một năm mất mùa, thiên tai lắm, dịch họa khôn lường.. Vậy sự thực tên năm âm lịch, nhuận có phải do Thượng Đế, thần thánh sinh linh gì tạo ra như một số học thuyết của chủ nghĩa duy tâm đã truyền bá trong nhân dân ta? Từ thời xa xưa, con người vẫn tin rằng có một mối liên hệ huyền bí nào đó giữa vũ trụ và sự sống. Vì vậy, người thượng cổ đã xây dựng lên cả một kho tàng thần thoại lý thú về bầu trời sao ngoạn mục thể hiện trong các chuyện cổ Hy Lạp. Tất nhiên trong những chuyện hoang đường như vậy đã không thoát khỏi tư tưởng huyền bí mà vai trò thiêng liêng của Thượng Đế đã ngự trị trong các tôn giáo suốt thời gian dài. Từ thế kỷ XVI, khoa học thiên văn phát triển đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử của con người trong nhận thức thế giới trời sao. Trong những thế kỷ gần đây, người ta biết rằng Mặt Trời là nguyên nhân tồn tại của sự sống và phát triển của loài người. Nhờ sự hiểu biết về thuyết chuyển động tương đối trong vật lý cơ học, con người mới khẳng định rằng Trái Đất cùng với các hành tinh khác quay xung quanh Mặt Trời tạo thành hệ Mặt Trời và gọi chuyển động ấy là chuyển động biểu kiến của Mặt Trời xung quanh Trái Đất hay còn gọi là đường Hoàng Ðạo. Người phương Ðông chia đường Hoàng Ðạo ra làm 12 cung kể từ điểm Xuân Phân, qua Hạ Chí, đến Thu Phân và đến Ðông Chí để biểu thị các mùa khí hậu nóng, lạnh khác nhau như: Xuân, hạ, thu, đông. Người phương Tây đặt tên ấy theo tên của các chòm sao như Ðại Hùng, Tiểu Vương, Thiên Vương, Tiên Nữ, Phi Mã.. Các nhà cổ đại Trung Quốc lại đặt 12 cung trên theo chi, tượng trưng cho Trời là: Tí, Sửu, Dần.. Tuất, Hợi. Họ kết hợp với 10 can, tượng trưng cho Ðất là: Giáp, Ất, Bính.. Nhâm, Quý để đặt tên năm âm lịch theo nguyên tắc Can chi ký pháp, tức là ghép can với chi theo một trật tự thứ tự được thể hiện rõ trong thuật số tử vi. Thực ra tên năm âm lịch hàng năm chỉ là một quy ước của lịch pháp âm lịch mà nền văn minh cổ đại Trung Quốc đã dùng trong việc sắp xếp lịch trong các kỷ nguyên và được truyền sang nước ta trở thành lịch cổ truyền. Cho đến nay vẫn còn nhiều người cho rằng tên năm âm lịch có ảnh hưởng quyết định đến tương lai cuộc sống của mỗi con người, có năm ảnh hưởng đến chu kỳ thời tiết trong năm như: Năm Thìn nhiều bão, năm Mão mất mùa, năm Tí, năm Dần nhiều thiên tai, dịch họa.. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay còn một số vùng quen dùng âm lịch để tính toán chỉ đạo sản xuất nông nghiệp dẫn đến nhiều trường hợp bỏ lỡ thời vụ, đặc biệt vào những năm âm lịch có nhuận. Chính vì vậy, kể từ năm 1968, Chính phủ đã quyết định Nông lịch theo dương lịch và nước ta bắt đầu sử dụng loại âm lịch mới được tính toán theo múi giờ số 7 (Kinh độ 105 độ Ðông) đi qua Thủ đô Hà Nội để thay thế cho loại âm lịch cũ được tính toán theo múi giờ số 8 (Kinh độ 120 độ Ðông) đi qua Thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc. Dương lịch ứng dụng trong nông nghiệp dựa vào 24 ngày Tiết (12 Tiết khí và Trung khí), mỗi Tiết khoảng 15 - 16 ngày, biểu thị thời vụ, thời tiết sát với từng vùng lãnh thổ của nước ta.