Lễ Cúng Tiễn Ông Táo Ý nghĩa: Người Việt xưa cho rằng: Trong mỗi gia đình đều có vị Thần Bếp (còn gọi là Thần Táo Quân - Vua Bếp) trông nom cuộc sống của họ. Thần Táo Quân gồm 3 người, hai Táo ông và một Táo bà. Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), Thần Táo Quân cưỡi cá chép lên Thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt, xấu trong năm của từng người trong gia đình, nên ngày 23 tháng Chạp hàng năm, nhà nhà đều thành kính sắm sửa lễ vật để tiễn ông Táo lên chầu Trời. Sắm lễ: Việc cúng tiễn ông Táo được thực hiện tại gia. Lễ cúng ông Táo gồm có: - Một mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu.. - Hương thơm, lọ hoa tươi, cùng các loại quả tươi đẹp. - Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng vàng nén. - Ba con cá chép sống để Táo Quân cưỡi bay lên Trời. Văn Khấn Ông Táo Lên Chầu Trời: Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! - Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. - Con kính lạy ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân. Tín chủ chúng con là: Ngụ tại: Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa, vật phẩm, xiêm, hài, áo, mũ, nghi lễ cúng trần, dâng lên trước Án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm hương, dốc lòng bái thỉnh. Chúng con kính mời: Ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân giáng lâm trước Án, thụ hưởng lễ vật. Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị Chủ, Ngũ tự gia Thần, Soi xét lòng trần, Táo Quân chứng Giám. Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn Thần gia ân châm chước, ban Lộc ban Phước, phù hộ toàn gia, gái trai, trẻ già sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Bái thỉnh: Cửu thiên đông trù, ti mệnh táo quân. Nhất gia chi chủ, ngũ tự chi thần. Từ hậu thiệt ư, bắc đẩu chi trung. Sát thiện ác ư, đông trù chi nội. Tứ phúc xá tội, di hung hóa cát. An trấn âm dương, bảo hữu gia đình. Họa tai tất diệt, hà phúc tất tăng. Hữu cầu tất ứng, vô cảm bất thông. Đại bi đại nguyện, đại thánh đại từ. Cửu thiên đông trù, ti mệnh lô vương. Nguyên hoàng định quốc, hộ trạch thiên tôn. Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn Thần phù hộ độ trì. Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! (Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm 1 tuần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối.. để cá chở ông Táo lên chầu Trời). Trong thời khắc giao thừa, theo tục lệ của dân tộc, chúng ta sẽ làm lễ khấn giao thừa . Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Văn Khấn Giao Thừa: Trong nhà và Ngoài Trời Ngày mồng Một Tết, chúng ta sẽ làm lễ khấn dịp Tết Nguyên Đán: 1. Lễ khấn thần linh trong nhà. Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Văn Khấn Thần Linh Trong Nhà Ngày Mồng Một Tết 2. Lễ khấn tổ tiên. Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Văn Khấn Tổ Tiên Ngày Mồng Một Tết Nguồn: Văn Khấn Cổ Truyền Việt Nam - Thượng Tọa Thích Thanh Duệ