Review Làng Nghề Đồ Gỗ Mĩ Nghệ Ở Từ Sơn - Điểm Sáng Của Ngành Du Lịch!

Thảo luận trong 'Địa Điểm' bắt đầu bởi Lưu ly trắng, 21 Tháng ba 2020.

  1. Lưu ly trắng

    Bài viết:
    33
    Thị xã Từ Sơn tự hào là vùng đất có nhiều làng nghề nổi tiếng của Bắc Ninh hiện nay. Toàn thị xã có mười tám làng nghề, trong đó tiêu biểu là làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở Phù Khê. Nơi đây được coi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, khoa bảng, là quê hương của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

    [​IMG]

    Nằm ở phía Tây thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Phù Khê được ca ngợi là một mảnh đất màu mỡ, trù phú. Từ xa xưa người dân nơi đây và nhân dân quanh vùng đã truyền tụng:

    Nghĩa Lập bánh đúc, cháo kê
    Tiến Bào nung ngói, Phù Khê chạm rồng

    "Phù Khê chạm rồng" là danh xưng truyền ngợi ca về nghề mộc truyền thống lâu đời và cực kì tinh xảo của làng Phù Khê. Nghề mộc - chạm khắc gỗ ở Phù Khê có từ bao giờ, cho đến nay chưa có tư liệu để xác minh, nhưng qua một số công trình kiến trúc do người thợ Phù Khê làm còn để lại như chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), đình Đình Bảng, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).. có thể thấy nghề mộc – chạm khắc gỗ ở Phù Khê đã xuất hiện từ khá sớm. Vào cuối đời Trần, đặc biệt vào thời Hậu Lê thế kỉ XVII – XVIII, làng nghề chạm khắc gỗ Phù Khê đã nổi tiếng khắp nơi. Nghề có lúc thịnh lúc suy, nhưng vẫn được các thế hệ nghệ nhân cố công gìn giữ, truyền thụ cho con cháu đến tận ngày nay. Từ Phù Khê, nghề chạm khắc đồ gỗ đã phát triển sang nhiều địa phương khác quanh vùng như Đồng Kỵ, Hương Mạc, Tam Sơn..

    [​IMG]

    Với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", từ xa xưa nhân dân Phù Khê đã suy tôn cụ Lỗ Ban và cụ Nguyễn An làm tổ nghề mộc của làng và dựng Nghè, nhà thờ tổ để phụng thờ. Năm 2016, nghề chạm khắc gỗ Phù Khê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

    Hiện nay, nghề thủ công truyền thống mộc chạm khắc gỗ chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập của địa phương, trở thành ngành kinh tế chính, thu hút nguồn nhân công dồi dào, không chỉ trong vùng mà còn từ các địa phương lân cận như Bắc Giang, Thái Nguyên.. Năm 2015 có hơn 80% hộ gia đình trong xã tham gia sản xuất kinh doanh đồ gỗ. Sự phát triển làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đã hình thành nên một thị trường buôn bán sầm uất với hệ thống chợ gỗ tấp nập, nhộn nhịp, thu hút hàng nghìn khách hàng, trong đó có hàng trăm khách hàng người Trung Quốc. Nhờ nghề gỗ mà nhân dân trong và ngoài vùng đã có việc làm ổn định, thu nhập cao, bình quân thu nhập đạt 50 triệu đồng/người/năm, vì thế chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện và nâng cao.

    [​IMG]

    Chợ gỗ - nguồn sưu tầm​

    Phù Khê xưa vốn đã là đất thợ của kinh đô Thăng Long, nơi chế tác nhiều sản phẩm phục vụ cho kinh đô, cung vua phủ chúa. Tài năng của những người thợ Phù Khê có thể sánh ngang với những người thợ giỏi kinh thành Thăng Long, bởi họ có thể chạm trổ tượng rồng rất khéo léo. Hình tượng rồng vàng mà người thợ Phù Khê chạm khắc trên gỗ nay đã và đang trở thành biểu tượng cho sự giàu có, trù phú của làng quê. Những khúc gỗ vốn sần sùi, thô ráp đã được trai làng Phù Khê đục, tỉa, gọt, nạo để tạo ra những pho tượng, những bức tranh mỹ nghệ mang đậm dấu ấn hồn cốt văn hóa dân tộc Việt.

    [​IMG]

    Sản phẩm tranh tường được chạm rồng khéo léo - Nguồn: Sưu tầm

    [​IMG]

    Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ trang trí, phong thủy, lưu niệm - Nguồn: Sưu tầm​

    Tới thăm Phù Khê bạn không chỉ được ngắm những mặt hàng cổ truyền như chạm rồng, tượng chân dung, sập gụ, tủ chè.. rất tỉ mỉ, khéo léo mà còn thấy rõ hơn hơi thở lao động sôi nổi ở đây. Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, sản phẩm gỗ mỹ nghệ ở Phù Khê không chỉ đổi mới, phát triển những sản phẩm chạm khắc truyền thống mà còn mở rộng sang sản xuất những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp như: Bàn, ghế, giường, tủ, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ trang trí, phong thủy, lưu niệm.. để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

    [​IMG]

    Khay đựng bánh mứt kẹo – nguồn sưu tầm​

    [​IMG]

    [​IMG]

    Các loại sản phẩm từ gỗ - nguồn sưu tầm​

    Đến thăm Phù Khê, khách du lịch không chỉ được trải nghiệm cuộc sống của dân làng nghề mà còn có thể kết hợp tham quan Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Cụ thể lịch trình khi du khách tới Phù Khê như sau:

    - Thăm Khu lưu niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, du khách được làm lễ dâng hương, nghe hướng dẫn viên giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng và những đóng góp của Tổng bí thư Nguyễn Văn cừ cho cách mạng Việt Nam

    - Khách du lịch có thể tha hồ chiêm ngưỡng hệ thống sản phẩm của đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê trên các trục đường chính quanh xã

    - Gặp và tham quan xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Kha (con trai của cố nghệ nhân nhân dân Nguyễn Kim) để hiểu rõ quy trình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê. Khách du lịch có thể tận tay làm các sản phẩm thủ công đặc trưng của Phù Khê.

    [​IMG]

    [​IMG]
    Một số hình ảnh sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ tại Phù Khê - Nguồn: Sưu tầm​

    Thăm Đình Đôi, chùa Vĩnh Lại tọa lạc ở thôn Phù Khê Đông để tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Phù Khê. Đặc biệt năm 2019, nghệ thuật tuồng của thôn Tiến Bào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nếu du khách tới Phù Khê vào dịp đầu năm có thể hòa mình vào lễ hội truyền thống ở đây. Hội làng Phù Khê được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 17 tháng giêng âm lịch hàng năm. Hội được tổ chức long trọng linh đình với nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc: Rước thành hoàng, hát ca trù, hát tuồng, đánh cờ, chọi gà, thi bắt vịt..

    - Tham quan nhà thờ tổ nghề mộc ở thôn Phù Khê Đông.

    - Tham quan chợ gỗ nằm ở thôn Phù Khê Thượng - là khu chợ gỗ độc đáo và lớn bậc nhất miền Bắc.

    - Mua đồ lưu niệm. Du khách có thể chọn những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ độc đáo, hợp túi tiền như: Khay bánh kẹo, hộp bánh kẹo ngày tết, khay trà, hộp chè, lọ tăm, bộ dụng cụ pha trà, hộp trang sức, bộ lót ly, bút gỗ sưa, hộp để giấy.. để trang trí trong nhà hoặc làm quà tặng.

    Ngoài thăm làng nghề Phù Khê, quý khách có thể kết hợp tham quan nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác ở Từ Sơn như Đền Đô, đình làng Đình Bảng (tìm hiểu lịch sử, nguồn gốc triều Lý), hay các huyện lân cận như Tiên Du (tìm hiểu hội Lim, thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ), Yên Phong (du khách được trải nghiệm chiến trường lịch sử chống quân Tống, thăm làng quan họ cổ Viêm Xá), thành Phố Bắc Ninh (thăm đền Bà Chúa Kho, Văn Miếu).

    Làng nghề truyền thống Phù Khê đã và đang sẵn sàng bước ra khỏi cổng làng, hội nhập và phát triển vào dòng chảy của ngành công nghiệp không khói. Hãy đến Phù Khê, bạn sẽ có thật nhiều cơ hội để được trải nghiệm.
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng ba 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...