Tản Văn Lần Cuối Cùng Bạn Ôm Ba Là Khi Nào? - Triệu Tiên Tiên

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Triệu Tiên Tiên, 22 Tháng sáu 2020.

  1. Triệu Tiên Tiên

    Bài viết:
    16
    TÊN TRUYỆN: LẦN CUỐI CÙNG BẠN ÔM BA LÀ KHI NÀO?

    THỂ LOẠI: TẢN VĂN

    TÁC GIẢ: TRIỆU TIÊN TIÊN

    Ngày chủ nhật, ngày cuối cùng ở nhà cũ. Tự nhiên lại dậy sớm lạ thường. Nhìn đồng hồ chỉ mới gần 6h, nó nhắm mắt lại, cho phép bản thân nướng một chút xem như là ngủ bù cho cả tuần vật vã dậy sớm đi thực tập nhưng chưa kịp ngủ thì đã bị đánh thức bởi giọng nói trong trẻo quen thuộc của cô bé hàng xóm và ba của mình.

    "Hôm nay con muốn ngồi sau"

    "Ngồi đằng trước đi con"

    "Không, con muốn ngồi đằng sau"

    "Ngồi đằng sau sẽ té đó"

    "Con muốn ngồi đằng sau để ôm ba, ôm ba sẽ không té đâu".

    Tự nhiên, nó ngồi bật dậy, với tay lấy chiếc điện thoại vào group bạn cạ cứng hí hoáy nhắn dòng tin "Bây ơi, lần cuối cùng bây ôm ba khi ngồi sau xe là khi nào vậy?"

    * * *

    Nó có một cô bạn học xinh đẹp và thẳng tính. Khi ai đó hỏi về ba, cô ấy không ngại chia sẻ "tao không có ba". Đối với cô, không có ba không phải là điều gì đáng xấu hổ, và cũng không có gì đáng để người khác phải nhìn cô với đôi mắt đầy thương hại. Cảm giác ngồi sau xe ba là gì chứ, cô không cần. Trong cuộc sống của cô có mẹ và bà ngoại là đủ rồi. Hơn hai mươi năm qua, dù trải qua biết bao khó khăn, tủi nhục, gia đình cô vẫn sống tốt, cô vẫn lớn lên thông minh và xinh đẹp. Cô chưa từng gặp mặt ba cũng chưa bao giờ có ý định gặp mặt ông ấy. Ba của cô là là một người đàn ông xấu xa, vì xấu xa nên mới bỏ mặc mẹ con cô, hoặc tệ hơn là có khi ông ấy còn không biết sự xuất hiện của cô trên cuộc đời này. Vậy nên, hà cớ gì cô phải quan tâm sự tồn tại của ông ấy. Dĩ nhiên, cô không đánh đồng ông ấy với những người ba khác. Cô ấy vẫn tin và trân trọng tình cảm cha con thiêng liêng. Cô sẽ khẽ mỉm cười khi thấy hình ảnh cô con gái nhỏ mang ba lô hồng ngồi sau lưng ba gục gà gục gật, đôi tay nhỏ xíu không ôm hết vòng eo to đùng, người ba lái xe chầm chậm, thỉnh thoảng đưa tay ra sau lưng con. Sau đó thì, cô đưa tay lau đi giọt nước đang lăn dài trên má. Đứng dậy và tiếp tục bước đi. Ai chẳng muốn có một gia đình trọn vẹn, chỉ là "số phận" của cô như vậy, nên cô chấp nhận. Không quan tâm người ra đi, yêu thương nhiều hơn người ở lại. Nếu có thể tự vẽ nên cuộc đời mình, có lẽ cô vẫn muốn vẽ cho mình một người ba. Đôi khi, cô cũng ước mình một lần là cô bé nhỏ kia, cứ thoải mái ngủ, thoải mái ôm ba, cho dù ông ấy làm nghề gì, cho dù ông ấy có ngoại hình ra sao, cho dù ông ấy là người như thế nào.

    Nó có một cô bạn, từ nhỏ đã mất ba. Trong tiềm thức của cô, hình ảnh của ba lúc mờ lúc tỏ. Cô bảo lúc nhỏ ba có chở cô đi học bằng xe đạp, chắc là cô có ôm ba chứ, nhưng lúc đó cô còn quá nhỏ để hình dung được cảm giác ôm ba là như thế nào. Thời gian trôi đi, cô lớn lên, trở nên mạnh mẽ, gai góc với thân hình nhỏ nhắn. Gai góc để chống chọi lại với cuộc đời khắc nghiệt, với những ai nói xấu, bắt nạt mẹ mình. Mạnh mẽ để chứng minh cho mọi người thấy rằng không có ba cô vẫn sống rất tốt, cô sẽ thay ba bảo vệ mẹ, bảo vệ gia đình mình. Bây giờ, đã có một người đàn ông khác cùng cô bảo vệ mẹ. Ban đầu, cô phản đối kịch liệt. Nhưng rồi sự chân thành của ông ấy đã làm cô thay đổi. Suy cho cùng, ngôi nhà nào cũng cần hơi ấm của người đàn ông. Suy cho cùng điều cô muốn là mẹ được hạnh phúc. Cô thương mẹ, nên cô học cách thương ông ấy vì ông ấy yêu thương và trân trọng mẹ cô. Dĩ nhiên, tình thương ấy không thể nào sánh bằng tình thương cô dành cho ba. Mỗi khi mệt mỏi, chán chường vì phải gồng mình tập lớn, cô thường viết nhật ký cho ba để trải lòng, để kể lể, để than thở và để hứa rằng "Con sẽ vượt qua khó khăn này, sớm thôi, con sẽ làm được. Ba tin con nhé." Viết xong rồi, thì nằm xuống ngủ thật ngon. Trong giấc mơ, cô thấy mình thấy mình bé tẹo, ngồi sau xe ba, ôm ba thật chặt.

    [​IMG]

    Nó có một chị bạn, tuy bằng tuổi nhưng nó vẫn gọi cô ấy là chị. Phần vì cô ấy là chị họ của bạn nó, phần vì cách nói chuyện có phần "già đời" của cô ấy. Mẹ cô ấy mất khi cô chuẩn bị vào cấp hai. Ở cái tuổi dậy thì với nhiều rắc rối, cô đã không có mẹ bên cạnh. Nhưng cô đã không vượt qua nó trong cô đơn và khó khăn vì luôn có ba đồng hành. Ông không ngại đi hỏi thăm bà hàng xóm, con gái dậy thì cần gì, không ngại đi mua cho cô từng gói BVS, khi da mặt cô bắt đầu có mụn, ông đã không ngại tìm lá cây, nước mát để nấu cho cô uống, nghe người ta nói kem này bôi tốt là lại đi mua về cho cô mấy hộp để "dùng dần". Đối với cô, ông vừa là ba, vừa là mẹ. Trong thời gian cấp hai, cấp ba, phần lớn cô tự đi học nhưng thỉnh thoảng vẫn được ba chở. Dù là cô bé học sinh tiểu học hay là cô nữ sinh cuối cấp, cô vẫn giữ thói quen ôm ba khi ngồi sau xe, ôm thật chặt, tựa đầu vào lưng ba, thỉnh thoảng trêu bằng giọng nghèn nghẹn "ba đừng giảm cân nữa, eo ba giờ còn nhỏ hơn eo của con rồi đây này". Rồi cô vào đại học, ba đưa cô vào Sài Gòn, cùng cô đến trường đăng ký, cùng cô nhập học, cùng cô tìm phòng trọ, sửa phòng, mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống của một sinh viên học xa nhà. Ông mua cho mình một chiếc smart phone, nhờ người ta cài dùm cái zalo để có cái gọi vào nhìn mặt con cho đỡ nhớ. Rồi, có một người phụ nữ tìm đến ông, muốn chăm sóc ông, ông gọi vào cho cô hỏi rằng "ba đi bước nữa được không con", cô đã phản đối gay gắt, cô còn nói sẽ không bao giờ về nhà nếu có người phụ nữ khác trong nhà. Rồi ông đổ bệnh. Người phụ nữ đó là người lui tới lắng lo cho ông. Cô vẫn không về nhà, mặc dù ở đất khách cô khóc đến sưng cả mắt. Người ta bảo cô bất hiếu. Người ta bảo ông cứ mặc kệ cô, "con gái lớn rồi cũng sẽ theo chồng, người phụ nữ đó mới là người bên cạnh ông cả đời". Rồi ông đón người phụ nữ đó về sống chung, không đám cưới, không đăng ký kết hôn. Cô cũng không còn phản đối, nhưng cũng không chấp nhận. Một năm cô chỉ về nhà một lần vào ngày giỗ mẹ, cùng ba nấu một mâm cơm, ăn chung với hai người một bữa cơm, rồi đi. Giờ cô đang ở sứ sở kim chi. Cô bảo xin được học bổng nên đi. Nhưng nó nghĩ còn nhiều lý do khác nữa. Thỉnh thoảng nó lại hỏi cô có nhớ VN không, nhớ SG không, nhớ nó không.. nhớ nhà không, nhớ ba không, cô trả lời nó với giọng bông đùa "không nhớ, có thể là chị sẽ ở đây luôn, không về nữa". Nhưng, nó biết cô ấy đang rất nhớ, nhớ da diết. Cô ấy thèm được ăn cơm ba nấu, thèm được ngồi sau xe ba, vòng tay ôm lấy cái eo nhỏ xíu rồi cứ thế tựa đầu vào lưng ngủ một giấc dài. Mặc kệ trời lạnh. Vì ôm ba ấm lắm.

    Nó có một anh bạn, ba mẹ chia tay khi anh học lớp 8, cái tuổi không còn quá nhỏ để khóc lóc buồn rầu, để "người lớn" có thể "vì con mà suy nghĩ lại" nhưng đủ để để lại trong anh những tổn thương. Anh theo ba vào Sài Gòn, ít khi gặp mẹ. Vì tính chất công việc, ba anh thường xuyên vắng nhà. Hai ba con rất ít khi nói chuyện. Mỗi tháng hai người cùng nhau ăn được vài bữa cơm. Trong bữa cơm, cả hai cũng không nói chuyện với nhau quá ba câu. Thường thì ba là người bắt đầu trước "Dạo này việc học của con sao rồi", anh đáp lại, mắt vẫn nhìn vào chén cơm "dạ, vẫn ổn", rồi anh định nói thêm một điều gì đó nữa nhưng bị câu nói của ba giữ lại "con còn tiền xài không" hay "mai ba đi công tác 2 tuần".. Dần dần anh tạo cho mình một thói quen tự làm mọi thứ, tự giải quyết mọi vấn đề của mình. Anh tự lựa chọn ngành học, tự đi nhập học, anh tìm việc làm thêm để có thể tự trả phí sinh hoạt của mình. Đôi khi, anh nhớ những ngày trước khi anh học lớp 8. Lúc đó, ba cũng bận nhưng luôn về ăn cơm nhà. Anh nhớ đến đầu năm lớp 8 anh vẫn được ba đưa đón đi học, anh nhớ từ khi lên cấp hai, anh đã không còn thói quen ôm ba khi ngồi sau xe nữa. Rồi kể từ năm lớp 8, anh chưa ngồi sau xe ba thêm lần nào nữa. Vì ba bận. Vì anh đã quen với việc tự đi một mình. Có lần, nó đùa với anh "anh không chịu giữ ba lại, người khác cướp mất bây giờ", anh khẽ mỉm cười, lặng im một hồi lâu rồi bảo "anh mong có một ai đó đến tưới thêm nước vào mảnh đất khô cằn trong ông ấy", hơn 8 năm trôi qua rồi, anh cũng đã đủ lớn. "Anh biết ông ấy đang rất cô đơn". Hóa ra, anh vẫn quan tâm đến ông ấy, chỉ là anh không thể hiện ra. Đôi khi, anh ước mình vẫn là một cậu bé con của ba để có thể dễ dàng khóc, dễ dàng làm nũng để gây sự chú ý, để được quan tâm hơn. Anh tỏ ra trưởng thành, để ba an tâm, an tâm đến mức không nhận ra rằng anh rất cô đơn, anh cần được tâm sự. Cứ thế, khoảng cách vô hình giữa hai người ngày một dài thêm. Rồi vào một ngày trời mưa tầm tã, anh nhận được tin ba gặp tai nạn đang cấp cứu trong bệnh viện. Đó là lần đầu tiên nó nhìn thấy gương mặt anh có nhiều biểu cảm đến thế, bất ngờ, sững sờ, lo lắng, bất lực, hối tiếc.. Đó là lần đâu tiên nó thấy anh khóc. Khóc vì người ta báo rằng ba đã an toàn. Bao nhiêu cảm xúc trước đó hòa cùng niềm vui mừng khiến anh không thể kiềm nén được mà ôm mặt khóc nức nở. Và khi được vào thăm ba, anh đã chạy đến ôm ba, ôm thật chặt như thể nếu lỡ buông tay ba sẽ biến mất, ôm thật lâu như để bù cho hơn 8 năm dài đằng đẵng. Đó là lần đầu tiên nó nhìn thấy anh ôm ba. Không phải ngoài đường mà là trong bệnh viện. Không phải ôm từ đằng sau mà là từ đằng trước, dụi đầu vào ngực ba để ba xoa xoa mái tóc xoăn. Khoảnh khắc đó, anh dường như bé lại, dường như vẫn là cậu bé con của ba ngày nào. Không còn một khoảng cách vô hình nào cả.

    Nó có một cậu em trai, nhỏ hơn nó ba tuổi. Vì nhiều lý do, năm năm tiểu học nó ở nhà nội. Rồi khi về nhà ở cũng đã là học sinh cấp hai, nên mỗi lần ba mẹ đi đâu, hoặc là cả hai chị em cùng ở nhà, hoặc là chỉ có cậu ấy được đi cùng. Ba ngồi lên xe trước, rồi mẹ đỡ cậu ấy ngồi lên xe, rồi cậu ấy sẽ ôm ba lại, rồi mẹ sẽ ôm cậu ấy và ba. Khoảnh khắc này khiến nó không ít lần ghen tỵ. Nó chưa từng hỏi cậu ấy, khi ôm ba, cảm giác như thế nào. Vì khi trong đầu nó xuất hiện câu hỏi này, cậu ấy đã trở thành một cậu học sinh cấp hai nổi loạn khiến ba mẹ phiền lòng. Rồi sự nổi loạn ấy ngày càng nhiều hơn, cậu ấy trải qua những bước ngoặc mà đáng lẽ cậu ấy không nên trải qua. Rồi, khoảng cách của ba và cậu ấy ngày một xa. Bây giờ, cậu ấy còn nổi loạn không? Còn nhưng ít hơn. Bây giờ cậu ấy đã trưởng thành chưa? Có lẽ con đường đến trưởng thành của cậu ấy vẫn cần nhiều sự cố gắng và phải chứng minh bằng hành động. Cậu ấy thương mẹ không? Có nhưng vẫn còn làm mẹ buồn. Cậu ấy thương ba không? Câu ấy sợ nhiều hơn. Và câu hỏi ở tiêu đề chưa thật sự đúng với cậu ấy. Mà nên được thay thế rằng "Đã bao lâu rồi bạn chưa ngồi sau xe ba". Có thể cậu ấy nghĩ rằng ba vô tâm. Có thể cậu ấy nghĩ rằng ba chưa đủ nghiêm khắc để có thể ngăn sự nổi loạn của cậu ấy. Có thể cậu ấy cần ba đôi khi mềm mỏng, đôi khi thủ thỉ, tỉ tê như mẹ. Nhưng cậu đâu biết rằng ông ấy cũng chỉ là một người ba bình thường. Ông ấy không phải là một người ba mẫu mực. Cũng chẳng biết nói những lời ngọt ngào. Nhưng có một điều mà ông ấy giống tất cả người ba trên thế giới này. Đó là tình thương dành cho con cái. Khi con nên người, thành công ông ấy sẽ vui và tự hào. Khi con "bị cái này, gặp phải chuyện kia" ông ấy sẽ lo lắng, buồn phiền. Khi con về nhà sớm, khi con có những người bạn tốt, ông ấy an tâm. Chỉ là ông ấy không thể hiện ra, hoặc là không biết cách thể hiện ra. Làm ba thật sự không dễ dàng chút nào. Có thể bây giờ cậu ấy vẫn chưa hiểu. Có thể bây giờ cậu ấy không thể chạy đến ôm ba ngay được. Nhưng nó khi vọng, một ngày nào đó, khi ông ấy đi làm về, cậu ấy sẽ mỉm cười bảo rằng "ba có mệt không? Con lấy cho ba ly nước nha" hay chủ nhật được nghỉ làm, chẳng ai nhờ, cậu ấy đi bơm xô nước tưới mấy cây kiểng cho ba sẵn tiện gọi với vào "con thấy xe của ba dơ quá, con rửa xe nha ba". Hoặc hơn thế nữa, một ngày đẹp trời nào đó, thử nhờ ba chở đi đâu đó, mắt nhìn đâu đó rồi vòng tay ôm lấy "eo" ba. Có thể ông ấy sẽ bảo "mày làm cái khỉ gì vậy?" Nhưng chắc chắn, ông ấy sẽ không bảo "bỏ tay ra", và biết đâu miệng không ngăn nỗi mà vẽ một nụ cười.

    Nó có một người chị khóa trên, suốt bốn năm đại học vẫn được ba đưa đón đi học. Chị bị say xe, không biết đi xe máy nên đi đâu cũng phải cần người đưa đón, hôm nào ba mẹ bận, thì chị đi xe ôm. Chị chưa từng trải qua cuộc sống của một sinh viên xa nhà, thiếu thốn đủ thứ. Chị quen với việc là công chúa nhỏ của ba mẹ. Chị quen với việc buổi sáng được mẹ gọi dậy, được mẹ buộc tóc cho. Hôm nào đi học thèm trà sữa thì gọi cho ba, thế nào ra về ba cũng chờ chị với ly trà sữa mát lạnh nhiều topping. Ba đang chở về thì chị bảo muốn mua áo khoát, thế là hai ba con đi lòng vòng, tìm cửa hàng áo, lựa cái áo mà chị ưng nhất rồi đi tính tiền, dĩ nhiên người trả là ba. Chị làm cái gì cũng vụn về, cầm cái chổi quét nhà "thướt mốt thước hai", rửa ba cái tô cũng mất hơn 10 phút. Người ta bảo chị không nên sống như vậy. Chị đã qua cái tuổi sống quá dựa dẫm vào ba mẹ rồi. Chị cần trưởng thành. Chị không quan tâm. Chị cho rằng họ không được như chị nên đem lòng ghen tỵ. Chị cũng không sợ câu "mai mốt về nhà chồng..", người chị yêu nếu yêu chị thật lòng sẽ chấp nhận tất cả mọi thứ của chị, ở bên anh ấy, chị mãi không cần phải trưởng thành. Bây giờ đã đi làm, nhưng chị vẫn không biết lái xe, chưa hết say xe và chưa từng có ý định khắc phục nó. Ngoài anh xe ôm, anh người yêu, tấm lưng ba vẫn là nơi quen thuộc mà chị tựa vào trên các nẻo đường. Đứng ở vị trí của nó, nó không đồng ý cách sống của chị, nhưng đôi khi nó cũng ước mơ được một lần sống như chị. Trưởng thành đâu có vui vẻ gì, chỉ toàn áp lực và mệt mỏi. Tan ca rồi, không cần lo lắng phải chen chút trong nhà xe đông nghẹt người, không cần phải cố gắng kiềm chế cơn buồn ngủ. Đội mũ bảo hiểm, ngồi lên xe ba, tựa đầu vào lưng, vòng tay ôm ba thật chặt. Mặc kệ báo cáo, mặc kệ deadline, mặc kệ đồng nghiệp nói xấu. Vì giây phút ấy, chị cảm thấy rất bình yên.

    Nhắn xong dòng tin, nó nằm xuống, nhắm mắt lại, không phải để ngủ, mà là để tìm trong ký ức lần cuối cùng nó ôm ba là khi nào. Có phải là khi nó có em, nó không là cô con gái độc nhất của ba mẹ nữa. Có phải là khoảng thời gian tiểu học, khoảng thời gian mà việc về nhà, gặp mặt ba mẹ đối với nó cũng trở nên xa xỉ. Hay là khoảng thời gian cấp hai, khi nó đã dậy thì, khi nó được dạy nhiều về giới tính, nó hiểu rằng nên có một khoảng cách nhất định giữa người khác giới.

    Dòng ký ức ùa về như một thướt phim tua nhanh và dừng lại vào mùa hè năm nhất đại học. Nó không nhớ rõ là ngày bao nhiêu cũng không nhớ đó là sự kiện gì, chỉ nhớ tối hôm đó ba, mẹ, út và nó cùng đèo nhau trên một chiếc xe máy. Ba là người lái xe, út ngồi trước, sau lưng ba là nó và mẹ. Lúc đó, chỗ ngồi khá chật, tay nó lại không cầm gì cả nên tiện thể vòng tay ôm "eo" ba, bàn tay xoa xoa cái "bụng bia chính hiệu" vừa cười vừa nói "Eo ba ngày càng to ra. Cũng may tay con cũng ngày càng dài thêm.."

    * * *

    Chủ nhật, 21/06/2020

    #happyFatherday

    HẾT
     
    Jodie Doyle, Mèo CacaoPhan Kim Tiên thích bài này.
    Last edited by a moderator: 22 Tháng sáu 2020
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...