Vợ chồng tôi đã kết hôn được chín năm, có với nhau ba mặt con. Thế nhưng, khoảng thời gian hạnh phúc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Hai năm đầu, dù không suôn sẻ gì nhưng cũng tạm gọi là bình yên nhất. Lúc này chúng tôi mới có đứa con trai đầu lòng. Vì tôi thương bà ngoại và mẹ sống một mình nên ban đầu có ngỏ ý xin anh sống bên nhà vợ. Anh không muốn nhưng cũng tạm chấp nhận. Tôi cũng không muốn anh khó xử nên dự tính sau khi cưới một thời gian sẽ ra ở riêng. Thế nhưng, không ngờ chồng tôi càng ngày càng ghét ngoại và mẹ tôi ra mặt. Ngoại kĩ tính, ngăn nắp nhưng lại hay nói và muốn mọi người phải làm theo ý mình. Còn chồng tôi là mẫu người chịu khó làm ăn, biết quan tâm vợ con nhưng hay qua loa, làm đâu bỏ đó. Anh lại rất gia trưởng, không muốn làm theo ý người khác. Vì vậy hai người không thuận nhau. Cho đến một hôm, chồng tôi và bà xảy ra tranh cãi quyết liệt cũng chỉ vì những chuyện vặt đó. Ngoại nói: "Mày là con cháu, không có quyền nói chuyện ngang hàng với tao như vậy." Câu nói đó trở thành ngòi nổ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ. Chồng tôi ghim nó trong lòng. Và từ đó về sau không bao giờ nói chuyện với bà nữa. Dù bà có chủ động nói thì anh cũng không thèm đếm xỉa tới. Lần đó, tôi quyết định ra riêng ngay dù chưa đủ tiền xây nhà. Tôi hi vọng mọi chuyện sẽ êm đẹp hơn. Nhưng nó lại không như vậy. Tôi hiểu, bà không ác ý. Bà rất thương con thương cháu nhưng mỗi tội "khẩu xà tâm phật" nên không phải ai cũng chịu đựng được. Bà tôi đã lam lũ suốt bao nhiêu năm thời trẻ để nuôi mẹ tôi vì ông ngoại bị giặc bắn chết khi bà mới cấn bầu. Bản thân tôi lúc nhỏ cũng do một tay bà trông nom. Giờ đây, ở tuổi bảy mươi, bà lại tiếp tục giữ cháu cố để vợ chồng tôi tiết kiệm được một khoản tiền gửi con. Bà không đòi hỏi chúng tôi phải trả tiền trông cháu hàng tháng vì biết vợ chồng mới sinh con, rồi cất nhà còn thiếu hụt. Thế nhưng, chồng tôi lại không nghĩ rằng bà làm vậy là việc đáng được biết ơn mà anh bảo giữ cháu là nhiệm vụ của bà. Không hiểu sao a nh lại càng ngày càng ghét bà hơn, ghét sang mẹ tôi và tôi vì thỉnh thoảng vẫn hay bênh vực bà. Có lẽ là vì d ù ra riêng, ít chạm mặt nhưng mối ngày anh lại có sở thích là đem những chuyện liên quan tới bà để nói. Nói xong thì phàn nàn này nọ, có khi còn chửi nữa. Lúc đó tôi và anh lại giận nhau. Thậm chí, bây giờ, dù đã cất nhà ở riêng hơn 5 năm, anh vẫn bắt tôi phải chọn lựa giữa anh và ngoại, mẹ. Nếu chọn anh thì tuyệt giao, không qua lại với ngoại, mẹ nữa. Và mỗi lần như thế, hai vợ chồng lại cãi nhau, rồi chiến tranh lạnh vài hôm. Lúc cãi nhau là đáng sợ nhất. Anh sẽ đem cả gia đình tôi ra mà chửi cho hả dạ. Không tiếc lời nặng nhẹ nào, cả nói tục chửi thề cũng có. Cả xóm có một phen rửa tai. Ban đầu, ngoại tôi giận lắm, khóc lóc đòi tự tử, bỏ nhà đi nhưng nghe riết cũng nhàm. Với lại ngoại cũng không muốn vợ chồng tôi bất hòa nên đã nhượng bộ. Còn anh thì sau mỗi lần chửi xong đều xin lỗi, hứa không tái phạm nữa nhưng chỉ một thời gian là mọi chuyện y như cũ. Tôi biết anh luôn nghĩ rằng tôi sẽ không ly hôn với anh vì không nuôi nổi con với đồng lương ít ỏi và còn vì tính sỉ diện của ngoại nên anh hay nói: "Em mà ly hôn với tôi thì bà ấy sẽ tự tử cho mà xem vì người ta sẽ dị nghị gia đình cả ba đời đều không chồng." Hiện giờ, tôi hoang mang lắm. Vì cứ sống theo kiểu hành hạ nhau thế này tôi không biết mình sẽ chịu đựng được bao lâu. Nhưng tôi lại không muốn li hôn vì hai lí do: Thứ nhất là anh vẫn thương vợ con, không chơi bời lêu lỏng; thứ hai là tôi không muốn các con tôi sống thiếu thốn tình cảm của cha giống như tôi ngày xưa. Liệu còn cách nào có thể cứu vãn hạnh phúc gia đình tôi không? Đây là tâm sự của đứa bạn thân nhất cuộc đời mình. Mong mọi người hãy cho cô ấy lời khuyên để cô ấy có được hướng đi phù hợp nhất trong giai đoạn khó khăn này.
Mình phải cố gắng mới đọc hết được toàn bộ vì mình cảm thấy quá giận người chồng trong câu chuyện trên. Mình cố đọc hết để có thể nắm được hết câu chuyện. Cái mà người vợ còn lăn tăn ở đây là li hôn thì con thiếu tình thương của cha. Điều này thì bạn nên nghĩ thêm rằng con có hạnh phúc không khi cha nó suốt ngày chửi bới? Bà ngoại của bạn có thể khó chấp nhận được điều tiếng là cháu li hôn, nhưng trên tất cả chắc chắn điều bà ưu tiên vẫn là cháu bà được sống hạnh phúc chứ không phải sống như hiện tại.
Em chào chị. Sau khi cưới thì gia đình hai bên đều có thể trở thành nguyên nhân xích mích của cặp vợ chồng, tương tự như câu chuyện của bạn chị vậy. Em không dám đưa lời khuyên vì em chưa lập gia đình, chưa hiểu rõ sâu sắc mối quan hệ giữa gia đình chồng/ vợ. Nhưng em xin có đôi lời muốn gửi đến chị ấy ạ. Như chị ấy đã kể ở trên rằng chồng chị ấy gia trưởng, không thích nghe theo lời ai nhưng em thấy anh ấy cũng yêu vợ, cũng có trách nhiệm với vợ con. Có thể chị và anh ấy nên thử ngồi xuống nói chuyện với nhau một cách đàng hoàng. Không phải là tranh cãi, mà là cùng nhau chia sẻ. Như là em biết anh không thích ngoại em, nhưng đó là gia đình em. Em không yêu cầu anh phải thương cả gia đình em nhưng em cần anh tôn trọng họ. Em nói điều này ra không phải là để chọc giận anh mà để cho anh biết em đã khó xử như thế nào khi đối diện với việc người mình yêu không thích gia đình mình. Cũng như sau này con dâu của chúng ta vì yêu con trai mình mà sẽ tôn trọng và quý mến cả anh lẫn em. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra chỉ cần anh và em ngồi xuống nói hết ra thì mọi chuyện sẽ qua thôi. Nên anh hãy lắng nghe em lần này nhé. Em nghĩ đàn ông thích nghe ngọt nên chị có thể thử thêm một, hai lần nữa. Nếu sau khi đã nói chuyện rõ ràng như vậy nhưng anh ấy vẫn sửng cồ lên không chịu tiếp nhận thì em nghĩ cũng chẳng còn gì để níu kéo. Bởi vì người yêu mình thật lòng sẽ chấp nhận tất cả mọi thứ dù thứ đó khiến người ta cảm thấy chán ghét. Nên nếu anh ấy không có ý định muốn hàn gắn thì cuộc hôn nhân dù chị cố gắng đến đâu cũng sẽ không hạnh phúc được. Hãy nghĩ cho bản thân mình, chị nhé. Chị phải sống vui vẻ, hạnh phúc thì gia đình chị, con trai chị mới tốt được. Em mong rằng vài câu chia sẻ của mình sẽ phần nào đó giúp ích được cho bạn chị.
Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của em. Tin rằng những điều này sẽ là nguồn động viên tinh thần giúp cô ấy thoát khỏi bế tắc trong cuộc sống. Chúc em sẽ có một gia đình hạnh phúc trong tương lai.