Kỹ thuật viết lách, kỹ năng viết lách cho người mới bắt đầu

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Phố Cà Phê, 6 Tháng mười một 2018.

  1. Phố Cà Phê Wild one

    Bài viết:
    44
    Trước hết, xin khẳng định rằng bài viết nhiều kỳ này chỉ là những chia sẻ mang tính cá nhân từ một người làm nghề viết nghiệp dư. Nó có thể đúng với nhiều người và cũng có thể sai trong một số tình huống.

    Thứ duy nhất thực sự đúng trong cuộc sống này là sự tập luyện, nếm trải lời chê bai và không để lời chê bai ấy lặp lại một lần nữa. Mong tất cả hãy xem nhẹ bài viết này như một tham khảo cho riêng mình, không phải quy tắc hay sự ràng buộc nào khác.

    Mục lục (Click vào để đọc)

    Chap 1: Tính tương tác trong viết - đọc.

    Chap 2: Kỹ thuật "giao đãi"

    Chap 3: Hình ảnh, vũ khí mạnh mẽ nhất của người ôm nghiệp viết. (đang thực hiện)

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng mười một 2018
  2. Phố Cà Phê Wild one

    Bài viết:
    44
    Chap 1: Tính tương tác trong viết - đọc​

    Sai lầm hết sức cơ bản và thường thấy trong việc viết lách đó là cho rằng viết chỉ là hoạt động một chiều.

    Thực tế, có một giai đoạn trong "sự nghiệp" viết lách của chúng ta, điều này là đúng. Khi chúng ta đang tập những dòng viết đầu tiên, chúng ta viết chỉ để cho mình đọc, chỉ để những diễn giải tuôn ra giấy, ra màn hình mà không cần quan tâm nó sẽ được ai quan tâm.

    Có những người duy trì giai đoạn này mà không muốn tiến bộ thêm vì chỉ viết như một cách để giải tỏa, những trang nhật ký không cần người đọc. Có những người dừng lại ở giai đoạn này một thời gian như bài tập cho kỹ năng viết của mình.

    Và sai lầm là ở chỗ bạn quyết định lên một level mới nhưng vẫn mang theo tư duy cũ: Viết cho bản thân đọc.

    Sai lầm này dẫn tới một số vấn đề:

    Dùng từ sai

    Một trong những người Việt nổi tiếng nhất từng nói về việc "Tìm hiểu rõ: Viết cho ai?" là Bác Hồ. Nếu bạn xác định truyện ngắn của bạn dành cho lứa tuổi học trò, bạn không thể mãi viết theo kiểu: "Thế rồi, trong cuộc đời phù vân này, ngàn ngày nhật nguyệt đuổi bắt với nhau hóa ra cũng là hư không".

    Thảm kịch từ đây!

    Một ví dụ khác, nếu bạn có mơ ước tập truyện ngắn của mình trở nên nổi tiếng toàn quốc, đừng viết "Vô đây! Tao đang canh me thằng này!" vì người theo phương ngữ miền Bắc sẽ không hiểu. Bạn chỉ có thể làm vậy khi bạn cần đặc biệt xây dựng nhân vật với đặc điểm và tính cách của một vùng miền nào đó.

    Thiếu tôn trọng

    Nếu viết cho riêng bản thân, bạn không sợ gì cả. Nhưng khi viết và xác định rằng những gì mình viết sẽ có nhiều người đọc, hãy cẩn thận.

    "Tôi có làm tổn thương ai đó không, chẳng hạn như xúc phạm đến người LGBT?"

    Và nếu có lòng tự trọng cao trong nghiệp viết, sẽ có lúc bạn tự hỏi mình câu này: "Liệu mình có đang phí phạm thời gian của những người đã tin tưởng vào title và click vào đọc?"

    Thiếu hấp dẫn

    Đây là cái quan trọng nhất!

    Mình xếp nó phía cuối bài viết vì những gì giá trị (ít nhất là trên quan điểm của mình) là món quà dành cho người chịu khó đọc.

    Thực tế, mọi thứ thuộc về bạn đều hấp dẫn với chính bạn. Bạn tự tay viết được một bài thơ, người khác có thấy nó như thế nào, bạn vẫn tự hào về nó. Việc mặc kệ người khác đánh giá như thế nào sẽ khiến bạn thờ ơ với những khiếm khuyết của mình.

    Người viết cần người đọc, người nói cần người nghe cũng như người tâm sự cần người ngồi đó nghe mình lải nhải.

    Bạn có đồng ý rằng nếu ai đó cứ lèm bèm lời khuyên gì bạn không muốn nghe, bạn sẽ quên nó rất nhanh? Và nếu bạn rơi vào một cuộc tranh cãi, dù nó có tiêu cực và căng thẳng đến mấy, bạn sẽ nhớ nó?

    Nếu đã có câu trả lời, hãy hiểu rằng bạn đã không hề tham gia vào ví dụ thứ nhất. Bạn tránh né nó.

    Nhưng bạn đã THAM GIA cuộc cãi vã. Vâng, điều hấp dẫn và đáng nhớ nhất luôn là những điều mà bạn thực sự nhúng tay nhúng chân vào.

    Và làm sao để người đọc thực sự "nhúng" vào những gì bạn viết? Làm thế nào để hình thành tính tương tác qua lại giữa người đọc ngẫu nhiên nào đó trong cuộc đời này và những dòng chữ bạn đã viết sẵn?

    Tôi sẽ dành những chap tiếp theo để phân tích và đưa ra một số mánh khóe.

    Xin cảm ơn!

    [​IMG]
     
  3. Phố Cà Phê Wild one

    Bài viết:
    44
    Chap 2: Giao đãi

    "Giao đãi" vốn là một khái niệm trong ngành biên kịch - dựng phim, nghĩa là "giai đoạn thể hiện các đặc điểm của một nhân vật". Giao đãi cho mỗi nhân vật có thể chỉ kéo dài vài câu, một vài đoạn văn hoặc rất dài. Thường thì giao đãi càng dài càng gây khó chịu, rối rắm và thiếu dấu ấn.

    Trong một số tình huống cần thiết vì yêu cầu cố t truyện, bạn có thể giao đãi nhân vật một cách súc tích và đặc sắc, sau đó mới dựa vào diễn biến câu chuyện mà bố trí giai đoạn giao đãi thứ 2 vào một lúc khác.

    Ví dụ: bạn có thể xây dựng nhân vật A là một chàng thư sinh khô khan, cọc cằn và luôn cự tuyệt tình cảm của cô gái B. Bạn cần phải thể hiện rõ được điều đó ngay trước khi độc giả thấy chán. Sau khi trải qua vài diễn biến truyện, bạn mới đi đến giao đãi thứ 2, đó là flash back về quá khứ của A, nơi anh bị tổn thương vì một điều gì đó mà quyết định đóng cửa trái tim vĩnh viễn.

    Giao đãi cơ bản

    Giao đãi nghe có vẻ khá máy móc và không phù hợp với những con người bay bổng. Thực tế nó không quá khó nếu bạn quenn viết và trình bày vấn đề. Giới thiệu về con người cũng như giới thiệu về một sự vật vậy. Khi bạn nói "con chó đầu xóm ấy dữ lắm, nhưng cứ gặp tôi thì nó lại vẫy đuôi tới đòi ăn", đó là bạn đang giao đãi rồi. Trước hết, hãy hiểu rằng "giao đãi" là một hành vi cơ bản mà bạn đang thực hiện hằng ngày rồi.

    Bước 1: Bạn cần hiểu chính xác những gì mình cần thể hiện, và liệt kê nó ra. Đừng để tình trạng ra khỏi siêu thị mới sực nhớ mình quên mua gì. Cũng nên nhớ rằng giao đãi là bước quan trọng nhất quyết định "hồn sống" của nhân vật. Độc giả có nhớ đến nhân vật hay không, yêu ghét nhân vật như thế nào hầu hết là từ bước này. Vậy nên, hãy chọn những chi tiết thực sự cần và có ảnh hưởng đến cốt truyện.

    Bước 2: Sắp xếp các chi tiết ấy theo một hoàn cảnh, thứ tự phù hợp. Đây mới chính là chỗ đòi hỏi chất xám và cảm xúc nhất.

    Ví dụ:

    "Ở tuổi 22, Hào chẳng có gì để tự hào ở bản thân cả. Trai tỉnh lẻ, nhút nhát và thậm chí còn không biết siết tay côn, anh chẳng có bất cứ một điểm cộng nào để giữ lại cô người yêu cùng quê nhưng học làm người Sài Gòn nhanh và dễ như nước trôi qua cầu."

    Có thể thấy, trong một đoạn ngắn mà ta đã có:

    - Tên, tuổi nhân vật.

    - Quê quán, tính cách cơ bản.

    - Tình huống truyện.

    Nếu như không tự tin vào khả năng "chuốt" những đoạn văn thật duyên, sâu sắc mà có tính đặc tả cao, giao đã bằng các câu thoại cũng là ý hay (một kỹ năng cũng rất đáng dùng nếu có dịp biên kịch)

    Ví dụ:

    - Này Hà Anh. Lỡ rớt Y Dược rồi sao?

    - Chẳng sao cả, mình còn Sư Phạm nữa mà. Không làm bác sĩ thì làm giáo viên, mình cũng thích! - Hà Anh đáp lời với nụ cười đẹp hơn cả nắng như mọi lần.

    - Mình chỉ có một cửa thôi, không có phương án B, không có hy vọng thứ hai và cũng không có đường lui nào cả.

    - Còn mà Dũng. Còn một đường lui.

    - Đi đâu?

    - Theo mình! - Hà Anh lại cười, lần này là với chiếc răng khểnh tinh nghịch.


    Hãy xem bạn có được những thông tin gì từ đoạn giao đãi trên?

    Giao đãi và tính tương tác? (Xem chap 1)

    Như tôi đã nói ở Chap 1, cách gây ấn tượng cơ bản và hiệu quả nhất với người đọc là để họ thực sự "tham gia" vào câu chuyện. Họ phải liên tưởng, phải hình dung, suy đoán và cảm giác mọi thứ đang xảy ra.

    Tránh xa kiểu giao đãi này nhé:

    "Anh ấy tên Hào, 22 tuổi. Hào là con nhà nông ở tỉnh lẻ, tính tình nhút nhát. Anh cùng người yêu lên SG và người yêu phản bội vì bắt đầu đua đòi học thói ăn chơi".

    Viết đến đây, tự nhiên tôi nhớ một câu hát bất hủ: "Khung cửa sổ hai nhà cuối phố, chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ"

    Thật vậy, một câu hát chẳng nhắc đến bất cứ con người nào nhưng vừa nghe thấy, não tôi đã bắt đầu "chạy" và hình dung hình ảnh đôi trai gái nhà cuối phố, đêm đêm để mở cửa sổ và nhìn ngắm nụ cười của nhau.

    Tôi thực sự tham gia vào câu hát ấy, vì tôi liên tưởng câu chuyện đang xảy ra. Và câu hát ấy ám ảnh tôi mãi.

    Một câu hát khác và cũng ám ảnh tôi rất lâu: "Rồi thấy thấp thoáng bóng em về chìm trong đáy cốc, đôi mắt em buồn thiên thu" . Chỉ nghe đến đó thôi, tôi lại hình dung được một chàng trai say khướt bò gục trên bàn với những chai bia đứng đổ lộn xộn, tay mân mê chiếc cốc uống dở, nhìn vào đó mà nhớ một bóng hình đã xa.

    Đó chính là giao đãi level cao thủ! Họ khiến não của người đọc phải chạy liên tục theo những dòng chữ nhấp nhả úp mở, để họ thực sự tham gia vào tác phẩm. Người viết chỉ đưa ra một bức tranh bị tẩy xóa lem nhem, và chính người đọc mới là người hoàn thiện lại nó.

    Và thực sự, họ ấn tượng với nó! Họ tương tác với tác phẩm. Tác phẩm trở thành một phần làm nên cảm xúc của người đọc - điều mà bất cứ tác giả nghiệp dư nào cũng mong có được.

    (Hình không liên quan đâu, đừng quan tâm. Chính chủ nét chữ thật của Phố)

    [​IMG]

    Lưu ý: Từ chap này trở đi, quý bạn đọc có thể thoải mái bình luận ngay trong bài viết. Mình có làm mục lục ngay ở #1 nên người đọc sau có thể dễ truy đọc những bài viết mà không sợ bị rối. Mình sẽ lưu ý các câu hỏi, yêu cầu và đưa ra những lời khuyên hay bí quyết mới.

    Xin cảm ơn.

    Ký tên: Một gã cầm bút nghiệp dư loay hay với món nợ đời.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...