Kinh Dị: Truyền Thuyết Đô Thị Đài Loan

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Sưu Tầm, 10 Tháng chín 2021.

  1. Sưu Tầm The Very Important Personal

    Bài viết:
    665
    1. Peter Pan ở Ngọc Sơn

    Đồn rằng có không ít du khách khi leo lên Ngọc Sơn đã nhìn thấy ba đứa bé trai (có khi nhiều hơn) đầu đội nón rơm, mặc áo mưa màu vàng xuất hiện ở con đường phía Nam dãy núi. Vài du khách sẽ đi theo chúng, rồi sau đó mất tích. Không chỉ thế, nếu buổi tối có việc cầm đèn pin đi về phía này, đèn pin đều sẽ bị hư hỏng. Người dân địa phương cho rằng những đứa trẻ đó là sơn mị (mị là một loài yêu ma chuyên sống trong núi, theo truyền thuyết dân gian ở Trung Quốc, chúng thường hóa thành đủ các hình dáng khác nhau, để dụ dỗ hoặc khiến những người vào núi lạc đường và bắt họ ăn thịt).

    Lời đồn này lần đầu xuất hiện vào năm 2006, người đầu tiên nhìn thấy chúng là ông Vũ – làm việc ở nhà nghỉ dưới chân núi đã mấy chục năm.

    Ông nói vào mười năm trước, khu vực này chỉ cuối tuần mới có du khách đến leo núi và nghỉ lại trong nhà trọ, những thời điểm khác thì cả khu vực vắng tanh không một bóng người. Thời tiết ở đây lại khá rét lạnh, tuyết rơi phủ kín đất có khi dày hơn 1 mét. Đêm hôm đó, vì không có khách nên ông quyết định đi ngủ sớm.

    Đang ngủ ngon thì ông giật mình tỉnh giấc, vì nghe có tiếng đập cửa dồn dập, ông ngước nhìn đồng hồ mới biết đã 2 giờ sáng. Dù nghĩ không biết lúc này gã ngu nào lại chạy đi leo núi, nhưng ông vẫn ra mở cửa. Ngay khi mở cửa ra ông giật mình nhìn thấy có khoảng 20-30 người thấp bé cả nam lẫn nữ, mặc áo mưa màu vàng sũng nước.

    Ông vội vàng mở cửa cho họ vào, rồi xoay người đi đốt lò sưởi nấu nước gừng cho họ uống, nhưng ngay khi ông quay ra thì thấy trong sảnh không còn một ai. Ông hốt hoảng cầm đèn pin đi kiểm tra từng phòng trong nhà nghỉ nhưng vẫn không tìm thấy gì, khi vội vàng chạy ra cổng nhà nghỉ thì phát hiện cửa vẫn còn đang bị khóa. Vậy đám người kia vào nhà nghỉ thế nào và họ đã biến mất ra sao?

    Càng nghĩ càng hoảng sợ, ông vội vàng chạy về phòng khóa kín cửa, đắp chăn nằm thấp thỏm cả đêm. Cũng từ đó về sau, thường xuyên có du khách nói mình nhìn thấy những người mặc áo mưa màu vàng ở khu vực phía Nam Ngọc Sơn.

    2. Cá mặt người ở Cao Hùng

    Sự kiện này xảy ra khoảng hơn 20 năm trước, vì đã quá lâu nên hầu hết tài liệu đều đã bị thất lạc. Nhưng vẫn còn không ít người từng chứng kiến tận mắt sự việc và kể lại, trong đó có bà Trần Thục Phân hiện đang là biên tập của một tờ báo ở Đài Loan.

    Bà cho biết, khi xưa bà cùng các đồng nghiệp từng sưu tập rất nhiều ảnh chụp về cá mặt người, nhưng hình ảnh vì có niên đại quá cổ xưa nên vẫn khá mơ hồ. Theo lời kể của bà thì vào năm 1994, có một đôi vợ chồng trẻ (anh chồng làm nghề đạo sĩ) sống ở khu Gia Nghĩa, đã hẹn một cặp vợ chồng khác ở Giáp Tiên và một người đàn ông họ Trần cùng đi cắm trại và câu cá bên suối.

    Năm người lái xe tới con suối ở núi Cương, người đàn ông họ Trần phụ trách câu cá, những người còn lại phụ trách bày biện và chuẩn bị cho buổi cắm trại. Đến hoàng hôn, ông Trần câu được một con cá rô nặng khoảng 4 ký, ông lập tức xử lý con cá và đặt lên giàn nướng. Ngay khi năm người đang ăn uống vui vẻ thì đột nhiên giọng một bà lão vang lên, hỏi họ cá ăn có ngon không.

    Nhưng khi mọi người quay đầu tìm kiếm xung quanh thì không thấy ai cả, đang lúc họ tưởng mình nghe nhầm thì giọng nói nọ lại vang lên lần nữa. Lần này họ phát hiện nơi phát ra tiếng nói chính là mặt người xuất hiện trên con cá đang nằm nơi giàn nướng. Ngay sau đó, có ba người đột nhiên ói mửa liên tục, hai người còn lại vừa gọi xe cứu thương vừa lấy máy chụp hình chụp lại cảnh tượng kinh dị này.

    [​IMG]


    Cùng ngày ba người nôn mửa được đưa vào bệnh viện chữa trị, trong quá trình điều trị, họ đã kể cho các y bác sĩ nghe về tình huống mình gặp phải nhưng không ai tin.

    Vài hôm sau, chuyện quái dị lại xảy ra, người đàn ông họ Trần phụ trách câu cá đột nhiên qua đời trong khi ngủ, kết quả kiểm tra thi thể cho thấy ông ta toàn toàn khoẻ mạnh, không có bệnh ẩn hay tiền sử bệnh gì cả, họ chỉ đành viết vào giấy chứng tử rằng ông qua đời vì bệnh tim.

    Anh chồng làm đạo sĩ vừa nhận được tin ông Trần qua đời, vội vào kéo những người còn lại chạy đến đạo quán làm phép trừ tà mong giảm trừ xui rủi. Điều may mắn là sau đó cả bốn đều bình an vô sự, không gặp tai nạn hay những sự kiện quái lạ nào nữa.

    Sau này 4 người có rửa ảnh chụp hôm đó ra, ai nhìn thấy ảnh chụp cũng phải hoảng sợ, bởi vì trên phần thân của con cá xuất hiện gương mặt một bà lão có mắt, mũi miệng cực kì rõ ràng.

    3.
    Cô bé áo đỏ

    Nhắc đến truyền thuyết đô thị nổi tiếng nhất ở Đài Loan, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ ngay đến cô bé áo đỏ.

    Tháng 3 năm 1998, một đại gia đình trên dưới 10 người đã đến khu vực Dakeng dạo chơi. Trong chặng đường lên núi để tham quan Phong Động Thạch, một thành viên trong nhà đã dùng máy quay V8 quay lại toàn bộ hành trình của gia đình. Sau khi về nhà người này không mở máy lại xem ngay, dần quên bẵng đi.

    [​IMG]

    Một thời gian sau, một người trong gia đình cùng tham gia chuyến đi dạo Dakeng ngày trước đột nhiên qua đời, lúc này mọi người chợt nhận ra dường như đây là người thứ 2 trong gia đình chết từ sau chuyến đi Dakeng. Cho rằng có thể gia đình đã gặp phải thứ không may trong chuyến dạo chơi, mọi người quyết định mở lại đoạn phim từng quay để kiểm chứng thực hư.

    Ngay khi đoạn phim được chiếu, ai cũng hoảng hồn phát hiện trong quá trình cả gia đình leo núi, có một cô bé mặc áo đỏ đã đi theo họ suốt. Khi phóng lớn đoạn phim để nhìn kỹ, họ thấy đó là một người có vóc dáng nhỏ thó trông như trẻ con nhưng gương mặt trắng bệch già nua tới khó tin, hai mắt là hai lỗ đen sâu hoắm, tư thế đi đường nghiêng ngả, lảo đảo, có khi vừa đi vừa nhảy, không giống con người.

    Trừ chuyện này ra, trong đoạn phim còn có một cảnh làm người ta thấy ớn lạnh. Đó là có một người đàn ông trong gia đình đã bật cười thật to, lúc cười ông này để lộ cái miệng đầy răng nanh, trông vô cùng quái dị. Không chỉ thế, bất kì ai xem đoạn phim cũng cảm nhận được không khí cực kì u tối, nặng nề và đáng sợ.

    Người ta từng cắt đoạn phim in ra thành hình ảnh, đi đến gặp người dân sống quanh khu vực Dakeng, thậm chí là hỏi thăm cảnh sát khu vực để xem họ có biết cô bé này không. Nhưng tất cả những người được hỏi đều nói mình chưa từng thấy cô bé.

    Tất cả bằng chứng đều cho thấy dường như cô bé này không phải là con người. Không ít người cho rằng cô bé cũng là một loại quỷ mị sinh sống trong núi, muốn dụ dỗ hại chết những người leo núi để ăn thịt. Nhưng ý kiến này đã bị bác bỏ, bởi hầu hết những người gặp phải cô bé đều bình an ra về, chỉ sau khi về đến nhà mới gặp phải sự cố.

    Nguồn: Sưu tầm


    4. Tiễn bánh ú

    Vùng duyên hải ở Chương Hóa truyền lưu một nghi thức cực kì thần bí – tiễn bánh ú.

    Bánh ú này không phải bánh ú chúng ta hay ăn vào dịp tết Đoan Ngọ, mà là một tập tục mai táng lưu hành ở vùng duyên hải Tây Bắc Chương Hóa, Lộc Cảng, Phúc Hưng.. ở Đài Loan. Trong số đó vì Lộc Cảng thường xuyên cử hành tập tục mai táng này nên được hiểu là nơi bắt nguồn, ngoài ra phong tục này còn có tên là "tiễn sát" hoặc "ăn sợi mì".

    Truyền rằng vì sợ những người chết do treo cổ có oán khí quá nặng, không siêu thoát được mà hóa thành quỷ đi giết người nhằm thế thân cho mình, nên người ta sẽ tổ chức nghi thức tiễn bánh ú để đưa tiễn sát khí của người chết (lấy dây thừng treo cổ làm đại diện) đến bờ biển thiêu huỷ. Nhưng vì tránh bất kính với người chết, người dân bản xứ không gọi tập tục này là đuổi ma quỷ mà uyển chuyển gọi là tiễn bánh ú.

    Sở dĩ gọi là tiễn bánh ú là vì vào dịp Đoan Ngọ, người dân Đài Loan thường hay làm bánh ú, sau đó dùng dây buộc chặt và treo chúng lên vách nhà, trông giống hệt như những người treo cổ. Cũng vì thế ở Lộc Cảng, trói bánh ú ám chỉ người thắt cổ.

    Nghi thức tiễn bánh ú thường được miếu thờ ở địa phương lên kết với những nơi chuyên tổ chức pháp hội để tổ chức, các bên sẽ quy hoạch một con đường đi từ miếu thờ gần nhất đến nơi người treo cổ được phát hiện rồi đi thẳng ra biển.

    [​IMG]

    Trước khi diễn ra nghi thức, miếu thờ sẽ thông báo cho người dân trên tuyến đường biết trước thời gian để người dân không bị ảnh hưởng.

    Nghi thức thường cử hành vào khoảng 23 giờ khuya, nhưng bắt đầu từ 20 giờ, những người tham dự đã có mặt ở miếu thờ để làm lễ rước thần, rồi mới di chuyển đến nơi phát hiện thi thể. Tại đây, người ta sẽ bày đặt bàn cúng lễ để rước sát (họ sẽ lấy dây thừng siết cổ người chết hoặc một mảnh trên xà nhà nơi người chết treo cổ làm đại diện), đúng 23 giờ đoàn người sẽ bắt đầu di chuyển ra biển. Vừa đi họ sẽ vừa thả pháo để trừ tà, diệt sát khí.

    Người dân sống trên tuyến đường sẽ đóng chặt cửa nhà, dán bùa chú lên cửa để tránh oán khí lẻn vào gây hại.

    Ở Chương Hóa, tiễn bánh ú là nghi thức cực kỳ trọng đại, phải thông báo cho toàn bộ người dân trong thôn xã, phát bùa chú cho mỗi nhà và cảnh báo trước để người dân né tránh, nếu không thông báo sẽ bị người dân ngăn cản không cho thực hiện.

    5. Cương thi, đảo ma

    Hòn đảo Tây Cát ở Bành Hồ, Đài Loan sở hữu một hang động đá bazan tự nhiên thuộc hàng đẹp nhất Đài Loan. Nơi đây từng vì một bức ảnh chụp mà nổi tiếng khắp mạng internet, nhờ vậy dịch vụ du lịch có bước phát triển vô cùng to lớn.

    [​IMG]

    Trong số các dịch vụ được cung cấp ở đây, dịch vụ nổi tiếng nhất phải kể đến việc ngồi thuyền độc mộc đi thám hiểm hang động: Trước mặt là những tảng đá biển to lớn, trải qua trăm ngàn năm tích lũy hình thành nên hệ thống hang động cực kì đồ sộ, khi ánh mặt trời chiếu xuống, ánh sáng ánh lên đá kết hợp với màu xanh của nước biển chung quanh làm người xem như lạc vào tiên cảnh. Sau khi thuyền vào hang, du khách sẽ được đặt chân lên hang động để tự mình khám phá vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của hang động, cảm nhận được sự sắc sảo và điêu luyện của thiên nhiên.

    Dù sở hữu cảnh quan đẹp tới khó tả nhưng cư dân mạng lại đồn rằng hang động ven biển này từng là nơi dân cư địa phương dùng để vứt bỏ thi thể trẻ sơ sinh, là nơi cực âm. Vả lại năm 1978 sau khi chính phủ chỉ đạo dời thôn, đảo Tây Cát trở thành hòn đảo quỷ, từ đây lời đồn cương thi thường xuyên xuất hiện trên đảo bắt đầu nổi lên.

    Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng đây chỉ là lời đồn vô căn cứ, còn lý do có lời đồn hang động ven biển này được dùng làm nơi vứt thi thể trẻ sơ sinh, một phần là do cha mẹ trên đảo thường dọa những đứa trẻ hư rằng họ sẽ vứt chúng vào hang nếu chúng không nghe lời.

    Về lời đồn Tây Cát là đảo quỷ thì rất có thể là do gần khu vực này đã xảy ra nhiều vụ đắm tàu, vụ đầu tiên là vào năm 1953, có gần 90 người chết. Đến khoảng 3 năm sau, một con tàu khác cùng đã bị đắm ở đó và làm 101 người tử nạn, cư dân và chính phủ trong khu vực đã làm một bia đá kỷ niệm ngay trên đảo.

    [​IMG]

    Vào khoảng những năm 1980, vùng duyên hải Đài Loan rộ tin đồn là vào đêm sẽ có cương thi bơi lên bờ, lẻn vào thôn làng ăn thịt người. Đến sau này lời đồn được chứng thực là do bọn buôn lậu lan ra để tiện cho việc hoạt động phi pháp của mình.

    Nhưng dù câu chuyện về cương thi và hòn đảo quỷ có thật không thì vẻ đẹp của đảo Tây Cát cũng là điều không thể nghi ngờ.

    6. Thuyền ma

    Năm 1995, sự kiện lớn nhất được biết đến ở Đài Loan là vụ cháy ở nhà hàng Vệ Nhĩ Khang, Đài Trung, chỉ cần là người từng sống ở khu vực chung quanh chắc chắn rất khó quên được chuyện này.

    Lời đồn khởi nguồn từ trận cháy lớn ở nhà hàng Vệ Nhĩ Khang, lúc ban đầu vụ cháy cướp đi 64 mạng người (ở Đài Loan đây đã được xem như một vụ cháy cực lớn). Nguyên nhân chính dẫn tới cái chết của những nạn nhân là do cửa thoát hiểm bị chặn lại, người bên trong không thể thoát ra, tạo thành tai nạn thương tâm.

    [​IMG]

    Dân chúng xung quanh kể, từ sau khi xảy ra trận cháy, nửa đêm họ thường ngửi được mùi cháy phát ra từ đống phế tích, sau đó dù nơi này đã được xây dựng thành bãi đỗ xe nhưng nhiệt độ có đôi lúc sẽ tăng cao tới khó hiểu.

    Trước khi trận cháy xảy ra, từng có lời đồn về một con thuyền ma của cõi chết, đang đi khắp nơi tìm khách lên thiên đường du lịch, đương nhiên vé lên thuyền chính là tính mạng quý giá của hành khách, không chỉ thế con thuyền ma này chỉ biến mất khi rước đủ 100 hành khách.

    [​IMG]

    Sau khi trận cháy kết thúc, có không ít người nói mình nhìn thấy một con thuyền ma bay trên không trung ở quảng trường Đệ Nhất, cũng vì thế một thời gian dài sau vụ hỏa hoạn, quảng trường Đệ Nhất cực kì vắng lặng, không một ai dám bén mảng tới gần khu vực này. Nên dù không phải nơi xảy ra hỏa hoạn nhưng quảng trường này cũng dần lụi bại.

    Mấy tháng sau lại có tin đồn rằng con thuyền ma đã di chuyển đến phía Nam Đài Loan, không lâu sau có người nhìn thấy nó xuất hiện ở đường Công Chính, Đài Nam, được mấy hôm thì một vụ cháy lớn diễn ra ở một phòng KTV khu Sư Tử Lâm, Bình Đông, Đài Nam, gây ra cái chết cho 27 người.

    Sau đó xảy ra thêm vài vụ cháy nhỏ nữa, cho đến khi đủ 36 người còn lại, thuyền u linh xem như rước đủ khách mới biến mất. Từ đó về sau người ta cũng không nghe nói gì về nó.
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...