Kịch bản sân khấu hóa tác phẩm văn học dân gian: Tấm Cám

Thảo luận trong 'Dân Gian' bắt đầu bởi Thùy Minh, 29 Tháng mười 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Ngoại khóa văn học là hoạt động quen thuộc trong các nhà trường. Sân khấu hóa tác phẩm văn học là một phần không thể thiếu của hoạt động này. Lấy ý tưởng từ truyện cổ tích Tấm Cám, tôi đã dàn dựng cho học sinh (lớp 10) nội dung sân khấu hóa dưới hình thức diễn xuất. Sau đây là kịch bản đã được chuyển thể từ truyện Tấm Cám:

    Kịch bản sân khấu hóa tác phẩm văn học dân gian: Tấm Cám


    Cảnh 1: Mò cua, bắt tép

    (Trên sân khấu, nhân vật mõ chạy đi chạy lại)

    Mõ: "Chiềng làng chiềng chạ

    Thượng hạ đông tây

    Xa gần đó đây

    Vểnh tai nghe Mõ:

    Thần dân trăm họ

    Vãn việc cuốc cày

    Tề tựu nơi đây

    Kinh thành khai hội

    Ngựa xe phấp phới

    Lại lắm trò vui

    Mau sắm sửa thôi

    Tuần trăng tháng tới."

    (Tại một góc sân khấu, dì ghẻ xuất hiện, dỏng tai nghe, cầm tay hai chiếc giỏ)

    Dì ghẻ: "Con Tấm, con Cám đâu, ra mẹ bảo!"

    Tấm, Cám: Dạ!

    (Dì ghẻ vừa nói, vừa đưa giỏ cho hai chị em)

    Dì ghẻ: Sắp tới, Kinh thành mở hội khai xuân

    Cả năm mới có một lần hội đây

    Giỏ này tôm tép bắt đầy

    Ta cho yếm đỏ mặc ngày hội vui

    Tấm: Dạ vâng, con đi liền đây ạ.

    Cám: Tưởng gì, chuyện nhỏ, yếm đỏ nhất định về ta.

    (Góc sân khấu, Tấm chăm chỉ bắt tôm cá)

    Tấm: Phận mồ côi dãi dầu khuya sớm

    Bắt cá tôm, cua ốc quen làm

    Chẳng như ai, rong ruổi khắp đồng

    Chỉ mê mải hái hoa bắt bướm (Tấm đánh mắt về phía Cám)

    (Cám chạy đi chạy lại, bắt bướm, hái hoa, miệng nghêu ngao)

    Cám: Trời ban ta phận an nhàn

    Tội chi lấm bẩn nhọc nhằn nắng mưa

    Rong chơi ta cứ rong chơi

    Mặc ai hì hụi lưng phơi giữa đồng

    (Một lúc, Tấm nhìn lên, gọi em)

    Tấm: Cám ơi! Tôm tép đã đầy

    Về thôi em kẻo muộn ngày dì la

    (Cám tự nói với mình, hướng mắt về phía khán giả)

    Cám: Phải kiếm cách trộm công con Tấm

    Kẻo yếm đào về nó thì toi

    (Cám biểu cảm, động tác như vừa chợt nghĩ ra mưu kế, chạy lại phía Tấm)

    Cám: Chị Tấm ơi chị Tấm

    Đầu chị lấm

    Chị hụp cho sâu

    Kẻo về mẹ mắng

    (Tấm đưa giỏ cho em)

    Tấm: Vậy em giữ giỏ tôm chờ chị

    Chị gội đầu một lát lên ngay

    (Tấm đi về một góc sân khấu, Cám lập tức trút tép vào giỏ của mình, mắt lấm lét nhìn về phía Tấm)

    Cám: Yếm đào là yếm đào ơi

    Yếm xinh đâu xứng kẻ nơi quê mùa

    (Nói rồi Cám chạy biến;

    Tấm gội đầu xong, lên bờ, gọi em)

    Tấm: Cám ơi! Về thôi em,

    (Nhìn thấy giỏ chỏng chơ, Tấm ngó vào, bật khóc)

    Tấm: Em tuổi trẻ đã nuôi lòng nanh ác

    Rắp bày trò lật lọng cướp công

    Phận con côi chẳng chốn ngóng trông

    Nên cam chịu no đòn dì ghẻ

    (Bụt hiện lên, vỗ về, tay chỉ vào giỏ)

    Bụt: Nín đi con, Tấm ơi đừng khóc

    Bụt là ta, đến giúp con đây

    Hãy mang con cá Bống này

    Về nơi giếng thả, mỗi ngày chăm nuôi

    Cơm phần Bống, sớm trưa nhớ gọi

    Phải thế này, Bống mới lên ăn: Bống Bống bang bang/Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta/Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người.

    Tấm: Con cảm ơn Bụt (Bụt đi vào)

    (Tấm xách giỏ lại gần giếng, thả Bống xuống, đi vào sân khấu)

    Cảnh 2: Trộm Bống

    Cám (xuất hiện, gào to): Mẹ ơi mẹ!

    Dì ghẻ: (uốn éo đi ra): Gì thế con?

    Cám: Cơm nhà còn chả đủ ăn

    Vậy mà con Tấm còn dành giấu đi

    Con rình nó mấy hôm thì,

    Hóa ra nó thả giếng kia mẹ à.. (ngân dài)

    Dì ghẻ: Thế nó thả xuống đấy nuôi công chúa Thủy tề à?

    Cám: Không, nuôi cá mẹ ơi!

    Dì ghẻ: (mắt láo liên, điệu bộ bực tức)

    Dì ghẻ: Con Tấm đâu, ra đây dì bảo!

    (Tấm đi ra, dì ghẻ giả bộ dặn dò)

    Dì ghẻ: Con ơi con, làng ta cấm đồng rồi đó, hôm nay đi chăn trâu, con nhớ:

    Chăn trâu thì chăn đồng xa

    Chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu

    Cám (nhại theo) : Chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu

    Tấm: Dạ vâng dì!

    Dì ghẻ: (gọi Tấm lại, vờ tử tế) :

    Tấm, qua bụi rậm tránh cành gai sắc

    Buổi trưa vào bóng mát nghe con!

    Tấm: Dạ! (đi vào)

    Dì ghẻ: Con vào nhà lấy cái rổ ra đây, mẹ con ta bắt cá! (Cám đi vào)

    Dì ghẻ đi quanh giếng, nói:

    Bống Bống bang bang

    Bống đỏ bống ngoan

    Bà ngứa ruột ngứa gan

    Ăn hại cơm bà,

    Bà đem bà nướng

    (Cám cầm rổ chạy ra, gọi)

    Cám: Mẹ ơi mẹ, phải gọi thế này nó mới lên (đi về phía giếng) :

    Bống Bống bang bang

    Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta

    Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người

    (Nói xong, cầm rổ chao qua chao lại)

    Dì ghẻ, Cám cùng reo lên: Bắt được mày rồi!

    Dì ghẻ: Nhanh làm thịt thôi con (đi vào)

    (Tấm đi chăn trâu về, đến bên giếng, thả cơm xuống, gọi cá)

    Tấm: Bống Bống bang bang

    Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta

    Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người

    Tấm: Bống ơi, Bống à! Bống đâu rồi, (hoảng hốt) : Trời!

    Trên mặt giếng một hòn máu đỏ

    Có lẽ nào em bỏ chị đi (khóc)

    (Bụt xuất hiện)

    Bụt: Nín đi con, Tấm ơi đừng khóc

    Bụt là ta, đến giúp con đây

    Hãy tìm xương cá Bống này

    Bỏ vào 4 lọ chôn ngay chân giường

    Ngày sau Bống sẽ chỉ đường

    Con tìm đến chốn tựa nương an nhàn

    Tấm: Con cảm ơn Bụt, con sẽ làm theo lời Bụt dặn

    Chẳng đợi ngày Bống trả ơn lành

    Chỉ mong phận Bống mỏng manh

    Không vùi lấp nơi tro tàn bếp lạnh (đi vào).

    [​IMG]

    Cảnh 3: Chuẩn bị đi hội

    (Dì ghẻ, Cám xuất hiện trên sân khấu, điệu bộ sửa tóc tai, váy áo)

    Cám: Mẹ ơi mẹ, ngày mai hội chính mở rồi

    Mẹ con mình phải đi thôi, đường dài

    Dì ghẻ: Con hãy chọn quần là áo lượt

    Điểm phấn son, tô nhan sắc mĩ miều

    Chốn kinh thành, ai có biết đâu

    Lọt mắt đấng hiền nhân, tài tử.. (ngân dài)

    (Tấm xuất hiện, cầm chổi quét nhà, nói với dì ghẻ)

    Tấm: Dì ơi! Đêm qua con thức khuya giã gạo

    Băm mẻ bèo, cám lợn nấu xong

    Nước gánh đầy hai vại, bốn cong

    Nhà trên dưới, trong ngoài gọn ghẽ

    Dì cho con đi xem hội, dì nhé!

    Dì ghẻ: (giọng mỉa mai) : Nhà trên dưới, trong ngoài gọn ghẽ, mày xem đây! (nói rồi bê ra một cái thúng) :

    Cả ngày tơ tưởng hội hè

    Đầu mê, óc lú thóc đè gạo đây

    Bây giờ lẫn lộn thế này

    Nhặt ngay, xong việc, lên mây (ta) cũng chiều (tay chỏ lên trời, cười nham hiểm)

    (Tấm ngồi sụp xuống bên chiếc thúng, giọng não nề)

    Tấm: Ai làm nên phận mồ côi

    Để ai vùi dập tơi bời tấm thân

    Nhặt xong hết chỗ này có lẽ

    Hội tan rồi, người về hết còn đâu (khóc)

    (Bụt xuất hiện)

    Bụt: Nín đi con, Tấm ơi đừng khóc

    Bụt là ta, đến giúp con đây

    Gạo thóc kia con chớ lo gì

    Đàn chim sẻ sẽ bay về nhặt giúp! (Bụt tay phất trần, có tiếng chim hót)

    (Tấm - động tác đón chim trên tay)

    Tấm: Chim ơi! Chim nhỏ, chim xinh

    Chắc chim đã tỏ sự tình trái ngang

    Chim giúp chị nhặt riêng gạo thóc

    Chớ có ăn, phường nanh ác đòn roi!

    Tấm: Bụt ơi, gạo thóc đã nhặt xong, nhưng Áo con rách, dưới trên vá víu/ đến hội rồi, thiên hạ cười chê (lại khóc).

    Bụt: Đừng lo, con hãy đào bốn lọ xương cá con chôn ngày trước, sẽ có đủ các thứ con cần.

    Tấm: Dạ vâng, con cảm ơn Bụt.

    Cảnh 4: Vào hội

    (Nhà vua xuất hiện, vừa đi vừa nói một mình)

    Vua: Phận sang giàu lắm nỗi gian truân

    Hăm mươi sáu tuổi chưa lần bén duyên

    Toàn những kẻ ham bạc vàng gấm vóc

    Hỏi nơi đâu người tri kỉ ta tìm?

    Tên lính (1) xuất hiện: Bẩm vua, ngựa của vua khi con dắt đến chân cầu thì không chịu đi tiếp, còn như ra hiệu có gì đó dưới sông, con xuống mò, thì tìm được chiếc hài này. (đưa cho vua).

    Vua (ngắm nghía một hồi, tấm tắc) : Hài xinh, ắt hẳn người xinh - Ông tơ bà nguyệt kết tình cho chăng?

    Rồi nói với tên lính: Hãy tìm cho ta người đi vừa chiếc hài này, ta sẽ lấy làm vợ.

    (Nhà vua vào, tên lính (1) tay bắc loa)

    Tên lính (1) : Loa loa, tất cả những nữ nhân thanh tú

    Hãy đến đây tìm thử vận may

    Nhà vua ra lệnh thử giày

    Ai vừa lập tức phong ngay vợ người

    (Các cô gái lập tức kéo lên sân khấu, vây quanh chiếc hài, lần lượt thử. Mẹ con Cám cũng tìm đến, xô mọi người dạt ra, tranh chỗ)

    Dì ghẻ, Cám: Tránh hết ra, đến lượt ta! Tránh ra! (Cám giơ chân lên, các ngón chân xòe ra, Cám lấy tay cố ấn chân vào, hai tên lính lôi Cám ra), tên lính (1) mỉa mai)

    Tên lính (1) : Ai đúc bàn chân mắt cá lồi

    Ngón thời củ ấu, ngón bình vôi

    Ngón thì móng sắc như dao nhọn

    Ngón lại vòng quanh tựa ốc nhồi

    (Các nhân vật quần chúng nhại lại những chữ cuối mỗi câu, Cám đi ra, vùng vằng, ấm ức, chân cà nhắc, nhìn lên thấy Tấm (quần áo đẹp), liền nói với mẹ)

    Cám: Ai như chị Tấm cũng đi thử hài đấy mẹ!

    (Dì ghẻ đánh ánh mắt dao cau về phía Tấm, châm chọt)

    Dì ghẻ: Con nỡm, chuông khánh còn chẳng ăn ai

    Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre, hứ.. (nói với Cám) Ta về thôi con!

    Mấy cô gái đẩy Tấm đến: Tấm ơi, thử hài đi Tấm! / Thử đi/ Em chưa thử mà..

    (Tấm lấy trong vạt áo ra chiếc hài còn lại, nói)

    Tấm: Các chị ơi, hài của em đánh rơi xuống nước

    Đến bây giờ ghép lại thành đôi

    (Nói rồi Tấm đi cả hai chiếc hài vào chân, trong tiếng xì xào của mọi người)

    Quần chúng: Ối giời ơi, vừa như in mọi người ạ. / Đúng là hài của Tấm rồi/ Hôm nay Tấm xinh thật đấy..

    Nhà vua bước ra, nhìn Tấm: Nàng ơi! Lần đầu gặp chưa tường tên họ

    Tuổi bao nhiêu, thân thích có còn ai?

    Mắt trong như suối, tóc mây dài

    Chẳng hay đã cùng ai thề hẹn?

    Tấm: Thưa đức vua, Em là Tấm nơi quê mùa hẻo lánh

    Mười tám xuân, cha mẹ mất từ lâu

    Phận nghèo mưa nắng dãi dầu

    Đâu dám nghĩ đến người thề hẹn (xấu hổ, che mặt)

    Nhà vua: Bây giờ hài đã có đôi

    Vậy hai ta cũng sớm vui một nhà!

    (đến bên Tấm, âu yếm đặt tay lên vai, 2 tên lính bắt chước, một tên đẩy tên kia ra)

    Nhân vật quần chúng: Chúc mừng em/ Đúng là ở hiền gặp lành/ Không được quên các chị đâu nhé..

    Vua: Mọi người ơi, hãy nổi nhạc lên, mừng ta tìm được người tri kỉ! (nhạc bài Bống Bang nổi lên, đội vũ công biểu diễn kết thúc).

     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...