Truyện Ngắn Kí Ức Đèn Ông Sao - Vy Beo

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi vybeo292, 4 Tháng mười 2020.

  1. vybeo292 Hellooo (❁´◡`❁) Tớ là Vanilla

    Bài viết:
    66
    Kí ức đèn ông sao

    Tác giả: Vy Beo

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    Link thảo luận nha các bạn: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của vybeo292

    * * *

    Đêm Trung Thu năm nay đẹp thật đấy, tôi tự nhủ trong lòng, đôi mắt vẫn mải mê ngắm bầu trời buổi tối, lác đác những ánh sao thưa, cùng vầng trăng tròn vành vạnh. Vốn dĩ trời đã vào tiết thu mát mẻ, nhưng giữa một "binh đoàn" trẻ em đang vui đùa chạy nhảy xung quanh, điều đó cũng đủ làm trán tôi ướt đẫm mồ hôi.

    - Chị ơi! Nhanh lên, nhanh lên đi! Chúng ta cũng đi rước đèn ông sao thôi chị! - Đứa em thấy tôi còn đang bình thản bước đi, nó kéo kéo tay tôi, giọng nói giục giã.

    Nói là rước đèn ông sao, nhưng tôi nhìn con bé, trên tay nó chẳng có cây đèn ông sao nào cả, chỉ có chiếc đèn chạy bằng pin kêu inh ỏi, kèm theo "phụ kiện" là đôi cánh bướm đồ chơi, cùng chiếc vương miện nhỏ lấp lánh trên đầu. Tôi gật gật đầu với cô em gái của mình, rồi thầm thì dặn nó:

    - Hay em đi cùng chị Hương với cả thằng Nam đi, để chị ấy dắt cả hai đứa đi cùng nhau luôn. Chứ chị.. chị đi chậm lắm. - Nói xong, tôi mím môi ngăn cái ngáp chán nản vừa định xuất hiện.

    Nó đưa tay lên cằm, suy nghĩ có vẻ nghiêm túc lắm, làm cho tôi cười khúc khích trước cái điệu bộ đáng yêu ấy. Suy đi tính lại một hồi, nó đồng ý, còn vô cùng quan tâm tôi mà bảo:

    - Đi rước đèn xong chị về nhà chị Hương nhé, em ở đấy đợi chị! Chứ chị mà về một mình, thể nào cũng bị bố mẹ mắng cho mà xem! - Nhanh nhanh chóng chóng dặn cho xong, nó vẫy tay tạm biệt tôi, thân hình bé bỏng xen lẫn vào đám đông.

    Tôi cũng vậy, quay đầu định thoát khỏi dòng người "tí hon" đông nghẹt này, về nhà tiếp tục mấy ván bài vẫn đang chờ đợi với lũ trẻ hàng xóm, thì vô tình đập vào mắt một hình ảnh thật đặc biệt. Hòa mình vào đám đông, có một cụ bà mái tóc đã bạc trắng gió sương, được búi gọn thành một búi bằng nắm tay trẻ con.

    Quần áo của bà với những họa tiết đơn giản, màu sắc Bà một tay giữ cây gậy, run run bước từng bước chầm chậm, còn tay kia, thì cầm một chiếc đèn ông sao be bé.

    Tôi từ từ tiến sát lại gần bà, để ý kĩ thì nhận ra, chiếc đèn ông sao của bà có lẽ đã cũ kỹ từ thuở nào rồi. Giấy bóng màu của đèn đã bạc phếch, phai đi màu sắc rực rỡ vốn có của nó, để bước vào độ tuổi già đơn điệu. Hình như, bà đến không phải với mục đích là để trông trẻ như tôi, mà bà ở đây, với tư cách là một người già đang sống trong thế giới trẻ thơ của mình.

    Bước chân tôi như bị níu lại, để tôi được ngắm bà lâu thêm một tí, để tôi được cảm nhận câu chuyện của bà qua từng điều nhỏ một..

    Bà cụ đi rất chậm, lại rất nhanh mệt, cứ một đoạn ngắn, bà lại ngồi xuống bên chiếc ghế đá ven đường hồ, thư thái nghỉ ngơi. Bà dừng, tôi cũng dừng lại. Dường như, việc chờ đợi bà đối với tôi không phải là chuyện gì to tát cả, thứ mà tôi sẽ cảm thấy phí thời gian nếu đi với đứa em của mình.

    ***

    Chẳng bao lâu sau, bà kiệt sức. Chọn một chỗ ngồi được che phủ bởi bóng cây xào xạc tươi mát, tự dưng, bà quay lại phía tôi gọi.

    - Ra đây ngồi với bà không, cô bé ơi? Bà cũng chẳng biết lần này ngồi, sẽ ngồi bao lâu nữa, vậy nên để cháu đứng đấy mà chờ bà thì sẽ mệt lắm đấy.

    Tôi giật mình, giống hệt một đứa trẻ đang làm việc sai lại bị phát hiện. Do dự một hồi, tôi đành mặc kệ tất cả mà đến bên bà, ngồi xuống chỗ mà bà dành cho tôi. Chiếc đèn cũng có riêng một phần ghế cho riêng mình. Nó được đặt nằm ngay ngắn trên đùi của bà, yên lặng nghỉ ngơi cùng người bạn của mình.

    - Cầm lấy miếng bánh này đi, bánh bà tự làm đấy! - Bà nhiệt tình dúi vào tay tôi một phần tám miếng bánh, còn trên tay bà là phần còn lại, nhưng rồi bà bảo. - Nhưng để tí về nhà rồi hẵng ăn cháu ạ, bây giờ ngoài đường nguy hiểm lắm, con gái là phải cẩn thận đấy!

    - Dạ cháu cảm ơn bà ạ! - Tôi đưa hai tay nhận miếng bánh, cúi đầu cảm ơn bà.

    Miếng bánh nướng nhân đậu xanh được cắt thành tám nhỏ nhỏ xinh xinh. Lớp vỏ dày vừa đủ, màu nâu vàng khiến cho tôi nhìn thôi cũng khẽ nuốt nước bọt. Phần đậu xanh nghiền nhuyễn ngọt ngào, tỏa ra hương thơm thoảng nhẹ của mùi đường và mùi đỗ đậu.

    Bà đưa miếng bánh lên môi, cắn một miếng nhỏ, vừa nhai vừa mỉm cười. Tôi tò mò vị bánh, nên chỉ cắn một chút, bởi còn nhớ lời bà dặn.

    - Bánh ngon quá bà ơi! - Tôi thốt lên, nhanh nhảu ăn thêm một miếng nữa với mong muốn cảm nhận lại hương vị vừa rồi.

    Độ xốp của vỏ bánh, vị ngọt ngào, hương thơm quyện lại với nhau, làm tôi mê mẩn. Bà nhìn tôi, ánh mắt hiền lành giống như bà tiên trong câu chuyện cổ tích.

    - Thật à cháu? - Bà hỏi, giọng nói vui vẻ.

    - Vâng bà ạ! - Đáp lại bà là giọng nói cùng cái gật đầu hào hứng của tôi. - Cháu ước bà của cháu cũng như bà, có thể cảm nhận được hương vị tuyệt diệu này! Bà cháu chẳng bao giờ ăn bánh Trung Thu cả, bởi bà bảo đồ ngọt không tốt cho người già.

    Nửa câu sau, tôi đáp lại bà với giọng buồn bã mà tôi chẳng thèm che giấu. Như thể bà là người bạn thân quen của tôi, người mà tôi có thể chia sẻ mọi điều vậy. Dường như, bà cũng nhận ra nỗi buồn hiện lên trong đôi mắt của tôi, nên chẳng để tôi lạc lối vào những kí ức không đẹp đẽ lắm ấy, bà tiếp lời.

    - Bà cháu nói thế là đúng đấy, bà cũng già rồi, phải bớt ăn đồ ngọt lại. Thế nhưng.. - Bà cụ ngừng lại, nháy mắt với tôi vô cùng tươi vui. - Bà nghĩ ăn một vài miếng cũng chẳng sao đâu! Tết Trung Thu mà không có bánh Trung Thu thì gọi gì là Tết chứ?

    Điệu bộ gần gũi, dễ mến của bà làm cho tôi nhoẻn miệng cười. Tôi thường tưởng rằng nói chuyện với người già sẽ thật khó khăn, bởi cách biệt tuổi tác, suy nghĩ, sở thích sẽ tạo thành rào chắn giữa hai người. Vậy mà, sự dễ gần của bà lại làm tôi dường như quên mất cái rào chắn vô hình này, để hai tâm hồn được trở về với sự trẻ thơ.

    Dạn dĩ hơn một chút, tôi và bà thoải mái ngồi nói chuyện với nhau, về đủ mọi thứ trên đời. Mỗi chủ đề vừa xuất hiện, cả hai chúng tôi đều vui vẻ bàn tán, cười đùa, và tiếng cười cùng hòa quyện với tiếng gió hiu hiu của đêm thu trong trẻo. Bà bật cười thích thú với từng câu chuyện nhỏ, đôi má cùng những nếp nhăn hằn rõ với nụ cười của bà.

    Chiếc đèn ông sao nãy giờ nằm trên đùi bà đã rơi xuống đất. Tôi nhận ra, đưa tay nhặt lên đưa bà, đôi mắt chăm chú về phía chiếc đèn ông sao với vẻ tỏ mò.

    - Chiếc đèn ông sao này nhỏ thật đấy bà nhỉ? - Ngón tay tôi sờ khẽ khàng chiếc cán gỗ, điệu bộ như sợ chỉ cần bản thân mạnh tay, nó sẽ gãy mất.

    - Thật vậy à? Cái đèn này là bố của bà làm tặng bà đấy! - Bà nhận lấy chiếc đèn, cười tự hào khoe, nhưng không quên kèm theo cái nháy mắt trêu tôi. - Tất nhiên là không thiếu công lao của bà rồi!

    - Vâng vâng! Tất nhiên là không thiếu công lao của bà rồi! - Tôi cười khúc khích lặp lại cậu nói ấy, gật đầu liên tục để hưởng ứng với bà.

    Hai bà cháu cười vang, rồi khi tiếng cười ngớt, bà bỗng nhiên bước vào thế giới trầm tư của riêng mình. Đôi bàn tay gầy của bà lướt trên mặt giấy kính bóng của cây đèn ông sao, bà mở lời, hoài niệm một câu chuyện xưa.

    - Ngày trước, lễ Trung Thu vui lắm cháu ạ! - Bà cảm thán.

    ***

    Cái Tết Trung Thu trong câu chuyện của bà có mâm ngũ quả, có gia đình quân quần bên nhau, có lũ trẻ nối đuôi nhau đi rước đèn. Nó còn có vầng trăng tròn vành vạnh, có những vì sao sáng như những hạt kim tuyến mà chị Hằng trên cung trăng vô tình đánh đổ trên bầu trời tối thăm thẳm.

    Nghe vậy, dường như bạn cho rằng những thứ đó thì có gì lạ, hiện tại cũng kiếm được đúng không? Tôi cũng cảm thấy như vậy, chỉ là câu chuyện ấy đến từ kí ức trẻ thơ của bà. Nó sống động tựa như đang hiện lên trước mắt tôi, từng quang cảnh, từng quang cảnh một.

    Tôi ngỡ như đang nhìn thấy một người bố đang vụng về lấy từng thanh tre buộc lại cho thật chắc làm khung, rồi dán các lớp giấy bóng kính vào từng ô, lấp lánh sặc sỡ từng màu. Đôi bàn tay ông to rộng, trên mấy ngón tay có vài ba vết chai, thay lời than vãn cho một công việc cực khổ.

    Vừa làm xong chiếc đèn, ông đã đứng bật dậy, sung sướng cầm mấy chiếc đèn đưa mấy người con, đứa trẻ nào thấy xong cũng đều cười thật tươi, hàm răng còn sún vài chỗ nhưng vẫn nhe ra đáng yêu. Ông bố đứng đó ngắm các con của mình, niềm vui còn lớn hơn cả mấy đứa bé.

    Câu chuyện ấy của bà lại đến với hình ảnh một gia đình đông đúc, đang nhộn nhịp xếp mâm ngũ quả. Người mẹ ngắm nhìn chiếc mâm, rồi mới bắt tay vào việc sắp xếp từng loại quả lên. Những đứa trẻ lớn hơn thì chạy vui vẻ xung quanh, nhăm nhe đợi chờ được "phá cỗ", chỉ có riêng cô bé nhỏ nhất, tầm năm, sáu tuổi là ngồi cạnh mâm, cũng cố gắng học theo mẹ.

    Bé gái ấy ngắm một hồi, như hiểu ra, cô nhóc bắt đầu lựa chọn lấy một thứ, đặt lung tung lên chiếc mâm. Mẹ cô không nói gì cả, nụ cười nguyên vẹn trên môi, để yên cho cô con gái của mình sáng tạo. Ông bố đang ngồi gần đó pha ấm chè nóng thấy vậy, vươn tay ra bế con, cười tươi mà khen.

    - Con gái bố giỏi quá đi mất!

    - Con muốn xếp tiếp với mẹ! - Cô bé phản đối, làm mọi người đều cười vui vẻ.

    Rồi vầng trăng sáng và những vì sao xuất hiện trong câu chuyện ấy của bà cụ, làm câu chuyện lấp lánh thứ ánh sáng huyền ảo ngọt ngào. Hình ảnh "binh đoàn tí hon" ấy dường như không thay đổi theo năm tháng thời gian. Ý nghĩ ấy làm tôi mỉm cười, ánh mắt nhanh nhẹn lướt qua đoàn trẻ em trong dòng kí ức ấy. Tìm thấy cô bé kia.

    Em cầm chiếc đèn ông sao nhỏ xíu của bố mình làm cho, nắm lấy bàn tay của anh chị mình, tung tăng vung vẩy cây đèn. Những cô cậu bé cầm chiếc đèn của riêng mình, không như sự phong phú về mấy cây đèn bây giờ. Cây đèn bé nhỏ của em cùng bao cây đèn ông sao khác, tạo nên một cảnh tượng mà tôi chẳng thể tìm thấy ở hiện tại.

    ***

    - Dần dần, cô bé ấy lớn, và cũng dần dần, chiếc đèn ông sao ấy cũng bị lãng quên.. - Bà nghẹn ngào, giọt nước mắt lăn rơi. - Guồng công việc xô bồ đưa cô ấy đi mất, biến cô bé ngày nào còn trẻ thơ thành một người phụ nữ bận rộn vì cuộc sống, vì gia đình nhỏ của mình.

    Bà với tôi cùng ngẩng mặt lên nhìn bầu trời, ánh sáng từ vầng trăng cùng những vì sao lác đác ấy chẳng giống trong miêu tả long lanh kia chút nào cả. Bà nói tiếp, buồn bã lau đi những giọt nước mắt.

    - Đến một ngày cô nhận ra, bản thân cần sống từ từ lại, thì mọi thứ đã trôi qua mất rồi. - Tiếng thở dài của bà nhuốm đậm sự tiếc nuối. - Những ánh sao vẫn ở yên vị trí của nó, cháu à, chỉ là giờ đây dù cháu có cố gắng bao nhiêu nữa, cháu cũng không thể nhìn thấy bầu trời lung linh ấy. Chỉ bởi vì, ánh đèn thành phố đã át tất cả đi rồi..

    "Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu


    Cán đây rất dài cán cao qua đầu

    Em cầm đèn sao em hát vang vang


    Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan.

    Tùng rinh rinh tùng tùng tùng rinh rinh

    Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn

    Tùng rinh rinh rinh rinh tùng rinh rinh

    Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi."

    Tiếng hát của bà ngân lên, mang nét khàn khàn của giọng người già, nhưng vẫn không giấu được sự trong trẻo vốn có của nỏ. Tôi lặng yên nhìn, và ngay lập tức, tôi cũng nhanh chóng cất giọng hát của mình, hòa vang với giọng hát của bà.

    "Tùng rinh rinh tùng tùng tùng rinh rinh


    Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn

    Tùng rinh rinh rinh rinh tùng rinh rinh

    Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi."

    Bình thường, tôi là đứa rất hay ngại, đến giao tiếp bình thường với người lạ ở nơi công cộng, tôi còn thấy khó, chưa nói gì đến việc hát. Ở bên bà, tôi làm đủ thứ không phải tôi của bình thường. Tôi thoải mái hơn, tự tin thể hiện chính mình hơn, tự tin cười đùa nói chuyện.

    Hai chúng tôi nhanh chóng thu hút những người qua đường. Họ bước từ tốn lại, không còn là những bước dài dồn dập như trước nữa. Dừng lại, họ đứng vây quanh tôi với bà, đôi bàn tay bắt theo nhịp điệu, vỗ từng nhịp một. Một chàng thanh niên chẳng ngại ngần nữa, anh tiếp nối những câu hát của tôi.

    "Đây đèn ông sao sao năm cánh tươi vàng


    Ánh sao sáng ngời chiếu miền non ngàn

    Em cầm đèn sao em hát vang vang

    Đây ánh hòa bình đuổi xua loài xâm lăng."

    Cuối cùng, mọi người vây quanh cất tiếng hát. Chúng tôi hòa ca!

    "Tùng rinh rinh tùng tùng tùng rinh rinh


    Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn

    Tùng rinh rinh rinh rinh tùng rinh rinh

    Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi.

    Tùng rinh rinh tùng tùng tùng rinh rinh

    Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn

    Tùng rinh rinh rinh rinh tùng rinh rinh

    Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi."

    Tiếng vỗ tay vang dội, tôi cũng giơ tay lên, tự dành tặng cho bản thân một món quà vô giá đêm Trung Thu. Bà cụ quay qua tôi nắm lấy bàn tay tôi, bà khóc nức nở, vừa cười vừa khóc trong niềm vui vô bờ.

    - Cảm ơn cháu! Cảm ơn cháu đã làm sống lại những khoảnh khắc trẻ thơ của cô bé ấy! Giờ bà phải tạm biệt cháu rồi, bà phải đi nốt quãng đường rước đèn ông sao của mình đây! Cảm ơn cháu rất nhiều nhé, cô bé ngoan!

    Tôi mỉm cười đáp lại bà.

    - Đừng bà ơi, ở đây, cháu mới là người cần cảm ơn! Cảm ơn bà vì kí ức đèn ông sao!

    The end!
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng mười 2020
  2. Uất Phong

    Bài viết:
    196
    Chào Beo!

    Chị thay mặt các thành viên trong BGK Event Trung Thu gửi đến em tổng hợp nhận xét của các BGK nhé. Quá trình chấm và nhận xét của từng người là riêng biệt nhưng lời nhận xét sẽ được tổng hợp lại để tránh trùng ý và em dễ theo dõi nhé.

    1. Ảnh bìa:

    Hình ảnh dễ thương nhưng kích thước ảnh quá nhỏ, font chữ đẹp nhưng quote bị chìm vào nền nên không đọc được nội dung, tổng thể chưa được hài hòa.

    2. Nội dung:

    - Ưu điểm:

    + Đúng chủ đề, Trung Thu là trung tâm của câu chuyện và giúp phát triển toàn bộ mạch truyện.

    + Truyện hay, hấp dẫn: Thông minh và khéo léo khi mượn cuộc gặp gỡ tình cờ của hai bà cháu và câu chuyện của người bà để kết nối hai thế hệ, kết nối hai câu chuyện Trung thu của thời trước và hiện tại, từ đó kết nối hai bà cháu với nhau, lan truyền thông điệp tích cực đến mọi người. Hình ảnh gần cuối truyện là một hình ảnh đẹp, mang tính cộng đồng, có sức lan tỏa.

    + Cốt truyện sáng tạo: Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng có nhiều yếu tố sáng tạo, đặc biệt là ý tưởng chính của truyện với hình ảnh một bà lão đi đón Trung Thu theo một cách rất đặc biệt.

    + Văn phong: Văn phong tốt, nhẹ nhàng, cách hành văn mượt mà, chỉn chu, vận dụng linh hoạt yếu tố miêu tả giúp câu chuyện bay bổng, mềm mại.

    - Nhược điểm:

    + Đoạn đầu triển khai câu chuyện chưa tốt, đoạn sau mới gây ấn tượng mạnh.

    + Lỗi chính tả, đánh máy: Điệu độ => điệu bộ, bước chầm chập => bước chầm chậm, cháy cũng không thể => cháu cũng không thể.

    + Lỗi diễn đạt: Ở một số câu, cách hành văn chưa mượt: "Giờ bà phải tạm biệt cháu rồi, quãng đường rước đèn ông sao của mình đây!"

    Trên đây là tổng hợp nhận xét của BGK. Cảm ơn Beo đã mang đến event Trung Thu một câu chuyện hay và sáng tạo. Mong rằng em sẽ tiếp tục cố gắng để có thêm nhiều bài viết hay trong tương lai nhé.

    Thành phần BGK: @Phaledenvo @Nhật Thiên Thanh @Thiên Túc @Mạnh Thăng @Uất Phong
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...