Tên truyện: Không thể giải quyết Tác giả: Khống Thể loại: Truyện ngắn. Ngày viết: 23h45 7/6/2018 Dựa trên những chi tiết đời thường mà anh quan sát được từ nhiều gia đình. Anh sẽ viết những cái điển hình, không viết những cái lí tưởng hạnh phúc. KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT Chiếc xe đạp dựng ngoài vỉa hè, sát về phía cửa sắt. Nhà tôi ở mặt đường, nên không có sân nhỏ mà đất tận dụng hết để thiết kế ngôi nhà. Nếu như chiều không đi học, có lẽ tôi đã cất xe vào tận trong phòng khách. Không phải vì tôi lười đâu, tại vì con đường phố này khá thấp, lại được cái hệ thống cống thoát nước bị hỏng nhiều đoạn do xe conteiner đi lại quá tải, do vậy vào mùa mưa phố rất hay ngập lụt, sau vài lần tôi phải tát nước từ trong nhà ra, y như ca khúc Lụt Từ Ngã Tư Đường Phố mà chú Tự Long cất ca, có hôm còn bắt được cả cá, thì bố cũng trùng tu sửa sang nâng thềm nhà lên cao nửa mét so với mặt đường. Trong quá trình sửa sang, bố đã quên mất chỉ xây ba bậc thang để bước lên, do vậy, mỗi lần tôi phải bê xe mới cất được vào trong. Mà xe đạp điện có phải nhẹ nhàng gì, ngang ngửa con Wave của anh hai vẫn hay chở tôi đi phượt vào mỗi độ hè. Nặng muốn hộc máu. Bố ngồi thu chân lên ghế, khom người tỳ cằm lên đầu gối, tay phải cầm nhip từ từ hạ chiếc kim đồng hồ, yên tĩnh đên mức tôi cảm tưởng bố còn nín thở để tập trung cao độ vậy. Bố khá là yêu công việc, có khi còn yêu hơn cả cô con gái như tôi. - Con chào bố. Nhỏ giọng cất tiếng thông báo với bố, tôi đi thẳng vào phòng ngủ. Thay đổi quần áo, trút bộ đồng phục nóng bức treo lên móc, khoác lên bộ váy lửng thoải mái, tôi vòng qua phòng bếp, mở tủ lạnh, lấy một bọc rau muống đã được mẹ nhặt sạch sẽ sẵn sàng từ tối qua. Miếng thịt heo được đặt trong bát inox giã đông để ngay bệ rửa, tôi ấn ngón tay kiểm tra độ cứng, thật may là bố không quên bỏ nó ra, không thì chắc tôi phải mất khá nhiều công phu để giã đông thịt mất. Mẹ tôi đi làm cả ngày, nên mỗi phiên chợ thường mua hẳn một cân thịt, cắt từng miếng nhỏ đóng túi nhét ngăn đá để hai bố con tôi ăn dần. Đấy là bữa trưa. Còn tối, đi làm về, mẹ sẽ mua đồ tươi về. Tôi cũng không biết điều này diễn ra từ bao giờ. Quá lâu để tôi nhớ lại. Giờ mọi thứ đã thành thói quen, nề nếp gia đình tôi rồi. Tôi nhìn đồng hồ điểm 12 giờ trưa, tôi ló đầu ra phòng khách: - Bố ơi, thịt luộc hay xào hay nấu. Bố trả lời một câu quen thuộc: - Con nấu gì bố ăn nấy. Tôi hụt hẫng, dạ một tiếng, lười biếng quăng miếng thịt vào xoong nước luộc, đổ túi rau vào chậu nước lạnh rửa qua một lần, đổ nước rửa đi, thay nước mới, ngâm một chút muối. Mẹ nói, bây giờ rau dưa phun thuốc kinh lắm, phải rửa thật sạch. Với kiến thức hạn hẹp, thì tôi vẫn không hiểu ngâm muối liên quan gì với thuốc sâu, bởi nước muối không phải chỉ để sử dụng với trứng giun trứng sán thôi sao. Có lẽ ngâm như vậy sẽ đánh vào tâm lí ngon miệng yên tâm hơn chăng? Cơm bố đã cắm không biết lúc nào, lúc tôi về thì nồi đã nẩy, cơm cũng chín. Tôi mở vung, dùng mui cơm đảo cơm cho tơi xốp, hơi nước bốc ra nghi ngút, trắng hết cả cặp kính đít chai dày cộp, che hết tầm nhìn, tôi khó chịu lấy ngón tay lau qua mắt kính, đậy nắp nồi cơm. Bố đứng dậy khỏi bàn làm việc, vươn người, vặn mình sang hai bên, xương cột sống kêu rắc hai cái. Mệt mỏi bẻ cổ xoa nắn, bố vào phòng tắm, vò hai bàn tay dính nhớt bằng xà bông, sau mới xả nước đầy hai lòng bàn tay tạt lên mặt cho tỉnh táo, với lấy khăn mặt lau khô. Tôi cặm cụi bóc từng nhánh tỏi, bố đi qua, dừng lại nhìn vào, rồi lại đi ra phòng khách, ngồi xuống ghế bành, cầm chiếc remote bật TV. Tiếng nhạc nền của chương trình Chuyển động 24h, tôi suýt té ngã. Bố căn giờ chuẩn thật. Vặn nhỏ bếp lửa cho cháy liu riu, tôi chạy ra ngồi cạnh bố, cách một khoảng nhất định. - Bố ơi. – Tôi nhìn thẳng vào sườn mặt bố, một góc nghiêng thần thánh mà không phải chính diện đối mắt. - Gì? - Mắt bố vẫn hướng về phía màn hình, tựa như không có gì có thể khiến bố dời đi lực chú ý. - Bố có bận không ạ? - Lúc nào chẳng có việc? – Bố hạ nhỏ âm thanh TV xuống, tiếng nhạc quá to khiến lời nói đã nhỏ như muỗi của tôi càng trở nên bập bõm khó nghe – Có chuyện gì? Tôi mới rụt rè nói: - Hôm nay, lớp con bắt đầu đăng kí thi tốt nghiệp với đại học, con.. vẫn chưa biết chọn trường nào. Không gian bỗng im lặng một cách thật lạ lùng, khiến tôi cũng quên cả thời gian. Dường như, có một bức rào cản vô hình ngăn cách giữa chúng tôi. Mọi người luôn chất vấn rằng: Tại sao trách cứ bố mẹ không hiểu con cái muốn gì, trong khi bản thân lại không phải là người chủ động nói ra? Nhưng thực ra cái điều đáng để soi xét suy ngẫm, không phải là việc chúng ta nhận ra rằng không thể nói chuyện với bố mẹ, mà là chúng ta không biết làm cách nào để nói chuyện với họ. Cái dũng khí để cất lên lời, nó lớn lao, và khó khăn còn hơn cả việc trải qua những kì thi qua môn. Cản trở bởi tuổi tác thế hệ, cản trở về suy nghĩ tư tưởng của người đi trước, khiến bản thân mỗi một người con, không phải dễ dàng nói lên tiếng lòng mình với bố mẹ. Có lẽ, có người, cả đời chỉ giới thiệu với bố mẹ người mình yêu khi đã có công việc ổn định. Có mấy ai thực sự dám nói với bố mẹ mình có người yêu khi còn lứa tuổi học sinh không? Dám nắm tay trước mặt hai ông bà phụ huynh "cổ hủ" không? Bố mẹ không cổ hủ. Mà là họ vẫn chưa chấp nhận sự thật rằng con của họ đã lớn, họ vẫn cho rằng đứa trẻ cao 1m65 nặng 45 kg vẫn là cái đứa mới ngày nào chui tọt ra khóc oa oa rúc vào lòng bố mẹ khìn khịt ngủ, mà đã là bé bỏng, thì suy nghĩ cửa miệng của họ là: Bé tí tuổi đầu, yêu đương cái gì? Có lẽ, thứ đáng để bố mẹ hỏi con cái, không phải là hôm nay con chơi với ai, thân thiết với nhiều người không, có ghét ai không, có bị ai đánh không, có bị bắt nạt không, mà là.. bài kiểm tra có làm được không, điểm số thế nào.. Với họ, đánh giá phẩm chất con cái, có lẽ là thông qua việc học. Con học giỏi, học khá, thì mặc định nó ngoan, chăm, hiền lành. Không hay đi đâu, chỉ ở nhà học thì nói với hàng xóm cháu nhà tôi nó nhát lắm, chẳng dám đi đâu blo blah.. đó là nhát ư? Vậy là nhờ kết quả học tập, từ bà hàng xóm đến tận bà cuối ngõ, có thể đánh giá được bản thân con cô A, bà B là một người thế nào. Chứ chẳng nghĩ con quen biết nhiều bạn bè là hòa đồng, nhát như vậy có bị bắt nạt ở trường không, hay học nhiều như vậy, có thời gian trên trường để vui chơi hay không. Tôi miên man suy nghĩ đâu đâu, đến nỗi đã bay xa khỏi quỹ đạo mục đích ban đầu. - Mùi cháy. – Bố cuối cùng cũng cất lời, cắt đứt mạch suy nghĩ dài lê thê của tôi, nhưng lại là một câu gần như khiến tôi sét đánh ngang tai chết đứng. - Thôi chết, con quên nồi rau! Cạn nước! – Tôi hốt hả chạy vội đi tắt bếp. Bữa cơm diễn ra khá không thoải mái khi nửa đĩa rau muống xào tỏi của tôi bị đen khét nẹt, và mặt bố hầm hầm khiến mấy lần tôi nghẹn không nuốt nổi miếng cơm. Tôi biết bố đang tức lắm, muốn mắng tôi lắm nhưng cố nhịn cho qua bữa. Cơm đến miệng mà còn không xong, thì nghĩ gì đến đại với chẳng học nữa. Tôi chỉ muốn tìm một cái lỗ nào đó chui xuống, tránh ánh mắt của bố mà thôi. Bát đũa được hạ xuống, tôi cuống cuồng bê mâm dọn đi, xếp bát vào chậu, lấy giẻ, bóp một lượng dầu Mỹ Hảo, vò tạo bọt, bắt đầu rửa bát. Bố lấy một chiếc tăm trong lọ xỉa răng, uống một ngụm nước, chưa có ý định rời bàn ăn. Thông thường, ăn xong, bố sẽ về phòng đánh một giấc ngắn đến khi tôi chuẩn bị đi học thì tỉnh. Có lẽ vì tác phong của tôi phát ra âm thanh khá ồn ào, thành một thói quen, đồng hồ báo thức để bố thức giấc. Bữa ăn, bố vẫn luôn duy trì im lặng ăn, không nói chuyện, không xem phim. Từ từ ăn thưởng thức, ngon hay dở, bố vẫn ăn, rất từ tốn. Có lẽ, với bố, đã qua cái thời kì vội vã tuổi trẻ, ở tầm trung niên, bắt đầu chuyển từ chạy đua thì giảm tốc, bước thong thả, ngắm hoa cỏ trên đường thay vì cắm mặt mũi vào con đường sự nghiệp. Thực ra ngay từ nhỏ, bố đã hướng cho tôi theo ngành nhất định rồi. Việc tôi hỏi bố, có lẽ chỉ để làm màu mà thôi. Mà thực ra, mục đích tôi hỏi, là bố cho phép tôi vào trường nào. Còn dùng tiền của bố mẹ, thì vẫn chịu sự quản lí của bố mẹ. Đói là điều mà tôi được dạy. Bố rút một điếu thuốc, châm lửa. Tôi biết, bố đang suy nghĩ. Mỗi lần cần sự tập trung, khơi dậy đam mê nhiệt huyết, hay chỉ đơn giản là thèm thuốc, bố sẽ châm một điếu. Mẹ rất hay cằn nhằn vì bố vẫn chưa chịu bỏ thuốc. Mỗi lần bố khạc ra đờm hay ho khan vài tiếng, mẹ sẽ lại nói bóng gió: - Đấy! Nói không chịu nghe! Tính mang bệnh cho cả nhà mới chịu đây? Thực ra tôi biết mẹ không độc miệng như vậy. Mẹ là lo cho sức khỏe của bố. Và tất nhiên, một đứa trẻ như tôi còn biết điều đó, há nào người đàn ông từng trải gần 50 năm cuộc đời như bố có thể không nhận ra. Có lẽ vì thế, bố không hay hút khi mẹ ở nhà, có thể bố sẽ lái con xe "ghẻ" lượn ra sân bóng, làm vài trận bóng bàn để khuây khỏa, vụng trộm rít một điếu thuốc lào mà không để mẹ phát hiện, hoặc như lúc này. Bố biết tôi sẽ không mách mẹ. Tôi là một người ưa yên tĩnh. Như bố tôi. Nên sẽ không vì một điếu thuốc mà để mẹ to tiếng cả một buổi tối. Tất nhiên tôi cũng lo lắng hai lá phổi của bố, nhưng với tính cách của bố, tôi biết bố có chừng mực nhất định. Chiếc bát cuối cùng được úp lên giá, tôi lau tay vào khăn, quay lại giật mình vì bố vẫn ngồi nguyên vị trí không rời, điếu thuốc tàn chỉ còn lại đầu mẩu. Đôi mắt mơ hồ của bố nhìn tôi trở nên tinh tường minh mẫn: - Con đã nghĩ ra được khả năng của mình nên chọn trường nào chưa? Câu hỏi bất ngờ của bố làm tôi đơ người vài giây không kịp dọn dẹp não bộ. Dường như mọi khái niệm định nghĩa trong đầu tôi đang vỡ vụn. Tôi không bao giờ nghĩ, bố sẽ đặt câu hỏi này, tựa như chưa bao giờ bố hỏi qua ý kiến của tôi, mà chỉ là.. chỉ là bố quyết định, và tôi là cấp dưới thực thi. Tôi cảm giác không nên hy vọng quá sớm, biết đâu bố chỉ hỏi dò, hoặc cắt nghĩa của bố khác với suy luận của tôi. - Con.. con còn khả năng gì khác ngoài ngành bố chọn chứ? - Sao lại không? – Bố mở điện thoại, lướt màn hình gạt qua mấy cái, rồi đặt trước mặt tôi –Bố thấy trường này khá là hay, con thử tìm hiểu xem. Tôi nhìn màn hình cảm ứng, mặt nóng ran, cảm tưởng như phát sốt. Tay hơi run rẩy nâng máy lên nhìn cho rõ hơn, tôi cảm giác như mình đang nhìn nhầm. Tôi cảm giác đây không phải thực nước mắt trong hốc trực dâng trào. Tại sao bố có thể biết? Tại sao bố có thể biết? Đây, là ngôi trường tôi thầm chôn giấu không bao giờ nói lên lời. ________HẾT_________