Mở Bài Người Lái Đò Sông Đà - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 10 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Mở bài "Người lái đò sông Đà" – Nguyễn Tuân

    [​IMG]

    Phần mở bài trong một bài văn nghị luận có vai trò vô cùng quan trọng. Mở bài không đơn giản chỉ là nêu vấn đề nghị luận. Muốn đạt điểm cao, tạo ấn tượng cho người đọc, mở bài ngoài đảm bảo yêu cầu chung, còn cần phải hay, sáng tạo.

    Phần mở bài thường có 3 nội dung chính:

    + Dẫn dắt vấn đề: Nêu một vài vấn đề liên quan đến vấn đề cần bàn, chuẩn bị tư tưởng dẫn người đọc, người nghe vào vấn đề bàn luận đặt ra ở đề bài. Dẫn dắt vấn đề cần sáng tạo, gây sự chú ý.

    + Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài. Vấn đề mà mở bài nêu ra chính là vấn đề mà nội dung bài viết cần làm sáng tỏ. Nêu vấn đề cần cách ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ.

    + Nêu giới hạn vấn đề: Nêu được phạm vi bàn luận trong khuôn khổ nào (1 tác phẩm, 1 đoạn trích văn xuôi, 1 khổ thơ)

    Phần nêu vấn đề và giới hạn vấn đề thường giống nhau. Mở bài hay hoặc không hay khác nhau chủ yếu ở phần dẫn dắt vấn đề. Có nhiều cách để dẫn dắt vấn đề: Đi từ tác giả tác phẩm, từ hoàn cảnh sáng tác, từ đề tài, từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt..

    Mở bài có hai dạng: Trực tiếp và gián tiếp:

    - Mở bài trực tiếp: Đề cập trực diện vấn đề, dẫn dắt đơn giản (Giới thiệu tác giả, tác phẩm, thời gian, không gian, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm).

    - Mở bài gián tiếp: Mở bằng câu chuyện, mở bằng cách nêu câu hỏi, đi từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt..

    Sau đây là một số mở bài gián tiếp cho bài văn nghị luận về đoạn trích "Người lái đò sông Đà" – Nguyễn Tuân.

    Mở bài 1:

    Có một Đà giang đã từng chảy qua trang thơ của Quang Lâm:

    "Sông chảy qua, lòng vang lên lời hát

    Dòng Đà giang là lạ gió vùng cao"

    (Nhớ sông Đà)

    Đó cũng là con sông gợi thương gợi nhớ trong thơ Trần Quang Quý:

    "Sông Đà dâng lên những quả đồi đất đỏ trung du

    Tôi ôm dòng sông nghe giai điệu bè trầm ngàn xưa kể chuyện

    Gác lên sông những lườn cong nhớ

    Môi phù sa khép bóng hoàng hôn

    Mãi khuấy trong tôi nhịp những con thuyền"

    (Sông Đà)

    Như vậy, sông Đà không phải lần đầu tiên đi vào thơ văn. Nhưng qua cảm nhận của mỗi người nghệ sĩ, sông Đà lại được khám phá với những góc nhìn riêng, vẻ đẹp riêng. Bởi lẽ "Thế giới không phải được tạo lập một lần mà mỗi một lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là một lần thế giới lại được tạo lập", nên cũng là dòng sông ấy, qua trang văn tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên như một công trình mỹ thuật tuyệt vời của tạo hóa với hai vẻ đẹp đầy ấn tượng: Hùng vĩ, dữ dội và đằm thắm, trữ tình. Con sông của tạo hóa vốn đã độc lạ, con sông chảy qua trang văn Nguyễn Tuân còn độc lạ gấp nhiều lần. Với "Người lái đò sông Đà", ngòi bút Nguyễn Tuân như "tung hoành sảng khoái giữa dòng thác cuồn cuộn của ngôn từ, buộc ngôn từ dựng lên ghềnh thác, buộc nhịp điệu dựng lên sóng gió" khiến cho sự hung bạo dữ dằn của sông Đà khúc thượng nguồn hiện lên thật sống động và truyền cảm. Đoạn văn: "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới [..] Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới" là minh chứng sinh động cho điều đó.

    Mở bài 2:

    Là nhà văn của chủ nghĩa "xê dịch", luôn luôn có ý thức "thay thực đơn cho giác quan", Nguyễn Tuân đã tìm đến với sông Đà – con sông Tây Bắc với dòng chảy đầy cá tính:

    Chúng thủy giai đông tẩu

    Đà giang độc bắc lưu

    (Mọi con sông đều chảy về đông

    Riêng sông Đà ngược lên phía bắc)

    Phải chăng chính dòng chảy đầy cá tính chẳng giống với "chúng thủy" của Đà giang đã thu hút cái nhìn của người nghệ sĩ, để rồi người nghệ sĩ ấy say mê nó, tạc nó vào trang văn của mình như tạc một công trình mỹ thuật tuyệt vời của tạo hóa với hai vẻ đẹp đầy ấn tượng: Hùng vĩ, dữ dội và đằm thắm, trữ tình. Con sông của tạo hóa vốn đã độc lạ, con sông chảy qua trang văn Nguyễn Tuân còn độc lạ gấp nhiều lần. Với "Người lái đò sông Đà", ngòi bút Nguyễn Tuân như "tung hoành sảng khoái giữa dòng thác cuồn cuộn của ngôn từ, buộc ngôn từ dựng lên ghềnh thác, buộc nhịp điệu dựng lên sóng gió" khiến cho sự hung bạo dữ dằn của sông Đà khúc thượng nguồn hiện lên thật sống động và truyền cảm. Đoạn văn: "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới [..] Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới" là minh chứng sinh động cho điều đó.

    Mở bài 3:

    Nhắc đến Nguyễn Tuân, ta nhớ ngay đến một nghệ sĩ tài hoa uyên bác, người luôn luôn kiếm tìm, khám phá và thể hiện cái đẹp với một niềm say mê kì lạ. Niềm say mê cái đẹp ấy đã khiến nhà văn tạo ra cho mình một cái nhìn nghệ thuật riêng: Khám phá và thể hiện thiên nhiên, con người từ góc độ văn hóa, thẩm mĩ. Đặc sắc phong cách đó của Nguyễn Tuân thể hiện rõ nét qua tác phẩm "Người lái đò sông Đà" (in trong tập tùy bút "Sông Đà" – kết quả của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của Nguyễn Tuân năm 1958). Với kiệt tác này, Nguyễn Tuân đã đặc biệt thành công trong việc biến vùng sông nước ấy thành nghệ thuật, thành một niềm gợi cảm mênh mông. Sông Đà qua ngòi bút tài hoa độc đáo của Nguyễn Tuân, không còn là thực thể vô tri vô giác mà như một cá thể có tính cách riêng: Hung bạo, dữ dằn mà vẫn trữ tình, đằm thắm. Đoạn văn: "Thuyền tôi trôi trên sông Đà [..] nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên" vừa dựng lên bức tranh thơ mộng, mĩ lệ của sông Đà giang khúc hạ nguồn vừa thể hiện những nét độc đáo trong quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân.

    Mở bài 4:

    Nhận xét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, Anh Đức viết: "Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng". "Người lái đò sông Đà" có thể coi là một minh chứng sinh động cho nhận xét trên. Tác phẩm đã thể hiện những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân khi viết về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Là một con người yêu thiên nhiên tha thiết, lại đam mê kiếm tìm cái đẹp, ông viết về cảnh sắc sông Đà với những phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về núi và sông, về cỏ cây trên một vùng đất nước bao la, hùng vĩ và thơ mộng. Đoạn văn: "Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần [..] phết vào bản đồ lai chữ" không chỉ là một bức tranh đẹp về dòng sông Đà trữ tình được họa bằng ngôn từ mà còn thể hiện những nét tài hoa độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân.

    Mở bài 5:

    Nguyễn Tuân vốn là một nghệ sĩ lãng mạn. Bởi thế, ông không thích những thứ nhàn nhạt, bình thường mà ưa thích những gì dữ dội, phi thường. Người ta gọi Nguyễn Tuân là nhà văn của những tính cách phi thường, của những cảm giác mãnh liệt, của gió bão rừng thiêng thác ghềnh dữ dội, của cổng trời Hà Giang, của bông thủy tiên nở đúng lúc giao thừa, của bông tuyết đầu mùa Leeningrat.. Mỗi khi đối diện với những cảnh tượng phi thường, tuyệt mĩ, Nguyễn Tuân thường huy động kho ngôn từ giàu có, phong phú của mình cùng những tri thức thông tin đồ sộ để xây dựng hình tượng như muốn ganh đua cùng tạo hóa. Tùy bút "Người lái đò sông Đà" nói chung và đoạn trích: "Hùng vĩ của sông Đà không chỉ có thác [..] cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn" đã bộc lộ những nét độc đáo đó trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng tư 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...