Review Sách Khí Tiết Thời Mở Cửa - Ngọc Thủy

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi dongda, 4 Tháng năm 2021.

  1. dongda

    Bài viết:
    40
    Khí tiết thời mở cửa

    Tác giả: Ngọc Thủy

    Thể loại: Truyện và ký

    Tình trạng: Đã xuất bản

    Reviewer: Lê Quang Huy

    [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của dongda

    [​IMG]

    Sau 1975, lịch sử dân tộc chuyển sang một thời kì mới: Bảo vệ và xây dựng cuộc sống bình yên cho nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh, đất nước dần thay da đổi thịt, dần dần đi vào quĩ đạo của con đường đổi mới, nhưng những dư âm của cuộc chiến thần thánh vừa qua vẫn là dấu ấn khôn nguôi cho những người cầm bút. Đề tài chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Những tính cách cao đẹp xuất hiện trong chiến tranh không những không mất đi mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đọc "Khí tiết thời mở cửa" của tác giả Ngọc Thủy không chỉ cuốn hút tôi ở những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn trong thời chiến, cùng vượt lên những hoàn cảnh nghiệt ngã ở thời bình để biểu lộ cái phẩm chất quý giá của người lính, đó là lòng nhân đạo, là bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ ở mọi thời điểm mà còn giúp tôi tìm được những tư liệu mang giá trị lịch sử.

    Tôi khâm phục ở tác giả Ngọc Thủy là chị quyết đeo đuổi đề tài cho dù phải lặn lội những nơi xa xôi hẻo lánh tìm gặp cho được những người con ưu tú của Tiền Giang, gặp từng người mẹ, người anh, người chị quả cảm và phát hiện nhiều điều độc đáo, tạo dựng nên những hình tượng văn học bi tráng, xúc động. Xuất thân từ quê hương có truyền thống cách mạng, là cái nôi của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, là một trong những địa phương trong chiếntranh bị địch càn quét liên tục nên hầu hết các tác phẩm xoay quanh mô tả sự gian khổ, những cam go thử thách, những chiến công oanh liệt, những thành quả tinh thần, những chiến thắng ý chí ở chiến trường hào cùng với đó là những khó khăn, trăn trở của người lính sau ngày đất nước thống nhất bước vào thời buổi kinh tế thị trường. Nhân vật trung tâm là người chiến sĩ say sưa lý tưởng, những vùng đất, những người dân sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh. Chất anh hùng ca trở thành chủ đạo. Những trang viết như còn mang hơi thở của chiến trận với niềm lạc quan cổ vũ cho thắng lợi. Sử rất cao. Những bài ký như Vành đai một thời hào hùng, 30-4, cái ngày cả đời không quên, Xuân 68 và trận đánh thần kỳ.. không đơn thuần là những bài ký văn học bình thường mà trong đó còn ẩn chứa giá trị lịch sử rất cao. Ở đây ta dễ dàng nhận ra những đia danh với những trận đánh cùng nhiều nhân vật tên tuổi một thời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Tiền Giang như: Chỉ huy đánh địch đầy mưu trí, táo bạo. Có lẽ xuất thân từ người lính nên chị Ngọc Thủy đã khai thác đầy đủ tính cách của người chiến sị giải phóng đến từng chi tiết nhỏ nhặt như anh Năm Hóa trước khi đi "Anh cúi xuống rút lại quai dép.." sau đó "Anh đứng lên, vỗ vỗ vào vai tôi và Trí rồi lẩn vào bóng đêm" (Cái thời để nhớ). Đó chính là đặc điểm trước khi đi của người nông dân Nam Bộ vừa gần gũi, chân chất, bộc trực đến từng lời nói, cử chỉ qua tác phẩm của mình. Hay như truyện "Biến đau thương thành sức mạnh" tôi biết thêm "giùi" là gì. "Chúng tôi bàn nhau" giùi "vào căn cứ của huyện Cai Lậy để ngủ qua đêm. Gọi là" giùi "vì không có người dẫn đường chúng tôi phải tự gỡ lựu đạn gài, cắt lối đi" Từ đây mới biết ".. Thằng địch gài trái có tầng, có lớp, chứ ta gài như mạng nhện, không có kinh nghiệm không có gì gỡ nổi. Có lúc 3 – 4 mét, lúc 5 – 6 mét chúng tôi gặp một trái cổ đỏ". Quả thật, chỉ có những người am hiểu chiến trường mới tường tận những việc nhỏ nhặt này. Có thể bây giờ ta thấy đó là bình thường, nhưng thử hỏi 5 – 10 năm hay xa hơn nữa, thế hệ con cháu chúng ta có biết không nếu chị Ngọc Thủy không đưa vào bút ký của mình. Có lẽ chính tình cảm gắn bó thủy chung ân nghĩa với người dân địa phương đã mang đến cho nhà văn một cảm hứng dạt dào về đất và người Nam Bộ. Những con người hồn nhiên, bộc trực, căm thù ngùn ngụt quân cướp nước đã đi vào trang viết của chị như những anh hùng với nét rất riêng trong tâm lí, ngôn ngữ, thể hiện tính cách riêng của con người Nam Bộ.

    Không những thế, đọc "Khí tiết thời mở cửa" còn thấy được tấm lòng của người dân Tiền Giang với Bác Hồ. Dù chỉ có hai truyện ghi lại lời kể của đại tá Phan Hồng Lạc và trung tá Nguyễn Văn Tơ nhưng cũng nói lên tình cảm thiêng liêng của những người được may mắn gặp vị lảnh tụ kính yên của dân tộc. Xúc động dâng trào chính họ phải thốt lên "Ôi, sao Bác giống ông ngoại mình quá! Giống từ râu tóc, đến bộ bà ba màu nâu giản dị kia. Nhưng dáng Bác rất ung dung, thư thái; cái phong độ ấy thì không ông lão nào có được". (Biến đau thương thành sức mạnh). Câu chuyện của "Khí tiết thời mở cửa" – được chọn làm tựa sách - nhân vật không còn đơn điệu, thế giới nội tâm được khai thác triệt để. Đoạn mô tả tâm trạng day dứt của ông Bảy Đường khi quyết định ký hay không ký xác nhận cho Ba được tác giả đẩy lên cao trào của câu chuyện. "Một kẻ ăn trắng mặc trơn, chân không lâm bùn, tai không nghe tiếng súng - trong khi đồng bào mình ngày đêm đấu tranh, sống chết với giặc - trở thành đồng đội của ông? Không, ông không thể làm như vậy. Nhưng vợ ông, người vợ cả đời hy sinh, thay chồng nuôi con, nuôi cả cha mẹ chồng suốt những năm chiến tranh loạn lạc, lẽ nào bây giờ vì bảo vệ khí tiết của mình ông lại để vợ hy sinh lần nữa. Mà lần này có lẽ ông không còn cơ hội để bù đắp cho bả nữa. Ông Bảy không khóc nhưng hai hàng nước mắt lâm thầm ăn dài tr6n đôi má nhăn nheo của ông. Ông thua rồi. Hồi xưa bị giặc bắt, bị bao cực hình tra tấn ông vẫn không đầu hàng, mà bây giờ chịu thua chỉ vì vài triệu bạc". Đây không chỉ vấn đề mang tính gia đình của ông Bảy mà còn mang tính thời sự sâu sắc. Đã có những người nhắm mắt làm ngơ mà ký xác nhận chứ lương tâm không cắn rứt như ông Bảy. Khuyết điểm của ông Bảy là một trường hợp như được nhấn mạnh để nhắc nhở: Đừng để mất lòng tin của quần chúng, đừng làm hổ thẹn cho quá khứ đẹp đẽ của chính mình. Có lẽ vì thế mà tác giả có hai câu kết giúp cho ông Bảy Đường có phần thanh thản "Ông Bảy không biết rằng những người như ông là vốn quý của Đảng. Nếu ông không xứng đáng thì còn được mấy người xứng đáng?" . Đó là một cái kết hay mang lại cho người đọc những bài học kinh nghiệm sống vô giá.

    Qua tác phẩm, bằng ngòi bút của mình, tác giả Ngọc Thuỷ tiếp tục làm rõ những giá trị truyền thống bền vững của con người Việt Nam trong chiến tranh; mặt khác, xuất phát từ yêu cầu cuộc sống hiện tại, tìm ra trong chiến tranh những bài học, những kinh nghiệm quý báu nhằm góp phần can thiệp vào những vấn đề nóng hổi và phức tạp của cuộc sống hôm nay. Nhưng câu chuyện của chị không cố ý kể về chiến tranh mà chị mượn cái không gian truyện để nói rằng: Giữa sự tàn khốc của chiến tranh, của hận thù tràn ngập vẫn có những khoảnh khắc lóe sáng, thăng hoa của nhân văn và cái đẹp thông qua những truyện như: Thằng bé giữa mênh mông, Đối tác của trái tim tôi.. đã nói lên điều đó.

    Dưới góc độ một giáo viên dạy lịch sử tôi đã tìm ra được nhiều nội dung, chi tiết lịch sử khá thú vị có thể lồng ghép vào nội dung giảng dạy trong phần lịch sử địa phương. Điều cốt lõi là thông qua tác phẩm "Khí tiết thời mở cửa" đã toát lên được lòng tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ở mọi vùng miền Tổ quốc.

    ---HẾT---​
     
    Gill thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...