Review Sách Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không - PAUL KALANITHI

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Đinh Hoài, 15 Tháng hai 2021.

  1. Đinh Hoài

    Bài viết:
    6
    Khi hơi thở hóa thinh không

    -PAUL KALANITHI-

    Một câu chuyện về ung thư, về sự sống và cái chết,

    Hay một câu chuyện về cuộc đời..

    * * *

    Khoảnh khắc của sự sống đầu tiên, cái chết đầu tiên, việc để mất bệnh nhân đầu tiên khi là một bác sĩ nội trú thần kinh học – lạnh lùng và đầy ám ảnh.

    Những lần thất bại và chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân trong nước mắt.

    Sự lạnh lùng của khoa học, và chính kiến của tác giả về nghề bác sĩ.

    Mình chọn cuốn sách này để bình luận, bởi nó vô cùng gần gũi với sinh viên Y. Hiểu hơn về con đường mình lựa chọn khi còn đang cặm cụi trên giảng đường là điều không một sinh viên nào từ chối.

    Cuốn sách không dài nếu không muốn nói là quá ngắn. Nhưng giá trị mang lại thì vô cùng to lớn. Nếu không đọc nó, bạn sẽ bỏ lỡ gì? Là việc thời gian có ý nghĩa như thế nào trong tình cảnh bệnh tật và phải đối mặt với cái chết. Đi cùng mạch câu chuyện là hành trình tìm đến đam mê về thần kinh học, quá trình học tập tại trường Yale, chương trình nội trú ở Stanford, được chính thức trở thành giáo sư cùng nhiều hứa hẹn rồi bị chẩn đoán ung thư phổi vào năm 36 tuổi - khi đang trên đỉnh cao của sự nghiệp và đủ khả năng làm một người chồng như mong muốn.

    * * *

    Là tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh, Khi hơi thở hóa thinh không được BS. Paul Kalanithi viết trong giai đoạn đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác. Các sự kiện trong cuốn sách đều dựa trên hồi ức của anh về những tình huống có thực giúp ta hình dung một cách rõ ràng nhất bức tranh về cuộc sống trong bệnh viện.

    "Trường Y đã làm sâu sắc hơn những hiểu biết của tôi về mối quan hệ giữa ý nghĩa, cuộc đời và cái chết", tác giả viết, "Dù làm việc trên những thi thể với khuôn mặt phủ kín và tên tuổi là một ẩn số, bạn sẽ thấy đặc thù con người của họ thình lình xuất hiện - như khi mở bụng một thi thể, tôi thấy hai viên moocphin còn chưa tan hết cho thấy anh ta đã chết trong đau đớn, có lẽ một mình và loay hoay lần mò nắp chai thuốc".

    Bất ngờ được chẩn đoán ung thư phổi ở tuổi 36..

    Quãng thời gian đấu tranh với bệnh tật, từ một bác sĩ trở thành một bệnh nhân, những cơn đau không còn là trên lý thuyết, nó trở nên thực tế đến mức tàn nhẫn. Đó là khi nhân sinh quan của người bác sĩ được hoàn thiện nhất.

    Đây cũng là cao trào của tình yêu giữa anh và Lucy, người anh gặp trong năm đầu trường Y, và giờ là vợ anh, không ở bên nhau nhiều nếu không muốn nói là ít, nhưng họ nghĩ về nhau. Và quan trọng nhất, khi câu nói "Anh cần em" thốt lên một cách yếu ớt thì Lucy là người đỡ lấy anh, nắm chặt tay mỗi khi anh quằn quại vì cơn đau, cho đến giây phút anh đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Hơn nữa, cuộc đấu tranh tâm lí về quyết định có con khi nhận được chẩn đoán ung thư phổi cũng làm chúng ta suy ngẫm khi hòa mình vào mỗi trang sách.

    * * *

    "Cuộc đời này có gì tươi đẹp đến mức chúng ta cần phải sống tiếp?" Đây là câu hỏi định mệnh đã định hướng cuộc đời BS. Paul Kalanithi, thôi thúc anh nghiên cứu thần kinh học. Chẳng ngờ đến lúc sắp bước qua ranh giới của sự sống anh mới tìm ra câu trả lời thực sự.

    Anh nói "Trong ngành Y, kỹ năng hoàn hảo và xuất sắc là yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp. Ý định tốt chẳng bao giờ là đủ, nhất là khi có quá nhiều thứ phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ, khi mà sự sai khác của thảm kịch và tự do chỉ cách nhau có vài milimet. Ý định tốt không bao giờ là lý do cho sai lầm của người bác sĩ, đó là trách nhiệm nặng nề một bác sĩ phải mang trên vai".

    Thật khó để đọc xong cuốn sách và quên nó đi..

    Còn cảm nhận được hơi thở tức là còn sống..

    Bạn đã theo đuổi thứ mình yêu thích đến cùng ít nhất một lần chưa?

    Cái chết có phải cái kết tồi tệ nhất?

    Hãy tìm ra câu trả lời và đó là lý do mà Khi hơi thở hóa thinh không là một tác phẫm vĩ đại.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...