Mở rộng: Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân và những ngữ liệu dùng để liên hệ, so sánh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 26 Tháng sáu 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Dẫn chứng mở rộng Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân



    [​IMG]

    Điểm sáng tạo cho bài văn nghị luận từ lâu được đưa vào khung điểm chính thức của biểu điểm, đáp án các kì thi. Sáng tạo trong văn nghị luận thể hiện qua nhiều khía cạnh: Cách dùng từ, đặt câu, cách kiến tạo câu văn, cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật, cách vận dụng kết hợp các thao thác lập luận, cách so sánh, liên hệ mở rộng.. Vậy làm thế nào để đạt được số điểm sáng tạo, với đoạn nghị luận xã hội là 0.25 điểm và bài nghị luận văn học là 0.5 điểm? Tôi xin chia sẻ một cách (trong nhiều cách) để đạt điểm sáng tạo, đó là phải biết vận dụng liên hệ so sánh thêm với những ngữ liệu có liên quan đến tác phẩm nghị luận.

    Liên hệ mở rộng Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân


    Mở bài mở rộng Người lái đò sông Đà



    Đoạn mở bài (hoặc đoạn khái quát sau mở bài) có thể liên hệ các ngữ liệu là những câu thơ viết về sông Đà:

    Có một Đà giang đã từng chảy qua trang thơ của Quang Lâm:


    "Sông chảy qua, lòng vang lên lời hát

    Dòng Đà giang là lạ gió vùng cao"

    (Nhớ sông Đà)

    Đó cũng là con sông gợi thương gợi nhớ trong thơ Trần Quang Quý:


    "Sông Đà dâng lên những quả đồi đất đỏ trung du

    Tôi ôm dòng sông nghe giai điệu bè trầm ngàn xưa kể chuyện

    Gác lên sông những lườn cong nhớ

    Môi phù sa khép bóng hoàng hôn


    mãi khuấy trong tôi nhịp những con thuyền"

    (Sông Đà)

    Như vậy, sông Đà không phải lần đầu tiên đi vào thơ văn. Nhưng qua cảm nhận của mỗi người nghệ sĩ, sông Đà lại được khám phá với những góc nhìn riêng, vẻ đẹp riêng. Bởi lẽ "Thế giới không phải được tạo lập một lần mà mỗi một lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là một lần thế giới lại được tạo lập", nên cũng là dòng sông ấy, qua trang văn tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên như một công trình mỹ thuật tuyệt vời của tạo hóa với hai vẻ đẹp đầy ấn tượng: Hùng vĩ, dữ dội và đằm thắm, trữ tình. Con sông của tạo hóa vốn đã độc lạ, con sông chảy qua trang văn Nguyễn Tuân còn độc lạ gấp nhiều lần. Với "Người lái đò sông Đà", ngòi bút Nguyễn Tuân như "tung hoành sảng khoái giữa dòng thác cuồn cuộn của ngôn từ, buộc ngôn từ dựng lên ghềnh thác, buộc nhịp điệu dựng lên sóng gió" khiến cho sự hung bạo dữ dằn của sông Đà khúc thượng nguồn hiện lên thật sống động và truyền cảm. Đoạn văn: "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới [..] Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới" là minh chứng sinh động điều đó.


    Thân bài mở rộng Người lái đò sông Đà



    - VD 1. Phân tích các câu văn: "Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy", ta có thể liên hệ đến ngữ liệu trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường như sau:

    Sau những câu văn miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của vách đá sông Đà, là những câu văn gây ấn tượng về sự hung bạo của sông Đà quãng mặt ghềnh Hát Loóng: "dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy". Câu văn có nhịp ngắn, nhanh, dồn dập kết hợp với các thanh sắc, những từ ngữ trùng điệp nối tiếp thế chỗ nhau trong các cụm từ ngữ đã tái hiện một cách sinh động sự dữ dội đến hung bạo của con sông qua hình ảnh nước, sóng, gió, và đá sông Đà. Mặt nước sông Đà quãng này cuồn cuộn những con sóng dữ vút lên, chồm lên nhau tạo cảm giác ghê rợn, hãi hùng.

    Từ láy "gùn ghè" kết hợp hình ảnh so sánh mang đậm sắc thái nhân hóa về việc sóng gió trên mặt ghềnh Hát Loóng "lúc nào cũng đòi nợ xuýt" bất cứ người lái đò sông Đà nào qua đấy đã khiến người đọc hình dung rõ nét sự hung hãn, lì lợm, cuồng bạo của dòng sông Tây Bắc.

    Đọc câu văn của Nguyễn Tuân miêu tả về sông Đà, bất chợt khiến ta nhớ đến dòng sông Hương vùng thượng nguồn trong trang kí Hoàng Phủ Ngọc Tường - dòng sông như "một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn". Những ngòi bút tài hoa đã tạo nên trang viết "nở hoa" - trang viết có khả năng khơi dậy trong trí tưởng tượng của người đọc về hai dòng sông hùng vĩ, dữ dội cuồn cuộn trôi đi giữa cơ thể đất nước.

    - VD2. Phân tích câu văn: "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân..", ta có thể liên hệ đến ngữ liệu trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường như sau:

    Có thể nói, "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.." là một câu văn tuyệt bút, ghi dấu ấn tài hoa của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật tả cảnh, từ cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, đến âm hưởng, giọng điệu. Nhịp điệu ngân nga, trầm bổng của câu văn góp phần gợi tả những nét thi vị thật đặc biệt của dòng sông. Câu văn dài chỉ có một dấu ngắt duy nhất, kết hợp với điệp ngữ "tuôn dài" đem đến ấn tượng về sự liền mạch, bất tận của dòng sông, gợi hình ảnh dòng sông uốn lượn quanh co tuôn chảy từ những dãy núi hùng vĩ của biên giới Tây Bắc, miên man chảy về đồng bằng, lặng lẽ hòa vào sông Hồng rồi tha thiết đổ ra biển.. Những thanh bằng liên tiếp ở đầu câu văn cũng làm tăng thêm sự yên ả, êm đềm, bình lặng cho dòng sông những quãng trung lưu về đến hạ nguồn.

    Dưới con mắt tài hoa đậm chất nghệ sĩ của Nguyễn Tuân, Sông Đà như mái tóc mềm mại đang ôm lấy thân hình trẻ trung, gợi cảm đầy sức sống của người thiếu nữ Tây Bắc. Cách so sánh dòng sông như một áng tóc trữ tình đã đem đến cho sông Đà nét đằm thắm, duyên dáng đầy nữ tính mà không hề làm mất đi sự hùng vĩ của nó.

    Về vẻ đẹp mềm mại, nữ tính này, sông Đà có nét rất giống với sông Hương trong bút kí: "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường: "người ta luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi", "từ đây, như đã tìm đúng đường về, dòng sông vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long". Các câu văn đều được viết bằng sự thăng hoa của tâm hồn, các nhà văn như"đề thơ vào sông nước", khiến chúng hiện lên với vẻ đẹp đậm chất thẩm mĩ.

    - VD3. Phân tích thác dữ sông Đà (Đoạn "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.." ) , ta có thể liên hệ như sau:

    Sông Đà không chỉ hùng vĩ, dữ dội ở cảnh "đá bờ sông dựng vách thành", cảnh mặt ghềnh Hát Loóng "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm", cảnh những cái hút nước "xoáy tít đáy".. mà còn nguy hiểm ở trùng trùng điệp điệp những thác nước sông Đà.

    Sông Đà có cả thảy bảy mươi ba cái thác như bảy mươi ba cạm bẫy luôn rình rập và sẵn sàng ăn chết bất cứ chiếc thuyền nào đi ngang qua đó. Sự chất chồng, liên tiếp của thác dữ sông Đà đã từng đi vào câu ca xưa:


    "Đường lên Mường Lễ bao xa

    Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh"


    - VD4. Khi phân tích các câu văn: "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về", ta có thể liên hệ:

    Dòng sông mang màu sắc diệu ảo biến đổi theo mùa. Mùa xuân "dòng xanh ngọc bích" – một sắc xanh tinh khiết, trong trẻo làm say đắm lòng người. Nguyễn Tuân còn so sánh sắc xanh ấy với sắc xanh canh hến của sông Gâm sông Lô như một cách để khẳng định sắc màu rất riêng của sông Đà. Mùa thu nước sông Đà lại "lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa". Phép so sánh, kết hợp với từ láy tượng hình (lừ lừ), tình từ (bầm đi) vừa gợi tả dòng chảy nặng nề, điềm đạm và chậm rãi của con sông mang nặng phù sa thượng nguồn, vừa thể hiện sức mạnh tiềm tàng ẩn chứa bao hiểm nguy, cuồng loạn của một dòng sông vẫn "năm năm báo oán đời đời đánh ghen" với con người. Như vậy, trong cái hùng vĩ dữ dội, dòng sông vẫn có nét thơ mộng trữ tình, và trong cái thơ mộng trữ tình, nó vẫn ẩn chứa vẻ dữ dằn, nguy hiểm. Đó cũng là hai nét tính cách đối lập làm nên vẻ đẹp đầy cá tính của sông Đà trong thơ Quang Lâm:


    "Đẹp ngàn đời biển trời sông bát ngát

    Cá dầm xanh, anh vũ nhảy theo mùa

    Khi mùa lũ thác reo gầm dữ dội

    Thu chớm lạnh sóng nước lặng lờ trôi"


    (Nhớ sông Đà)

    - VD 5. Phân tích vẻ đẹp của người lái đò sông Đà, ta có thể liên hệ đến những câu thơ của Vũ Quần Phương:

    Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, người lái đò được khắc họa như linh hồn muôn thuở của sông nước miền Tây Bắc. Ông làm nghề lái đò đã hơn mười năm. Trên sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi, chính tay ông giữ lái độ sáu chục lần.. Kinh nghiệm và sự từng trải của người lái đò còn thể hiện, dòng sông Đà với bảy mười ba con thác nhưng ông đã lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đinh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả các con thác hiểm trở. Đối với ông đò, sông Đà như một trường thiên anh hùng ca mà ông thuộc lòng đến cả những cái chấm than chấm câu và cả những đoạn xuống dòng. Đến đây, ta băn khoăn tự hỏi, có phải chính vẻ đẹp của ông đò trong thiên tùy bút này đã gợi cảm hứng để nhà thơ Vũ Quần Phương viết lên những dòng thơ mộc mạc:


    "Tôi thuộc ngầm thuộc đá

    Tôi thuộc lũ, thuộc dòng

    [..]

    Sống cuộc đời sông nước

    Tôi lấy nước làm nhà

    Nước là bầu là bạn

    Tôi nhìn nước trên sông


    Gắng hiểu dòng dưới đáy"

    (Với sông Đà - Vũ Quần Phương)

    VD6. Khi phân tích tình cảm của Nguyễn Tuân dành cho sông Đà qua những câu văn: "Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân" ta có thể liên hệ:

    Nếu Quang Lâm nhớ sông Đà bằng cả trái tim, tấm lòng khi phải xa cách:

    "Lòng ở đây nhưng người không ở lại

    Nhớ sông Đà bằng trọn cả con tim"

    (Nhớ sông Đà)

    Thì Nguyễn Tuân lại vui đến ngỡ ngàng khi gặp lại con sông. Cảm xúc khi gặp lại sông Đà của Nguyễn Tuân được cụ thể hóa trong những so sánh bất ngờ, thú vị: "Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng". Nắng "giòn tan" là một ẩn dụ đẹp gợi tả cái nắng thật trong, thật sáng, nó tương phản hoàn toàn với cái u ám trĩu nặng của bầu trời những ngày "mưa dầm". Ai từng trải qua những ngày mưa dầm dãi đến thối đất thối cát lại chẳng mong một ngày nắng đẹp? Sự so sánh đậm chất thơ ấy giúp người đọc dễ dàng hình dung cảm giác trìu mến, nâng niu, vui sướng đến ngỡ ngàng của nhà văn khi gặp lại "cố nhân".

    Mấy ai có thể nối lại giấc chiêm bao đứt quãng, nên sự nối lại giấc mơ càng hi hữu bao nhiêu, càng đem lại cảm giác sung sướng, thú vị bấy nhiêu. Qua so sánh "vui như nối lại chiêm bao đứt quãng" có thể thấy đối với Nguyễn Tuân, cảm giác khi gặp lại dòng sông lần nào cũng tươi mới kỳ diệu như giấc mơ đứt quãng, được nối lại bằng một kết thúc đẹp. Và lần đối diện với dòng sông, Nguyễn Tuân cũng như được tận hưởng niềm vui chưa từng có trong đời, lần nào cũng như lần đầu tiên..

    VD7. Phân tích nét độc đáo trong ngôn ngữ Nguyễn Tuân, ta có thể liên hệ:

    Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân là thứ ngôn ngữ chính xác, gợi hình, biểu cảm. Đó là thứ ngôn từ gợi lên sự liên tưởng, tưởng tượng, gợi lên những rung cảm thẩm mĩ và ấn tượng khó phai ở người đọc.

    Không những thế, Nguyễn Tuân còn không ngừng làm mới những từ ngữ sẵn có để tạo nên một thứ ngôn ngữ độc đáo, mới lạ. Ví như khi ông tả hình dáng con sông, ông dùng những chữ "áng tóc trữ tình" chứ không phải là mái tóc, suối tóc, hay khi tả màu nắng, ông dùng những chữ "nắng giòn tan", nắng "Đường thi" chứ không phải nắng rực rỡ, tươi tắn như ngôn ngữ thông dụng. Ông đã mang đến một màu vị mới cho ngôn từ, khiến người đọc không thể không nán lại mà thưởng thức, chiêm ngưỡng. Có thể nói, từng câu, từng chữ mà ông đặt lên trang giấy là cả một quá trình sáng tạo công phu, cẩn trọng và thiêng liêng. Ông lựa chọn ngôn từ một cách trau chuốt, tỉ mỉ, đúng như
    nhà thơ Nga, Maiacốpxki có viết:

    "Phải tổn phí nghìn cân quặng chữ

    Mới thu về một chữ mà thôi

    Nhưng chữ ấy làm cho rung động

    Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài".


    Kết bài mở rộng Người lái đò sông Đà



    Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc nội dung ẩn nha: LINK

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Trên đây là một số dẫn chứng liên hệ Người lái đò sông Đà. Chú ý:

    - Khi liên hệ, so sánh, ta phải chỉ ra điểm tương đồng hoặc khác biệt giữa các ngữ liệu để đi đến những nhận xét, khái quát cần thiết.

    - Không nên lạm dụng thao tác này, mỗi bài nghị luận chỉ nên liên hệ, so sánh từ 2 - 3 ngữ liệu.

    Xem thêm:

    Phân tích vẻ đẹp sông đà qua đoạn: Hùng vĩ của sông đà không chỉ có thác đá

    Phân tích hình tượng sông đà qua đoạn văn: Còn xa lắm mới đến cái thác dưới
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng tư 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Thơ viết về sông Đà


    Dưới đây là một số bài thơ viết về sông Đà, các bạn tham khảo để có thêm tư liệu phong phú vận dụng liên hệ vào bài văn nghị luận về tác phẩm "Người lái đò sông Đà".

    Nhớ Sông Đà - Quang Lâm

    Sông chảy qua, lòng vang lên lời hát

    Dòng Đà giang là lạ gió vùng cao

    Mây cũng lạ, riêng tình người gần gũi

    Nhớ hương đêm thoang thoảng gió đi về

    Sông Đà ơi! Cùng tôi vang tiếng hát

    Sông lượn lờ trong trang sách làm thơ

    Giữa dòng đời thương ai lòng cách trở

    Chuyện sông Đà người hãy kể cùng tôi

    Đẹp ngàn đời biển trời sông bát ngát

    Cá dầm xanh, anh vũ nhảy theo mùa

    Khi mùa lũ thác reo gầm dữ dội

    Thu chớm lạnh sóng nước lặng lờ trôi

    Chưa kịp nhớ mà đã phải xa cách

    Khoảng sông chiều dòng máu là dòng sông

    Lòng ở đây nhưng người không ở lại

    Nhớ sông Đà bằng trọn cả con tim.

    Với sông Đà - Vũ Quần Phương

    Tôi đi với sông Đà

    Bao lần rồi vẫn lạ

    Tôi thuộc ngầm thuộc đá

    Tôi thuộc lũ, thuộc dòng

    Nhưng sớm nay cuối xuân

    Bổn đỏ bừng thân đuốc

    Một cây gạo ven bờ

    Cháy cả trời lẫn nước

    Cái tiếng hát bất ngờ

    Ào vào tôi bất chợt!

    Sống cuộc đời sông nước

    Tôi lấy nước làm nhà

    Nước là bầu là bạn

    Tôi nhìn nước trên sông

    Gắng hiểu dòng dưới đáy

    Sau ánh mắt lặng yên

    Vui buồn đâu dễ thấy

    Sông Đà quen thuộc ấy

    Nói hết cùng tôi chưa?

    Đêm trò chuyện với sông Đà – Thúc Hà

    Đêm sông Đà là lạ gió vùng cao

    Mây cũng lạ, chỉ vầng trăng quen biết

    Bóng tối thì thào chưa dứt lời tiễn biệt

    Với hoàng hôn trên sóng nước trôi êm..

    Tiếc mãi đến giờ hết tuổi hoa niên

    Tôi mới đến với dòng sông cô tích

    Sông từng trải lượn lờ trên trang sách

    Giữa dòng thơ quanh núi Tản bao đời..

    Hãy thề lòng lượng thứ, Sông Đà ơi!

    Xin được sống cùng sông giữa niềm vui trăn trở

    Hạnh phúc lớn như bào thai sinh nở

    Sông chuyển mình rồi đề hóa bao la!..

    Một tiếng gì âm vang rất xa

    Nghe sâu thẳm tự lòng sông dội tới

    Tiếng luộc dõi lo toan mong đợi

    Tiếng con người đang trút vợi niềm đau..

    Có phải tiếng em, cô gái da nâu

    Vết chai mới cộm bàn tay không nghỉ

    Hẳn lên vết chai xưa ngày chồng Mỹ

    Em thông đường.. mở lối mới cho sông!..

    Anh lính Trường Sơn có phải tiếng anh không?

    Vầng sáng nào xưa giục lòng anh hồi hả

    Xưa chiến trường, nay công trường chở đá

    Chưa kịp về xây gian bếp mới quê mình!

    Đêm lại dần gợi nhớ thuở xa xanh

    Lòng ta cạn, sông cứ là thăm thẳm

    Khoảng cách đôi ta là văng trăng ướt thẫm

    Có hay đâu sông đó cũng Ngân Hà!

    Vụt ngẩng đầu, lấp lánh sao sa

    Ta đặt trái tim giữa dòng nước chảy

    Dòng máu - dòng sông chảy qua tim ấy

    Sẽ bừng lên muôn nẻo sóng lung linh..

    Một tiếng gà vang xóm núi

    Bình minh!

    Đi thuyền trên sông Đà buổi chiều – Khương Hữu Dụng

    Trên mặt Đà giang dưới bóng chiều

    Trông qua Non Nước cảnh đìu hiu

    Trời giăng hắc ám luồng mây kéo

    Chuông giục hoàng hôn tiếng sóng reo

    Theo nước vởn vơ tăm cá lội

    Gọi bầy inh ỏi giọng chim kêu

    Thuyền ai thơ thẩn dòng sông đó?

    Tìm bến cùng ta gấp mái chèo!

    Sông Đà – Trần Quang Quý

    [..] Sông Đà dâng lên những quả đồi đất đỏ trung du

    Tôi ôm dòng sông nghe giai điệu bè trầm ngàn xưa kể chuyện

    Gác lên sông những lườn cong nhớ

    Môi phù sa khép bóng hoàng hôn

    Mãi khuấy trong tôi nhịp những con thuyền [..]
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười một 2021
  3. Sarah glad

    Bài viết:
    3
    Nhận định liên hệ mở rộng cho "Người lái đò sông Đà" - Nguyễn Tuân

    1. Phan Huy Đông

    Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ.. Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ. "

    2. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh

    ".. Nguyễn Tuân - một cây bút vốn

    Luôn khao khát những cảm giác mới lạ, nồng nàn, say đắm.. "Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con

    Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác, mà là một sinh thể có hoạt động, tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách có bản đối lập nhau như tác giả nói -" hung bạo và trữ tình.. "

    " Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phòng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa."
     
    Phượng Chiếu NgọcThùy Minh thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...