HƯƠNG RỪNG Hương rừng thơm đồi vắng Nước suối trong thầm thì Cọ xòe ô che nắng Râm mát đường em đi Hôm qua em đến trường Mẹ dắt tay từng bước Hôm nay mẹ lên nương Một mình em tới lớp Đường xa em đi về Có chim reo trong lá Có nước chảy dưới khe Thì thào như tiếng mẹ Trường của em be bé Nằm lặng giữa rừng cây Cô giáo em tre trẻ Dạy em hát rất hay Mũ rơm thơm em đội Hương cốm chen hương rừng Mỗi lần em tới lớp Hương theo em tới trường.. Minh Chính Đọc bài thơ ta như được ngắm một bức tranh đẹp, ta như được nghe một ca khúc hay về tuổi thơ. Hình ảnh cũng là nhân vật trung tâm của bài thơ là em học sinh đang tung tăng đến trường. Một cô bé (hay một cậu bé) miền núi đầu đội mũ rơm (dùng để chống mảnh bom của máy bay Mỹ thời đó) tới lớp trong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Trong bức tranh đó ta thấy có dòng suối trong thầm thì, có những cây cọ xòe ô che nắng, có một ngôi trường be bé nằm lặng giữa rừng cây và không thể không có "cô giáo em tre trẻ / dạy em hát rất hay".. Trong khúc ca ấy, ta nghe tiếng chim reo trong lá, tiếng nước chảy dưới khe được ví thì thào như tiếng mẹ và tiếng hát của cô trò giữa rừng cây rợp bóng. Bài thơ làm theo thể ngũ ngôn (mỗi câu 5 âm tiết) có tiết tấu, âm điệu nhịp nhàng, trong sáng như một dòng suối êm đềm chảy liên tục (không bị ngắt lại bởi một dấu phẩy nào). Bài thơ mềm mại dìu dặt hơn bởi tác giả dùng khá nhiều từ láy như: Thầm thì, be bé, tre trẻ.. Người ta nói: Trong thơ có họa, có nhạc là như thế đó các em ạ. Chưa hết, trên đường em tới lớp còn có hương cốm, hương rừng chen nhau quấn quýt thơm tỏa. Hương ấy, chính là hương mẹ, hương cô, hương núi, hương đồng, hương đất nước tỏa ngát tuổi tuổi thơ em..