Chân gà sả tắc là món ăn ưa thích của các tín đồ ăn vặt, là món nhậu cho các đấng mày râu. Vào những lúc rảnh rỗi, vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ cùng gia đình, bạn bè vừa nhâm nhi những chiếc chân gà giòn sần sật, chua chua ngọt ngọt, vừa nói chuyện phiếm thì còn gì vui hơn. Nghĩ đến chân gà sả tắc mà thèm. Chân gà sả tắc món ăn của các tín đồ ăn vặt Nhiều khi thèm, muốn ăn, mua bên ngoài thì lại không biết có vệ sinh hay không nên tốt nhất là tự tay làm tại nhà. Cách làm chân gà sả tắc cực kì đơn giản, tuy nhiên để chiếc chân gà không bị đắng, không bị mềm nhũn và nhìn ngon mắt thì cũng cần có chút ít kinh nghiệm. Và kinh nghiệm của mình sau đây, hi vọng sẽ mang đến món ăn vặt ưng ý cho các quý cô và các quý ông. Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm chân gà ngâm sả tắc: Việc đầu tiên để có món ngon là phải chọn mua nguyên liệu tươi, sạch. - Chân gà: Bạn nên chọn chân gà công nghiệp sẽ mềm, có nhiều thịt hơn, ăn ngon hơn. Khi chọn mua chân gà các bạn lưu ý chỉ chọn chân gà có màu tươi, hơi hồng nhẹ, sờ vào có độ đàn hồi và cứng nhất định. Tuyệt đối không chọn loại chân gà có màu quá trắng, đục, mềm, hơi bở vì khả năng đây là chân gà cũ đã được tẩy qua bằng hóa chất Bạn nên lựa những chân gà rút xương bán sẵn ở siêu thị sẽ dễ ăn hơn. Chọn mua chân gà ở những nơi uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho người dùng. - Gừng củ - Củ sả - Quả tắc (còn được gọi là quả quất) - Quả ớt chín đỏ - Củ tỏi - Lá chanh - Gia vị: Hạt nêm, đường, giấm, nước mắm, muối, tiêu đen - Rượu trắng, giấm gạo - Ngoài ra cần chuẩn bị bình thủy tinh, nồi nấu, muỗng quấy - Lưu ý: Nếu muốn ăn chua hơn, cay hơn, bạn có thể tăng lượng tắc và ớt. Cách làm chân gà ngâm sả tắc Bước 1: Sơ chế củ sả, quả tắc, gừng, tỏi, ớt, lá chanh - Củ sả bỏ đi lớp vỏ già, lấy phần non màu trắng xanh, rửa sạch. Sau đó, cắt cây thành hai phần: Phần ngọn và phần gốc to bên dưới. Phần gốc cắt lát mỏng, phần trên cắt khúc, đập dập. - Gừng nạo vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng - Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng - Tắc cắt đôi, đừng để nát, loại bỏ hạt để tránh bị đắng. - Hành tím bỏ vỏ, 1 phần cắt lát mỏng, phần còn lại đập dập. - Lá chanh rửa sạch, thái nhuyễn dạng sợi - Ớt đỏ 1 phần băm nhỏ, phần còn lại cắt khúc nhỏ hoặc để nguyên quả tùy thích. Sơ chế nguyên liệu Bước 2: Sơ chế chân gà Chân gà mang về chặt bỏ móng, loại bỏ phần da màng màu vàng, rồi đem ngâm 1 lúc với nước có pha rượu trắng hoặc giấm, sau đó xát kĩ với một ít gừng muối để khử mùi hôi, rửa sạch với nước bình thường, để ráo sau đó chặt chân gà làm đôi cho dễ ngấm gia vị, dễ ăn. Chân gà sau khi sơ chế Bước 3: Luộc chân gà Bắc nồi nước lên bếp đun, khi nước sôi bạn cho vào ít hành tím, gừng, sả đập dập cùng với ít hạt nêm, đường, giấm, rượu. Sau đó, cho chân gà vào luộc trong khoảng 8– 15 phút, không đậy nắp cho vừa chín tới, không luộc chân gà quá chín vì chín quá, chân gà sẽ bị mềm, dễ bị nứt, bở khi ngâm chân gà sẽ không được giòn, ăn sẽ không ngon. Luộc chân gà vừa chín tới Trong lúc luộc bạn chuẩn bị một chậu nước đá lạnh, để khi luộc xong cho ngay chân gà vào. Chân gà luộc xong, vớt ra cho liền ra một thau nước đá lạnh lớn ngâm khoảng 15-20 phút. Sau khi ngâm với đá lạnh, chân gà săn lại, giòn, giữ được màu sắc đẹp. Sau đó, vớt chân gà ra để ráo nước. Ngâm chân gà với đá lạnh Để đảm bảo chân gà có độ giòn lâu, nên cho vào trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 giờ trước khi ngâm. Lưu ý: Khi luộc chân gà, có thể vắt thêm nửa quả chanh để chân gà thêm trắng. Bước 4: Pha nước ngâm chân gà Phần quan trọng và quyết định đến vị ngon của món chân gà ngâm sả tắc không gì khác chính là nước ngâm. Pha nước ngâm chân gà theo công thức: 100ml giấm gạo, 100ml nước mắm, 500ml nước lọc, 300g đường, 1/2 muỗng cà phê muối. Khuấy thật đều, bắc lên bếp rồi đun sôi đến khi hỗn hợp tan hết rồi tắt bếp, để cho nguội. Nước ngâm chân gà sả tắc Lưu ý: Khi chế biến nước ngâm tuyệt đối không cho lá chanh, tắc vào cùng. Bước 5: Ngâm chân gà sả tắc Lấy chân gà đã chuẩn bị ở trên ra khỏi tủ lạnh. Cho chân gà và tắc, lá chanh, hành tím, tỏi, ớt, gừng, sả đã chuẩn vào hũ thủy tinh. Sau đó trộn đều để thấm đều gia vị. Ngâm trong bình thủy tinh Cuối cùng, bạn đổ nước ngâm ngập tất cả nguyên liệu, dùng vỉ nén bên trên để chân gà không bị nổi khỏi nước ngâm, đậy kín nắp, ngâm tối thiểu 3 tiếng, còn có thể cần 8 tiếng để gia vị thấm đều vào chân gà sẽ ngon hơn. Lưu ý: - Nước mắm ngâm phải thật nguội mới đổ chân gà và sả, tắc vào. Nếu nước còn nóng sẽ khiến chân gà bị đắng, nhớt và nhanh hỏng. - Chân gà phải được ngâm đổ ngập nước, đậy thật kín. Ngập trong nước mắm ngâm để không bị thâm, khô và thấm đều gia vị. - Nên dùng hũ thủy tinh lau khô để ngâm chân gà, vừa đẹp mắt vừa đảm bảo an toàn vệ sinh hơn các hũ nhựa. Bước 6: Bảo quản và thưởng thức Chân gà đã ngâm xong có thể dùng ngay hoặc cho vào hũ thủy tinh bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Chân gà dai giòn sần sật, mềm vừa, thấm vị chua vị cay của ớt, gừng, tỏi hòa quyện cùng nước mắm giấm đậm đà và thơm nồng mùi sả tắc đặc trưng. Cho hũ chân gà vào ngăn mát tủ lạnh dùng trong vòng 4 – 5 ngày, sau thời gian này chân gà sẽ không còn ngon và có thể bị hỏng. Món này chấm kèm muối tiêu chanh, muối ớt xanh có nặn thêm tắc và rau răm, đồ chua.. hay mắm cay chua ngọt đều rất ngon. Cách pha một số nước để chấm chân gà ngâm sả tắc: - Muối tiêu xanh- nước chấm chuẩn cho món chân gà sả tắc Nguyên liệu: Muối hột, đường, hạt nêm, sữa tươi không đường, lá chanh, chanh tươi, ớt chỉ thiên, bột tiêu, Muối tiêu xanh - Nước chấm chân gà ngâm sả tắc cực ngon từ gừng tươi: Nguyên liệu: Gừng tươi, củ tỏi, ớt, quả chanh, đường, hạt nêm, nước mắm Gừng tươi, tỏi, ớt giã nhỏ Sau khi có sản phẩm trên pha thêm với nước mắm, chanh, đường rồi nêm nếm cho hợp khẩu vị - Làm nước chấm chân gà sả tắc từ sữa đặc Nguyên liệu: Quả tắc, ớt, tỏi, đường, hạt tiêu, bột canh, sữa đặc. Cho các nguyên liệu vào quấy cho đều. Nước chấm ngon kết hợp với sữa Làm chân gà sả tắc không khó, chỉ cần bạn chịu khó một chút là có món ngon để ăn mà hợp vệ sinh mà rẻ nữa. Hãy bắt tay làm ngay vào cuối tuần bạn nhé!