Một số đề, bài viết tham khảo cho kiểu bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 19 Tháng chín 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Viết bài văn nghị luận (khoảng 800 chữ) so sánh đánh giá hai đoạn trích cùng tên Bố tôi của Cao Thị Ty và Nguyễn Ngọc Thuần dưới đây:

    BỐ TÔI

    Ngoại kể rằng Mẹ tôi mất sớm vì một căn bệnh hiểm nghèo khi hai anh em tôi vẫn còn rất nhỏ, lúc đó em tôi mới một tuổi, còn tôi mới lên ba, cú sốc quá lớn khiến Bố tôi sầu não ủ ê đến hàng mấy năm trời vẫn chưa nguôi ngoai.

    Hàng ngày ngoại trông nom chăm bẵm anh em chúng tôi để bố đi làm, nhưng cứ về đến nhà là bố lại ôm chúng tôi vào lòng vỗ về, chăm sóc cho chúng tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Bố không biết ru hay và ngân nga trầm bổng như ngoại, nhưng giọng của bố trầm ấm, bố ru chúng tôi bằng những bài thơ. Và bài ru mà tôi thường xuyên nghe nhất đó là bài "Bầm Ơi". Cứ mỗi lần bế chúng tôi lên võng hay lên giường là bố mở đầu bằng bài Bầm ơi, cứ vậy bố đọc đi đọc lại bài bầm ơi một lát là anh em tôi ngủ say, nhiều khi tôi thấy bố nghẹn ngào xúc động, nhất là những khi bố nhắc đến Tên Mẹ. Những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt bố. Thấy bố một mình cảnh gà trống nuôi con, vừa làm cha vừa làm mẹ quả là vất vả. Anh em họ hàng ngỏ ý khuyên bố tôi nên tục huyền, tìm người về làm mẹ kế mẫu để sớm hôm chăm nom, săn sóc cho bố con tôi, nhưng bố nhất định không đồng ý, Bố bảo: Cảnh dì ghẻ con chồng xưa nay tôi đã biết cả rồi, con người khác máu tanh lòng. Nhất là khi lại sinh thêm em bé nữa, chuyện con riêng con tây khó tranh khỏi sứt mẻ tình cảm, thế nên mọi người đừng khuyên tôi nữa.

    Và bố cứ vậy, lo lắng chăm sóc, thường hay mua quà bánh cho chúng tôi mỗi khi bố đi đâu xa về, hàng ngày bố luôn đến đón tôi trước giờ, chưa bao giờ bố để tôi phải đứng trước cửa trường chờ đợi! Khi tôi lên cấp hai bố mua cho tôi một cái xe đạp cũ, tôi vui vẻ cùng chúng bạn đi học, đi chơi.. tôi đâu biết hàng ngày bố vất vả làm đủ các nghề nặng nhọc như phụ hồ, đào ao, đào giếng.. cho đến một hôm bố ngã bệnh. Bố sốt ly bì mấy hôm không ăn uống được. Tôi vào bệnh viện thăm bố, thấy bố gầy sút xanh xao, tôi lo lắng và thương bố vô cùng, tôi nói với bố:

    - Bố ạ. Con xin phép nghỉ học để chăm cho bố nhanh khỏe lại nhé!

    Bố ân cần cầm tay tôi:

    - Bố không sao đâu, con cứ lo học cho giỏi và bảo ban em cũng vậy là bố nhanh khỏe thôi.

    Tôi ra về mà lòng bất an, chắc bố vất vả vì lo lắng cho chúng tôi nhiều quá nên mới đổ bệnh! Giá như Mẹ tôi còn sống thì, tôi phải làm sao để giúp đỡ cho bố bớt vất vả đây? Từ hôm đó tôi không vô tư học hành vui chơi như trước nữa, tôi nghĩ sẽ cố gắng tranh thủ sau thời gian học tập tìm kiếm thêm công việc làm để giúp đỡ gia đình, giúp đỡ cho bố bớt vất vả, ý định của tôi chưa kịp thực hiện thì không ngờ mấy hôm sau bố tôi qua đời! Tôi ân hận vô cùng. Bố ơi! Giá như con biết thương và giúp đỡ bố nhiều hơn.

    Cao Thị Ty

    BỐ TÔI

    Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ núi đồi hiểm trở, ông luôn dõi theo tôi.

    Bao giờ cũng vậy, ông mặc chiếc áo kẻ ô phẳng phiu nhất, xuống núi vào cuối mỗi tuần. Ông rẽ vào bưu điện để nhận những lá thư tôi gửi. Lặng lẽ, ông vụng về mở nó ra. Ông xem từng con chữ, lấy tay chạm vào nó, rồi ép vào khuôn mặt đầy râu của ông. Rồi lặng lẽ như lúc mở ra, ông xếp nó lại, nhét vào bao thư. Ông ngồi trầm ngâm một lúc, khẽ mỉm cười rồi đi về núi.

    Về đến nhà, ông nói với mẹ tôi: "Con mình vừa gửi thư về". Mẹ tôi hỏi: "Thư đâu?". Ông trao thư cho bà. Bà lại cẩn thận mở nó ra, khen: "Ôi, con mình viết chữ đẹp quả! Những chữ tròn, thật tròn, những cái móc thật bén. Chỉ tiếc là không biết nó viết gì. Sao ông không nhờ ai đó ở bưu điện đọc giùm?" Ông nói: "Nó là con tôi, nó viết gì tôi biết cả.". Rồi ông lấy lại thư, xếp vào trong tủ cùng những lá thư trước, những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm mặt rồi cất vào, không thiếu một lả, ngay cả những lá thư đầu tiên nét chữ còn non nớt.

    Hôm nay là ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường đại học. Một ngày ngày khai trường đầu tiên không có bố. Bố tôi đã mất. Nhưng tôi biết bố sẽ đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả hành trình cuộc đời.

    Nguyễn Ngọc Thuần

    Tham khảo:

    "Công cha như núi ngất trời

    Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông."

    Câu ca dao quen thuộc gợi nhắc tình cha nghĩa mẹ sâu nặng, thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người. Nếu tình mẹ thường được ví với sự dịu dàng, bao dung, thì tình cha lại là sự lặng lẽ, bền bỉ, âm thầm mà mạnh mẽ như ngọn núi che chở. Tình cảm ấy đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong văn học Việt Nam. Hai đoạn trích Bố tôi của Cao Thị Ty và Nguyễn Ngọc Thuần, dù được thể hiện qua hai lối viết khác nhau, đều khắc họa hình ảnh người cha đầy xúc động, để lại trong lòng người đọc những suy tư sâu lắng về tình phụ tử thiêng liêng.

    Cả hai đoạn trích Bố tôi đều thể hiện tình cảm cha con thiêng liêng, sâu sắc, giàu ý nghĩa nhân văn. Trong cả hai tác phẩm, người cha hiện lên với vẻ đẹp của sự hy sinh, tình yêu thương con vô bờ bến, dù không thể hiện bằng lời nói hoa mỹ nhưng ẩn chứa trong từng hành động giản dị, lặng thầm. Về nghệ thuật, cả hai tác phẩm đều sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu cảm xúc. Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất giúp bộc lộ trực tiếp dòng cảm xúc, những ký ức chân thật của nhân vật "tôi," tạo sự đồng cảm sâu sắc nơi người đọc.

    Tuy nhiên, văn học là sự sáng tạo, nên mỗi truyện ngắn trên lại có những điểm độc đáo riêng về tư tưởng và hình thức thể hiện. Về nội dung, ở đoạn trích của Cao Thị Ty, người cha là hình mẫu điển hình của một người "gà trống nuôi con" đầy vất vả, hy sinh cả đời vì con cái mà không màng đến hạnh phúc cá nhân. Câu chuyện tập trung vào những gian khổ và sự chăm sóc tận tụy của người cha cho hai đứa trẻ mồ côi mẹ, làm nổi bật sự tần tảo, nhọc nhằn. Trong đoạn trích của Nguyễn Ngọc Thuần, người cha được khắc họa dưới góc nhìn nội tâm, giàu chất trữ tình. Ông cha hiện lên với hình ảnh người đàn ông mộc mạc, ít nói, nhưng chan chứa yêu thương qua hành động lưu giữ từng lá thư của con, dù không biết chữ. Cách thể hiện tinh tế, tập trung vào chi tiết nhỏ nhưng thấm đẫm xúc cảm. Về nghệ thuật, nếu Cao Thị Ty sử dụng lối kể chuyện chi tiết, đậm tính hiện thực, chú trọng mô tả hoàn cảnh khó khăn và những hành động cụ thể của người cha. Nhịp điệu trầm lắng, tạo cảm giác xót xa, tiếc nuối thì Nguyễn Ngọc Thuần chọn lối viết giàu hình ảnh ẩn dụ, tinh tế, tập trung vào cảm xúc nội tại. Những chi tiết nhỏ như "ép lá thư vào khuôn mặt đầy râu" hay "xếp thư vào tủ" mang sức nặng biểu tượng, gợi cảm giác lặng thầm, xúc động sâu xa.

    Có điểm tương đồng giữa hai truyện ngắn trên là do cả hai đều viết vềchủ đề chung là tình cha con – một chủ đề phổ biến nhưng luôn giàu sức khai thác trong văn học. Cả hai tác giả đều chịu ảnh hưởng từ đời sống Việt Nam truyền thống, nơi tình cha mẹ luôn được đề cao, tôn kính. Còn sự khác biệt về nội dung và nghệ thuật chịu tác động từ phong cách cá nhân và thời đại sáng tác. Cao Thị Ty thuộc thế hệ tác giả lớn lên trong những năm tháng khó khăn của đất nước, nên tác phẩm thấm đẫm tinh thần hiện thực, thể hiện nỗi khổ và sự hy sinh trong cuộc sống đời thường. Còn Nguyễn Ngọc Thuần là nhà văn đương đại, có xu hướng đi sâu vào chiều sâu tâm hồn với bút pháp tượng trưng, tạo nên tác phẩm vừa hiện thực vừa giàu chất thơ.

    Tóm lại, cả hai đoạn trích Bố tôi đều thành công trong việc khắc họa tình cảm cha con thiêng liêng, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Tuy khác biệt về cách tiếp cận và thể hiện, mỗi tác phẩm đều có giá trị riêng, làm phong phú thêm bức tranh về tình phụ tử trong văn học Việt Nam. Cao Thị Ty làm nổi bật sự tần tảo, hy sinh trong hoàn cảnh khốn khó bằng lối kể chân thực, cảm động. Nguyễn Ngọc Thuần lại khắc họa vẻ đẹp nhân văn qua những chi tiết nhỏ giàu ý nghĩa biểu tượng. Hai tác phẩm gợi lên thông điệp sâu sắc: Tình cha là nguồn sống, là điểm tựa tinh thần bất diệt, dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn tỏa sáng. Đây là những áng văn giàu giá trị nghệ thuật và nhân văn, nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn và tình yêu thương dành cho cha mẹ.

    "Cha tôi lặng lẽ giữa đời

    Như cây cột trụ giữa trời gió sương."

    Như cây cột trụ vững chắc, hình ảnh người cha trong hai đoạn trích Bố tôi hiện lên với vẻ đẹp của sự hy sinh thầm lặng nhưng mạnh mẽ, luôn là điểm tựa bền vững cho con cái. Dù được kể bằng giọng văn giản dị hay sâu lắng, cả hai tác phẩm đều khơi dậy lòng biết ơn sâu sắc trong mỗi người, nhắc nhở ta hãy trân trọng những gì cha mẹ đã dành cho ta trong suốt cuộc đời.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười hai 2024 lúc 8:50 PM
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Viết bài văn (khoảng 800 chữ) so sánh, đánh giá hai đoạn trích truyện dưới đây:

    Đoạn 1:

    Thằng Lụm "còi" nhún vai, co mình lại tuồng như ngọn gió vừa bay qua lạnh lắm vậy.

    - Hồi đó, hồi tao còn nhỏ ơi là nhỏ, má tao bỏ tao lại đây nè.

    - Là sao? - tôi chưng hửng.

    - Tao cũng đâu có biết. Chắc má tao gặp chuyện gì đó buồn lắm, nuôi không nổi tao nên bỏ tao lại đấy. Bởi vậy tao tên Lụm đó.

    - Sạo hoài.

    Thằng Lụm lắc đầu ra chiều chán nản:

    - Thiệt đó, biết sao tao đen thui vậy hôn? - Nó chìa ra cái mặt như chàm cháy - tao bị bỏ ngoài nắng đó. Hồi đó ở ngã tư nầy vắng hoe hà, tao nằm khóc cả buổi mà đâu có ai hay. Tới chừng đói quá tao mới khóc, tao khóc rổn rổn luôn, tao mạnh miệng từ hồi nhỏ mà. Rồi cái có bà dì bán bánh mì chạy lại, bồng lên, đâu có sữa, bà dì mới móc ruột bánh mì cho tao trấp trấp đỡ, dè đâu tao ăn hết ổ bánh mì luôn. Bà dì thấy tao dễ nuôi, nuôi luôn, sau này, tao kêu bả bằng ngoại. Tao lớn mà hổng tốn một miếng sữa nào hết, hay chưa?

    (Trích Lụm còi, In trong tập Xa Xóm Mũi, Nguyễn Ngọc Tư, NXB Kim Đồng, 2016)

    Đoạn 2:

    Không có ăn thì nhịn! Ninh nhịn từ bữa chiều hôm qua. Đật khóc, Ninh đi moi được một củ dong về nướng. Đật một nửa. Ninh một nửa. Ninh bảo Đật ăn cho đỡ đói thôi, còn cố nhịn, đợi thầy về, ăn nữa. Nhưng Đật không nhịn được. Đật chạy sang nhà bác Vụ. Bác ấy phải lấy trộm nắm cơm tối của thằng cu Chúc nhà bác ấy, đưa cho Đật, Đật mới ăn được một miếng thì Chúc biết. Chúc chạy vào nhà tìm nắm cơm của nó. Thấy mất, nó biết là nắm cơm của nó đương ở trong tay Đật. Nó chạy theo, giằng lại. Đật mất ăn, mếu xệch mồm đi, chạy về. Ninh đứng ở hè bên này, trông rõ cả. Ninh tức lắm. Chẳng biết tức Chúc hay tức Đật. Chỉ biết Ninh nghẹn ngào cả cổ. Vừa thấy Đật, Ninh nhảy xổ lại, tát đen đét vào má Đật. Đật òa lên khóc. Ninh òa khóc theo.

    Một lát sau, Ninh nghĩ thương em quá, Ninh lại đi tìm dong, nhưng hết. Ninh moi luôn một củ ráy. Ráy nước, ăn ngứa lắm. Nhưng đói còn biết gì là ngứa? Ninh đem về nướng. Ninh gọi Đật về, lau nước mắt cho nó, rồi chị em ăn ráy nước. Đật ăn tợn lắm, chẳng thấy kêu ca gì cả. Ninh rơi nước mắt. Ninh dặn em: "Từ giờ đừng ăn cơm nhà thằng Chúc nữa". Đật gật đầu. Thế mà hôm nay nó lại lần sang nhà bác Vụ. Có bực mình hay không?

    (Trích Từ ngày mẹ chết, In trong Tuyển tập Nam Cao, NXB Văn học, 2002)

    Chú thích:

    Lụm còi của Nguyễn Ngọc Tư kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của hai nhân vật tôi và Lụm. Nhân vật tôi bỏ nhà đi bụi vì bị ba đánh tội lấy tiền của mẹ đi chơi điện tử mà không xin phép. Đêm tối, tại ngã tư chỗ rẽ về nhà ngoại, nhân vật tôi đã gặp Lụm còi - cậu bé bị bỏ rơi, đen nhẻm, còi cọc, ngày bán bánh mì, đêm tới ngã tư mong chờ mẹ đến đón. Tại đây hai đứa trẻ đã trò chuyện cùng nhau. Cuộc sống tội nghiệp, khổ sở của Lụm khiến tôi nhận ra nhiều điều. Đoạn trích chính là những lời tâm sự của Lụm.

    Từ ngày mẹ chết của Nam Cao là một trong những truyện ngắn cảm động về tình cảm mẹ con. Câu chuyện kể về cuộc sống của Ninh sau khi mẹ mất đi. Biết bao khốn khổ phủ đầy lên cuộc đời những đứa trẻ mồ côi. Đoạn trích khắc họa rõ nét nhất những tủi hờn, côi cút của hai chị em Ninh khi mẹ mới vừa mất, bố đã sinh bài bạc, nợ nần, bê tha.

    Tham khảo:

    "Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi".. Trẻ em luôn cần tình thương, nhưng không phải ai sinh ra cũng may mắn có một gia đình trọn vẹn. Hai đoạn trích Lụm Còi của Nguyễn Ngọc Tư và Từ ngày mẹ chết của Nam Cao đều khắc họa sâu sắc cuộc sống bất hạnh của những đứa trẻ mồ côi. Dẫu xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau, cả hai tác phẩm đều chứa đựng những cung bậc cảm xúc chân thật, lay động lòng người về tình thân và số phận trẻ thơ trong nghịch cảnh.

    "Văn chương là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu", cả hai đoạn trích gặp gỡ nhau về tư tưởng: Đều kể về những đứa trẻ mồ côi phải sống trong thiếu thốn, cơ cực. Lụm trong Lụm Còi bị mẹ bỏ rơi, sống bằng tình thương của người dưng. Ninh và Đật trong Từ ngày mẹ chết mất mẹ, bố bê tha, phải tự chăm sóc lẫn nhau trong đói khổ. Cả hai tác phẩm đều khắc họa bi kịch gia đình và số phận trẻ em trong xã hội đầy rẫy khó khăn. Cả hai đoạn trích đều sử dụng lời kể chân thực, cảm xúc tự nhiên; miêu tả tâm lý nhân vật sâu sắc: Lụm lạc quan dù cuộc đời bất hạnh, Ninh thương em nhưng cũng giận dữ vì bất lực trước cảnh đói nghèo; ngôn ngữ giản dị, đời thường nhưng chứa đựng sức gợi cảm mạnh mẽ.

    Tuy nhiên, "văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có.." (Đời thừa - Nam Cao), nên bên cạnh những điểm tương đồng, mỗi tác phẩm lại mang đến nét đặc sắc riêng cả về nội dung và nghệ thuật thể hiện. Về nội dung, nếu truyện Lụm Còi tập trung vào nỗi niềm của một đứa trẻ mồ côi, nhưng Lụm vẫn lạc quan, yêu đời dù bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ, cuộc đời em le lói chút ánh sáng tình thương từ người ngoại bán bánh mì thì Từ ngày mẹ chết lại tái hiện sự đói nghèo và cuộc sống khốn khổ của hai chị em Ninh - Đật. Tác phẩm nhấn mạnh sự bế tắc trong gia đình khi mất mẹ và người bố trở nên vô trách nhiệm. Về nghệ thuật, Lụm Còi được kể với giọng văn nhẹ nhàng pha chút hài hước, thể hiện qua cách kể hồn nhiên của Lụm, còn Từ ngày mẹ chết lại là giọng văn bi thương, sắc sảo, phản ánh hiện thực nghiệt ngã với tình tiết đầy xót xa.

    Sở dĩ có điểm tương đồng là do cả hai nhà văn đều xuất phát từ lòng trắc ẩn sâu sắc với số phận trẻ thơ. Nguyễn Ngọc Tư và Nam Cao đều am hiểu hiện thực xã hội và muốn gửi gắm thông điệp nhân văn: Tình thương là nguồn sống quý giá nhất đối với con người, đặc biệt là những đứa trẻ bất hạnh. Và có điểm khác biệt là vì Nguyễn Ngọc Tư sáng tác trong bối cảnh hiện đại, thiên về cảm xúc cá nhân, lối kể hồn nhiên, phóng khoáng. Nam Cao thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, thường phản ánh xã hội bằng góc nhìn sắc sảo, phê phán những bất công, đói nghèo, bần cùng hóa con người.

    Tóm lại, cả hai đoạn trích đều là những tác phẩm xúc động về tình người và số phận con trẻ. Lụm Còi lay động người đọc bằng giọng kể tươi sáng, lạc quan giữa nghịch cảnh, còn Từ ngày mẹ chết gây ám ảnh bởi sự nghiệt ngã, khốc liệt của cuộc sống nghèo đói. Dù được viết theo phong cách khác nhau, cả hai tác phẩm đều nhắc nhở chúng ta trân trọng giá trị gia đình, tình thương và chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh.

    "Trẻ thơ như búp trên cành

    Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan."

    Hai đoạn trích tuy khắc họa những cảnh đời éo le nhưng lại sáng bừng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Dẫu có bao nỗi đau và mất mát, tình người vẫn là ngọn lửa thiêng liêng giúp con người vượt qua khó khăn. Những đứa trẻ bất hạnh như Lụm, Ninh, Đật dù nghèo khổ vẫn sống bằng niềm tin yêu và khát vọng được yêu thương, để lại trong lòng người đọc những rung cảm chân thành và xót xa khó quên.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười hai 2024 lúc 8:51 PM
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    So sánh nhân vật người cha trong hai đoạn trích sau:

    Đoạn 1:

    [..] Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm để nấu cơm, nấu nước, rồi sắp vào một cái khay con, một đôi đũa, một cái bát.. xong hết mới gọi tôi dậy ăn.

    Cha đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân.. Làm xong hết những việc ấy, cha đi học bài.

    Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ, học kịch, học văn, học văn chương và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa.

    [..] Khoảng bảy rưỡi, cha, mẹ ăn sáng. Rồi cha tôi ngồi vào bàn, cái bàn mà tôi học bây giờ, ngày ấy ít ai dám đến gần khi cha đang viết. Trên bàn đầy giấy và sách, lâu lâu bình mực quên không đậy đổ một lần, khi ấy loạn cả nhà. Không ngày nào cha không ngồi viết, cả khi gãy tay, bó bột, ngày trước, ngày sau đã nguệch ngoạc viết bằng tay trái. Đôi lúc tôi thấy, nghề văn như một cái ách, người ta lúc nào cũng áy náy lo âu, sợ mình chưa đọc đủ, chưa viết đủ, chưa viết xong lại thấy bực bội như thể có điều gì oan trái trong lòng chưa nói ra hết được. Và tôi nghĩ, có lẽ cha tôi chọn cho mình một cái ách nặng. Cha luôn luôn tất bật, yêu hoa cỏ nhưng chưa bao giờ dám bỏ hàng giờ ra để ngồi uống trà thưởng hoa. Cha sợ những quán cà phê, nhìn chúng như nhìn những nấm mồ chôn thì giờ. Chỉ những đêm rằm, vườn nhà tôi đầy trăng, cha bảo: "Tắt đèn! Ra ngoài hè ngồi xem!". Chị em tôi theo ra, ngồi khen trăng được vài phút, cha lại quay sang bàn chuyện văn chương với mẹ, rồi tranh luận, có khi cãi cọ, quên cả trăng! "

    (Phan Thị Vàng Anh, Cha tôi, in trong tậpTruyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, NXB Trẻ)

    Đoạn 2:

    [..] Cha cô vốn là một phi công lái máy bay quân sự trong chiến tranh. Sau giải phóng ông chuyển sang lái máy bay dân sự. Sau mỗi chuyến bay trở về, ông say đắm kể cho mẹ con cô nghe về những vùng trời ông đã đi qua. Ông quen thuộc những vùng trời tưởng như vô định ấy như mảnh vườn nhỏ của gia đình ông, hoặc như làng quê ông bên bờ sông Hàn. Nhiều đêm, những câu chuyện của người cha đã đưa cô đến những vùng trời ấy trong giấc mơ.

    [..] Ngọn đèn ngủ vẫn tỏa ánh xanh nhạt trong nhà. Qua màn, My nhìn thấy ba mẹ cô đang ngồi quay ra cửa. Trên nền nhà có những mảnh cốc vỡ.

    " Tôi không chịu nổi cuộc sống như thế này nữa rồi ", mẹ cô tức tưởi nói.

    " Anh chưa làm một điều gì xúc phạm đến em cả. Anh không hiểu vì sao lâu nay em luôn luôn cảm thấy khó chịu khi anh về ".

    " Anh không hề nghĩ đến cái gia đình này. Anh cần những vùng trời của anh. Anh mang về cho mẹ con tôi những gì từ đấy. Những mây, sao, gió máy của anh không thể bán lấy tiền được ".

    " Anh nghĩ gia đình mình rất hạnh phúc. Sinh hoạt cũng không thiếu thốn lắm ".

    " Hạnh phúc - Mẹ cô bĩu môi - Anh đến nhà đồng nghiệp anh mà anh không thấy ngượng à. Họ cũng bay như anh. Sau những chuyến bay họ mang về cho vợ con họ những thứ cụ thể. Còn anh chỉ thấy mang về cho vợ con anh những thứ ngớ ngẩn, hão huyền, hết sức vô dụng ".

    " Em im đi. Em khác xưa quá nhiều rồi đấy ".

    " Tôi không khác gì xưa cả. Chẳng qua anh không nhận ra sự thật của cuộc đời này mà thôi ".

    Mẹ cô nói và đứng phắt dậy đi sang phòng bên. Ba cô lắc đầu và đốt thuốc hút.

    Sau lần ấy, sau mỗi chuyến bay trở về, ba cô lặng lẽ và hay thở dài. Ông không còn háo hức kể về những chuyến bay của ông như trước nữa.

    Một buổi sáng ít ngày sau đó, người cha phờ phạc nói với cô:" Ba và mẹ đã quyết định chia tay nhau. Chắc con cũng tự biết trước điều này ". [..]

    Rồi ba mẹ cô ra tòa và lặng lẽ chia tay nhau. Mẹ cô về ở với bà ngoại cô và lấy một người đàn ông khác sau đó năm tháng.

    (Nguyễn Quang Thiều, Bầu trời của người cha )

    Tham khảo:

    Mở bài:

    Tình cha con là đề tài quen thuộc trong văn học, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Hai đoạn trích Cha tôi của Phan Thị Vàng Anh và Bầu trời của người cha của Nguyễn Quang Thiều khắc họa hai hình tượng người cha khác biệt trong hoàn cảnh sống và tính cách, nhưng đều toát lên tình yêu thương sâu sắc dành cho gia đình và công việc của họ.

    Luận điểm 1. So sánh điểm giống nhau về nội dung và nghệ thuật:

    - Nội dung:
    Cả hai người cha đều là những người sống có lý tưởng và đam mê với công việc. Người cha trong Cha tôi là nhà văn hết mình vì sự nghiệp sáng tác, luôn học hỏi và làm việc không ngừng. Người cha trong Bầu trời của người cha là phi công tận tụy, say mê bầu trời, nơi ông từng chiến đấu và gắn bó.

    - Nghệ thuật:

    + Miêu tả nhân vật chân thực, tự nhiên.

    + Sử dụng ngôn ngữ giàu cảm xúc, thể hiện sâu sắc nội tâm nhân vật.

    + Hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa:" Bầu trời "trong Bầu trời của người cha tượng trưng cho khát vọng bay cao, còn" khu vườn văn hóa "trong Cha tôi biểu tượng cho tri thức vô tận.

    Luận điểm 2. So sánh điểm khác biệt về nội dung và nghệ thuật:

    - Nội dung:

    +
    Cha tôi: Người cha sống giản dị, lặng lẽ cống hiến cho văn học, hy sinh nhiều cho gia đình nhưng ít thể hiện tình cảm qua lời nói.

    + Bầu trời của người cha: Người cha là hình ảnh bi tráng của một người từng sống vì lý tưởng nhưng phải chịu sự đổ vỡ trong hôn nhân vì vợ không đồng cảm với niềm đam mê của ông.

    - Nghệ thuật:

    +
    Cha tôi: Giọng văn ấm áp, ngưỡng mộ, đầy yêu thương của người con. Câu chuyện mang sắc thái tươi sáng, chứa đựng sự biết ơn.

    + Bầu trời của người cha: Giọng văn buồn bã, tiếc nuối trước sự chia ly không thể cứu vãn. Tác phẩm khắc họa bi kịch gia đình bằng giọng điệu trầm lắng, sâu sắc.

    Luận điểm 3. Lý giải điểm giống và khác:

    - Giống nhau:
    Cả hai nhà văn đều xuất phát từ sự thấu hiểu và cảm thông với hình ảnh người cha. Họ khắc họa nhân vật bằng những ký ức chân thực và cảm xúc mãnh liệt. Tình cha con trong cả hai tác phẩm đều được xây dựng từ những chi tiết đời thường, giản dị nhưng sâu sắc.

    - Khác nhau:

    +
    Phan Thị Vàng Anh viết với tình cảm ngưỡng mộ, tự hào, vì người cha của bà là nhà văn gắn bó trọn đời với văn chương.

    + Nguyễn Quang Thiều thể hiện nỗi tiếc nuối, đau xót về sự tan vỡ gia đình, nơi người cha vừa là nạn nhân vừa là người mang lý tưởng sống quá lớn để rồi không thể dung hòa với cuộc sống gia đình thực tế.

    Luận điểm 4. Đánh giá chung:

    Hai đoạn trích đều là những tác phẩm xúc động về hình tượng người cha. Người cha trong Cha tôi là biểu tượng của sự tận tụy, cống hiến thầm lặng, vừa là nhà văn, vừa là người cha giàu tình thương. Người cha trong Bầu trời của người cha lại là một nhân vật bi kịch, người cha có lý tưởng cao cả nhưng không thể giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hai hình tượng phản ánh những khía cạnh khác nhau của tình cha con: Một bên là sự kính yêu biết ơn, một bên là nỗi xót xa day dứt.

    Kết bài:

    " Cha là bóng cả cây cao

    Che chở con những lao đao cuộc đời."

    Dù trong hoàn cảnh nào, hình ảnh người cha luôn là biểu tượng của tình yêu thương, sự hy sinh và những giá trị sống cao đẹp. Qua hai đoạn trích, ta thêm hiểu và trân trọng những người cha, những người âm thầm cống hiến cho gia đình, để lại trong lòng con cái những dấu ấn không thể phai nhòa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười hai 2024 lúc 8:59 PM
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh hai nhân vật trong hai đoạn trích sau:

    Đoạn 1: Lược một đoạn:
    Vào một buổi chiều mùa đông, Nhân vật tôi (tên Thanh) ở tòa báo ra về. Anh lên phố gọi người phu xe và khi mặc cả Thanh rất khó chịu với những lời lải nhải của anh ta. Đang đi thì có một viên cảnh sát kiểm tra. Nếu phu xe bắt khách trong nội thành thì sẽ bị bắt. Anh phu xe khẽ van xin nhưng vì giận dữ nên nhân vật tôi đã trả lời đúng: Đi từ phố Hàng Bún. Và anh phu xe bị bắt.

    [..] Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.

    Tôi rung mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?

    Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng bỉ của tôi ban nãy.

    Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt.

    Tôi nhất đinh đem tiền đến cho người xe kia để chuộc tội lỗi của mình. Đến phố hàng Bột hỏi dò những người chung quanh xưởng xe, tôi biết được anh xe bị phạt đêm hôm ấy là tên Dư, và ở trong một dãy nhà quá ngã tư Khâm Thiên.

    (Trích Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2020, tr. 59 - 62)

    Đoạn 2: Lược một đoạn: Nhân vật tôi hối hận khi đưa những người bạn về nhà để họ chứng kiến một khung cảnh bừa bộn, túng thiếu. Trận bão tháng 9 đã làm đổ sụp cái nhà của nhân vật tôi. Sau đó tôi quyết định mua nhà của một tên cờ bạc góa vợ đang có 2 đứa con thơ với giá hời vì hắn u mê đỏ đen, bán nhà chỉ vì muốn gỡ gạc lại những gì đã mất. Ngày tôi đến dỡ nhà, người chủ nhà nằm ườn vì thua bạc hết tiền, hắn quát con sang nhà hàng xóm nằm nhờ.

    [..] Một lúc sau, chẳng biết đã gửi em cho ai được, đứa con gái lân la gần tôi, xem dỡ nhà. Tôi có dịp trông gần nó. Nó gầy ốm quá. Cổ tay, cổ chân chỉ con con. Mặt chau chau. Quần áo rách lượt thượt. Răng của nó cứ nhe ra một cách thương hại lắm. Tự nhiên tôi ngán ngẩm. Tôi thở dài một tiếng. Rồi tôi buột mồm hỏi nó:

    - Từ sáng tới giờ, em đã có gì ăn chưa?

    Nó không đáp, chỉ lắc đầu uể oải. Hình như nó đang bận nghĩ ngợi điều gì. Mắt nó nheo lại. [..]

    Những mè, rui đã xong rồi. Người thợ mộc bắt đầu tháo gỗ. Tiếng dùi đục kêu chan chát. Những tiếng rắn chắc vang lên, lộng óc. Tôi thấy con bé bừng mắt. Nó không nhe răng ra nữa. Đôi môi nó bụm lại. Hai má nó phình ra một chút. Cứ thế, nó chẳng nói chẳng rằng, chạy bình bịch sang nhà hàng xóm. Nó định làm gì vậy? Lòng tôi thắc mắc nỗi lo không rõ rệt. Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con khóc nức nở và hờ:

    - Mẹ ơi!..

    Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo. Bây giờ thì tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi được nữa. Tôi ác quá! Tôi ác quá! Tôi phải thú với tôi nhiều rồi.. Phải, tôi ác quá, anh Kim nhỉ. Rồi đây, hối hận sẽ tỏa một bóng đen vào trong cái nhà mới của tôi, rộng rãi và sạch sẽ hơn cái trước.

    Tham khảo:

    Mở bài:

    Trong văn học Việt Nam, nhiều nhà văn đã đi sâu vào thế giới nội tâm con người để khám phá những giằng xé giữa thiện và ác, giữa lương tâm và dục vọng. Hai đoạn trích của Thạch Lam và Nam Cao đều khắc họa tâm trạng dằn vặt của nhân vật "tôi" sau những hành động thiếu nhân ái, thể hiện hành trình tự vấn và đấu tranh với chính mình.

    Luận điểm 1. So sánh điểm giống nhau về nội dung và nghệ thuật:

    - Nội dung:
    Cả hai nhân vật đều mắc sai lầm và sau đó rơi vào trạng thái ân hận, day dứt. Nhân vật trong đoạn trích của Thạch Lam cảm thấy tội lỗi vì đã khiến người phu xe khốn khổ phải chịu phạt oan, trong khi nhân vật của Nam Cao dằn vặt vì đã mua rẻ ngôi nhà của người cha nghiện cờ bạc, đẩy gia đình anh ta vào cảnh bần cùng.

    - Nghệ thuật:

    Tâm lý nhân vật:
    Cả hai tác giả đều đi sâu vào diễn biến nội tâm thông qua độc thoại và miêu tả trạng thái cảm xúc.

    Giọng văn: Giọng văn trần thuật khách quan pha lẫn trữ tình, đầy triết lý nhân sinh.

    Hình ảnh, chi tiết giàu sức gợi: Các chi tiết như "run sợ", "cúi đầu", "bừng mắt", "nhe răng" khắc họa sự bất lực và đau khổ của những người nghèo khổ, đồng thời phản chiếu nỗi ám ảnh của nhân vật chính.

    Luận điểm 2. So sánh điểm khác biệt về nội dung và nghệ thuật:

    - Nội dung:

    +
    Nhân vật của Thạch Lam: Sai lầm của anh xuất phát từ cơn giận nhất thời, một hành động bộc phát nhưng lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Sự hối lỗi đến nhanh và mạnh mẽ, khiến anh lập tức tìm cách chuộc lỗi.

    + Nhân vật của Nam Cao: Anh ta phạm lỗi trong một tình huống phức tạp hơn. Hành động của anh không phải do bộc phát mà có tính toán vì hoàn cảnh cá nhân khó khăn. Tuy nhiên, chính sự tiếp xúc với nỗi khổ của đứa trẻ khiến anh tỉnh ngộ, tự phán xét mình một cách cay đắng.

    - Nghệ thuật:

    + Thạch Lam:
    Giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, thiên về cảm xúc tinh tế và sự trong sáng của lương tâm. Tâm trạng nhân vật được khắc họa bằng những suy nghĩ miên man, ám ảnh kéo dài.

    + Nam Cao: Giọng văn chua chát, sắc lạnh và đầy triết lý. Cảm giác tội lỗi ở nhân vật chính sâu sắc hơn vì lỗi lầm có chủ ý, được phản ánh qua những chi tiết thực tế khắc nghiệt như cảnh đứa trẻ đói khát, tiếng khóc nghẹn ngào đầy ám ảnh.

    Luận điểm 3. Lý giải điểm giống và khác:

    - Giống nhau:
    Cả hai nhân vật đều có lương tâm nhạy cảm, biết tự vấn và day dứt khi nhận thức rõ sai lầm của mình. Điều này phản ánh quan điểm nhân đạo của hai nhà văn: Con người có thể mắc sai lầm, nhưng lòng trắc ẩn sẽ dẫn lối cho họ trở về với thiện lương.

    - Khác nhau:

    + Hoàn cảnh:
    Nhân vật của Thạch Lam mắc lỗi trong tình huống bất ngờ, còn nhân vật của Nam Cao phạm sai lầm trong hoàn cảnh nghèo đói, bị áp lực bởi hoàn cảnh cá nhân.

    + Mức độ tự phán xét: Nhân vật của Thạch Lam hối lỗi và chủ động tìm cách sửa sai, còn nhân vật của Nam Cao rơi vào trạng thái tuyệt vọng, không còn cách nào để bù đắp sai lầm, khiến nỗi dằn vặt càng thêm sâu sắc.

    Luận điểm 4. Đánh giá chung: Cả hai đoạn trích đều thể hiện tài năng bậc thầy trong việc khắc họa tâm lý nhân vật. Thạch Lam và Nam Cao đã tạo dựng những nhân vật vừa đáng trách vừa đáng thương, cho thấy sự phức tạp của con người trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Qua đó, hai tác giả đã truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc về lương tâm, tình người và sức mạnh của sự ăn năn.

    Kết bài:

    "Nhân chi sơ, tính bản thiện."

    Dù mắc sai lầm, con người vẫn có thể thức tỉnh và tìm về với lương tri. Hai nhân vật "tôi" trong các tác phẩm của Thạch Lam và Nam Cao là minh chứng cho sự giằng xé nội tâm đầy chân thực, thể hiện chiều sâu của lòng nhân ái trong văn học Việt Nam. Đây là những hình tượng nghệ thuật bất hủ, nhắc nhở chúng ta về giá trị của lòng trắc ẩn và sự chuộc lỗi trong cuộc đời.
     
    chiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười hai 2024 lúc 9:10 PM
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...