Hỏi đáp Học Hoài Không Giỏi Là Tại Sao Và Phải Làm Thế Nào?

Thảo luận trong 'Hỏi Đáp' bắt đầu bởi khajuraho, 7 Tháng tám 2021.

  1. khajuraho

    Bài viết:
    8
    HỌC HOÀI KHÔNG GIỎI LÀ TẠI SAO VÀ PHẢI LÀM THẾ NÀO?

    Trong bài post hôm nay, mình sẽ nói, từ góc độ cá nhân, về những yếu tố có thể cản trở bạn thành công trên con đường chinh phục sự..

    [​IMG]

    Trong bài post hôm nay, mình sẽ nói, từ góc độ cá nhân, về những yếu tố có thể cản trở bạn thành công trên con đường chinh phục sự học của mình. Với mình, để có thể giỏi ở bất kỳ lĩnh vực hay kỹ năng nào, bạn cần:

    (1) Phương pháp học đúng

    (2) Tài liệu học đúng

    (3) Người hướng dẫn đúng

    (4) Đủ thời gian và quyết tâm

    1. Phương pháp học đúng

    Lúc mình mới vào đại học, mình có tham gia một buổi workshop về 'Phương pháp học đại học' và cũng từ đó mình biết rằng, học cái gì cũng đều cần có một phương pháp học đúng thì mới mong tiến bộ được.'Đúng' ở đây có thể hiểu là phù hợp với cá nhân mình trong vai trò là người học. Việc có được một phương pháp tiếp cận việc học đúng hay không sẽ quyết định được thời gian và công sức bạn cần để giỏi. Nói cho dễ hiểu là nếu biết cách học, bạn sẽ giỏi nhanh hơn trong khi tốn ít thời gian và công sức hơn.

    Lấy một ví dụ về việc học và chuẩn bị cho bài thi IELTS. Một phương pháp học đúng sẽ không bắt đầu từ việc nhảy bổ vào ôn luyện/giải đề, mà nên bắt đầu từ việc tìm hiểu bài thi để xem bài thi này đánh giá điều gì và bạn cần có những kiến thức và kỹ năng gì để có thể đạt được điểm số mà mình mong muốn. Sau khi đã hiểu bài thi rồi thì mới bắt đầu lên kế hoạch ôn luyện. Trong quá trình học, phải thường xuyên dành thời gian cho việc tự đánh giá (self-reflection) để biết được bạn có đang tiến bộ hay không. Nếu cảm thấy mình không có bất kỷ sự cải thiện nào sau một khoảng thời gian nhất định thì phải hiểu là phương pháp mình đang học chưa phù hợp và do đó cần thay đổi để tránh tiếp tục lãng phí thời gian. Cụ thể hơn với việc học từ vựng, nếu bạn cảm thấy phương pháp flashcards không giúp mình nhớ được từ vựng thì phải đổi sang một cách học khác phù hợp hơn.

    Mình cũng đã nhấn mạnh ở trên, 'đúng' ở đây là 'đúng' với từ cá nhân người học, sẽ không có bất kỳ một mẫu số chung nào cho tất cả mọi người. Do đó, phương pháp đúng với bạn A chưa hẳn đã giúp bạn B tiến bộ, nên tự mỗi người học cần dành thời gian để tìm hiểu mình phù hợp với điều gì.

    2. Tài liệu học đúng

    Sau phương pháp học sẽ là tài liệu học. Nếu phương pháp học cho bạn biết cách học thế nào (How) thì tài liệu học sẽ quyết định bạn học cái gì (What). Có một quy luật theo mình là bất biến: Trash in - Trash out (học cái dở thì thành ra dở).

    Tài liệu nói chung cho bất kỳ môn học nào ở thời đại này đều không hiếm, nếu không muốn nói là nhiều không thể đếm hết được, nhưng vấn đề là có phải tài liệu tiếng Anh nào cũng sẽ giúp bạn giỏi tiếng Anh không? Nếu bạn gõ 'IELTS material' thì Google sẽ trả cho các bạn một lượng kết quả mà bạn ngồi xem cả ngày cũng không hết. Vậy trong một đại dương tài liệu như vậy, đâu là tài liệu bạn cần và nên học. Câu trả lời nằm một phần ở 'Phương pháp học' đã nêu ở trên. Khi bạn tìm hiểu một bài thi, bạn sẽ biết được nguồn gốc của bài thi bao gồm đơn vị tạo ra bài thi. Khi này chỉ cần bám sát các tài liệu do đơn vị đó phát hành là coi như ổn.

    Có một thói quen rất phổ biến ở phần lớn người học là họ thích 'săn' tài liệu. Việc tích trữ tài liệu giúp họ có được cảm giác yên tâm rằng mình đã có tài liệu rồi chỉ cần mở ra là học thôi, nhưng nghịch lý là những người càng có nhiều tài liệu thì lại càng ít học (). Less is more. Bạn chỉ cần có cho mình một lượng tài liệu chuẩn vừa đủ và tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đó thì bạn sẽ sớm giỏi hơn là việc trong nhà có rất nhiều rác, cái mang lại cho bạn cảm giác yên tâm ảo.

    3. Người hướng dẫn đúng

    Mình cực kỳ đề cao tinh thần tự học vì tự học quyết định phần lớn việc bạn sẽ giỏi hay không. Tuy nhiên, tự học không có nghĩa chúng ta từ chối việc tìm kiếm sự giúp đỡ hay lắng nghe chia sẻ từ người khác, đặc biệt là những người có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm hơn mình. Nói cách khác, thay vì có thể tốn rất nhiều thời gian cho việc thử-sai-thử lại, tại sao bạn không tìm một người có đủ chuyên môn để giúp bạn định hướng phương pháp học tập và lựa chọn tài liệu học đúng. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với việc từ mình mò mẫm đường đi. Work smarter! Don't work harder. Người hướng dẫn ở đây không nhất thiết phải là con người bằng xương bằng thịt, có thể là một trang web, một video, muốn quyển sách v. V. Nói chung, 'người' hướng dẫn đúng là bất kỳ người nào hay bất kỳ điều gì giúp bạn sáng tỏ hơn con đường mà bạn sắp bước đi.

    Tuy nhiên, việc 'tầm sư học đạo' cũng đòi hỏi ở bạn những kỹ năng nhất định. Không phải ai chia sẻ gì cũng nghe, ai hướng dẫn gì cũng làm theo là không ổn. Bạn cần phải thật 'critical' để biết được để biết được điều gì nên và không nên. Còn làm sao để 'critical' lại là một câu chuyện dài khác, hẹn bạn ở những post sau.

    4. Đủ thời gian và quyết tâm

    Phương pháp, tài liệu và người hướng dẫn đúng không thôi cũng chưa đủ để bạn giỏi nếu bạn thiếu đi sự đầu tư về mặt thời gian và quyết tâm cao độ. Và đây cũng là yếu tố tiên quyết trong bất kỳ sự thành công nào.

    Khi mới bắt đầu học một điều gì đó mới, chúng ta thường rất hăng say nhưng làm sao để duy trì nguồn động lực này trong một khoảng thời gian dài, ít nhất là đến khi hết học, lại là một câu chuyện khác mà không phải ai cũng làm được. Nếu động lực không đến từ bên trong, từ việc bạn thật sự muốn học hỏi để giỏi hơn, thì bạn sẽ rất nhanh quên đi lý do tại sao bạn bắt đầu. Nếu bạn học vì được bố mẹ hứa sẽ tặng một chiếc xe mới hay học vì để chứng minh một điều gì đó với ai đó thì khả năng rất cao bạn sẽ nhanh từ bỏ. Tìm được nguồn động lực bên trong (intrinsic motivation) theo mình nghĩ là một sự may mắn hơn là lẽ hiển nhiên và do đó có phần xa xỉ đối với đại đa số người học, nhưng nếu bạn biết cách duy trì động lực đến từ bên ngoài (extrinsic motivation) bằng cách luôn tự nhắc nhở mình về đích đến thì mọi thứ vẫn sẽ dễ dàng hơn là không có một chút động lực nào.

    Mình đã từng dạy và quan sát thấy rất nhiều bạn mất dần động lực và sự quyết tâm trong suốt khóa học dẫn đến kết quả học tập không như mong đợi, hỏi ra thì biết nguồn động lực của bạn không đủ mạnh và bạn cũng không đủ quyết tâm để tự thôi thúc mình.

    Với trải nghiệm cá nhân ít ỏi thì đây là bốn yếu tố quyết định bạn có thành công trên con đường theo đuổi sự học của mình không. Việc thiếu một hay nhiều yếu tố trong số các yếu tố kể trên đều sẽ làm chậm lại sự tiến bộ của bạn. Mình viết ra đây để tự nhắc nhở bản thân là chính, và cũng hy vọng các bạn học sinh/sinh viên sẽ có một năm học mới hiệu quả, còn năm học mới khi nào bắt đầu thì mình không biết.
     
    Nguyên Vĩ Thu Thu thích bài này.
  2. Tác giả Trà Anh

    Bài viết:
    538
    Mk thì không hiểu học hoài k giỏi thì là học không vào đầu hay điểm không cao. Kiểu mk nghĩ là 2 cái này sẽ hơi khác nhau 1 chút.

    Học không vào là mk thực sự học mãi, chăm chỉ cách mấy cx không hiểu được bài hay lm được cái gì. Trường hợp này thì khá ít vì mk thấy mng hầu như chỉ không hiểu bài do lười.

    Còn học mà điểm không cao chưa chắc là hõ không vào. Rõ ràng bạn hiểu bài rất kĩ, tiếp thu tốt nhưng đi thi điểm lại không cao. Đó có thể do bạn chủ quan, k cẩn thận hay làm nhầm dạng..

    Tóm lại là ngoài các tips chủ tus đề ra thì mk nghĩ mọi người nên cẩn thận khi lm bài nx nha. Vì điểm cao thì ai chả thích. Phải hơm
     
  3. kevodanh1

    Bài viết:
    119
    Mình nghĩ còn có những lí do khiến chúng ta không học giỏi được như:

    Thiếu động lực: Nếu bạn không có động lực để học, bạn sẽ khó có thể tiếp thu kiến thức mới. Phương pháp học không hiệu quả: Nếu bạn không sử dụng phương pháp học phù hợp với bản thân, bạn sẽ khó có thể tiếp thu kiến thức. Thiếu tập trung: Nếu bạn không tập trung vào việc học, bạn sẽ khó có thể tiếp thu kiến thức mới. Thiếu kiên nhẫn: Học là một quá trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nếu bạn không kiên nhẫn, bạn sẽ khó có thể tiếp thu kiến thức mới.

     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...