Hoa Lúa - Sân Trường Trong Tình Ca Trên Bục Giảng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Gia Hoài, 28 Tháng chín 2020.

  1. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    Bài Viết: Hoa Lúa - Sân Trường Trong "Tình Ca Trên Bục Giảng"

    Tác Giả: Bùi Văn Dung

    Thể Loại: Nghị Luận Văn Học



    Bạn đọc yêu quý! Thường thì các nhà làm tuyển tập phần lớn là chọn tên tác giả trước, sau đó mới chọn thơ. (Xin cáo lỗi, tôi dùng chữ phần lớn chứ không phải là tất cả). Thế mà có một thầy giáo trẻ dạy văn ở một trường THCS chưa in tập thơ riêng nào lại hào hứng làm tuyển tập với tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết của mình. Được tiếp cận với hai tuyển tập: "Mùa say đắm", "Thu trong mắt biếc" do hội nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2017 tôi cảm thấy sửng sốt trước một nhà làm tuyển tập trẻ và triển vọng trong tương lai - Lê Gia Hoài với cách chọn thơ hồn nhiên, trong trẻo pha chút liều lĩnh. Nhưng bất cứ độc giả nào khi đọc hai tuyển tập trên đều bị lạc vào mê cung của ngôn từ, thi tứ rất hàm xúc và lắng đọng mà các tác giả đã để lại trong các thi phẩm của mình. Có điểm rất đáng chú ý là các tác phẩm của các tác giả trong hai tuyển tập nói trên phần nhiều chưa xuất hiện trên văn đàn mà chủ yếu chỉ được công bố trên trang block cá nhân.

    [​IMG]

    Với trình độ được đào tạo để giảng dạy chuyên bộ môn ngữ văn, sức đọc, sức cảm văn chương luôn thường trực trong tư duy của Lê Gia Hoài, kết hợp với sự tích tụ, dồn nén của cảm xúc đã kéo dài qua nhiều năm sáng tác thơ văn, khi những cảm xúc ấy bung nở đến độ chín và "Tình ca trên bục giảng" ra đời như một lẽ rất tự nhiên của quá trình sáng tạo vậy. Khi cầm bản thảo tập thơ "Tình ca trên bục giảng" trên tay, tôi thực sự phấn trấn và rất vui khi được thưởng thức một giọng điệu thơ rất riêng, rất trẻ với sự tự tin và đĩnh đạc tuyệt vời của một hồn thơ lãng mạn nhưng cũng rất đời của Lê Gia Hoài.

    Có một điều rất lạ là, trong tập thơ không có bài nào viết riêng cho cây lúa nhưng các thi phẩm lại thấm đẫm tình đất, tình người Vĩnh Tường. Có lẽ tất cả các ngôi trường trên quê hương Phủ Vĩnh đều được bao bọc bởi ruộng đồng, hương lúa, hương ngô, hương của phù sa sông Hồng, hương của nắng gió cứ phảng phất vào các trang vở của thầy trò nơi đây. Chẳng thế mà trong các bài thơ của Lê Gia Hoài những hình ảnh đồng quê, hình ảnh tuổi thơ gắn liền với lũy tre làng, điệu hát ru hiện lên thật đẹp, thật da diết, đầy ắp tình cảm, gợi lên sự ám ảnh rất đỗi sâu sắc trong lòng người: "Xuân trên cánh đồng của mẹ, gió mùa về lạnh hơn, tuổi thơ bồi hồi con nước lũ, bóng bờ tre rủ, đánh giậm, đánh lờ tôm, tát vét, bên đồng lúa bao quanh, những ngày mùa gặt rộ, cánh diều biếc tung bay.. hoa may vờn gió gọi hương tình..". Vẻ đẹp trong những hình ảnh chỉ có ở làng quê ấy đã được Lê Gia Hoài đưa vào trong thơ rất giản dị và đằm thắm.

    Mảng thơ về trường lớp, những ký ức xa xăm, tình yêu mộng mơ thời mực tím.. cứ đọc lên là chạm vào tâm hồn bất cứ ai đã từng bước qua cánh cổng trường, từng nép mình sau tán phượng rưng rưng.. Phải là người trong cuộc - một thời là học trò vô tư mơ mộng và có thời gian khá lâu đứng trên bục giảng mới có thể có được những xúc cảm gần gũi và trong sáng với tuổi hoa niên như vậy. Lấp lánh trong "Tình ca trên bục giảng" là: "Nắng sân trường, phượng đỏ, bằng lăng tím, ve kêu trên tán lá, bông cỏ may vương đầy trên sân trường cũ, thời hoa niên tươi sắc xuân thì..".

    Hãy cứ trầm tư đọc và cảm hết những gì có trong "Tình ca trên bục giảng" để được lắng hồn mình vào vẻ đẹp của cuộc sống rất nên thơ và trữ tình mà các vần thơ Lê Gia Hoài muốn truyền tải đến bạn đọc. Riêng tôi không thể không viết mấy câu này: "Cuộc đời ơi chớ có quên/ Có thầy cô ta mới nên thân người". Cuối cùng không thể đừng được, tôi cứ phải thông tin rằng: Lê Gia Hoài tên khai sinh là Lương Cầm Hóa, con trai nhà thơ nổi tiếng Cầm Giang. Cố thi sĩ Cầm Giang là thành viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957, là nhà thơ của: "Rừng trắng hoa ban, Tình ca Tây Bắc, Nhớ vợ, Em tắm, Người con gái Châu Yên bắn máy bay.." đã là những thi phẩm đi cùng năm tháng của nền thi ca đương đại. Rất vui khi thấy Lương Cầm Hóa – Lê Gia Hoài đã có được những đam mê nối nghiệp cha mình. Chúc nhà giáo trẻ Lê Gia Hoài sẽ thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật trong tương lai!

    Xuân 2018

    Bùi Văn Dung.


     
  2. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    Bài Thơ: Sau Bục Giảng

    Tác Giả: Lê Gia Hoài

    *

    Sau bục giảng là gì em biết không

    Là mêng mông nhịp đời buông hối hả

    Bao đam mê cũng oằn mình nghiêng ngả

    Giấc mộng gia đình xa quá tầm tay!

    *

    Sau bục giảng là những áng thơ hay

    Lúc ưu tư, lúc dâng đầy mộng mị

    Bao toan lo, bao nỗi niềm suy nghĩ

    Cơm áo gạo tiền dạn dĩ niềm thơ.


    [​IMG]

    Sau bục giảng là một khoảng trời mơ

    Cứ xanh cao chẳng bao giờ gần lại

    Tuổi trẻ đi bụi phấn bay.. bay mãi

    Ước vọng ban đầu hoang dại tim yêu.

    *

    Sau bục giảng là mưa nắng trăm chiều

    Đan chéo nhau thành bao điều khắc khoải

    Li rượu cay mặc lo âu hoang hoải

    Ta rót vào mình những mê mải tình em.

    *

    20/11/2017

    *

    Lê Gia Hoài.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...