Hình ảnh của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn minh châu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 2 Tháng ba 2021.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Hình ảnh người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn "Chiếc Thuyền Ngoài Xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

    Tác giả: YenOanh099


    Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, thuộc một trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất văn học nước ta hiện nay. Ông có nhiều tác phẩm hay tiêu biểu là truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa", mà nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc là người đàn bà hàng chài - một người phụ nữ cam chịu, vị tha, có tấm lòng bao dung, giàu đức hi sinh và rất am hiểu về cuộc sống.

    Tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" hiện lên qua lời kể của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Trong một lần được trưởng phòng giao nhiệm vụ là phải chụp một tấm ảnh về thuyền và biển để có tấm lịch nghệ thuật cho năm sau, Phùng đã đến vùng từng là chiến trường cũ của anh. Tại đây, anh đã có hai phát hiện. Phát hiện thứ nhất là cảnh "Đắc" trời cho, cả đời Phùng chỉ diễm phúc bắt gặp một lần. Đó chính là hình ảnh chiếc thuyền trong buổi sớm mờ sương với vài bóng người lớn lẫn trẻ con đang ngồi im phăng phắc, hiện lên như "Một bức tranh của một danh họa thời cổ", một "Khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp. Một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích". Khung cảnh khiến Phùng trở nên bối rối, anh tưởng mình vừa khám phá ra cái chân lí của sự toàn diện, phát hiện ra cái đẹp chính là đạo đức. Nhưng giữa lúc Phùng đang cảm nhận niềm hạnh phúc, cảm nhận cái thiện mĩ của cuộc đời thì cái phát hiện thứ hai - hiện thực nghiệt ngã của con người - lại khiến Phùng chết lặng, kinh ngạc, vứt chiếc máy ảnh xuống chạy nhào tới..

    Lúc đó, từ chiếc thuyền bước lên bờ một cặp vợ chồng và người chồng thì đang đánh đập dã man người vợ. Khung cảnh hoàn toàn đối lập với câu chuyện cổ tích trong mơ lúc nãy. Hình ảnh người đàn bà lúc này cũng hiện lên rõ ràng hơn. "Đây là một người phụ nữ trạc ngoài bốn mươi. Một thân hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển. Cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt", là người không hề có nhan sắc với ngoại hình của sự lam lũ vất vả.

    Người đàn bà này là ai?

    Đó là một người vô danh mà tác giả chỉ gọi "Người đàn bà" một cách phiến diện. Nhà văn cố tình mờ hóa tên tuổi để tô đậm, tạo ấn tượng về sự vất vả, nhọc nhằn và nghèo khổ của người đàn bà hàng chài nói riêng, của những người đàn bà vùng biển nói chung - những con người luôn phải đối mặt với hiểm nguy, đói khát, bấp bênh thời hậu chiến, đôi lúc đến cái tên cũng không có để mà gọi.

    Nói về người đàn bà, trước kia Chị vốn là con của một gia đình khá giả nhưng xấu xí và lỡ có mang với một anh hàng chài. Lúc đó, Chị lấy chồng, chồng chị là một anh con trai "Hiền lành nhưng cục tính" và có trách nhiệm. Anh đã nhận Chị làm vợ và hết lòng đùm bọc, che chở. Nhưng vì túng quẫn, nghèo khổ, thất học, lạc hậu mà chồng Chị ngày càng thay đổi, trở thành một kẻ lỗ mãng. Hắn dùng phương pháp hành hạ Chị để giải tỏa những áp lực, bế tắc của cuộc sống. Dù vậy, người đàn bà vẫn "Cam chịu, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy" trước hành động vũ phu của chồng.

    Phải chăng Chị đã quá nhẫn nhục?

    Với người khác thì là vậy, còn với Chị đây là lẽ đương nhiên. Bởi trong cuộc sống mưu sinh đầy cam go trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài xa này thì cần có một người đàn ông khỏe mạnh và biết nghề. Với Chị, chỉ cần những đứa con của mình được sống, được lớn lên là đủ. Nhưng, dù cam chịu, nhẫn nhịn thì người phụ nữ ấy vẫn có lòng tự trọng. Chị không muốn con mình nhìn thấy mình bị đánh đập và phải đau lòng chứng kiến một gia đình không hạnh phúc như thế, nên Chị đã xin chồng đem chị lên bờ mà đánh. Khi thằng Phác (đứa con trai) xuất hiện trong lúc Chị bị chồng đánh thì Chị cảm thấy "Vừa đau đớn, vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã". Rõ ràng, người đàn bà này rất tốt, luôn nhẫn nhịn và yêu thương gia đình, con cái của mình.

    Không chỉ nhẫn nhục, chịu đựng mà người người phụ nữ ấy còn giàu đứa hi sinh và thấu hiểu lẽ đời. Khi đến tòa án huyện, vẻ đẹp tâm hồn Chị càng bộc lộ rõ nét hơn. Bước vào gian phòng đầy bàn ghế và giấy má, Chị vô cùng lo lắng và sợ sệt liền tìm một góc tường để ngồi. Thế mà khi nghe chánh án Đẩu khuyên "Chị không thể sống nổi với cái lão đagn ông vũ phu ấy đâu", thì Chị lại van xin "Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó..". Điều này khiến Phùng và Đẩu vô cùng kinh ngạc. Khi nghe Chị lí giải, hai người đã có cách suy nghĩ khác về cuộc sống.

    Nguyên nhân của sự cam chịu, nhẫn nhục ấy là Chị cần có chồng, sống trên chiếc thuyền phải có một người đàn ông khỏe mạnh và biết nghề, để nương tựa, để chống chọi với bão tố, để kiếm sống và nuôi con. Sau đó, người đàn bà chuyển cach xưng hô từ "Con" và "Quý tòa" sang "Chị" và "Các chú" rất chững trạc của người từng trải, không còn vẻ khúm núm trước kia "Chị cảm ơn các chú!.. Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc..".

    Phùng và Đẩu đã quen với cái nhìn phiến diện một chiều, quen với các kiến thức trong sách vở thì làm sao hiểu được mặt trái của cuộc sống. Với họ, người đàn ông vũ phu ấy là kẻ ác, đáng bị trừng trị thích đáng thì với Chị - một người phụ nữ thấu hiểu lẽ đời, đó lại là một người đàn ông hiền lành, bao dung, cao thượng (Hắn đã cưu mang Chị lúc đang mang thai, bị người tình ruồng bỏ) và rất yêu thương vợ con. Chị thấm thía và thấu hiểu nguyên nhân tại sao chồng lại thay đổi trở nên vũ phu như bây giờ, chỉ vì đói nghèo, chỉ vì lạc hậu, chỉ vì "Cái lỗi chính là đám đàn bà trên thuyền đẻ nhiều quá mà thuyền lại chật". Với Chị, hắn đáng thương hơn là đáng trách. Quả thật, lòng Chị không chỉ nhân hậu, bao dung mà còn có cái nhìn sâu sắc, giàu sự trải nghiệm. Thấp thoáng trong Chị là hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam khác: Bao dung, nhân hậu, vị tha và giàu đức hi sinh.

    Câu chuyện của người đàn bà khiến cho Phùng và Đẩu ngạc nhiên, từ sững sờ, khó hiểu đi đến cảm phục và trân trọng tấm lòng vị tha, đức hi sinh cao cả, vì chồng, vì con và thấu hiểu lẽ đời của Chị. Nhưng dù sao, trong sự đau khổ, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc niềm vui để sống. Khi được Phùng hỏi: "Trong đời chị có khi nào thật vui không?". Chị đáp: "Có chứ chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no". Lòng người mẹ này thật cao cả biết bao! Với Chị "Phải sống cho con chứ không phải cho mình". Hạnh phúc của chị cũng xuất phát từ những lần vui vẻ hiếm hoi của gia đình "Trên thuyền có lúc vợ chồng con cái chúng tôi hòa thuận, vui vẻ". Nói về những điều đó, mặt chị "Ửng sáng lên như một nụ cười". Hạnh phúc đó cũng chính là niềm hạnh phúc lạ lùng, khó hiểu đối với những người như Phùng và Đẩu. Trong vất vả, đau đớn, người đàn bà này vẫn tìm thấy, vẫn chắc chiu được những niềm vui ít ỏi, niềm vui lấp lánh trong âm thầm chịu đựng, nhẫn nhục và hi sinh.

    Qua hình ảnh người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự quan tâm đến những con người bất hạnh và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của họ: Dù khó khăn, khốn khó nhưng họ vẫn luôn khát khao hạnh phúc bình dị, khát khao cuộc sống no đủ, bình yên. Nhà văn cũng phê phán nạn bạo lực gia đình - một mảng tối trong xã hội đương đại.

    Tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" đã khắc họa thành công hình ảnh người đàn bà hàng chài tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam: Cam chịu, vị tha, giàu đức hi sinh và thấu hiểu lẽ đời. Cũng từ tác phẩm, Nguyễn Minh Châu đã rút ra mối quan hệ giữa nghệ sĩ và cuộc đời. Đó chính là không nhìn người, nhìn đời phiến diện một chiều, nghệ thuật chân chính là không được rời xa cuộc đời.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng tám 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...