Hết Lòng Tác giả: Trúc Châu Thể loại: Tản Văn Mỗi ngày trôi qua, chúng ta làm biết bao nhiêu là việc, việc lớn có việc nhỏ có, cả việc ngắn hạn hay những kế hoạch dài hạn, nói cho cùng con người làm việc để thấy mình có ích hơn, thấy mình tồn tại. Còn khi mình rảnh rỗi quá lại sinh tâm buồn chán và cả lo lắng nữa. Lo lắng rằng mình đang để cho thời gian trôi qua vô ích, lo lắng công việc sẽ không hoàn thành sớm được, lo lắng khi ta không nhắn tin quan tâm thì mối quan hệ của mình sẽ không còn được ổn. Nhưng bạn có nghĩ rằng thay vì cho rằng thời gian trôi qua vô ích sau không tận dụng ngồi trong tĩnh lặng để quay về với chính mình. Công việc sẽ không còn nhiều âu lo khi có niềm tin vững vàng, có kế hoạch cụ thể và biết đâu xa một chút hờ hững một chút lại là phép thử cho mình và cả người đó, để biết hiểu rõ hơn lòng mình là nhung nhớ, là yêu thương hay chỉ là một thói quen. Câu nói của một thiền sư: "Làm gì cũng phải hết lòng, tận tâm", là một lời khuyên quý giá và rất đáng để chúng ta suy nghĩ, học tập. Bất cứ điều gì cũng vậy không làm thì thôi nhưng một khi đã làm nhất định phải dùng hết tất cả tâm lực để hoàn thành. Khi nhận một công việc lúc đầu ta hào hứng lắm, với nhiều mơ ước và hy vọng: "Công việc này sẽ mang đến cho mình nhiều thu nhập, mang đến cho mình nhiều thuận lợi, thăng tiến trên con đường sự nghiệp". Nhưng chuyện đời thường không như ý muốn, một chút bất cẩn nào đó khiến công việc không còn thuận lợi cho mình nữa. Tâm lý của chúng ta lúc đó chính là mong muốn bỏ đi cho xong, cũng không thiết tha nữa, mọi sự dở dang. Chính lúc ấy, bạn hãy kiên nhẫn với chính bản thân mình, "Làm gì cũng phải hết lòng" nếu đã bắt đầu thì hãy kết thúc, nếu không có kết thúc hoàn hảo nhất thì cũng hãy nên kết thúc trọn vẹn nhất. Việc đó dù sao cũng đã không đem lại lợi lộc gì cho mình nhưng bạn biết không, ẩn phía sau đó là những giá trị chúng ta chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Đó là sự trọn vẹn với lời hứa, với cam kết của chính bản thân. Đó là sự hình thành nên một tư duy đẹp, một phong cách đẹp sẽ đi theo ta mãi trên đường đời. Đó còn là sự huân tập cho sự nhẫn nại của bản thân. Ông bà ta có câu: "Chữ nhẫn là chữ tượng vàng Nếu ai nhẫn được thì càng sống lâu". Sống lâu ở đây không chỉ là tuổi thọ, mà còn là tồn tại lâu dài trong lòng người đối diện, người mà ta tiếp xúc. Bên cạnh một người nhẫn nại bạn sẽ thấy an lành hơn, nhẹ nhõm hơn nhiều. Nhẫn nại chính là một trong những yếu tố làm nền cho biết bao điều tốt đẹp. Có nhẫn nại mới có thấu hiểu, có nhẫn nại ta mới có thể hết lòng lắng nghe, có nhẫn nại ta mới hóa hung thành kiết. "Làm gì cũng hãy làm hết lòng, tận tâm" nói thì dễ nhưng khi làm thì mới khó. Nó đòi hỏi nhiều nỗ lực của bản thân, vượt qua sự chán nản, sự buông xuôi, sự bỏ cuộc và đôi lúc là cả sự bực bội, giận tức trong lòng. Tâm vô thường như khỉ chuyển cành, ngựa chạy đồng hoang, chỉ có một cách duy nhất là phải huấn luyện, không còn cách nào khác nữa cả. Cho nên, nhất định khi đang làm việc gì chúng ta cũng hãy luôn tâm niệm câu nói ấy. Và điều cuối cùng, cũng là quả ngọt mà chúng ta sẽ nhận được khi làm một việc hết lòng đó là: Cho dù có thành công hay thất bại sau này nhìn lại ta cũng mỉm cười với chính mình rằng, mình đã làm hết lòng rồi, đã tận tâm rồi. Có sự thanh thản nào hơn thế! - Trúc Châu -