Bài 1: Hãy phân tích đoạn thơ sau đây trong bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận "Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then, đêm sập cửa. Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, Câu hát căng buồm cùng gió khơi. Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng, Cá thu biển Đông như đoàn thoi Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng. Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!" Huy Cận là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trước Cách mạng tháng Tám, ông là nhà thơ lãng mạn xuất sắc. Thơ ông là nỗi đau đớn của một người dân vong quốc, sống trong cảnh nô lệ nước mất, nhà tan. Ông tự ví mình như một linh hồn nhỏ mang trăm nghìn nỗi sầu đau nhân thế; "Một chiếc linh hồn nhỏ Mang mang thiên cổ sầu" Từ sau cách mạng tháng Tám, nhất là từ chuyến đi thực tế ra vùng mỏ Quảng Ninh năm 1958, trong không khí phấn khởi miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết đất nước, thơ ông dồi dào trở lại trong hai nguồn cảm hứng lớn, ca ngợi thiên nhiên đất nước, "Đoàn thuyền đánh cá" được tác giả sáng tác trong chuyến đi này. Bài thơ là một khúc ca hào hùng tráng lệ ca ngợi vẻ đẹp của biển trời quê hương và lao động đánh cá bằng bút pháp lãng mạn với những hình ảnh thơ kì vĩ, lớn lao. Trong tác phẩm, hai đoạn đầu của bài thơi đã tái hiện khung cảnh đẹp đẽ cảnh đoàn thuyền ra khơi trong buổi hoàng hôn, đêm tối. - (Dẫn đoạn thơ) - Kết cấu bài thơ được tổ chức theo hành trình của chuyến ra khơi đánh cá. Bắt đầu là lúc hoàng hôn buông xuống trên biển cả. Kết thúc là cảnh bình minh lên, đoàn thuyền đánh cá thắng lợi trở về đất liền trong ánh sáng của ngày mới. Khổ đầu bài thơ là cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Đó là một bức tranh tươi sáng, ấm áp, tràn ngập niềm vui sướng, sự phấn khởi trong tâm hồn người lao động. Cảnh chiều tàn, mặt trời lặn trên biển được tác giả khắc họa thật đẹp đẽ. "Mặt trời xuống biển như hòn lửa" Hoàng hôn, chiều tà, đó là thời điểm kết thúc một ngày. Ánh sáng nhạt dần nhường chỗ cho bóng tối. Ngày chuyển dần thành đêm. Sự sống sôi động chậm dần rồi đi vào ngưng nghỉ. Vì thế, thời gian ấy thường gợi buồn. Tuy nhiên, cảnh vật trong thơ lại rất tươi sáng. Mặt trời không "khuất, mất, tịch" mà từ từ chìm xuống biển, trong hoạt động quen thuộc của một ngày. Cách so sánh "như hòn lửa" gợi vẻ đẹp của vầng dương trong thời khắc ngày tàn vẫn ấm áp sự sống. Mặt trời vừa tắt, bóng đêm buông xuống trên biển cả rất nhanh. Câu thơ tiếp sau tả cảnh đêm tối; "Sóng đã cài then, đêm sập cửa." Hai động từ "cài, sập" cho thấy thời gian trôi rất nhanh. Nghệ thuật nhân hóa khiến cảnh đêm đại dương thật ấm áp, gần gũi, sinh động. Những con sóng chạy dài nhấp nhô trên biển tựa như những chiếc then. Bóng tối dày nặng, đen thẫm như cánh cửa để những con sóng nhấp nhô cài vào cánh cửa màn đêm. Đại dương mênh mông như một ngôi nhà lớn của mẹ biển. Người lao động ra khơi đánh cá là trở về với ngôi nhà của người mẹ thiên nhiên vĩ đại, yêu thương. Câu thơ đã khéo léo thể hiện niềm vui làm chủ biển khơi, đất trời của người lao động. Trên nền không gian, thời gian ấy đoàn thuyền đánh cá của những người dân bắt đầu nhịp điệu lao động quen thuộc trên biển: "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, Câu hát căng buồm cùng gió khơi." Từ "lại" cho thấy đó là hoạt động được lặp đi lặp lại mỗi khi màn đêm buông xuống. Nó lý giải vì sao cảnh hoàng hôn, đêm tối trên đại dương lại ấm áp, không buồn bã, thê lương là vì một ngày kết thúc lại là sự khởi đầu cho một nhịp điệu lao động hăng say, hứng khởi của con người. Vẻ đẹp, khí thế của chuyến đi được tập trung thể hiện ở câu cuối: "Câu hát căng buồm cùng gió khơi." Nghệ thuật nói quá được sử dụng thành công trong câu thơ đã gợi vẻ đẹp lãng mạn, chất thơ của hình ảnh cánh buồm. Có lẽ, không hề ngẫu nhiên các tác giả khi tả cảnh ra khơi đều hướng tới vẻ đẹp đó. Trong bài thơ "Quê hương" Tế Hanh, cũng từng viết: "Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió" Cánh buồm trong thơ Tế Hanh mang linh hồn làng chài quê hương, còn cánh buồm trong thơ Huy Cận no gió và căng tràn niềm vui, sự hứng khởi, tin tưởng trong tâm hồn người lao động. Một cánh buồm mang vẻ đẹp trẻ tráng, khí thế hăng say của con người ở thời khắc lên đường. Tiếp theo ngay sau cau hát ra đi là khúc hát ca ngợi sự giàu đẹp của biển cả và nói lên niềm mong ước của người lao động trong mỗi chuyến đi: "Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng, Cá thu biển Đông như đoàn thoi Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng. Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!" Trải nghiệm của chuyến đi thực tế ra biển Hạ Long, tình yêu thiên nhiên, cuộc đời mới đã chắp cánh cho thơ Huy Cận. Từ hình dáng, sắc màu, tập tính của các loài cá, tác giả gợi ra những liên tưởng độc đáo. Cá bạc má sống ở tầng nước lặng, cá thu thường sống theo bầy đàn đi lại như đoàn thoi trên mặt biển nhà thơ liên tưởng đến kho báu vô tận dưới lòng đại dương. Hình dáng, màu sắc, vẻ đẹp của cá tựa như những sợi tơ óng ánh sắc màu dệt nên tấm tahmr biển lung linh màu sắc, đẹp trong mọi không gian, thời gian đêm ngày. Từ cá "dệt biển", tác giả liên tưởng đến cá "dệt lưới" là cách nói của nhà thơ, cái đẹp; "Đến dệt lưới ta đàn cá ơi!" Cụm từ "đàn cá ơi" tạo nên một giọng điệu thật ấm áp, trìu mến, thân thương như tiếng gọi của người dân với những người bạn thiên nhiên hào phóng vô tư. Dệt biển là dệt vẻ đẹp. Dệt lưới là tạo nên điều tốt lành, no ấm, đủ đầy, hạnh phúc của con người. Câu thơ là niềm mong ước sâu thẳm của người lao động trong mỗi chuyến ra khơi mong đánh bắt được. Đoàn thuyền đánh cá là một sáng tác hay, thành quả của chuyến đi thực tế của Huy Cận trong nắm 1958 khi miền Bắc đang trong không khí hăng say xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hai đoạn thơ mở đầu đã tái hiện khung cảnh ra khơi của đoàn thuyền trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ của buổi hoàng hôn. Đoạn thơ cũng nói lên niềm vui sướng, phấn khởi, hân hoan của người lao động trong niềm vui làm chủ biển cả, làm chủ công việc của mình. Về nghệ thuật, đây là hai đoạn thơ tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn của tác phẩm. Biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, cường điệu, cùng những từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi tả đã góp phần làm nên thành công cho nội dung đoạn thơ. Đoạn thơ đã gợi nên tình yêu với biển cả quê hương đất nước, niềm tự hào về bàn tay xây dựng cuộc sống của người lao động. Từ đó, mỗi con người phải có ý thức, trách nhiệm đóng góp, xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước của mình.
BÀI 2: Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận. "Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng, Ra đậu dặm xa dò bụng biển, Dàn đan thế trận lưới vây giăng. Cá nhụ cá chim cùng cá đé, Cá song lấp lánh đuốc đen hồng, Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé, Đêm thở: Sao lùa nước Hạ Long. Ta hát bài ca gọi cá vào, Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao, Biển cho ta cá như lòng mẹ, Nuôi lớn đời ta tự buổi nào. Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng, Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng, Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông, Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng." Huy Cận là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trước Cách mạng tháng Tám, ông là nhà thơ lãng mạn xuất sắc. Thơ ông là nỗi đau đớn của một người dân vong quốc, sống trong cảnh nô lệ nước mất, nhà tan. Ông tự ví mình như một linh hồn nhỏ mang trăm nghìn nỗi sầu đau nhân thế; Từ sau cách mạng tháng Tám, nhất là từ chuyến đi thực tế ra vùng mỏ Quảng Ninh năm 1958, trong không khí phấn khởi miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết đất nước, thơ ông dồi dào trở lại trong hai nguồn cảm hứng lớn, ca ngợi thiên nhiên đất nước, "Đoàn thuyền đánh cá" được tác giả sáng tác trong chuyến đi này. Bài thơ là một khúc ca hào hùng tráng lệ ca ngợi vẻ đẹp của biển trời quê hương và lao động đánh cá bằng bút pháp lãng mạn với những hình ảnh thơ kì vĩ, lớn lao. Trong tác phẩm, có một đoạn thơ miêu tả cảnh tượng đoàn thuyền đánh cá trên biển đêm Hạ Long thật đẹp đẽ, tràn đầy niềm vui, sự hứng khởi ở người lao động: - Dẫn đoạn thơ ở phần đề bài- Kết cấu bài thơ được tổ chức theo hành trình của chuyến ra khơi đánh cá. Bắt đầu là lúc hoàng hôn buông xuống trên biển cả. Kết thúc là cảnh bình minh lên, đoàn thuyền đánh cá thắng lợi trở về đất liền trong ánh sáng của ngày mới. Ở hai đoạn thơ đầu, tác giả đã khắc họa cảnh đoàn thuyền ra khơi với những câu hát nổi lên niềm vui bất tận của người lao động. Họ cất cao tiếng hát, hòa cùng những làn gió biển để đưa thuyền lướt sóng. Lời ca ngợi biển cả giàu đẹp, nói lên niềm mong ước về một cuộc sống no ấm, đủ đầy sau mỗi chuyến đi. "Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng," Hai câu thơ tác giả sử dụng thành công biện pháp nghệ thuật: Nhân hóa, ẩn dụ, nói quá cùng những hình ảnh khoa trương để tạo vẻ đẹp thi vị cho con thuyền đánh cá. Nó gợi cho người đocj liên tưởng đến hình ảnh con thuyền ra khơi trong bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh: "Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang" Mỗi bức tranh thơ mang một vẻ đẹp riêng qua cảm hứng sáng tạo của thi sĩ. Tình yêu quê hương đất nước, sự gắn bó với con người lao động đã chắp cánh, tạo vẻ đẹp cho thơ. Nhà thơ đã tạo những hình ảnh thật lớn lao, kì vĩ chỉ có trong tưởng tượng. Bức tranh cảnh ra khơi trong thơ Tế Hanh được khắc họa trên nền không gian tươi sáng, trong trẻo của thời khắc bình minh. Nó thiên về lối tả và được khắc họa qua nỗi nhớ, tình yêu của một người con xa quê. Bức tranh thơ Huy Cận là vẻ đẹp, không khí lao động của những người dân vùng biển trong những năm tháng miền Bắc đang phấn khởi, tin tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là những quan sát, trải nghiệm tác giả thu nhận được trong chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh. Thơ Huy Cận lung linh như một bức sơn mài lộng lẫy. Cảnh biển đêm huyền ảo đã tôn lên vẻ đẹp kì vĩ, lớn lao của con thuyền đánh cá. Từ đó, nói lên chất thơ trong trẻo, lãng mạn trong tâm hồn người lao động. Lời thơ không tả gió mà vẫn thấy gió, sức mạnh của gió, hay niềm vui sướng của con người thổi phồng những cánh buồm đưa thuyền lướt sóng. Câu thơ không tả trăng mà vẫn thấy vẻ đẹp ngời ngợi, lung linh của chị Hằng tỏa sáng không gian, dệt nên những cánh buồm. Buồm được dệt nên những cánh buồm. Buồm được dệt bằng ánh sáng của trăng, của cái đẹp, chất thơ thiên nhiên vũ trụ. COn thuyền của ngư dân có "gió lái", trăng làm buồm. Nó lướt băng băng như một con tuấn mã trẻ trung, tràn đầy sức mạnh. Thuyền không lướt trên mặt biển mà như đang bay trong một không gian cao rộng không giới hạn của biển và trời. Câu thơ khéo léo ca ngợi vẻ đẹp ấy phải là những tâm hồn thi sĩ, lãng mạn. Hai câu tiếp sau là giai điệu dồn dập, khẩn trương, gấp gáp của bài ca lao động trên biển; "Ra đậu dặm xa dò bụng biển, Dàn đan thế trận lưới vây giăng" Một không khí lao động thật nô nức, hăng say, mê mải được gợi ra. Các động từ "đậu", "dò", "dàn đan", "vây giăng", cùng với từ "thế trận" đã gợi nên không khí của một trận chiến trên biển cả. Người lao động yêu nghề, yêu biển, họ là những chiến sĩ trên mặt trận lao động sản xuất đang góp sức mình vào xây dựng, kiến thiết cho quê hương tổ quốc thêm giàu đẹp. Ngay sau đó là những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của những loài cá biển: " Cá nhụ cá chim cùng cá đé, Cá song lấp lánh đuốc đen hồng, Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé, Đêm thở: Sao lùa nước Hạ Long." Nghệ thuật liệt kê, ẩn dụ, nhân hóa được sử dụng thành công, kết hợp với biện pháp liệt kê khiến bức tranh biển đêm thật lộng lẫy, huyền ảo. Nhân vật trung tâm là các loài cá biển đang phô bày vẻ đẹp trong ánh trăng khuya. Câu thơ "cá nhụ cá chim cùng cá đé" lấy từ thành ngữ "chim thu nhụ đé" đã gợi ra vẻ sinh động, sự đông đúc của những loài cá quý của biển Đông. Cá nối đuôi tràn trên mặt bể, cá đi vào thơ, tràn từ câu trước sang câu sau. Tác giả tập trung tả vẻ đẹp của loài cá song. Những chấm đen, hồng trên mình như những ngọn đuốc lung linh thắp sáng lòng biển. Vẻ mềm mại, duyên dáng tựa như một nàng tiên cá lộng lẫy trong bể vàng rực rỡ. Cá làm đẹp cho biển khơi, tạo xúc cảm cái đẹp, khiến hồn thơ thì thi sĩ thêm dồi dào, lai láng "Con cá song đốt đuốc dẫn thơ về" (Chế Lan Viên) Khung cảnh biển đêm do vẻ đẹp các loài cá ấm áp, sinh động vô cùng: "Đêm thở: Sao lùa nước Hạ Long." Không gian thật yên tĩnh mới cảm nhận được vẻ đẹp hòa quyện với âm thanh gió và sóng nước. Đó là thứ nhạc điệu riêng của biên cả, thiên nhiên vũ trụ về đêm. Nó xao động, phập phồng như nhịp thở trái tim biển cả. Dấu hai chấm trong câu thơ báo hiệu ý thơ sau giải thích, bổ sung cho ý trước. Trăng sao chiếu xuống mặt nước, ánh trăng hòa trong sóng nước như xô đuổi, nô giỡn cùng nhau. Biển trời hòa nhập thành một cõi lấp lánh. Điều này chưa bao giờ có trong thơ Huy Cận trước cách mạng tháng Tám. Nối tiếp sau là khúc hát gọi cá vào dệt lưới và thể hiện lòng biết ơn vô hạn với biển cả: "Ta hát bài ca gọi cá vào, Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao, Biển cho ta cá như lòng mẹ, Nuôi lớn đời ta tự buổi nào." Niềm tin tưởng vào công cuộc lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc những năm tháng ấy đã đem đến cái nhìn lãng mạn cho Huy Cận. Lao động đánh cá vốn nhọc nhằn, vất vả, nhất là diễn ra trong màn đêm. Tuy nhiên, nhà thơ chỉ tập trung khắc họa vẻ đẹp trữ tình của lao động. Nó đẹp và vui như một khúc ca. Người lao động cất cao tiếng hát gọi cá vào dệt lưới. Đệm nhíp cho khúc hát của con người là nhịp trăng, nhịp gõ, nhịp phách của trăng sao sóng nước. "Nhịp trăng" là bản đàn, nhạc điệu riêng của biển trời dành tặng cho khúc hát của người lao động. Thiên nhiên, con người cùng hòa hợp trong một khúc ca vui. Trong niềm vui bất tận, người lao động không quên ân tình của biển cả: " Biển cho ta cá như lòng mẹ, Nuôi lớn đời ta tự buổi nào." Câu thơ như được chắt ra từ suy nghĩ và cảm xúc của người dân chài. Sự sống của họ là từ bao đời phụ thuộc vào biển cả. Bởi vậy, biển cả thiêng liêng mà gần gũi, là nguồn sống của con người. Cách so sánh "như lòng mẹ" kết hợp với các từ "cho, nuôi lớn" đã thể hiện tình yêu, lòng biết ơn, sự gắn bó của người lao động với biển cả. Người mẹ Đại dương bao la đã nuôi dưỡng, cho họ sự sống, yên bình, ấm no, hạnh phúc bao thế hệ. Khổ thơ tiếp sau miêu tả những hành động khẩn trương, gấp rút kết thúc một đêm lao động trên biển, trở về đất liền: " Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng, Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng, Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông, Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng." Một không khí lao động hăng say từ lúc khi ra đi cho đến những phút cuối cùng. Thời gian và con người vẫn chạy đua không ngừng nghỉ trong màn đêm. Trăng lặn, sao mờ, trời sắp sáng. Con người hối hả kéo những mẻ lưới cuối cùng để kịp thời gian. Vẻ đẹp của hoạt động lao động ấy tập trung thể hiện ở câu thơ thứ hai. Người dân chài như một bức tượng đồng vững chắc với những cánh tay cuồn cuộn, săn chắc cường tráng đang mải miết kéo lưới. Hình ảnh "chùm cá nặng" còn gợi niềm vui tràn đầy trong lòng người. Đó là thành quả của chuyến ra khơi: " Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông, Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng." Ngôn ngữ thơ rất giàu chất họa. Trong màn đêm đen, nổi bật là sắc vàng cá, bạc của đuôi cá, hồng của chân trời lúc rạng đông. Những màu sắc đẹp đẽ lung linh gợi ra không khí huyền thoại. Đoàn thuyền như chở kho báu đại dương trở về đất liền. Làm nên kỳ tích ấy là những người dân chài, bằng bàn tay lao động họ đã tạo nên ánh sáng, niềm vui cho một ngày mới, một cuộc đời mới. Câu cuối khổ thơ có ba động từ "xếp, lên, đón" miêu tả những hoạt động gấp rút, khẩn trương của người lao động thu lưới, căng buồm, đưa đoàn thuyền trở về trong bình minh một ngày mới. Sắc hồng của không gian buổi sớm hay đó còn là niềm vui, nụ cười, nét rạng rỡ trên gương mặt người đi biển tỏa rạng trên không gian bát ngát trời biển. "Đoàn thuyền đánh cá' là một bài thơ hay, đặc sắc, đánh dấu một chặng đường thơ khởi sắc của Huy Cận trong những năm tháng miền Bắc phấn khởi xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ để thống nhất đất nước. Bài thơ không chỉ ca ngợi biển cả quê hương giàu đẹp, mà còn hướng tới ca ngợi lao động, người lao động đã đóng góp, công hiến công sức, mồ hôi để kiến thiết xây dựng quê hương. Bốn khổ thơ trên bằng bút pháp lãng mạn, những hình ảnh kỳ vĩ, lớn lao. Các biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa, so sánh được sử dụng thành công đã góp phần thể hiện vẻ đẹp của khúc ca lao động. Tác giả đã ca ngợi không khí lao động hăng say, hứng khởi của những người dân chài vùng mỏ Quảng Ninh trong một đêm đánh cá trên biển. Từ đó, gợi nên tình yêu với quê hương, đất nước, niềm tự hào, trân trọng ở mỗi người đọc với những thành quả tốt đẹp do bàn tay người lao động tạo nên.
Bài 3: Phân tích vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long. Nguyễn Thành Long là nhà văn chuyên về truyện ngắn và ký. Tác phẩm của ông hấp dẫn người đọc bởi vốn sống phong phú, cốt truyện truyện nhẹ nhàng, giọng điệu tâm tình, ngôn ngữ giàu chất trữ tình, chất thơ lên tỏa. "Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn đặc sắc. Tác phẩm viết năm 1970, sau chuyến đi thực tế Lào Cai của tác giả. Đó là thời điểm miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, tích cực chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Mỗi người lao động đều ý thức được trách nhiệm của mình phải đóng góp, cống hiến cho đất nước. Người lao động được tôn vinh là chiến sĩ trên mặt trận lao động sản xuất để xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp. Thực tế ấy của thời đại, đẫ thổi hồn vào trang viết của nhà văn. Tác phẩm ca ngợi bức chân dung những con người lao động mới hằng ngày hằng giờ thầm lặng đóng góp, cống hiến cho đất nước. Anh thanh niên trong truyện ngắn là 1 biểu tượng cao đẹp cho con người lao động bình dị có những phẩm chất cao quý ấy. Anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu là nhân vật chính của truyện. Một chàng trai 27 tuổi, quê ở Lào Cai, ngoại hình không có gì đặc biệt, tầm vóc bé nhỏ, nụ cười tươi tắn biểu lộ một tâm hồn chân thành, dễ mến. Là nhân vật chính nhưng anh không được tác giả đặt tên riêng. Giống như các nhân vật khác trong truyện, tác giả đã lấy tuổi tác, nghề nghiệp để định danh cho nhân vật. Đó là dụng ý nghệ thuật. Ông chỉ muốn phác vẽ chân dung một con người lao động thầm lặng có thể ta bắt gặp ở đâu đó trong cuộc sống và trong chính mình. Chính vì vậy, nhân vật lại có khả năng khơi gợi, lan tỏa những điều tốt đẹp trong lối sống của mình tới cuộc sống và con người. Nhân vật được khắc họa qua cái nhìn và lời kể của người họa sĩ già lên Sa Pa nghỉ ngơi. Một người nghệ sĩ đã luống tuổi, suốt đời đi tìm cái đẹp, có đủ độ tinh tường, sâu sắc phát hiện cái đẹp của cuộc sống, con người. Vì vậy, bức chân dung nhân vật chỉ qua một vài nét phác vẽ vẫn hiện lên chân thực và sinh động. Vẻ đẹp con người lao động ấy được khắc họa qua một hoàn cảnh sống và công việc vừa đời thường vừa có nét khác thường. Nơi người thanh niên làm việc là đỉnh cao Yên Sơn, cao 2600m so với mực nước biển. Oử nơi ấy, quanh năm mây mù, tuyết phủ. Con người không chỉ phải chống chịu với giá lạnh, khắc nghiệt của thời tiết mà còn phải chịu những thiếu thốn về vật chất. Tuy vậy, những khó khăn đó không thấm gì với những thiếu thốn về tinh thần, niềm vui tuổi trẻ. Anh thanh niên phải sống một mình trên đỉnh núi cao, xa cách người thân, bè bạn. Người ta dễ nghĩ rằng anh cũng sẽ cô độc như đỉnh núi nơi anh ở. Công việc của anh làm cũng là cả một thử thách với tuổi trẻ thích cái mới, sự sáng tạo. Ngày cũng như đêm, anh phải đều đặn lấy tin tức thời tiết bằng cách: Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, góp phần vào dự báo thời tiết, phục vụ sản xuất, chiến đấu hằng ngày. Để có những tin tức chính xác, người thanh niên ấy không chỉ lấy tin vào ban ngày, lúc thời tiết thuận lợi mà còn phải thức khuya dậy sớm về đêm nữa. Anh đã kể với ông họa sĩ những vất vả ấy:" Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Lấy được tin rồi, trở vào nhà, bên ngoài lạnh cóng nhưng bên trong lại nóng hầm hập, không tài nào ngủ được ". Hoàn cảnh sống và công việc ấy đã bật lên tình yêu nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm với công việc, lý tưởng sống đẹp của con người lao động đó. Anh thanh niên yêu công việc của mình. Anh tâm sự với ông họa sĩ mà như nói với chính mình:" Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề anh không nghĩ như vậy nữa. "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được." Công việc đã đem đến cho anh tình yêu, bè bạn, niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống. Người thanh niên ấy coi công việc là lẽ sống của mình. Hạnh phúc với anh là được làm việc cống hiến. Anh hiểu rằng, công việc đem đến cho anh những người bạn làm cùng nghề ở dưới xuôi. Và quan trọng hơn, những tin tức chính xác anh gửi đã góp phần vào phục vụ sản xuất, chiến đấu. Niềm vui của anh cũng là công việc đem đến. Anh rất tự hào ngày ấy, tháng ấy, nhờ phát hiện đám mây khô của anh mà không quân ta hạ được phản lực của Mỹ trên cầu Hàm Rồng. Đẹp đẽ biết bao, lý tưởng sống của thanh niên ấy. Người thanh niên ấy còn trẻ tuổi nhưng rất chân thành, khiêm tốn, quan tâm tới những người xung quanh. Một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm làm bạn với mây mù, rừng núi, bão tuyết. Đó là lý do anh thèm người, trân trọng những giây phút gặp gỡ những người khách ở dưới xuôi lên. Anh đối đãi với họ như những người khách quý. Với bác lái xe quen biết lâu năm, hay mua sách hộ anh biếu bác củ tam thất để ngâm rượu, chục trứng gà anh nuôi để cảm ơn con người tốt bụng. Ông họa sĩ đến thăm SaPa chỉ mới quen, anh nhiệt tình mời lên nhà, pha trà bằng thứ nước mưa Yên Sơn ngọt mát mời ông, trò chuyện về công việc, tâm sự cả những điều mà anh chỉ nghĩ đến. Với cô kỹ sư mới quen, anh cắt tặng cô một bó hoa thật đẹp ở vườn nhà mình. Ai tiếp xúc, trò chuyện với anh đều nhận thấy đó là một chàng trai dễ mến, cởi mở. Người thanh niên còn rất khiêm tốn khi nói về mình. Ông họa sĩ xúc động trước những việc làm của anh nên đề nghị vẽ chân dung nhưng anh đã từ chối. Anh giới thiệu cho ông những người bạn anh quen biết vì cho rằng những người ấy xứng đáng. Đó là ông kĩ sư vườn rau giống SaPa, Anh cán bộ lập bản đò sét, anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Phan Xi Phăng. Từ lời kể của người thanh niên ấy. Người đọc thấy được bức chân dung tập thể những con người lao động thầm lặng đang lặng lẽ cống hiến, làm việc cho đất nước. Họ là những người thắp lửa, truyền lửa để mỗi người nhìn lại chính mình. Từ đó, thấy được trách nhiệm làm việc, cống hiến cho cuộc đời chung. Người thanh niên mang vẻ đẹp của người lao động tri thức với lối sống ngăn nắp, khoa học. Tiếp xúc với anh, người họa sĩ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khi lên nhà anh, ông rất sửng sốt trước sự ngăn nắp, sạch sẽ, cách bài trí khoa học. Một chiếc giường con, bên cạnh là bàn làm việc, biểu đồ, số sách, thống kê, máy bộ đàm.. tất cả đều gọn gàng, được đặt đúng vị trí. Trên bàn làm việc của anh là một cuốn sách đang mở. Dưới sân nhà là một vườn hoa đang khoe sắc với biết bao những loài hoa đẹp: Thược dược hồng phấn, tổ ong, lay ơn đủ màu sắc. Trên bàn là cuốn sách đang đọc dở. Cuốn sách ấy nói lên thói quen thích đọc sách, yêu tri thức và cũng là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn nhân vật. Con người ấy như cuốn sách đang mở trước mặt mọi người, chân thành, dễ mến, tin cậy nhưng người ta vẫn phải suy nghĩ, kiếm tìm, khám phá những vẻ đẹp tâm hồn anh như thể phải lật giở những trang sách tiếp theo để đọc. Hình ảnh vườn hoa đẹp khoe sắc dưới nắng thế giới tâm hồn của người thanh niên nhạy cảm, tinh tế, yêu thiên nhiên và cái đẹp. Những vẻ đẹp ấy ở nhân vật như một thứ ánh sáng kì diệu có khả năng tỏa sáng và khơi dậy những điều tốt đẹp ở những người xung quanh, với cuộc sông, con người. Người thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu là nhân vật được xây dựng thành công trong truyện ngắn. Nhà văn đã đặt nhân vật vào một tình huống truyện gặp gỡ bất ngờ ngẫu nhiên. Từ đó, đi khắc họa chân dung nhân vật qua cái nhìn, lời kể của người họa sĩ tinh tường trước cái đẹp. Con người ấy mang vẻ đẹp, phẩm chất, lối sống của người lao động tri thức bình dị, khiêm nhường nhưng có những cống hiến thầm lặng, lớn lao cho cuộc sống. Qua nhân vật này, tác giả đã ca ngợi những người lao động bình dị làm đẹp cho cuộc sống. Từ đó, khơi gợi trách nhiệm làm việc, công hiến đóng góp ở mỗi người. Sắp tới mình sẽ đăng ít đi vì mình sắp thi giữa kỳ, mong mọi người thông cảm và đợi mình nhé
Bài 4: Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Phương Định (Những ngôi sao xa xôi- Lê Minh Khuê) qua đoạn văn sau đây: "Tôi một quả bom trên đồi. Nho, hai quả dưới lòng đường. Chị Thao, một quả dưới chân cái hầm barie cũ Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ theo dõi mình, tôi không Sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới. Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng.. Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặt là mặt trời nung nóng. Chị Thảo thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình. Hồi còi thứ hai của chị Thao. Tôi nép người vào bức tường đất, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu. Còn đằng kia, lửa đang chui bên trong cái dây mìn, Chui vào ruột quả bom.. Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: Ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: Liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: Đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng Nhưng quả bom nổ. Một thứ tiếng kì quái, đến váng óc. Ngực tôi nhói, mắt cay mãi mới mở ra được. Mùi thuốc bom buồn nôn. Ba tiếg nổ nữa tiếp theo. Đất rơi lộp bộp, tan đi âm thầm trong những bụi cây. Mảnh bom xé không khí, lao và rít vô hình trên đầu." Bài làm Lê Minh Khuê là nhà văn sáng tác nhà văn sáng tác từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong những năm tháng chiến tranh, tác giả là phóng viên mặt trận của báo Tiền Phong, gia nhập đội ngũ thanh niên xung phong đến với Trường Sơn để sống và viết. "Những ngôi sao xa xôi" là một trong những tác phẩm đầu tay của tác giả được sáng tác năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt và được in trong tập truyện ngắn cùng tên. Tác phẩm viết về cuộc sống của ba cô thanh niên xung phong là Phương Định, Nho và Thao trên một cao điểm ở Trường Sơn. Từ đó ca ngợi vẻ đẹp của tuổi trẻ chống Mỹ anh hùng, dũng cảm mà trẻ trung, lãng mạn. Phương Định là nhân vật chính của truyện ngắn. Cô gái ấy đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về vẻ đẹp phẩm chất anh hùng dũng cảm được thể hiện qua đoạn văn miêu tả tâm trạng của cô trong một lần phá bom ở cuối truyện. Phương Định là người Hà Nội. Cô 17 tuổi và có hình thức bên ngoài xinh xắn, duyên dáng với "hai bím tóc dày mềm, cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn, đôi mắt nâu có cái nhìn xa xăm" gợi mở một tâm hồn phong phú và tinh tế. Giống như một lớp người trẻ tuổi lớn lên trong những năm tháng chống Mỹ, được đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là niềm vinh dự, lý tưởng sống của đời mình. Vì vậy, rời ghế nhà trường, cô đã đến với Trường Sơn, con đường máu lửa đạn bom, gia nhập vào đội ngũ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom thông đường cho xe ra tiền tuyến. Đoạn văn đã tái hiện không gian làm việc và nhiệm vụ nặng nề nguy hiểm mà Phương Định và đồng đội đảm nhận mỗi ngày. Nơi cô sống và làm việc ở trên một cao điểm, trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay địch. Một ngày chúng thả bom năm lần, ngày ít ba lần. Bom đạn biến nơi đây thành một không gian hoang tàn, đổ nát "Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trên không trung". Cảnh vật như trải qua bao cơn bão lửa. Cái im lặng của cao điểm quả thật đáng sợ. Nó là phút lặng im sau một trận giông tố vừa qua và chờ đợi những trận tiếp theo sắp đến. Ngoài không khí im lặng đáng sợ là những hình ảnh và âm thanh gợi cái chết. Cây cối xơ xác. Đất nung nóng như rang trong chảo lửa. Khói đen vật vờ. Cao điểm giống như một nghĩa địa chết chóc. Thần Chết hiện ra với một diện mạo cụ thể. Có khi hiện hữu trên những quả bom nằm chình ình trên bụi cây, đầu vẽ hai vòng tròn màu vàng. Có khi nó nằm dưới lòng đường, hoặc trong chân hầm barie cũ. Cũng có khi nó ẩn hiện trong những làn khói đen vật vờ, trong ruột những quả bom bị nung nóng.. Công việc của Phương Định và đồng đội là phá bom. Mỗi người phải đảm nhận những trái bom ở một vị trí cụ thể và phải hoàn thành trong một thời gian nhất định để đảm bảo an toàn "Tôi một quả bom trên đồi. Nho, hai quả dưới lòng đường. Chị Thao, một quả dưới chân cái hầm barie cũ." Khi được giao nhiệm vụ, không ai được phép chần chừ do dự mà phải nhanh chóng bằng mọi cái làm cho bom nổ. Đoạn văn cũng cho thấy ý thức trách nhiệm với công việc của Phương Định đã tạo cho cô lòng dũng cảm, sự can đảm mạnh mẽ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhà văn đã đi sâu miêu tả tâm lý của nhân vật để thấy được điều đó.[/SIZE][/FONT][/SIZE] Việc phá bom đã thành quen. Một ngày phải năm lần. Ít cũng phải ba lần. Bao nhiêu lần máy bay thả bom là bấy nhiêu lần phải phá bom nhưng mỗi lần chạy trên cao điểm cô vẫn sợ hãi, hồi hộp đến nghẹt thở "thần kinh căng như chão. Tim đập bất chấp nhịp điệu". Tuy vậy, do đòi hỏi công việc, danh dự và lòng tự trọng của người lính "trinh sát mặt đường" không cho phép cô tỏ ra mất bình tĩnh, do dự, lúng túng trong lúc ấy. Phương Định tìm thấy điểm tựa, sức mạnh đồng viên ở những người đồng đội, những người lính cao xạ đang dõi theo ở phía sau, sẵn sàng bắn yểm trợ cho cô nên cô đã bình tĩnh bước đến đối diện với nó "tôi đến gần quả bom. Cảm thấy ánh mắt của các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới". Tình đồng đội là nguồn sức mạnh để trấn áp những bất an để cô hoàn thành nhiệm vụ. Lòng can đảm, tinh thần trách nhiệm của nhân vật còn thể hiện trong hành động phá bom Phương Định và đồng đội không có máy móc để đào bới hỗ trợ mỗi khi phá bom. Tình thế cấp bách, khẩn trương của cuộc chiến đấu đòi hỏi cô phải nhanh chóng làm nhiệm vụ bằng cách đơn giản nhất và chấp nhận những hy sinh mất mát có thể xảy ra với mình bất cứ lúc nào. Mỗi lần phá bom cô phải dùng xẻng đào, moi đất đá để đặt mìn bên cạnh quả bom. Những lần như vậy Phương Định cảm nhận rất rõ âm thanh của tiếng xẻng chạm vào quả bom, hoặc là tiếng động lao xao của sỏi đá. Những âm thanh ấy báo hiệu sự xuất hiện của Thần Chết đang lởn vởn đâu đây, nó trở nên sắc lạnh như cứa vào trong nỗi sợ hãi trong cô, làm tin loạn nhịp. Những khi đó Phương Định cảm thấy mình làm quá chậm. Vỏ quả bom bị nóng lên cũng là một dấu hiệu chẳng lành khiến cô hoang mang: Nóng từ trong ruột bom hay bị mặt trời nung nóng. Nếu nóng từ ruột bom thì thời gian chỉ còn lại giây phút. Bom sắp nổ. Cô tự giục mình, hãy nhanh hơn nữa vì Thần Chết là kẻ không thích đùa. Tiếng còi của chị Thao vang lên lúc ấy, nhắc nhở, thúc giục cô phải làm việc nhanh chóng đặt mìn vào bom và chạy lại chỗ nấp. Phương Định đứng trước nguy hiểm cũng biết rõ trái bom có thể cướp đi sinh mạng của mình bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi ở bên những trái bom, cô không cho phép mình sợ hãi cái chết. Cái chết với cô là một cái gì thật "mờ nhạt, không cụ thể". Điều quan tâm nhất là bom có nổ không và nếu không nổ thì phải làm thế nào để châm lại lần thứ hai. Cô chỉ tự nhủ mình hãy cẩn thận để mảnh bom không ghim vào cánh tay. Nếu bị thướng co sẽ phải đi quân y viện, xa tổ trinh sát mặt đuobgừ, xa chị Thao, Nho và công việc. Phải vượt lên tất cả để giành lấy sự sống từ Thần Chết. Phải hoàn thành nhiệm vụ và sông bằng mọi giá. Ý chí sống mãnh liệt là động lực để Phương Định có được can đảm, lòng dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ. Giây phút chờ đợi bom nổ là một thử thách thần kinh không kém gì khi đặt mìn bên cạnh quả bom. Cô rất căng thẳng, hồi hộp đến từng giây. Chỉ khi tiếng nổ kỳ quái váng óc vang lên, âm thanh mảnh bom xé, rít lên trong không khí Phương Định mới thở phào nhẹ nhõm đã hoàn thành nhiệm vụ. Từ tâm lý hồi hộp, căng thẳng chờ đợi bom nổ có thể thấy những nguy hiểm và hy sinh mà Phương Định và đồng đội phải chấp nhận khi làm nhiệm vụ. Cũng từ đó người đọc thấu hiểu lòng dũng cảm, ý thức trách nhiệm ở những con người phải chiến thắng chính mình để hoàn thành nhiệm vụ. Thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến đấu là nhờ sự đóng góp hy sinh của những con người trẻ tuổi như Phương Định và đồng đội của cô. Sau trận phá bom, Phương Định sẽ chạy vào cái hang sau dưới chân cao điểm, thanh thản nhẹ nhõm nằm dài trên nền đất ẩm, uống nước suối pha đường hoặc nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ xíu trong hàng phát đi bản tin chiến thắng trên khắp chiến trường và chờ đợi đợt bom tiếp theo để lặp lại công việc ấy. Đoạn văn miêu tả nhân vật Phương Định trong một lần phá bom là một đoạn đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện và diễn biến tâm lý nhân vật. Nhà văn đã phát huy sở trường diễn tả tâm lý bằng cách chọn lựa ngôi kể thứ nhất. Nhân vật tự kể lại những cảm xúc suy nghĩ của mình khi trên cao điểm, lúc đặt mìn cho bom nổ hoặc khi chờ đợi bom nổ. Nhờ ngôi kể ấy mà những trạng thái tâm lý đang diễn ra trong lòng nhân vật khi phá bom. Về nội dung, đoạn văn đã cho thấy những hy sinh vô giá của Phương Định và đồng đội khi các cô phải làm nhiệm vụ phá bom mở đường cho xe chạy. Từ đó, người đọc thấy được lòng dũng cảm, ý thức trách nhiệm với cuộc chiến đấu là sức mạnh để tạo nên chiến côn cho tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ nhân vật Phương Định, đã gợi lên trong lòng người đọc, nhất là lớp trẻ hôm nay ý thức được trách nhiệm đóng góp và gìn giữ bảo vệ Tổ quốc để xứng đánh với thế hệ cha anh đi trước.