Review Sách Hành Trình Về Phương Đông - Baird T. Spalding, Nguyên Phong

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Đan Mộc, 6 Tháng tám 2018.

  1. Đan Mộc

    Bài viết:
    192
    Review Hành trình về phương Đông – Baird T. Spalding

    Nguyên Phong - Dịch phóng tác

    Đan Mộc

    [​IMG]

    * * *

    Bạn có tin vào Chúa? Bạn tin rằng đời này có Phật, hay thánh thần?

    Nếu bạn không tin, vậy hãy trả lời xem, bạn tin có tổ tiên bạn, những họ hàng thân thuộc nhất của bạn, vừa qua đời, hoặc đã khuất từ lâu lắm? Có hay không?

    Nhà bạn có thờ cúng tổ tiên?

    Chắc hẳn là sẽ có. Thờ cúng tổ tiên cũng là một hình thức tín ngưỡng tồn tại song hành với các đấng tối cao khác, mà người ta thường xếp theo tôn giáo. Nếu bạn không tin, bạn có dám làm một hành động nào đó bất kính trước bàn thờ tổ tiên bạn? À, đừng làm thật nhé, không khéo, mẹ bạn sẽ đánh nát mông bạn, và ba bạn sẽ đuổi cổ bạn ra khỏi nhà.

    Nói về một thế giới khác tồn tại song song cùng với thế giới chúng ta đang sống, vốn dĩ là một chuyện rất phức tạp. Nhất là khi khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay. Khi mà bạn ngồi trong nhà xí nhà bạn, bạn cũng có thể chăm chú nhìn thấy các vị nguyên thủ quốc tế họp tại Nhà Trắng với nội dung có liên quan đến đất nước của bạn. Khi mà bạn đang lẻ loi một mình, còn thầm chửi rủa cái thằng "crush" mình đã bật đèn xanh từ tám đời dương mà hắn vẫn không hay biết, thì bạn lại đau lòng vô cùng khi nhìn thấy cặp đôi sao Hàn đang đắm đuối hôn nhau mãnh liệt trong một bộ phim nào đó. Ừm, tóm lại là ý tôi muốn nói, rằng khoa học phát triển mạnh mẽ, nhưng có những điều khoa học chưa tìm thấy.

    Ai đã từng học Triết học, Chủ nghĩa Mác Lê – Nin chắc hẳn biết câu này, đại ý là: Tư tưởng chủ nghĩa xã hội khoa học luôn giúp con người phát hiện ra nhiều điều mới mẻ, nếu có, thì cũng là chưa phát hiện ra, chứ không phải là không phát hiện ra.

    Vậy thì, bạn có tin rằng có ma không, có thần linh không, có thế giới dưới kia và trên đó không? Có nhiều người không tin giống bạn, nhưng bạn sẽ không ngờ, người ấy lại rất thích đọc truyện xuyên không, thích xem phim kinh dị, thích coi phim ma, và vẫn hào hứng khi truyền hình chiếu Tây Du Ký.

    Tôi không tin lắm, nhưng vẫn có một chút tin. Và tôi tin rằng, một ngày nào đó, con người sẽ thật sự phát hiện ra điều mà bấy lâu nay, chúng ta vẫn còn tranh luận. Khoa học ngày nay, có thể giải thích hầu hết mọi thứ, nhưng có những chuyện khoa học vẫn phải đứng sang một bên, cúi đầu chào, im lặng.

    Năm 1924, trưởng phái đoàn các nhà khoa học đi tham dự hội thảo tại nước Anh, giáo sư Spalding đã cho xuất bản cuốn sách "Journey to the East" tại nhà xuất bản Adyar Ấn Độ. Cuốn sách đã gây ra một dư luận hết sức sôi nổi không chỉ ở nước Anh mà ở cả châu Âu và Mỹ. Cuốn sách nói về sự thất bại của khoa học trước sự thần bí của các vị đạo sĩ đến từ Ấn Độ.

    Cuốn sách vừa ra đời, ngay sau đó đã bị cấm xuất bản, đến sau thế chiến thứ II, cũng không được bất cứ nhà xuất bản nào phát hành trên khắp thế giới. Đến năm 2009, nhà xuất bản Booksurge Hoa Kỳ đã tìm mọi cách liên lạc với dịch giả Nguyên Phong, bây giờ là giáo sư John Vu để xin phép chuyển ngữ quyển sách tiếng Việt, trước đó đã được Nguyên Phong dịch phóng tác năm 1974. Sau 85 năm thất truyền, quyển sách này một lần nữa gây nhiều tranh luận và sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc trên thế giới.

    Spalding nói rằng "Phương Đông có những chân lý quan trọng đáng để cho người phương Tây nghiên cứu, học hỏi. Đã đến lúc người phương Tây phải quay về phương Đông để trở về với quê hương tinh thần"

    Quyển sách là hành trình đi tìm chân lý phương Đông của giáo sư Spalding và các đồng hành của mình. Họ lang thang khắp mọi nẻo để tìm những vị chân tu, những đạo sĩ chân chính, tìm kiếm lòng tin của chính mình về một đấng tối cao nào đó, để cuối cùng hiểu rõ hơn về mình, về những người xung quanh và về con người trong xã hội. Suốt hai năm trời ròng rã, các nhà khoa học đã đi khắp các nẻo đường Ấn Độ, chứng kiến nhiều pháp thuật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí bị lừa đảo.. của nhiều pháp sư, đạo sĩ.. rồi tiếp xúc với các vị chân tu thông thái ẩn dật ở ngay thị trấn hay trên rặng Tuyết Sơn quanh năm mây phủ, tuyết rơi.. Chứng kiến, trải nghiệm và thấu hiểu về văn hóa Ấn Độ như yoga, thiền định, thuật chiêm tinh, phép dưỡng sinh và chữa bệnh, về nhân duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cái chết..

    Sau khi đọc xong quyển sách, tôi cảm thấy có chút mơ màng với hiện tại của chính mình. Ừm, nhưng quả thật, quyển sách còn để lại nhiều chân lý đáng quý, rất cần thiết cho cuộc sống hiện đại của chúng ta hôm nay. Bạn sẽ thấy tâm mình tĩnh tại hơn, có giây phút trầm lắng để suy tư về chính mình, biết sống nhân văn hơn, thân ái hơn, và.. thế giới thêm kì diệu hơn. Hẳn là, chính ta sẽ có thêm lòng tin vào cuộc sống này.

    Hãy đọc và cảm nhận quyển sách "Hành trình về phương Đông" của Baird T. Spalding (Nguyên Phong dịch phóng tác), do nhà xuất bản thế giới phát hành. Đây là cuốn sách hay nhất mọi thời đại, khám phá những giá trị vĩnh hằng. Nguyên Phong còn có nhiều tác phẩm phóng tác xuất sắc khác như: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết Sơn, Đường mây qua xứ tuyết..

    À, xin phép nói thêm, Nguyên Phong là Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học tại trường Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ. Ông từng là kỹ sư cao cấp, là phó chủ tịch của Tập đoàn Boeing, từng giảng dạy tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.. về các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ phần mềm, điều khiển học..

    Điều quan trọng là, ông không phải là nhà tu.
     
    Last edited by a moderator: 30 Tháng chín 2018
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...