Truyện Ngắn Hai Ông Già Ở Đồng Tháp Mười - Nguyễn Khải

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Phạm Tường Vy, 4 Tháng mười 2018.

  1. Phạm Tường Vy

    Bài viết:
    62
    Tên: Hai ông già ở Đồng Tháp Mười

    Tác giả: Nguyễn Khải

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    Từ huyện Tân Thạnh chúng tôi xuống cái xuồng nhỏ có gắn máy đi vào Đồng Tháp Mười dọc theo con kinh lớn Dương Văn Dương. Anh Tư, một cán bộ của Ty Văn hóa và Thông tin cùng đi với chúng tôi, rất yêu giới nghệ sĩ, có làm thơ và viết văn, cho mình và cho bạn bè chứ chưa nghĩ tới cần phải ấn hành rộng rãi. Đã là cái gì đâu mà đòi được in ra, anh bảo thế, chuyện mình mình nói với mình, chỉ như thế thôi, các anh ạ.

    Thời tiết đã sang mùa mưa, đêm mưa một chút, sáng chiều lát lát lại mưa ào ào một chút. Nước kinh rất xanh, màu xanh rất trong, vứt cái kim dòm xuống còn thấy, mà lại làm khổ người. Nước này thì cá chết, lúa chết, phải đợi nước ngọt của mùa mưa đè phèn xuống thì mới cày cấy được. Xuồng đã chạy được cả giờ mà mùi dầu tràm của các lò nấu tư nhân dọc theo tỉnh lộ vẫn còn thơm cay trong mũi. Cất tinh dầu tràm là một nghề phụ rất lắm tiền của bà con vùng Đồng Tháp. Những rừng tràm màu lá xanh đen, màu hoa trinh trắng ôm lấy hai bờ kinh, những bãi gỗ tràm vừa kéo từ dưới nước lên thịt gỗ đen bóng như sừng trâu, màu gỗ ấy phải được ngâm cả chục năm dưới nước rồi, làm cột, làm kèo, làm cừ còn bền hơn cả sắt thép. Ngồi trên xuồng tôi cứ đắm đuối ngắm nhìn những giống cây lạ, à, thì ra đất Nam bộ cũng có cả cây đa, mà sao bộ rễ trồi lên mặt nước lại trắng thế, nhỏ thế, dày sít đến thế, như cây cảnh. Cây gừa đó, anh Tư bảo, lá nó nhỏ hơn lá đa. Còn đám cây có bông trắng nhỏ như bông mai là cây cà na, quả chua chua ăn rất tuyệt. Có dạo nghe ai nói quả cà na ăn vào chống được bệnh nhiễm phóng xạ, dân buôn hoa quả Sài Gòn chạy về mua như điên, bán lại cho người thành phố với giá cắt cổ. Ai mà nghĩ được sẽ có ngày làm giàu trong phút chốc bằng quả cà na?

    Hành trình đi xuồng không thể tính bằng cột số mà phải tính bằng giờ. Một giờ, hai giờ, nhìn lại bờ kinh vẫn là cây, là nhà, phía trước con kinh như leo qua dốc, mặt nước như vồng lên, dòng kinh như nhỏ lại hun hút thăm thẳm, với riêng tôi lần đầu ngồi trên xuồng, cái nhìn ấy quả rất lạ. Gặp một cái xuồng nhỏ như lá lúa, anh chồng đội mũ dạ rộng vành ngồi phía sau chèo, cô vợ ngồi đằng mũi bồng đứa nhỏ, tay cầm ô che màu rực rỡ, còn thằng con lớn nằm ngang vắt chân ra ngoài nước, cũng lạ. Rồi thuyền bán hàng tạp hóa, bán chum vại ly chén, bán vải vóc. Thuyền neo các ngã ba kinh bán đồ giải khát và cà phê. Những nhà hàng lưu động trên kinh, đường phố đi lại trên kinh, lại càng lạ. Vẫn là đất nước mình mà một bước đi là một bước lạ. Vẫn là con người Việt Nam mình mà gặp thêm một người lại như buộc mình phải hiểu lại chút ít về con người.

    Lúc còn ngồi ở huyện, anh Tư đã nói người đầu tiên chúng tôi nên gặp, phải gặp khi vào Đồng Tháp Mười là ông Ba Quốc Hội. Sao lại gọi là ông Ba Quốc Hội? Tên gì mà lạ thế! Nào ai rõ được xuất xứ, chỉ nghe mọi người đều kêu là ông Ba Quốc Hội, năm nay đã ngoài sáu chục, là trạm trưởng trạm máy kéo của các tập đoàn sản xuất xã Chiến Thắng. Tôi có tật hay ngờ những cảnh những người được giới thiệu trước một cách quá sốt sắng, quá hấp dẫn. Những trang viết gọi là được của tôi thường là những cảnh bất ngờ mà đến, những người bất ngờ mà gặp, những chuyện bất ngờ được nghe, những việc bất ngờ mà được tham dự. Vì mình sẽ không tính trước sẽ viết cái gì, hồn nhiên mà đến, mà nghe, mà trò chuyện, không ngờ cảnh ấy, người ấy, việc ấy cứ lưu luyến mãi, dứt ra không nổi, tìm mọi cách len lỏi vào được trang viết mới chịu thôi. Cho nên tôi không nghĩ sẽ viết được cái gì về ông Ba Quốc Hội. Cái tên người có thể nhớ mãi, vì nó lạ, nó khác thường, nhưng tên là của người này mà chuyện lại của người khác. Vẫn thường thế. Khoảng trưa thì xuồng ghé vào một chòm nhà kề sát bờ kinh. Mặt trước là ba gian nhà thoáng rộng, nhưng phía sau lại còn nhiều buồng nhỏ. Cách một khoảng sân, dựa vào gốc cây gáo là một dãy nhà ngang để năm cái đầu máy kéo, bánh cao ngang đầu, răng bánh thưa, có móc để cày ruộng lầy. Dưới bụi tre còn hai đầu máy nhỏ nữa, rồi khung bừa, bánh xe, thùng dầu, rõ ràng là một trạm máy kéo, cũng không nhỏ đâu, vào loại cỡ huyện ở miền Bắc. Chúng tôi đã đến nhà ông Ba Quốc Hội và ông già đã bước nhon nhón ra gặp chúng tôi, mặc quần lửng, cởi trần, tóc chưa bạc hết, các bắp thịt vẫn rất săn, một vóc người trời cho để sống cả trăm tuổi.

    - Chú Tư lại dẫn mấy ông nhà báo tới thăm tập đoàn hả?

    - Tới thăm bác thôi, chỉ lo bác đi vắng.

    - Ngày mai thì không có nhà thật, phải đi dự đám cưới thằng con nuôi trên huyện.

    - Thằng Hảo à? Nó lấy đứa nào?

    - Người ấp ba, con gái Hai Tùng. Con bé ấy là đứa mới lớn, chú không biết đâu.

    Một ông già Nam Bộ chính gốc nhưng lại có phong cách của người ở thành phố, có giao thiệp nhiều, nên cách đối xử với từng người hết sức nhã nhặn, tinh tế. Chẳng hạn khi nghe giới thiệu tôi thì ông Ba nói ngay: "Tôi chưa được đọc văn của chú. Nhưng nếu chú viết được cái gì về Đồng Tháp Mười thì nhất định tôi sẽ tìm mua để đọc". Nói thế cũng là người bặt thiệp lắm. Còn khi nghe tên Thu Bồn thì ông già mừng rỡ ra mặt: "Tôi thích thơ của chú lắm, nghe đọc trong rađiô chứ không có sách. Tóc chú cũng đã bạc nhiều nhỉ? Hai cuộc kháng chiến làm gì mà tóc chẳng bạc". Trò chuyện được một lúc, tôi hỏi ngay:

    - Thưa bác, tại sao anh em lại gọi bác là bác Ba Quốc Hội?

    - Hồi chín năm đánh Pháp tôi còn làm ở công binh xưởng, đồng chí giám đốc là Lê Quốc Hùng, tôi là Lê Hội, hai người lại nhận nhau là anh em nên tôi đệm thêm một chữ Quốc cho càng thân.

    Chúng tôi đã ăn cơm sáng ở huyện nhưng ông Ba vẫn đem ra một chai rượu và một dĩa khô cá.

    - Tôi chỉ uống rượu khi có bạn, ông Ba nói - uống cả lít, còn ngồi uống một mình chỉ nửa ly cũng không cạn - Rồi ông chỉ bọn tôi, hỏi:

    - Trong mấy chú, chú nào là con mẻ, chú nào là con dấm.

    Anh Tư phải giải thích con mẻ là chỉ ăn mà không uống, còn con dấm chỉ uống mà không cần ăn. Tôi cười nói nhỏ:

    - Thưa, tôi là con mẻ, bác Ba ạ.

    - À, à, trong này bọn tôi gọi cái đám chuyên phá mồi là cá lòng tong, rỉa mồi, ăn trên mặt. Nói thiệt, chú nào không biết uống là khó nói chuyện với bọn tôi lắm, miệng đã ráo khô thì lời chỉ đến đầu lưỡi thôi.

    Chuyện thời sự của huyện lúc này là điều chỉnh ruộng đất, nơi thừa san sẻ cho nơi thiếu, nhà có thì đưa sang chút ít cho nhà không. Cái lý là như vậy, là nên làm, nhưng ruộng đất là núm ruột, bom đạn mấy chục năm là thế đã mấy ai có gan bỏ ruộng mà đi. Vì người mà còn đất, sống với đất, chết theo đất. Đất quí như con, còn hơn cả con. Nay bảo nên chia đều cho ai nấy cùng có, cùng làm, cùng no đủ, cái lý thật là đúng, thật nên làm mà vẫn xót xa quá.

    - Bây giờ nhà mình còn mấy mẫu? - Anh Tư hỏi.

    - Còn năm. Bớt năm còn năm, nhiều nhà chỉ hai ba mẫu vì ít nhân khẩu. Xưa kia, hồi chúng tôi mới đến đất này, cứ theo bờ kinh mà phát khoảng trăm mét, rồi phát lùi vào khoảng ngàn mét, trăm ngang ngàn dọc tính vừa đủ mười mẫu.

    - Nghe ông nói chuyện mần ăn mà dễ quá là dễ, một chớp mắt là được mươi mẫu ruộng phải không các chú?

    Bà vợ từ buồng trong bước ra, người mập nhưng nhanh nhẹn, cái miệng thật tươi, dễ gần, dễ mến.

    - Mấy chú về chơi vào dịp này cá cua đều hiếm, nước phèn xì lên có con nào mà sống nổi. Các chú làm báo hỏi chuyện về ruộng đất để viết sao? Nhiều chuyện hay ho lắm mấy chú ơi, tha hồ mà viết.

    Rồi bà kéo ghế ngồi cạnh ông chồng, đưa mắt nhìn lần lượt mấy chúng tôi. Cái nhìn đến là quen thuộc, vẫn còn đọng lại nguyên vẹn một thời nuôi người, giấu người, dám hy sinh cho những người chỉ mới một lần quen biết. Tôi chưa thể quên được cái nhìn ấy, có điều đã lâu lâu không gặp, bữa nay mới lại được gặp.

    - Cái năm vợ chồng bỏ miệt dưới lên đây mần ăn, chồng hai mươi, vợ mười tám, lăn cây cán cỏ, khổ sở trần ai. Rồi đẻ một bầy con, đứa lớn ẵm đứa nhỏ, té sông, té ao, ăn cứt gà cứt lợn, mờ sáng vợ chồng đã đội nón ra ruộng, tối mờ tối mịt mới mò về, muốn dòm mặt con phải soi đèn mới thấy. Một đời làm ruộng có bao giờ đi thong thả theo bờ, cứ dưới ruộng mà đi, bưng đám đất chỗ này lấp chỗ trũng nọ, nên ruộng mới vuông, đất mới bằng, chứ bỗng dưng mà được chục mẫu như ông già nói.

    Ông chồng cười:

    - Các chú đây cũng là con nhà làm ruộng, đã vật lộn với hòn đất để lấy ra vài chục giạ lúa có ai bảo là rảnh rang.

    Bà vợ nói tiếp:

    - Mấy ông ấy có gan còn dằn lòng được, chứ đàn bà chúng tôi không dám ngó lại cái miếng đất đã giao, nó xót mắt đau ruột lắm. Năm sáu đứa con đi rồi lại về, không thiếu đứa nào. Còn đã cắt đất cho người khác là coi như mất hẳn. Đêm nằm không dám nghĩ tới nữa, các chú ạ.

    Ông chồng lại nói gạt đi:

    - Cách mạng cần con thì giao con, cách mạng cần đất thì giao đất, bảo phải bỏ đất mà ra tỉnh hoạt động thì vợ chồng lại ra tỉnh. Mười lăm năm sống trong thành phố có đêm nào tôi với bà lại không nhớ đến hòn đất cây lúa, mà sao vẫn dằn lòng được.

    Bà vợ cười:

    - Là nói vậy thôi, chứ đã hy sinh gần trọn đời người đâu còn tiếc rẻ có mấy năm cuối.

    Một cặp vợ chồng thật hạnh phúc, tôi nghĩ thầm thế, là người của thời này, đứng hàng đầu của thời này, một thời sóng to gió lớn mà vẫn toàn vẹn cả mọi bề, cũng là hiếm hoi, may mắn lắm. Tôi có hỏi những tình huống nguy hiểm của mười năm hoạt động bí mật trong thành phố thì bác Ba chỉ còn nhớ lại những chuyện để cười, cười nhiều hơn là lo. Cái lo thì quên rồi, còn cái để cười thì vẫn nhớ. Chẳng hạn, đi tìm nhà đồng chí để tá túc trong mấy buổi đầu vào Sài Gòn, tìm được đúng phố, đúng nhà, màu sơn đúng, khuôn cửa đúng, chậu kiểng để ngoài cửa cũng đúng nhưng số nhà thì lại không đúng. Anh em dặn là số nhà 69, nhưng nhà này lại mang biển 96. Lượn đi lượn lại cả buổi không tìm đâu ra cái số nhà 69 chỉ có một căn lầu, mà lại không dám hỏi, đành phải trở ra. Người bảo là có, người cãi là không có, cuối cùng một anh hỏi: "Bác đọc số nhà từ phía nào trước?"... "

    Từ tay mặt qua tay trái, phải không?". Thế là họ cười ầm lên, ai đời đọc chữ số lại theo cách đọc chữ Hán chữ Nôm bao giờ! Từ bữa đó tôi mới rắp tâm học quốc ngữ.

    [​IMG]

    Lại là một chuyện để cười khác. Xưa kia bà con quen biết trong Sài Gòn đều kêu tôi là ông Ba Mủ chứ không kêu ông Ba Quốc Hội, vì tôi chuyên môn buôn mủ cao su khô. Nhét thuốc nổ, vũ khí trong bành mủ chuyển qua các trạm gác vào thành phố là an toàn nhất, hợp lý nhất. Nhưng khi đem cao su ra cán thì thợ nó kêu có mùi khét như mùi thuốc nổ. Có bữa hàng chuyển từ xe xuống, mũi súng thò ra qua các lá mủ chưa ghép kỹ, tôi không nhìn thấy nhưng bà nhà tôi lại nhìn thấy liền chạy ào tới vắt lá chiếu qua, rồi ngồi đè lên trên mà la hét tôi đã phản lại vợ con, nuôi vợ nhỏ, tải của cho nó, để mặc mẹ con bà chết đói. Mới bữa nọ thằng út còn hỏi tôi: "Hồi xưa ba có vợ nhỏ thiệt hả?". Tôi hét lên: "Tao có vợ nhỏ hồi nào? Má mày mà mần thinh để tao có vợ nhỏ?". Nó cười: "Thì đã có lần má la hét rầm rầm chuyện đó, ba quên sao?".

    Lại một chuyện vui khác, cách đây đã lâu lắm, cũng gần hai chục năm rồi, đang ngồi uống cà phê trước nhà thờ Tân Định thì chạm mặt một thằng mật vụ của Sở Nghiên cứu Chính trị có biết tôi từ trước. Năm đó còn là trào Ngô. Nó hỏi ngay: "Bác Ba vô Sài Gòn mần ăn hồi nào? Không làm cách mạng nữa, hả?". Tôi cười: "Vẫn làm chứ!". Nó tròn mắt: "Ông này lớn gan thiệt"... "

    Chú đứng ngoài sao? Lãnh tụ của tao là ông Trần Chánh Thành mà"... "

    À, tôi hiểu, bác là thành viên của phong trào cách mạng quốc gia"... "

    Nói gọn hơn tao vẫn làm cách mạng"... "

    Cái xe kia là bác lái?"... "

    Chú có biết xe của ông lớn nào không?"... "

    Tôi biết, xe của ông bộ trưởng phủ Tổng thống"... "

    Tao là tài xế của ông Nguyễn Đình Thuần"... "

    Bữa nay bác đi rước ông Thuần?"... "

    Không, bữa nay tao đi rước ông Dương Văn Hiếu, phó giám đốc công an Trung phần đó"... "

    Dạ, thưa tôi hiểu, bác cũng có làm việc cho các ông công an Trung phần?" Tôi càng nói hách: "Tao đâu thèm làm ăn với mấy thằng công an mật vụ, mỗi lần ông cậu từ Huế vô biểu tao đi rước ai thì tao đi thôi"... "

    Dạ, dạ, ông cố vấn miền Trung cũng có biết bác?"... "

    Tao là người trong nhà, ông cậu phải biết tao chớ". Chuyện tôi nói là thật cả chứ không bịa. Tôi làm ở phủ Tổng thống cho tới năm Khánh ra đi mới chuyển sang nghề buôn mủ cao su. Nhưng cái lai lịch của mình khi xin việc thì là bịa hoàn toàn nên không thể để sổng cái thằng biết mình quá rõ, bữa nay nó chưa dám ngờ, nhưng bữa mai nó sẽ ngờ thì việc của mình hỏng hết. Chỉ vài ngày sau bọn tôi đã tìm cách bắt được hắn, rồi đưa ra ngoài cứ luôn, cho yên tâm. Nhưng vui nhất phải là câu chuyện tôi sắp kể cho các chú nghe đây..

    Ông Ba cầm chai rượu chỉ còn lại một chút nhướng mắt nhìn đối thủ là Thu Bồn, nhưng Thu Bồn đã vội đưa tay bịt miệng ly lại. Ông già rót hết vào ly của mình, da mặt đỏ gắt, cách nói chuyện càng duyên dáng, mặn mà:

    - Miền Nam giải phóng được vài tháng, khoảng tháng chín thì tổ chức cho vợ chồng tôi trở về quê hương, theo nguyện vọng. Ngày ấy hãy còn ông già tôi, mấy lần đã tưởng chết nhưng ông không chịu chết, chết mà phải chôn nơi đất lạ chết không nổi. Về nhà chưa được hai tháng, đau có một ngày là ổng chết luôn, chôn ngay sau nhà, bà già tôi một bên, anh Hai tôi một bên, cũng là thỏa nguyện vọng. Hôm về tôi có lên trình xã, chẳng giấy má gì hết, mà tôi cũng không khai báo gì hết, chủ tịch xã mới hăm lăm hăm sáu tuổi cứ để mặc tôi đứng rồi hất hàm hỏi: "Mấy năm ở Sài Gòn bác làm nghề gì?"... "

    Đủ mọi nghề, thưa chú"... "

    Có làm cho Mỹ không, cho ngụy không?"... "

    Tôi buôn mủ cao su cũng có tiền lắm, đâu cần phải làm cho Mỹ ngụy"... "

    Tại sao không ở lại quê hương kháng chiến, lại chạy vô Sài Gòn sống với giặc? Hồi xưa bác cũng là cán bộ nông hội phải không?"... "

    Dạ, mỗi người mỗi cảnh, tôi có cái khó của tôi". Vài bữa sau ủy ban cho người lại mượn cái máy đuôi tôm, bảo là mượn vài ngày, rồi cả tuần, rồi cả tháng không nghe nói sao, lên hỏi chỉ bảo là đang phục vụ cho xã. Hỏi nữa mấy ông ủy ban hăm mình đã từng làm giàu với giặc nay về quê còn tính toán với cách mạng một cái máy đuôi tôm. Bà vợ tôi uất lắm, cứ bảo tôi trình giấy ra, nói thật công việc của tôi, cũng là người cách mạng cả mà hiếp nhau là không được. Nhưng tôi lại nghĩ khác, làm việc cho cách mạng là cái nghĩa vụ ở đời, nó buộc mình phải làm, làm theo cái lương tâm, chứ không cốt làm để mai này kể công hưởng lợi. Bây giờ tôi là anh dân thường, là người dân một nước đã độc lập, đã tự do không đủ để vinh hạnh sao? Cần gì phải khai báo những việc đã làm, nó kỳ lắm, vả lại những công việc của tôi không thể khai báo với ai, tổ chức biết, rồi mình biết, vợ con cũng được biết là đủ, gặp các chú không phải ngượng nghịu, xấu hổ là đủ. Gần đây, thấy các chú trên tỉnh, trên huyện về thăm nhiều, xã cũng có hỏi nhưng tôi chỉ trả lời: "Mấy năm ở thành phố cũng có giúp các chú hoạt động nơi ăn chốn ở, nay các chú nhớ mà đến thăm". Cũng chỉ nói có vậy thôi.

    Cái tiềm lực tinh thần của ông già lớn thật. Người mạnh như thế cứ rẽ sóng rẽ gió mà đi, có tai họa rủi ro nào dám bén mảng. Thoạt nghe tưởng là có số may, nghe rồi ngẫm cho kỹ chỉ những người thật mạnh mới tạo được cho mình những may mắn đến hiếm có.

    Trong lúc ông Ba ngồi tiếp rượu và trò chuyện với bọn tôi, tôi vẫn để ý một ông già khác, người gầy nhỏ, lưng hơi còng, mặc cái áo thun nâu rất chật, một cái quần âu mầu xám lại dài quá, rộng quá, như quần mượn, đi lại lom khom, rồi trở về ngồi nép sau cái bàn giấy của ông là một góc phản bừa bộn giấy tờ sổ sách. Chắc là ông thư ký của trạm máy kéo, tôi đoán thế. Một ông già là trạm trưởng, một ông già là thư ký, hai ông bạn già bàn tính với nhau về chuyện làm ăn của một thời đang đổi mới về cách làm ăn, cũng là một chuyện rất hay và rất lạ, khác hẳn với những nơi tôi đã từng đến, từng viết. Chúng tôi trò chuyện được một lúc lâu rồi ai nấy nằm ngả lưng một lát, vừa mệt vừa hơi say, tỉnh dậy đã thấy ông già nhỏ bé cặm cụi ở một góc phản rồi. Tôi bước lại hỏi:

    - Một trạm máy kéo mà cũng lắm sổ sách bác nhỉ?

    Ông già bỏ kính, nhìn tôi, trả lời hồ hởi:

    - Cũng nhiều sổ sách lắm, thưa ông. Vì có nhiều khoản tiền phải tính, tiền trả chủ máy, tiền công thợ, rồi tiền khấu hao, tiền mua dầu, mỗi máy mỗi khác, mỗi ruộng mỗi khác. Việc nhiều, chúng tôi lại có tuổi nên phải làm tẩn mẩn cả ngày.

    - Bác không phải là người ở đây à?

    - Thưa, tôi là người Ninh Bình, nhưng đã vào đây sinh sống từ những năm ba mươi.

    Cách nói, giọng nói không phải là người sống bằng nghề làm ruộng, còn xa lạ với ruộng đất, là người có học, người có trí thức, là viên chức thì đúng nhất, hoặc giả đã có làm nghề dạy học. Thấy ông già vấn thuốc rê tôi bóc bao thuốc còn nguyên ra mời, ông nhón điếu thuốc rất trịnh trọng, châm hút cũng rất trịnh trọng, như đã lâu chưa được hút thuốc điếu có đầu lọc.

    - Chắc là bác với bác Ba quen biết nhau đã lâu? - Tôi dò dẫm hỏi chuyện, vì ở ông già này có cái gì không bình thường, nó tội nghiệp, nó gợi lòng thương cảm, cũng là đoán thế thôi.

    - Thưa, tôi cũng mới được biết ông bà Ba có vài tháng nay. Tôi vốn ở thị xã Cần Thơ, dạy trường đại học Cần Thơ, môn văn học Pháp. Nhưng tôi đã nghỉ hưu trên chục năm rồi, năm nay vừa tròn bẩy mươi, hơn ông Ba đâu có vài tuổi. Nhưng ông ấy còn mạnh lắm, tôi thì yếu quá. Chưa biết trời cho được nghỉ ngơi lúc nào, chắc cũng đến nơi rồi phải không, thưa ông?

    Bữa cơm chiều, bà Ba dùng cơm với đứa con gái út ở buồng trong, chúng tôi với ông Ba và ông thư ký ngồi ăn ở gian ngoài. Chúng tôi đã ngồi vào bàn nhưng ông già vẫn quanh quẩn ra ra vào vào. Mãi tới lúc ông chủ nhà nói: "Ông Hai ngồi ăn thôi, còn thiếu gì sẽ kêu con út". Lúc ấy ông mới rón rén ngồi xuống. Ông ngồi cạnh tôi, đợi mọi người cầm bát mới cầm theo, đợi người ta gắp món ăn trước mới gắp theo, là người lịch sự thì phải rồi, nhưng cứ e ngượng thế nào, là người ở nhờ và ăn nhờ, bữa nay sống yên lành dưới mái nhà này nhưng còn bữa mai bữa mốt rất có thể lại phải tới nhà khác, mà còn nhà khác để tới chứ. Chẳng là thuở nhỏ tôi đã từng đi ở nhờ, đi ăn nhờ, cũng là bà con họ hàng cả, có máu mủ với nhau cả, nhưng mẹ con không nuôi nổi nhau nên phải đem thân nhờ vả nhà khác, làm cật lực vẫn sợ là làm chưa đủ, tươi cười suốt ngày vẫn e bị chê là mặt súi, mặt hãm, họ chứa chấp mình rồi cũng có ngày bị lây cái khổ cái nghèo. Mà đã khổ đã nghèo lại mau đói quá, bát cơm chỉ rưới tí nước mắm cũng đủ ngon. Xới bát cơm đã cố lèn cho chặt mà sao vẫn mau hết. Xới đến bát thứ hai đã ngượng nghịu lắm, khổ sở lắm. Nhưng buông đũa thì không đành, cơm còn cả lưng nồi, thức ăn mới chỉ vơi một góc đĩa. Có lẽ chẳng ai chú ý cái miếng ăn đâu, người đã no đủ ai lại chú ý đến miếng ăn, đến bữa chẳng lẽ không ngồi vào ăn, ngồi ăn cho vui chứ đâu còn biết cái ngon, cái đói. Thôi, đành nhắm mắt xới thêm bát thứ ba, đánh một miếng cháy thật to ăn thêm coi như bát cuối cùng. Đứng dậy cũng được, mà ngồi ăn nữa cũng vẫn được. Nhục nhã là miếng ăn, nhưng niềm vui mỗi ngày cũng là lúc được ngồi vào bàn ăn, được bưng bát cơm lên mà ăn. Và mỗi lần người ta có điều gì không bằng lòng, lại xầm xì cho mình nghe thấy: "Cái thằng gầy guộc thế mà ăn đến khỏe, ăn bằng hai, ba người. Sao nó ăn ngon lành thế, nhanh gọn thế". Tôi rất đói, bữa ăn lại nấu rất ngon, nhưng không tài nào nuốt nổi, như có tuổi thơ mình trong đó, có nước mắt mình trong đó, thương mình một chút, thương đời còn nhiều hơn. A, sang cái tuổi năm mươi cũng có lẩn thẩn ra nhiều. Ăn cơm xong ông Ba lại chèo cái xuồng nhỏ xuống xã vì có việc cần, anh em kéo nhau đi thăm hỏi bà con chòm xóm xung quanh, riêng tôi pha một bình trà ngon mang theo, ngồi đối ẩm với ông thư ký trạm máy kéo.

    - Đêm bác ngủ có được ngon không? - Tôi hỏi.

    - Ngủ rất say ông ạ, ăn rất khỏe ngủ rất say, còn lâu tôi mới chết được.

    - Muốn sống mới khó chứ muốn chết có gì là khó.

    - Ông nói rất đúng, nhưng với tôi thì sống cũng khó mà chết cũng khó. Đã mấy lần rập rình định chết nhưng tới lúc quyết định lại có bao nhiêu lý lẽ để cần sống. Vả lại, một số phận dầu khốn khổ đến thế nào cũng chẳng thể kéo dài tới mãi mãi, cũng phải có lúc được kết thúc, phải không thưa ông?

    - Bác nghĩ được thế thì sống sẽ thanh thản lắm, trong hoàn cảnh nào cũng giữ được sự thanh thản..

    - Thưa ông, bây giờ tôi sống cũng thanh thản, vợ chết rồi, con chết rồi, nhà cửa không còn, tiền nong cũng không còn, chẳng còn gì phải lo sợ, phải mất thêm, nên trong lòng lúc nào cũng nhẹ nhõm, thanh thản.

    Ông già nhấp thong thả từng ngụm trà, rít thong thả từng hơi thuốc, nét mặt trầm lặng, cao quí, hoàn toàn khác với con người hồi chiều.

    - Tôi không phải là người đầu tiên cũng không phải là người sau cùng chịu mọi điều bất hạnh, tôi biết thế, một kẻ thất bại hoàn toàn, không được đền bù bất kể một phương diện nào. Cái còn lại của bẩy chục năm đã sống chỉ là cái thân xác đang có đây thôi, một mai nằm xuống, tan đi là coi như mất hết, như chưa từng có, chưa từng được sinh ra, chưa từng góp mặt với đời.

    Tôi nín lặng, đốt điếu thuốc mới nhìn chăm chú hai cái vành tai rất rộng của ông già. Mặt sáng, tai to mà tướng khổ ư? Phải sống cô độc những năm về cuối ư? Không có gì khổ hơn là phải sống cô độc, không được lo cho ai, mà cũng không còn ai để lo lắng cho mình.

    - Thưa ông, gia đình tôi xưa kia cũng vào loại khá giả, nên chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn. Học hết cao đẳng tiểu học ở Nam Định là vô tuốt Sài Gòn, lên tàu sang Pháp học tiếp lấy mảnh bằng tú tài, rồi vào đại học Sorbonne. Khoảng năm 1939 tôi mới về nước, dạy học ở Sài Gòn, rồi xuống Cần Thơ vẫn làm nghề dạy học. Tôi lấy vợ muộn, chỉ sinh được một mụn con gái, vợ hiền, con thảo, một mái nhà để sum họp, một nghề nghiệp để độ thân. Rồi tôi nghỉ hưu, con gái lấy chồng, chồng nó không còn cha mẹ anh em nên chúng tôi coi như con trai. Thưa ông, tôi mãn nguyện với những cái đã có, không nhiều, nhưng đủ để an vui trong tuổi già. Nào ngờ đến tuổi già lại phải chịu đựng mọi nhọc nhằn, cay đắng. Tai họa đầu tiên đến với tôi thật bất ngờ, thật đơn giản, không ai có thể lường trước. Đứa con rể bị đụng xe vào nằm nhà thương được một đêm thì chết. Con gái tôi mang thai ba tháng đau buồn quá nên bị sẩy thai. Rồi nó mang bệnh, bệnh lại trọng, vợ chồng tôi đưa cháu lên Sài Gòn chạy chữa cả mấy năm, nhà phải bán, đồ đạc cũng bán, cuối cùng vẫn không cứu được con, năm cháu mất mới có ba mươi tuổi. Chúng tôi đem số tiền còn lại, theo người quen lên Bù Đóp mua đất trồng mì, mọi việc đều phải thuê cả, thuê vỡ đất, thuê đặt hom, thuê làm cỏ, đến ngày dỡ không được vài yến củ, vì bị chuột đào ăn gần hết. Con chết, tiền hết, làm ăn thất bại, lại vào lúc sức đã yếu, tuổi đã cao, cái nông nỗi ấy ai có qua cầu mới thấy hết cái hoang mang, cái đau đớn. Rồi bà vợ tôi ốm, nằm có mười ngày là đi luôn. Chôn vợ ngày trước, ngày sau tôi cho hết đồ đạc còn lại, cả bát đĩa, cả soong nồi. Có hai người mới cần đi chợ, cần nấu ăn cho đúng bữa, cần một nơi riêng biệt để tính toán, để than thở. Còn lại một người ăn ở đâu chẳng được, nằm giữa đám đông, ăn giữa đám đông, là người của đường chợ, của công cộng, đâu còn của một gia đình. Cái rủi ro vẫn chưa hết đâu ông nhá, dầu rằng tôi cũng chẳng còn gì. Buổi sáng hôm đó tôi đang vò quần áo thì có người tới rủ đi uống cà phê. Tôi đẩy chậu quần áo vào gậm giường, vơ vội cái áo ngoài rồi theo chân luôn. Lúc trở về nhìn lại chỉ còn cái giường trống, tất cả đã sạch nhẵn, kể cả manh chiếu trải. Lần này thì hết thật, hết nhẵn nhụi, chỉ còn một bộ quần áo đang mặc với bộ quần áo đang ngâm. Tôi bán bộ quần áo đang ngâm được trăm bạc, rồi cứ để cửa ngỏ xông thẳng ra đường. Đi đâu bây giờ? Tôi định bụng sẽ về Sài Gòn, với trăm bạc vừa có, ăn uống tằn tiện cũng được vài ngày rồi sẽ tìm cách tự sát. Chết ở Sài Gòn là cái chết vô danh, còn chết ở nơi đã ở thì thiên hạ dễ đàm tiếu. Sống đã vô danh thì cũng nên chọn cái chết vô danh. Nó phải hơn. Tôi đi nhờ xe chở gỗ của bộ đội về đến Sài Gòn mới sẩm tối. Các anh bộ đội hỏi: "Bác ở phố nào, nếu tiện đường sẽ cho xe chạy qua". Tôi xuống đâu mà chẳng được, nhưng vẫn xin là xuống chợ Bến Thành. Ngày đầu tiên tiêu hết năm chục, rồi đứng thơ thẩn ở cầu Khánh Hội, đợi lúc vắng người sẽ nhào xuống. Cầu thì cao, sông thì sâu, nhìn xuống cũng đủ chóng mặt, mà sợ quá, lại sợ cả cái ý định gớm ghiếc muốn nhảy từ cầu xuống. Vụ ấy không xong, lại trở về chợ Bến Thành, nằm ngả người trên cái sạp trống, ngủ một mạch tới sáng. Ngày sau lại tiêu hết năm chục nữa, phải hết tiền mới chết được, còn tiền thì còn tiếc đời, còn chưa dám chết. Lần này không nhảy cầu nữa, mà sẽ lao vào đầu xe. Xe chạy rầm rầm trước mặt, nhưng đầu gối cứ nhũn ra, không nhấc lên nổi. Vẫn là sợ, lỡ không chết, chỉ bị vỡ đầu, gẫy chân, phải đưa vào bệnh viện mổ xẻ thì còn khổ hơn cả kiếp sống bây giờ. Lại trở về chỗ nằm đêm trước, ngủ thêm một đêm nữa rồi sẽ tính sau. Ngày thứ ba hoàn toàn nhịn đói, mồ hôi vã ra đầm đìa, đành phải ngửa tay xin tiền một người qua đường. Người đó cho tôi dăm đồng, lại còn đứng hỏi về gia cảnh. Tôi chỉ nói qua trước đây là ông giáo dạy tiếng Pháp tại các trường trung học, nay tuổi già không ai gọi đi dạy nên sống túng thiếu quá. Ông kia cũng là người nhân đức, rất thương cảm cho cái hoàn cảnh của tôi, mới bảo: "Tôi không phải là người ở đây mà tận ở trong Đồng Tháp Mười, có đứa con muốn học tiếng Pháp, nếu bác chịu về sống chỗ tôi thì sống tôi nuôi, chết tôi chôn, nhờ bác dạy giùm cho đám trẻ dưới đó". Tôi nhận lời ngay, ông ta lại cho thêm hai chục, đủ ăn một ngày mai, chiều sẽ tới đón. Nhưng về tới nơi lại phải lao vào dỡ nhà, chuyển nơi ở vì các xáng cạp bắt đầu múc đất trong kinh. Vẫn là cái số không may, có phải không ông? Còn chưa biết đi đâu, làm nghề gì để sống thì ông Ba tới, cũng là tình cờ, rồi trò chuyện, khi biết tôi là người biết đôi chút chữ nghĩa liền mời về nhà giúp ông tính toán sổ sách tiền nong. Những lúc anh em ngồi uống rượu, ông Ba thường nói: "Thật may phước cho tôi về già còn có bạn. Từ ngày có ông Hai về giúp, công việc của tôi bớt đi quá nửa". Với tôi cũng là trời phật run rủi làm sao lúc cùng đường lại đến mảnh đất này, được gặp những con người này. Đất đai thì phì nhiêu, lòng người thì rộng rãi..

    Hai chúng tôi ngồi yên lặng hút thuốc, uống nước một lúc đã lâu, rồi ông già lại nói tiếp:

    - Nói ông đừng cười, tiếng là sống tròn bảy chục năm, nhưng ngẫm lại như người đi bên cạnh. Tới lúc bị đẩy xuống vực mới biết thế nào là cái mặn chát của một kiếp người. Khắc nghiệt đến cùng nhưng không phải không có cái bao dung. Mỗi lần bưng bát cơm ăn nước mắt lại muốn ứa ra vì cái khắc nghiệt của đời cũng có, vì cái bao dung của đời cũng có.

    Sáng hôm sau, chúng tôi xin phép bà Ba ra đi sớm. Ông Ba còn đi sớm hơn chúng tôi. Gần sáng tôi tỉnh giấc đã thấy ông đứng giữa nhà đang ướm mặc quần áo, có mấy anh con trai chắc là cháu đang súm sít xung quanh ngắm vuốt, bình phẩm. Ông Ba cười ầm ầm:

    - Tao già rồi mặc sao cũng được, không ai cười đâu mà bọn bay phải làm khổ tao - Rồi lại nghe ông thì thào dặn vợ: - Nấu cơm cho mấy chú ấy ăn rồi hãy đi, tôi sợ bữa nay không có ai ở ủy ban đâu, rồi lại đói.

    Ông thư ký kế toán tiễn chúng tôi ra tận bờ kinh, nói với tôi:

    - Bữa nào ông đi qua đây xin mời ông ghé lại, được nói chuyện với các ông trong lòng tôi cũng vui thêm nhiều.

    Xuồng đã đẩy ra giữa kinh rồi nổ máy, ông già vẫn đứng nguyên trên tấm ván gỗ gần mép nước, hai tay buông xuôi, mặt hướng về chúng tôi, nhưng cái nhìn như xa hơn, thăm thẳm. Xuồng đã chạy được một quãng xa, tôi vẫn ngoái nhìn cái tàn cây gáo vượt cao hẳn lên đám rừng tràm, dưới cây gáo là trạm máy kéo của ông Ba Quốc Hội, đứng bên cạnh ông là ông già thư ký kế toán. Một gương mặt rạng rỡ, tự tin, một gương mặt nhẫn nhục, chịu đựng, hai gương mặt của một kiếp người, sao lại khéo gặp nhau để gợi lên một niềm vui, một niềm tin mà chỉ lúc đứng tuổi mới nhận ra cái ý nghĩa thâm trầm của nó.

    1981
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng mười một 2018
Trả lời qua Facebook
Đang tải...