Truyện Ngắn Gửi Bác Nơi Xa - Nhẹ Nhàng

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Nhe nhang, 18 Tháng năm 2021.

  1. Nhe nhang

    Bài viết:
    7
    [​IMG]

    Tên truyện: Gửi bác nơi xa

    Tác giả: Nhẹ nhàng

    Thể loại: Truyện ngắn hiện đại

    Link thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của Nhẹ nhàng

    * * *​

    Bác đi rồi, vào hồi ba giờ ngày mùng ba tháng năm. Điều này chẳng gây ra mấy xáo động cho cuộc sống thường nhật của gia đình, một tập thể gồm sáu người, trong vài ngày qua có thêm một là bảy, nhưng để lại trong lòng những ai vẫn đang miệt mài với công việc nhiều nỗi vấn vương. Sự ra đi ấy lặng lẽ, và ngắn ngủi, bởi đó là phong cách truyền thống của riêng người ra đi. Chẳng sót lại gì, chẳng có chút gì trên bàn, trên kệ sách, hay dưới chiếc ti vi đen, ấy cũng là một sự tiếc nuối cho người ở lại, bởi ai mà chẳng muốn một chút quà làm kỉ niệm, đặc biệt là những thứ đồ chơi xa xỉ từ một gia đình giàu có, thừa thãi về vật chất như của người vừa đi. Đây chẳng có gì, thằng anh nhăn nhó mặt, nó tiếc rẻ số tiền điện nước mấy ngày qua mà nhà nó phải bỏ ra thêm, cả máy móc giặt giũ để bộ quần áo nhỏ nhắn được sạch đẹp, và nó nhìn thấy đầy rẫy những vệt bẩn từ bốn bánh xe của chiếc va li kéo màu hồng nhạt dây ra khắp nhà tầng một. Với một đầu óc nhanh nhạy, nó thầm nghĩ chỉ lát nữa thôi, mẹ sẽ réo một trong hai đứa đi lau hết khắp các phòng, một phần vì hôm đó là ngày cuối của kỳ nghỉ, phần khác vì chúng nó phải làm việc mới không lười biếng trì trệ được, đứa còn lại sẽ giả vờ đau bụng để ngồi luôn trong nhà vệ sinh. Nhưng đó dẫu sao cũng chỉ là một vấn đề nhỏ, bởi thằng anh rất lo lắng cho vấn đề tương lai của chính nó, sẽ được quyết định bởi những bài kiểm tra liên tục, dồn dập với độ khó tăng dần và lượng thời gian phải tốn cho chúng cũng nhiều lên. Cả trong những ngày nghỉ, việc học không được phép tạm ngưng với thời gian biểu phù hợp bắt đầu từ lúc sáu giờ sáng tại môn văn và kết thúc lúc mười giờ đêm với môn lý, khách đến cũng cần hiểu ý mà tránh xa, bởi nó biết rằng mình là đứa suy nghĩ nhiều cho một tương lai ổn định, và quá khứ nữa, nếu nó dám nghĩ giông dài. Đó là lý do nó phải học cả ngày mới xong, nửa tiếng một lần cảm giác khó chịu khi có thêm một vị khách trong nhà làm thằng anh tưởng như nơi đây không còn an toàn, lẽ ra nên hạn chế số người ở mà ví dụ nó là một thành viên cần thiết và bắt buộc. Khi đang học nó không muốn bị làm phiền, người trong gia đình còn không nữa là người khác, vậy mà lần nào bác và đứa con trai của bác cũng dùng phòng nó, và bật nhạc như thể đó là phòng riêng, kể cả một tiếng sột soạt nhỏ khi cọ chân vào nhau cũng đủ ngắt mạch của những dòng suy nghĩ vẩn vơ và xa xăm. Lạ là năm nay bác đến một mình, có lẽ dịp lễ nghỉ chỉ kéo dài ba ngày ngắn ngủi, có thể người anh họ hàng kia có những dự tính riêng để tận hưởng cuộc sống, có thể anh ta chỉ muốn ở một mình trong căn nhà nhỏ đi một nửa, đặng có thể là tất cả những thứ đó. Lật lại mớ kí ức mới tinh vài ngày qua, năm nay sự viếng thăm của bác khác hẳn. Bác đến lúc chín giờ bốn mươi bảy sáng ngày ba mươi, ngay sau đó bỏ hết áo khoác và hành lý lên lầu để phụ giúp mẹ mình nấu ăn. Đây gần như được coi là một công việc hết sức bình thường bởi ba lý do, thứ nhất, một người con gái nên giúp mẹ trong nội trợ; thứ hai, bác cũng là người nấu ăn giỏi nhất nhà dù cho không phải đầu bếp; và thứ ba, đó đơn giản là phép ứng xử thông thường của một người khách đến chơi, đâu đâu cũng thế thôi, vậy nên thằng anh cũng không lấy gì làm ngạc nhiên hay phản đối. Giờ ăn trưa, lúc mười một giờ ba mươi tám bắt đầu, gia đình bảy người bông đùa với nhau về việc hôm nay giá vé ô tô đi từ sân bay rẻ hơn bình thường, trong khi thằng anh, vừa thoát khỏi một lớp học trên mạng và hơi chút bối rối với tình hình hiện tại, trêu đứa em gái của mình về việc con bé là một đứa kém cỏi và sẽ chẳng bao giờ có thể vào được ngôi trường mơ ước, nơi cũng đồng thời là ước mơ của bạn nó, một đứa xuất sắc. Nó nhận lại cho mình những cú đạp từ em. Công việc sau khi ăn cũng tương tự, bác là người rửa bát, không thể chối cãi rằng cùng quãng thời gian hàng chục năm như nhau, mọi con người trưởng thành trong ngôi nhà đó đều không làm cách nào rửa sạch nổi những thứ bát đũa đã dùng như một cái máy tự động, hay như bác. Một ngày kết thúc. Nếu có gì, thì thằng anh trai sẽ nhớ đến tối đó trốn biệt trong phòng riêng (bác đã chuyển sang ngủ cùng ông bà), cửa đóng chặt, nhạc bật chầm chậm như thể đang học bài để che giấu đi một thực tế rằng nó đang úp mặt trên sàn nhà ẩm, vừa thở dốc vừa lướt điện thoại. Thứ ấy của thằng anh đã dính nhiều chất bẩn khác nhau, từ đồ ăn đến vết mực, đến mức nó định mua một chiếc mới, nhưng không được để cho bố biết, và người có thể cung cấp cho nó khoản tài chính đủ lớn thật vừa vặn sẽ ở với nó thêm ba ngày nữa. Chẳng hiểu nổi làm sao mỗi lần ra Hà Nội bác đều có thể dúi vào tay mỗi đứa cháu của mình những tờ năm trăm thật lén lút nhưng cũng thản nhiên như thể chẳng có gì để hối tiếc. Chỉ khi nghĩ lại nó mới nhận ra, bởi thường nó ít để ý đến những hành động hào phóng của người khác, ấy không phải điều gì vĩ đại. Hành động tốt bụng chỉ có thể đến từ những kẻ xảo trá sẵn mục đích riêng. Người anh họ của nó, người năm nay không chịu ra, đã dạy cho nó bài học đáng nhớ. Anh thân thiện đưa lại cho nó cuốn sách ảnh bìa to sau một thời gian dài giấu nhẹm, sau khi đã kịp đánh tráo bản sách đó với cuốn của anh, một cuốn lỗi phông chữ và những hình nổi bị xé nát. Nhiều năm sau anh mới bảo rằng nó xứng đáng như thế vì dám cười cuốn sách ấy, vì cả hai đều được mua cùng nhau nhưng quyển của nó lại hoàn hảo hơn, sự tự ti và ghen tuông của anh đã đạt đến cực điểm trước những bất công nhất thời. Dù sao anh cũng không phải người ham đọc, phố sách là nơi xảy ra nhiều vụ kêu than đau bụng nhất mỗi khi cái gia đình mở rộng đó đi chơi với nhau, và bác, người mẹ yêu thương con hết mực thì lo rằng con mình sẽ không được thoải mái với đống chữ nghĩa nên ủng hộ việc đi về. Còn thật nhiều quyển muốn chọn, nó căm tức cái lý do một màu duy nhất mà năm nào anh cũng sử dụng để khỏi phải đến nơi mình không thích, ý nghĩ dễ hiểu nảy ra trong đầu là không thích thì ở nhà luôn chứ có ai bắt đi. Nhưng vì bác luôn là người trả tiền cho những cuốn sách, có lẽ để làm dịu đi sự tức tối trẻ con của thằng nhóc mười ba tuổi đang cảm thấy hụt hẫng, nên nó chưa lần nào nói lời phản đối. Nó tin rằng mình là đứa dễ tính, biết nhường nhịn và không ham gì của cải vật chất hay quyền lợi cá nhân, điều khiến nó không vừa ý là sự ảnh hưởng của những người một mực muốn người khác phải làm theo sở thích riêng, mà điển hình là anh họ. Một năm nào đó, ngày mùng ba tháng sáu, hai đứa con trai giành giật nhau căn phòng ngủ nhỏ nhắn cạnh phòng vệ sinh trong Đà Nẵng, căn phòng có chiếc tivi màn hình phẳng thực chất là của người anh cả trong số hai con bác, nhưng vì anh đã ra ở riêng với người yêu nên giờ thì căn phòng trống lại là mục tiêu nhắm đến. Được ở riêng có lẽ là niềm mơ ước của nhiều đứa con trai, nhưng mơ ước đến mức ghì cổ nhau tranh giành là một vấn đề khác, cuối cùng với bổn phận làm khách, thằng bé hơn đã phải nhường cho thằng lớn hơn một tuổi căn phòng. Để bù lại, tối đó cả nhà được đi ăn bánh xèo tại một quán quen trong ngõ nhỏ, một truyền thống tốt đẹp lưu giữ lại những khoảnh khắc hạnh phúc mà mai sau có lẽ sẽ chẳng bao giờ còn, và cũng là sự bảo tồn của một nét đẹp ẩm thực, những chiếc bánh vỏ vàng chóe phòi hết nhân rá ra bát nước mắm chua ngọt, cùng với hai con tôm nhỏ còn nguyên vỏ và mấy lá rau sống rớt xuống theo, có lẽ cả ba đứa trẻ đều thích ăn mỗi vỏ, còn thì chúng quay ra ăn hết những xiên thịt nướng được nêm nếm khác hoàn toàn ngoài bắc. Vừa ăn, chúng vừa hóng hớt câu chuyện của người lớn, về giá bất động sản, về tốc độ lái xe trong này ngày một tăng chẳng sớm mà bắt kịp người Hà Nội, về lũ lụt, về sự đô thị hóa và việc triển khai những địa điểm du lịch mới làm cho thành phố ngày một tân tiến khác hẳn những khu nhà hai tầng, nhà nào cũng to như căn biệt thự ngày xưa. Đôi lần thằng nhỏ hỏi anh họ về người anh lớn hơn đã ra ở riêng kia, liệu anh đã hoàn thành kỳ nghĩa vụ quân sự của mình, bởi trong ký ức thằng nhóc, người anh kia từng thích một người chị họ của nó ở ngoài Hà Nội, đến mức tặng cho chị cây kẹo mút hoa to đùng trước khi quay trở về Đà Nẵng, rủi làm sao, sau một hồi thì đứa được nếm thử cây kẹo lại là nó chứ không ai khác. Nói đến bánh kẹo, vào tối mà thằng anh còn đang mải xem phim trong phòng, bác rủ bố ra siêu thị mua về đủ thứ, từ sữa chua, sữa tươi đến sữa đặc, đủ dùng cho một tháng. Chẳng ai nói câu nào, ngăn tủ lạnh cứ thế đầy lên, làm thằng này phải đến hốt hoảng khi sáng hôm sau mở cửa tủ ra tìm đồ ăn sáng. Nó vét nhẵn ba hộp sữa chua, rồi múc thêm ra bát mấy viên kem mới mua tối trước. Cả ngày nó chỉ nằm nhà, phần vì no, phần vì muốn tận hưởng nốt kỳ nghỉ lễ cuối cùng trước khi thi. Ai cũng lười, nên bữa trưa bắt đầu muộn hơn ngày thường, riêng bác đã đi thăm những người bạn cũ sống ở Hà Nội, có lẽ ra một quán cà phê nào đó ôn lại những kỉ niệm từ vài chục năm trước, khi còn là một cô gái nội thành chưa pha chất giọng đặc sệt miền trung hiện tại. Lẽ ra bà rủ bác về quê, như mọi lần thì lời nói của mẹ là mệnh lệnh không thể từ chối, nhưng sáng sớm hôm đó đã có một cuộc lớn tiếng nho nhỏ giữa hai thế hệ khi một bên bảo rằng con nên về thăm những người cô dì chú bác để mẹ có thể bán mặt hàng thực phẩm chức năng đang ế ẩm của mẹ, một bên thì quyết liệt rằng con chỉ có đúng ba ngày thôi và con đã sắp xếp lịch trình đầy đủ cho ba ngày. Chốt lại, từ lúc bảy giờ ba mươi sáu sáng tới lúc bốn giờ không ba chiều cùng ngày bác trả lại cho những người trong nhà sự riêng tư vốn có, thực ra không có gì đổi khác lắm, vì sự hiện diện của bác dường như chỉ là thoáng qua, nét trầm lặng làm nhiều nói ít chẳng để lại trong mắt những người thiếu tinh tế chút điểm nhấn nào. Thiếu đi chị, bố vẫn nở nụ cười khẩy nhạt nhẽo, có chăng bớt khoe khoang vài phần, em dâu là mẹ thằng anh con em vẫn đọc truyện về những mối tình ngọt ngào trên điện thoại, chắc mỗi ông thiếu đi người nói chuyện nên leo ra ngoài ban công ngồi trầm ngâm. Có một thắc mắc rằng không biết bác sinh tháng mấy mà nhẹ, nếu là vào giữa tháng bảy, như nó, thì cũng chẳng lạ, nó cũng là một đứa nhẹ, nhưng vừa nhẹ lại vừa không. Nó hay xem nhẹ những vấn đề của trí nhớ, nhưng lần tổ chức sinh nhật trong bác thì không. Sáu giờ hai mươi tư sáng ngày mười lăm tháng bảy, nó ngụp lặn dưới những con sóng của bãi biển đông nghịt người, cái cảm giác nước ập vào mũi vừa làm nó sặc vừa khiến nó thấy sảng khoái, thực tình nó cũng không biết bơi, nhưng vẫn cố làm ra vẻ một đứa nhóc miền biển bởi dù sao da cũng đã cháy nắng đen ngăm và tóc cũng đã xơ ra do ngâm nước muối nhiều. Xa xa, những dãy núi mờ dưới màn sương tạo thành những hình thù kỳ quặc. Với thằng nhóc, đó là một khởi đầu tuyệt vời cho một ngày sinh nhật, còn tuyệt hơn khi trưa đó cả nhà ra ăn hàng mỳ Quảng nổi tiếng sau khi lặn lội gần năm cây số. Cái bánh sinh nhật được bác và anh chuẩn bị riêng, đặt trước mấy ngày làm nó bỡ ngỡ. Bởi lẽ đó nó quyết định xóa bỏ bớt những thù hằn dành cho anh suốt những năm trước đó đi. Trưa hôm sau cả nhà lại ăn mì Quảng, lần này chán ngắt, làm hai đứa trẻ từ Hà Nội nhận ra việc ăn quá nhiều lần một món chẳng khiến nó trở nên ngon hơn. Lần này họ chỉ ăn ở nhà, căn nhà vườn hai tầng, một lối nhỏ thông từ vườn trước ra vườn sau cùng hai cánh cửa sổ đón nắng trong phòng khách và phòng bếp, một ngôi biệt thự đẹp. Đứa em gái thích những buổi chiều thong thả, được ngồi bệt trên sàn đá, tay cầm hũ nước dừa và buôn chuyện. Tuy vậy, con bé còn quá nhỏ để hiểu bất cứ thứ gì người lớn nói. Nó đành đọc chồng truyện tranh đặt bên cạnh trong khi loáng thoáng nghe bác kể về đứa cả lông bông và không có việc làm ổn định, đứa đã chuyển nghề liên tục trong vòng mười sáu tháng và dính vào những phi vụ trộm cắp kể từ sau tốt nghiệp phổ thông, chỉ vài lần nó trở về nhà để khất tiền bố mẹ rồi lại biến mất cùng những đứa nó cho là bạn và người yêu, và bác kể với một giọng bình thản đến chấp nhận. Sự tình này, một vài lần bố và mẹ bàn nhau khi bàn chuyện vu vơ, bắt nguồn từ sự nuông chiều con quá trớn, đáp ứng mọi đòi hỏi của đứa trẻ, cũng một phần là bởi khi còn nhỏ đứa trẻ chẳng biểu lộ dấu hiệu bất thường nào nên không ai có thể ngờ rằng mọi việc sẽ chuyển biến theo hướng như vậy. Vấn đề là bác không hiểu vấn đề, hoặc có hiểu thì cũng cố tình làm ngơ, ví dụ vào hồi mười sáu giờ mười ba ngày hai tháng năm, khi bốn người gồm mẹ, bác, thằng anh và con em cùng ngồi ăn tối tại một nhà hàng kiểu Nhật ngay gần phố cổ, tiếng chuông điện thoại reo lên làm bác bắt máy ngay tức khắc, đó là đứa thứ hai, hiện đang học tại một đại học tư nhân với học phí đắt đỏ, anh đang kêu mẹ chuyển khoản cho mình số tiền lớn để kịp đăng ký tín chỉ tiếp theo cho học kỳ mới, bác xem qua loa bức ảnh anh gửi nhằm xác nhận rằng lịch học kỳ tiếp đến có thể sẽ có nhiều thay đổi do dịch, rồi ngay lập tức chuyển chính xác số tiền anh yêu cầu vào tài khoản, không những vậy còn khuyến mãi thêm vài đồng gọi là trang trải phí khi sống một mình tại căn nhà mới trong ấy. Cúp máy, bác vui đùa rằng càng lớn càng phải làm nghiêm, không được chu cấp sẵn tiền trong tài khoản, phải để xem nó có nhớ đến mẹ mà gọi không hẵng gửi cho dùng. Khi đã no bụng, hai đứa trẻ đèo nhau về trước, trên đường kịp lượn qua hiệu sách để tiêu bớt số tiền bác cho ăn vặt, còn hai người lớn đi khắp phố ngắm những cửa hàng thời trang, đây có lẽ là dự định phù hợp cho ngày cuối ở thủ đô. Theo quan sát và nhận định, thằng anh cho rằng bác không phải người đam mê thời trang, nhưng vẫn cố đi cùng cô em dâu, bởi có lẽ trong cái thời điểm đơn độc của tuổi già, ta cố chiều theo những ước muốn ích kỷ của người trẻ chỉ để có một người ở cạnh bên. Một phần lí do nữa là sự máu mủ ruột thịt giữa người một nhà, nhiều năm rồi, năm nào bác cũng mang ra Hà Nội thật nhiều những thứ thời trang như vải vóc và giày dép, hay cà phê, cứ một bận lại có bưu kiện gửi từ Đà Nẵng ra, cả gia đình cũng chẳng từ chối bởi đồ trong đó vừa rẻ lại vừa chất lượng hơn. Chồng bác hay phải đi nhiều nơi nên lắm lúc nhà họ chật ních quà tặng, đem đi tặng một ít cũng chẳng hại ai. Bác trai là người miền trung chính gốc, với chất giọng lãng tử của một người phơi mặt nắng gió, có thể tưởng tượng bác trai đã cưa đổ bác gái bằng một cây ghi-ta. Chỉ gặp vài lần, nhưng thằng anh trong gia đình có em gái tin rằng bác là một người hòa nhã và giỏi uống rượu. Sự giỏi giang ấy lan ra tận miền bắc, người bạn thân của bố, người mà cả hai anh em đều quý mến gọi là bố ngoài ông bố ruột ra, người xuất sắc không kém ai trong khả năng giao tiếp và nói liên mồm, cũng hỏi thăm chồng bác gái trong vài dịp khi bác ra Hà Nội chơi. Bác gái đáp lại rằng họ sớm phải bán chiếc ô tô mua trong đó khi thứ hàng xa xỉ ấy còn đang được giá, và họ cũng sẽ sớm bán ngôi nhà có hai vườn đồng thời vay thêm một khoản từ mẹ chồng để lo trả nợ cho cậu con cả, đương nhiên chẳng bà mẹ nào có thể vui nổi. Vậy mới thấy lần này ra chơi với bố mẹ, bác chẳng cười nhiều như trước. Thằng anh còn để ý hình xăm trừu tượng trên cánh tay, hình thù kỳ dị ấy đã vài lần được nhắc đến trong những cuộc nói chuyện thân mật giữa con em và bác nhưng chẳng khi nào câu trả lời xuất hiện. Điều gì làm một con người biết nhường nhịn, chiều chuộng người khác đến mức có lẽ bị nhìn nhận là dễ bắt nạt ấy sẵn sàng xăm lên cơ thể, một dấu hiệu cho sự khẳng định bản thân, nếu mạnh miệng hơn là sự nổi loạn đầy phóng khoáng ở độ tuổi chỉ cách chế độ hưu trí vài năm. Khi viết đến những dòng này, thằng anh tin rằng đây là một đoạn hồi ức đầy chân thật hơn là những dòng tản văn hay cảm nghĩ tùy hứng. Sự kiện cuối cùng nó nhớ nổi là vào lúc gần mười một giờ đêm ngày mùng một tháng năm, nó đang trằn trọc trên chiếc giường êm ái một mình, còn phòng bên kia nơi ba bố mẹ con thế hệ trước ngủ chung thầm thì tiếng nói, nó dỏng tai nghe. Hai ông bà dồn dập hỏi bác về công việc hiện tại và việc học cho thằng thứ hai, lo lắng liệu có thể giúp được gì cho con nữa, riêng bà còn muốn con gái cùng mình mở cửa hàng bán thực phẩm dinh dưỡng để kiếm thêm niềm vui tuổi già, với một đoạn thuyết trình dài về tập đoàn cung cấp nguồn thực phẩm là một tập đoàn đa quốc gia và đa cấp độ sẽ đảm bảo uy tín chất lượng cho thương hiệu nếu nó được phát triển mạnh tại khu vực quận. Sự thực thì bà là một người mẹ vô tâm khi đã quên khuấy mất một điều mà sau khi tất cả những điều khác đã được hỏi và ép mới nhớ ra, bà bất chợt hỏi con xem liệu dạo này hai đứa có hòa thuận không, chỉ để nhận lại tiếng khóc nức nở "Con ly dị rồi".

    Hết​
     
    Ưu Đàm Thanh TiPhan Kim Tiên thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...