Truyện Ngắn Giọt Máu Đỏ - Ris

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi ristar.dc, 25 Tháng chín 2021.

  1. ristar.dc

    Bài viết:
    9
    Giọt Máu Đỏ

    Tác giả: Ris

    Thể loại: Truyện ngắn

    * * *

    "Vì ai cho cái đỗ quyên kêu

    Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu.

    Lại có hòe hoa chen bóng lục

    Thức xuân một điểm não lòng nhau."

    [ Nguyễn Trãi]

    * * *​

    Tháng 5 năm 1285, sông nước Hàm Tử chảy khe khẽ, từng gợn sóng không hề phát ra tiếng động nhưng dưới lòng sông đã cuồn cuộn không ngừng, chỉ chực chờ điều gì đó sa vào bãi sông. Gần đó vang vọng tiếng nói người nam nhân, tay gác thanh kiếm gia truyền, tướng mạo hùng dũng, đang khoác trên mình chiếc áo choàng đỏ thẫm.

    "Phong Chiêu Văn làm thống soái, Chiêu Thành, Hoài Văn làm phó soái cùng với Nguyễn Khoái, dẫn 5 vạn quân ngày mai tiến đánh Hàm Tử. Sát thát!"

    Ba quân tướng sĩ xung quanh đồng loạt hô to: "Sát thát!"

    Mấy hôm sau, lòng sông Hàm Tử thật sự nổi sóng to, cho thỏa cái nỗi khát khao, nỗi căm hờn đối với những tên vô danh trên đất Đại Việt này. Chúng nó ở đất của chúng nó, hữu danh, nhưng lại chẳng cảm thấy đủ đầy, chúng nó thích qua đây thêm lần nữa thì Hàm Tử này sẽ cho chúng một trận nhớ đời.

    Một tháng sau, dưới lòng cuộn trào, một con kình ngư đang quẩy chiếc đuôi của mình, dùng hai vây đâm thẳng vào mạn thuyền của bọn lì đòn. Ấy là Yết Kiêu - một trong năm mãnh tướng đi theo quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo - giờ đây đang thỏa sức vẫy vùng, tung hứng giữa thủy lưu Hàm Tử. Anh đục một lỗ, rồi hai, ba, bốn lỗ, không ngừng làm thuyền địch chìm dần xuống đáy sông. Ngụp, rồi lặn, rồi ngụp, rồi lặn, những trình tự này đối với Yết Kiêu quá quen thuộc, thường như ăn cơm bữa mà cũng dễ như cơm bữa vậy. Qua mấy canh giờ, trận chiến kết thúc khi long bào của Trần Nhân Tông đã phủ lên đầu của Toa Đô, vị vua cũng không quên tử tế cúng bái cho hắn.

    Yết Kiêu lặng lẽ nhìn dòng nước chảy, trong lòng khó tả. Anh thấy rõ, cảm nhận rõ từng giọt máu, từng dòng máu đã hòa vào nước sông Hàm Tử. Mấy hôm sau, anh được về quê, trên đường về, Yết Kiêu dừng chân tại một ngôi nhà đầu làng Hạ Bì.

    Anh bước đến chiếc bàn thờ giữa nhà, trên bàn có một bài vị, tự: "Nguyễn Vân"

    - Vân, anh thắng rồi, bọn chúng đều chết hết, nhưng tên đã giết em, anh biết hắn vẫn còn sống, một ngày đặt chân đến đất Bắc, anh thề sẽ tìm ra và giết chết hắn.

    Ánh mắt Yết Kiêu giận dữ, đau thương. Mỗi lần nhớ đến đêm hôm ấy, người con gái anh bảo vệ, đã ra đi trong lòng anh. Không bao giờ anh quên được nụ cười của cô, vui tươi và hạnh phúc, nét cười đôi hàm răng trắng đều, đôi mắt trìu mến nhìn anh. Nét cười của cô vẫn luôn như vậy, kể từ nhỏ cho đến lần cuối nhìn anh, và cười, như vậy.. Phút cuối lìa đời, đôi tay và đôi mắt hạnh phúc của Vân đưa vào khoảng không:

    - Cuối cùng thì con cũng hiểu, tại sao mẹ lại làm vậy, mẹ ơi..

    Bỗng một tiếng nói vang lên, đưa anh trở về với hiện tại: "Hữu Thế..". Một ông lão xuất hiện, hàm râu mái tóc đã bạc phơ, ánh mắt lặng lẽ, điềm đạm như có dòng sông chảy trong con ngươi đen tuyền, đó không phải là dòng sông màu đen, mà là thứ màu sắc mà tất cả những đỏ xanh của cuộc sống này đã hòa lại.

    - Dạ cha..

    Ở chiến trường anh là Yết Kiêu, đứng trước Nguyễn Vân anh là Yết Kiêu, nhưng trước ông lão này, anh là Phạm Hữu Thế. Ông nhìn Hữu Thế một hồi lâu, định nói gì đấy, nhưng lại thôi, mới hỏi:

    - Con có mệt không?

    - Dạ không.

    - Ta đói rồi, về nhà con ăn cơm nào.

    - Dạ.

    Ông lão là cha của Nguyễn Vân. Hữu Thế mất cha, Nguyễn Vân mất mẹ, nên cả hai gia đình đã gắn bó với nhau, sống rất vui vẻ, hằng ngày đều qua nhà ăn cơm mẹ Hữu Thế làm. Ở bữa cơm, mẹ anh hỏi:

    - Con có đi nữa không? Chiến tranh kết thúc rồi mà, bổng lộc con được nhận cũng đủ nhiều, ta mua một mảnh đất nhỏ rồi trồng trọt, có được không con?

    Mẹ không mong anh có thể làm quan hay trở thành người tàn cán gì, chỉ mong anh có thể bình yên mà sống. Ngày trước lúc còn Nguyễn Vân, cô thường xuyên hỏi han, chăm sóc bà, nhưng bây giờ, ai cũng đi hết rồi, bà còn sống chính là để nấu bữa cơm này cho con trai.

    - Con vẫn muốn đi thưa mẹ, con còn nhiều chuyện phải làm lắm, con phải trả thù cho Vân. - Đến đây thì không khí đã trở nên căng thẳng hơn. Từ ngày Nguyễn Vân mất, chưa bao giờ Yết Kiêu ngừng nhắc đến hai chữ "trả thù".

    - Vân ở trên cao cũng mong muốn con được sống vui vẻ hạnh phúc mà. - Người mẹ gắng thuyết phục con trai, Thấy Yết Kiêu tai nghe như không, bà giận dữ. - Nếu như con không chịu về làng, thì bà mẹ này cũng không thiết sống nữa!

    Con trai bà làm lơ đã đành, ông lão ăn chực cũng thế, ăn cơm ngon lành không màng thế sự.

    - Đã thế, tôi không thèm nấu ăn cho mấy người!

    Nói rồi bà đập bàn bỏ đi. Đây cũng không phải lần đầu bà nói đến chuyện này nên hai người họ mới thản nhiên như thế. Một lúc lâu, ông lão mới cất tiếng nói:

    - Có lẽ giờ đây nước sông Hàm Tử vẫn còn đỏ tươi.

    - Dạ.

    - Con có thấy thương xót cho họ không?

    - Có ạ, những tên đó đã hại chết nhiều anh em của con, con thề.. - Yết Kiêu lại thế nữa rồi.

    - Không phải.

    Ông lão nhìn Hữu Thế:

    - Nơi đó không chỉ có máu của quân sĩ nhà Trần, mà còn của những con người khác.

    Hữu Thế nhìn ông, nhưng cuối cùng lại lảng tránh đi. Ông lão còn sống trên đời này cũng giống như mẹ của Hữu Thế, vì ông còn là cha của Hữu Thế, không phải thân sinh nhưng đã nhìn người con trai này trưởng thành bao nhiêu năm rồi, nên ông chưa thể yên tâm, và phần vì ông hiểu con trai mình tên thật là Hữu Thế chứ không phải Yết Kiêu. Ông lão nói:

    - Làm gì có giọt máu nào không phải màu đỏ? Ta có trái tim thì họ cũng thế..

    - Bọn chúng không hề có trái tim! - Yết Kiêu cắt ngang lời ông.

    - Hữu Thế, nếu không có trái tim thì không có mục đích, nếu không có mục đích thì họ đâu có đến tận đây. - Ông lão ôn tồn. - Là vì quân vương đã ra lệnh như vậy, vì thế sự ép họ phải như vậy. Nếu được sống yên ổn, ai lại chọn chém giết lẫn nhau?

    [Hết]
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng chín 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...