Địa điểm: Núi Bà Chúa Xứ Núi Sam Tác giả: Tiêu Mại Ngày đăng: 6/5/2020 Mỗi con người sinh ra đều có một tín ngưỡng cho riêng mình, nó không phải là mê tín hay bất cứ thứ gì. Mà chỉ khi ta hiểu đúng, nó đơn giản là chỗ dựa vững chắc để ta nghỉ ngơi, giúp ta tự tin, lạc quan hơn trước bao khó khăn, sóng gió. Bằng các giai thoại, các sự tích, tâm linh hiện hữu rõ và đi sâu vào đời sống con người. Không ngần ngại bỏ thời gian, tiền bạc để đến được, chỉ để gặp và mong những điều bình an, phước lành. Trong đó Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam một nơi thờ cúng, một địa điểm du lịch tâm linh cũng nổi tiếng không kém bởi sự thuyền bí, và sự ứng nghiệm của bà. Miếu tọa lạc nơi chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam. Đây là một di tích (lịch sử, kiến trúc và tâm linh) quan trọng của tỉnh và của khu vực. Nằm dưới chân núi một đời che chở cho con dân, giúp cho mưa thuận gió hòa thì 'Bà Chúa Xứ' đã là một phần con người. Điển hình như cứ đến đúng ngày hàng năm thì lại tề tụ về viếng bà. Được hưng thịnh như thế cũng nhờ bà, có chuyện kể rằng: Vào những năm 1820 – 1825, Quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải bồng bế nhau chốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới khiêng đi được một đoạn đường ngắn, lạ thay tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được nữa. Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị Bà trừng phạt. Thời gian sau, Bà thường hiện về xưng là Bà Chúa Xứ, dạy dân làng khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng. Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng. Nhưng lạ thay, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn không lay chuyến nổi tượng Bà. Trong lúc mọi người đang rất thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết: "Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng". Dân làng làm theo lời dạy ấy và quả đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách nhẹ nhàng. Bỗng nhiên khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng chỗ đó. Ngoài ra, bà còn độ không ít con dân khỏi bệnh và làm ăn phát đạt. Vì thế, hàng năm, lễ hội "Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam" (2001 được công nhận lễ hội quốc gia) diễn ra từ ngày 23 đến 27-04 âm lịch. Hàng vạn người đổ về dự lễ để trả ân và cầu may mắn cho một năm hạnh phúc, an bình. Không chỉ các hoạt động cúng, viếng du khách còn được tham gia các trò vui như: Hát bội, múa võ, ca nhạc ngũ âm, múa lân, đánh cờ.. Phần lễ có những nghi lễ chính như sau: Lễ "Tắm Bà" (tương tự như lễ mộc dục ở miền Bắc) : Được cử hành vào lúc 0 giờ ngày 24-04 âm lịch. Mở đầu lễ, 2 ngọn nến to được đốt sáng lên trong chánh điện. Ông lễ chánh bái nghi cùng với 2 vị bô lão, ban quản lý miếu niệm hương, dâng rượu và trà. Bức màn vải có viền ren lộng lẫy kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng, 9 cô gái trẻ được phân công trước bắt đầu vén màn tắm cho tượng Bà. Đầu tiên là cởi mũ, áo, khăn đai từ lớp ngoài vào trong để lộ toàn thân pho tượng. Những cô gái được phân công việc tắm Bà lần lượt nhúng từng chiếc khăn mới vào chậu nước thơm, vắt ráo rồi lau tượng nhiều lần. Sau đó, họ dùng nước hoa xịt khắp bức tượng rồi chọn bộ đồ mới đẹp nhất khoác lên bức tượng, thắt chặt đai, chít khăn, đội mão, gắn lại những ngọn đèn màu trang trí như cũ. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách tự do chiêm bái, dâng hương, hoặc xin lộc Bà. Phần Lễ Tắm Bà kết thúc.. Nước tắm cho Bà còn lại sẽ đem hòa trong 2 thùng nước lớn để phân phát cho du khách trẩy hội. Lễ Thỉnh sắc: Cử hành vào khoảng 16h chiều ngày 25, một đoàn người gồm các bô lão trong làng quần áo chỉnh tề, tiến từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc (thật ra, đây là lễ rước bài vị, vì sắc đã không còn). Dẫn đầu có đội múa lân, các học trò lễ tay cầm cờ phướn đi hầu phía trước và sau chiếc kiệu sơn son thiếp vàng gọi là long đình. Đến điện thờ, ông chánh bái làm lễ niệm hương, rồi thỉnh bài vị đưa lên kiệu trở về miếu Bà. Ba chiếc bài vị mang tên Thoại Ngọc Hầu và tên bà vợ chánh Châu Thị Tế, bà vợ thứ Trương Thị Miệt được đặt trên bàn thờ ở chánh điện. Bài vị thứ tư mang tên Hội đồng, ghi công lao các quan quân đã theo Thoại Ngọc Hầu xưa kia, được đặt riêng ở bàn thờ phía trước. Lễ Túc yết: Được tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26-04 âm lịch, gồm có hai phần: Nghi thức cúng tế và phần xây chầu. Lễ vật dâng cúng gồm có: Một con heo trắng, một đĩa huyết heo có kèm theo nhúm lông nhỏ. Một mâm trái cây, trầu cau, gạo, muối. Sau ba hồi chiêng, trống, nhạc lễ nổi lên, lễ dâng hương, dâng trà bắt đầu. Nghi thức cúng tế kết thúc bằng động tác của ông chánh tế đốt bản văn tế cùng giấy vàng bạc. Tiếp theo nghi thức cúng tế là phần xây chầu được tiến hành ở nhà võ ca. Sau phần cầu nguyện của ông Chánh bái, xin cho mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui, các loài quỷ dữ bị tiêu diệt, lễ Xây chầu bắt đầu bằng ba hồi trống lệnh. Sau đó, chiêng trống rộ lên, chương trình hát bội bắt đầu. Lễ Chánh tế: Được tổ chức vào tờ mờ sáng ngày 27, gần giống như nghi thức cúng Túc yết. Lễ Hồi sắc: Cử hành vào khoảng 15h ngày 27-04, đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân từ miếu trở về Sơn Lăng. Kết thúc lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Miếu Bà chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Sam được nhà nước xếp hạng. Nơi đây đã mang dấu ấn của cả một thời đại hào hùng, thời đại chống giặc ngoại xâm. Và ngay nay miếu Bà Chúa Xứ vẫn thật sự là điểm đến của du khách bốn phương, là nơi mà con người cầu mong về những điều thiêng liêng, tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó, đến với tỉnh gần giáp biên giới. Ta được hưởng thức nhiều loại thực phẩm đặc sản như mắm ruốt cá, các loại khô.. Và ngon nhất có lẽ là thốt nốt-loài trái ngọt mọng mà người ta hay nói vui là loài cây ông trồng cháu hưởng, bởi thời gian để cây lớn và kết trái tận ba đời. Mọi tinh hoa đều được hội tụ lại trên một quả thốt nốt nhỏ bé. Tuyệt hơn là được thỏa sức mua sắm cái loại sản phẩm như sữa tắm, dưỡng da các mặt hàng của Thái, tốt mà lại giá rẻ. Để có một hành trình, một chuyến đi đầy ý nghĩa. Ta nên khởi hành từ tối, gần đến nơi hai bên đường bán đầy hoa cúng và trang phục của bà rất rực rỡ và nhộn nhịp. Đến miếu thờ lúc ấy là tờ mờ sáng, cái ánh sáng mờ mờ hơi sương. Ăn một ổ bánh mì không, đặc, nóng cùng với một ly sữa đậu nành ven đường nơi đất bà-An Giang. Cái không khí trong lành cùng với hơi nhang nghi ngút làm ta cảm nhận được rõ cái gọi là thiêng liêng. Đi lên những bậc thang cao là đến khuôn viên, hai bên tường là những họa tiết đày sắc sảo và cây xanh. Vào bên trong là tượng Đức Bà đấy uy phong, toàn thân được phủ bằng áo bào do dân chúng thờ cúng, chiếc áo bào vàng ánh, đầu đội mão, đôi mắt long lanh có thần như đang hiện linh, quan sát chúng sanh. Cùng với hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ hoa và nhang làm ta ấm lòng hơn. Cấm một nén nhang và cầu cho gia đạo bình an. Nhận một mảnh vải từ áo bà để mang lại điềm lành. Giã từ An Giang- vùng đất linh thiêng, và hứa hẹn năm sau sẽ lại trở lại!