Giáo dục là gì? Cơ chế và tầm ảnh hưởng của giáo dục đối với con người. Người xưa có câu: "Hiền – dữ phải đâu là tính sẵn Phần nhiều do giáo dục mà nên." Giáo dục luôn có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội và sự phát triển của con người. Nói cách khác, con người trở thành sinh vật làm chủ thế giới, biết suy nghĩ hành động hợp lý là do con người biết hấp thu nền giáo dục được truyền lại từ nhiều thế hệ mà thành. Vậy giáo dục là gì? Giáo dục là học vấn, là tiến trình dạy dỗ, là phương tiện đường lối mang lại sự thay đổi để phát triển một thế hệ và là một quá trình quan trọng cần có đối với cuộc đời của mỗi người. Nói tóm lại, giáo dục là một quá trình truyền trao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của một nhóm người này đối với một nhóm người khác. Được truyền tải lại một cách tự nhiên hoặc có quy luật và là sự định hướng, hỗ trợ mỗi cá nhân phát huy tiềm năng vốn có của mỗi người qua cách giảng dạy và góp ý khi cần thiết. Tầm ảnh hưởng của giáo dục đối với một quốc gia Nelson Mandela từng nói: Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia. Cho nên, sự phát triển của một quốc gia có thể dễ dàng đánh giá qua con số dân chúng được tiếp xúc với các hình thức giáo dục trong nước, điều này cho thấy giáo dục là phương tiện cơ bản để phát triển một đất nước. Minh chứng là những quốc gia giàu và phát triển trên thế giới có mức dân chúng đi học cao hơn, lao động đạt được nhiều năng suất và thành tựu hơn. Tầm ảnh hưởng của giáo dục đối với con người Giáo dục đối với mỗi người là điều vô cùng quan trọng và thiết yếu, trong giáo dục cũng được chia ra nhiều cơ chế như sau: + Giáo dục gia đình: Gia đình là chiếc nôi đầu tiên của một con người, cho nên giáo dục gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, nhận thức đầu tiên và định hình nhân cách của một đứa trẻ. Gia đình có môi trường phát triển lành mạnh thì con người sẽ hình thành nhân cách tốt đẹp. + Giáo dục trường lớp: Là nền giáo dục cơ bản của một quốc gia, được chia thành nhiều hình thức khác nhau như sau: · Giáo dục mầm non: Đây là môi trường giáo dục rất quan trọng đối với trẻ em trước khi bước vào tiểu học. Trong giai đoạn này chú trọng hình thành nhân cách cho trẻ em và tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc, làm quen với việc sinh hoạt tập một cách độc lập. · Giáo dục tiểu học: Bắt đầu từ độ tuổi 5 hoặc 6 tùy vào mỗi quốc gia, vùng miền khác nhau. Đây là giai đoạn trẻ em làm quen với chữ và số, các kiến tức vỡ lòng cơ bản. · Giáo dục trung học cơ sở: Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa tiểu học và trung học phổ thông. Trong giai đoạn này, các bạn trẻ ở độ tuổi vị thành niên được học các kiến thức căn bản bắt buộc, định hình khả năng của mỗi cá nhân. · Giáo dục trung học phổ thông: Là giai đoạn giáo dục mang tính định hướng nhiều hơn, song song với việc nâng cao các kiến thức cơ bản được học ở cấp cơ sở. Giáo dục trung học phổ thông còn là môi trường đặc thù đối với thanh thiếu niên, vì đây chính là giai đoạn xác định phương hướng đi tiếp tùy vào ưu khuyết điểm của bản thân. · Giáo dục đại học: Là giai đoạn giáo dục không bắt buộc sau giáo dục trung học. Giáo dục đại học chỉ tập trung vào ngành nghề thanh niên đã lựa chọn, bồi dưỡng những kiến thức liên quan và nâng cao kiến thức chuyên môn. Sau khi hoàn thành chương giáo dục đại học, sinh viên sẽ được cấp bằng hoặc chứng chỉ tương ứng với ngành đã học. · Giáo dục nghề: Là hình thức giáo dục ở dạng học tập song song với thực hành, chú trọng vào việc đào tạo trực tiếp vào một ngành nghề nhất định. · Giáo dục đặc biệt: Đây là hình thức giáo dục mang tính cá nhân hóa đối với những người khuyết tật. Trước kia chỉ được áp dụng đối với người bị khuyết tật nghiêm trọng và nằm trong độ tuổi trẻ em. Nhưng ngày nay, hình thức giáo dục này đã được mở rộng cho bất cứ ai cảm thấy khó khăn trong việc học tập. · Giáo dục thay thế: Là chương trình giáo dục dành cho học sinh đang bị giám sát của tòa, bị trục xuất khỏi trường, bị thiếu điểm.. · Giáo dục mở: Là một hình thức giáo dục tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận các chương trình giáo dục và đào tạo mà trước đây chỉ được tiếp cận thông qua giáo dục chính quy. · Giáo dục trực tuyến: Là hình thức dựa vào các phương tiện công nghệ điện tử trong việc học và dạy. Hình thức này thường là các khóa học bổ sung kiến thức không bắt buộc và chỉ tập trung dạy một môn học nhất định. + Giáo dục xã hội: Là hình thức giáo dục hoặc học hỏi một hay nhiều kỹ năng nào đó thông qua sự rèn luyện trong một ngành nghề nhất định, kiến thức nhận được là sự đúc kết kinh nghiệm trong những công việc phải làm. Tóm lại, giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của mỗi người và sự phát triển của xã hội. Một cá nhân được giáo dục tốt thì xã hội sẽ phát triển thêm một phần, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Một người được sống và lớn lên trong một nền giáo dục tốt và đầy đủ thì người đó sẽ đạt được nhiều thành tựu trong tương lai, có nhân phẩm tốt và cuộc sống hoàn thiện hơn