Hồ Quý Ly (1336 – 1407), lấy tên húy là Hồ Nhất Nguyên, là vị hoàng đế đầu tiên của nhà nước Đại Ngu trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi vị Hoàng đế từ năm 1400 đến năm 1401 tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, sau đó giữ ngôi Thái thượng hoàng từ năm 1401 đến năm 1407. Trong Kiên biều tập của Chử Nhân Hoạch soạn đời nhà Thanh có chép một chuyện về Hồ Quý Ly, được Lê Quý Đôn dẫn lại trong Kiến văn tiểu lục. Giai thoại kể lại, năm xưa lúc Hồ Quý Ly theo người cha nuôi đi buôn đường biển, khi thuyền chở hàng của ông ghé vào bờ, ông đã thấy trên bãi biển vạch lên cát câu thơ: "Quảng Hàn cung lý nhất chi mai", có nghĩa là: "Trong cung quảng hàn có một cành mai". Ông liền nhẩm thuộc câu thơ, chính ông sau này cũng không ngờ đến sự việc này lại có ảnh hưởng lớn mạnh trong cuộc đời mình. Sau khi làm quan, Hồ Quý Ly hộ giá vua Trần Nghệ Tông đi chơi, lúc đó đã ghé vào điện Thanh Thử tránh nắng. Nhà vua nhìn thấy cảnh vật liền ngẫu hứng ra câu đối: "Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế", có nghĩa là "Trước điện Thanh Thử có ngàn cây quế". Hồ Quý Ly chợt nhớ đến câu thơ trên bãi cát năm nào liền đối lại: "Quảng Hàn cung nhất lý chi mai". Hai câu thơ đối nhau hoàn chỉnh đã làm cho các vị quan vô cùng khâm phục tài năng của ông, tạm dịch là: "Trước điện Thanh Thử ngàn gốc quế - Trong cung Quảng Hàn một cành mai". Vua Trần rất phục, nhưng lấy làm lạ bởi ông có một nàng công chúa, hiệu là Nhất Chi Mai, sống ở cung Quảng Hàn do chính ông đặt tên, trước giờ rất hiếm khi ra ngoài nên các quan cũng rất ít người biết đến vị công chúa này. Đối với nghi vấn của mình, ông đã hỏi Hồ Quý Ly tại sao lại biết đến chuyện kín trong cung. Hồ Quý Ly cũng rất thành thật, kể lại câu chuyện vô tình trên bãi biển. Vua Trần cho đó là ý trời, gả công chúa Nhất Chi Mai cho Hồ Quý Ly, sự nghiệp của ông cũng phất lên không ít, sau đó thành công thực hiện mưu đồ thâu tóm thiên hạ. Nàng công chúa Nhất Chi Mai là Huy Ninh công chúa trong lịch sử. Câu chuyện này tương đối nổi tiếng ở thời điểm hiện tại, song lại không nổi tiếng ở thời xưa, và cũng có nhiều mâu thuẫn lịch sử trong câu chuyện. Trong chính sử, không có câu chuyện nào nhắc đến cung Quảng Hàn và công chúa Nhất Chi Mai, hay câu thơ trên bãi cát mà Hồ Quý Ly đã đọc. Huy Ninh công chúa trong lịch sử được vua Trần Nghệ Tông gả cho Hồ Quý Ly sau khi tiêu diệt Dương Nhật Lễ, nên nàng công chúa này là em gái của nhà vua, không phải là con gái như câu chuyện đã kể. Và nàng trước khi gả cho Hồ Quý Ly là vợ của tôn thất Trần Nhân Vinh, đã bị Dương Nhật Lễ giết hại. Huy Ninh công chúa sinh cho Hồ Quý Ly hai người con, con gái là Thánh Ngâu, sau là Khâm Thánh hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Con trai là Hán Thương, sau khi Hồ Quý Ly thành lập nhà Hồ, trị vì gần một năm thì nhường ngôi cho người con trai này, đặt hai hiệu là Thiệu Thành, Khai Đạt. Có thuyết cho rằng khi Hồ Quý Ly còn ở ngôi vua, nàng làm Hoàng hậu và sau đó trở thành Thái hậu, nhưng không có sử sách nào ghi chép về hiệu của nàng khi ở cả hai ngôi vị này. Sử sách có ghi: "Mẹ sinh ra Hán Thương là công chúa Huy Ninh, truy tôn làm Thái Tư hoàng hậu". Truy tôn là dành cho người đã khuất, nếu như việc truy tôn này là do Hồ Hán Thương làm thì đáng lẽ phải truy tôn người mẹ của mình là Thái hậu chứ không phải Hoàng hậu, nên đây là Hồ Quý Ly truy tôn. Giai thoại này có rất nhiều điểm mâu thuẫn, khi Huy Ninh công chúa để tang chồng vừa được sáu tháng thì anh trai Trần Nghệ Tông đã gả nàng cho Hồ Quý Ly. Và sau đó thì nàng hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử. Không một ai biết về số phận của nàng công chúa Nhất Chi Mai, sử sách cũng không ghi chép nhiều về nàng, thân mẫu của nàng là ai hay nàng mất năm nào đều không rõ. Dù vậy, giai thoại này vẫn được lưu truyền, được hậu thế và các nhà nghiên cứu đánh giá là thiên tình sử, không những là duyên trời định mà còn bất chấp quy chế đặt ra từ thời Trần Thủ Độ là hoàng tộc triều Trần không được lấy người khác.