1. Dàn ý A) MB. Dẫn dắt và giới thiệu câu tục ngữ, nêu ý nghĩ chung khái quát B) TB. Giải thích câu tục ngữ - Nêu định nghĩa chung - Giải thích nghĩa "đùm" - Những cách hiểu câu tục ngữ (cơ sở thực tiễn của câu tục ngữ hay nguồn gốc), nghĩa bóng, nghĩa đen, nghĩa sâu, cách hiểu ngày xưa, cách hiểu bây giờ - Giải thích nghĩa từ "lá lành", "lá rách" - Tại sao phải "Lá lành đùm lá rách"? - Biểu hiện - So sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác + Với thương hại + Với vô cảm - Ý nghĩa của câu tục ngữ - Làm thế nào để phát huy tinh thần "Lá lành đùm lá rách".. bài học, khuyên nhủ - Những câu tục ngữ tương tự C) KB: Khẳng định lại ý nghĩa và sức sống của câu tục ngữ. Liên hệ bản thân. - > giải thích toàn diện, sáng sủa, dễ hiểu, liên kết, mạch lạc xâu chuỗi từng ý, lớp lang. 2. Bài văn hoản chỉnh Đọc những tác phẩm về tình mẫu tử, về tình cảm gia đình, tình thầy trò, về tình yêu, tình quê, tình bạn.. con người ta luôn cảm thấy tâm hồn mình như được xoa dịu, được trở về cõi bình yên và có thể là được chữa lành. Những thứ tình cảm cao đẹp ấy đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương con người. Bất kể là người vô danh hay nổi tiếng, giàu có hay đói nghèo, khỏe mạnh hay tàn tật đều sẽ có trong mình một tình thương bao la vô tận. Dòng mạch xuyên suốt của văn học ngoài cảm hứng yêu nước còn có cảm hứng nhân đạo cuộn chảy qua bao chặng đường lịch sử. Có thể thấy, tinh thần tương thân tương ái là một truyền thống, là đạo đức, là bản năng con người. Tinh thần ấy tồn tại dưới dạng cảm xúc, tâm hồn và quan trọng hơn là dưới những lời khuyên, bài học, quan niệm, tư tưởng. "Lá lành đùm lá rách" là câu tục ngữ mà ai cũng biết, bởi đó là bài học làm người cốt lõi, lan tỏa giá trị nhân văn, phản ánh lối sống đoàn kết giữa người với người. "Lá lành đùm lá rách" có thể được coi là bản tính căn bản của con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật. Người ta có thể dùng câu tục ngữ này để đánh giá một nhân vật, một nhóm người hay một quốc gia. Điều quan trọng của tình thương chính là đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Đây cũng chính là ý nghĩa của từ "đùm" trong câu tục ngữ. Vậy "đùm" như thế nào? Theo cách nhìn chủ quan của người xưa về hiện tượng tự nhiên, trên một cành cây luôn tồn tại những chiếc lá lành lặn và lá rách nát sâu mọt. Những chiếc lá bệnh sẽ èo oặt, yếu ớt, rũ xuống, còn chiếc lá lành thì vươn cao lên, tươi mơn mởn. Lúc ấy, những chiếc lá lành ở dưới sẽ nâng đỡ chiếc lá bệnh ở trên, để cả hai có thể cùng vươn về phía ánh nắng mặt trời, cùng đón gió đón sương. Vậy là chiếc lá lành đang cưu mang, bao bọc, giúp đỡ người bạn kém may mắn của mình, để cả hai có thể cùng nhau chạy đua trên con đường sinh trưởng. Đây là cách hiểu thứ nhất, đơn giản, căn bản. Thứ hai, đối với người dân lao động, câu tục ngữ cũng biểu đạt một kinh nghiệm, đó là cách gói bánh. Bánh chưng, bánh tẻ, bánh gai, bánh rợm.. bất kể loại bánh nào cũng đều gói theo một nguyên tắc, lá rách gói ở trong, lá lành đùm lại bên ngoài, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, lại vừa giúp bánh ngon, việc gói cũng chặt chẽ, chắc tay hơn; tránh vỡ, nát bánh. Cách gói bánh này đã lưu truyền tự muôn đời, trở thành tục lệ, thói quen của những người làm bánh. Hai cách hiểu trên xuất phát từ một hiện tượng rất đỗi bình thường trong sinh hoạt hằng ngày của người dân lao động, đồng thời cũng là cơ sở thực tiễn của câu tục ngữ. Điều này cũng phản ánh đời sống tình cảm của nhân dân ta thời xưa và nay. Xã hội là một cái cây đại thụ. Hằng ngày chúng ta thường có dịp tiếp xúc với đời sống bên ngoài, trước mắt chúng ta, loài người còn đầy rẫy những cảnh khổ, cũng như cái cây chi chít những lá tả tơi úa vàng. Một đưa bé mồ côi bị cái đói rét gặm nhấm thân thể như một mầm non bị tàn phá bởi lũ sâu. Một bà già bị bệnh tật, nghèo khổ chiếm lấy như một lá xanh già đời bị cát bụi quật ngã. Những con người khỏe mạnh có cuộc sống đầy đủ, sung sướng, khi đối mặt trước những thảm trạng kia, nếu có thái độ xót thương và hành động sẻ chia, cưu mang, đùm bọc, thì đó chính là lòng nhân đạo, là biểu hiện rõ ràng nhất của "Lá lành đùm lá rách". Những chiếc "lá lành", tức những con người giàu có, an yên, thuận lợi, hạnh phúc. Còn "đùm lá rách" là thông cảm, là kịp thời cho đi tình thương, hơi ấm đối với những cảnh neo đơn, khó khăn, sa cơ lỡ vận; bù đắp cho những người thiếu thốn, khiếm khuyết về mặt sức khỏe, gia cảnh và tinh thần. "Là lành đùm lá rách" vừa là bài học nhân sinh, vừa là ý nghĩa cuộc sống. Vậy tại sao lại phải đùm bọc yêu thương lẫn nhau? Đó là vì xét về một khía cạnh nào đó, câu tục ngữ không phải chỉ có ý nghĩa giúp đỡ người khác, mà còn chính là tự giúp đỡ mình. Cũng như ở trên, gói bánh để chắc để kín thì lá rách phải nằm bên trong, lá lành phải nằm bên ngoài. Hay cây để tồn tại, để đâm chồi nảy lộc, để đẹp mã ưa nhìn thì phải không có sự xuất hiện của những chiếc lá rách bươm xấu xí. Rồi xã hội, tổ chức để vững bền, phát triển phải có sự đoàn kết, phải đầy lùi đói nghèo, loại bỏ khó khăn tệ nạn. Giúp bạn học cũng là một cách để ôn lại kiến thức, nắm vững cơ bản. Giúp người là giúp mình. Cuối cùng, những kết quả tốt đẹp ấy, tất cả mọi người đều được hưởng. Bởi vậy, "Lá lành đùm lá rách" không còn là lời khuyên cho những hành động nhất thời, mà trở thành phương châm sống tốt đẹp trong cuộc sống chúng ta. "Lá lành đùm lá rách" trong thời bình là những người lặng lẽ quyên góp tiền bạc, quần áo cho một trại nuôi dưỡng người già neo đơn, trại trẻ mồ côi, gia đình khó khăn, người tàn tật. Hay đơn giản hơn, đó là một lời chúc líu lo của một em bé gửi tặng đến một cụ già. Còn "Lá lành đùm lá rách" trong thời Covid là khi mọi người chung tay đẩy lùi dịch bệnh, là cùng đoàn kết trong những ngày khó khăn nhất, gai góc nhất, là những bác sĩ hy sinh thời gian, sức khỏe của bản thân để đến bên người bệnh. Cùng trên một cành cây, có lành có rách cũng đều là lá, tốt xấu như nào cũng sẽ luôn đồng hành phát triển cũng nhau. Cũng như trong cùng một cộng đồng, người có lòng nhân đạo bao giờ cũng quan tâm đến người khác, làm việc tử tế bằng cả trái tim và tình thương. Điều đó cũng giúp một người nhân hậu vi tha có được niềm tin, sự yêu thương, kính trọng của người khác. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: "Đã là con chim chiếc lá Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh Lẽ nào vay mà không trả? Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?" Cuộc sống con người không phải chỉ có suy nghĩ cho mình là đủ. Nó chỉ thực sự trở nên trọn vẹn khi con người biết sống vì nhau và sống cho nhau. Nhiệm vụ của chiếc lá không chỉ là xanh, con chim không chỉ là hót mà nó còn phải góp phần làm đẹp cho đời, tô điểm cho cuộc sống những sắc màu vui tươi và ý nghĩa. Cũng như con người chúng ta không thể sống một mình mà còn phải có tập thể. Và ngược lại, con người cũng phải biết đoàn kết, sống vì cộng đồng, như vậy mới có thể thiết lập mối quan hệ, xây dựng một xã hội tốt đẹp. Vì lòng nhân đạo là yêu thương bằng cả trái tim, nên nó khác với thương hại và trái ngược với vô cảm. Thứ nhất, "Lá lành đùm lá rách" là thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những cảnh ngộ cùng quẫn, cô đơn, kém may mắn; còn thương hại chỉ là lời nói đãi bôi, là ban ơn kiểu bố thí và sự xót xa nhất thời mà con người cảm qua lăng kính của một đôi mắt chủ quan. Lòng thương người sẽ có những việc làm cụ thể để động viên, quan tâm, giúp đỡ người khó khăn, còn thương hại chỉ có chép miệng than thay hay không ngừng phán xét những con người khổ sở và liên tục đưa ra những lời khuyên không cần thiết. Thứ hai, để "Lá lành đùm lá rách" bị biến chất tiêu cực như vậy, trở thành thương hại là do sự vô cảm. Con người vì nhiều lí do mà ngụy biện tình cảm của mình một cách vô lí, và điều này vô tình khiến cho xã hội mất đi sự nhân văn vốn có của nó, khiến cho con người trở nên ích kỉ với nhau hơn. Guồng quay cuộc sống quá nhanh và nhộn nhịp, khiến con người không chú ý đến mọi thứ xung quanh và vô ý chôn vùi tình nhân đạo. Con người chỉ biết quan tâm bản thân, dửng dưng trước những mảnh đời bất hạnh. Họ sống với lòng ích kỉ, bằng trái tim lạnh giá, thờ ơ. Vậy là thái độ sống vô cảm ra đời. Đó cũng là loại bệnh làm mục ruỗng những chiếc lá, làm chúng bị xuyên thủng, rách xước. Bệnh vô cảm đang làm "nhiễm mặn", vẩn đục và xói mòn dần truyền thống đạo lý đẹp nhất của con người Việt Nam "Thương người như thể thương thân". Cuộc sống sẽ như thể "Một sa mạc đời đìu hiu lạnh giá". Và tinh thần "Lá lành đùm lá rách" lại xuất hiện, để trị căn bệnh, trị loài sâu nguy hiểm ấy. Lòng nhân đạo nếu song hành cùng niềm tin sẽ luôn chiến thắng hoàn cảnh. Nhà văn Nga Maksim Gorky đã nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Nam Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương". Tình thương sưởi ấm tâm hồn người, "làm cho người gần người hơn", làm cho cuộc đời thêm phần ý nghĩa. Còn nếu "không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỷ". Và "Lá lành đùm lá rách" cũng phải đúng thời điểm, đúng đối tượng. Có những chiếc lá lành khoác lên mình vẻ ngoài yếu ớt rách rưới, lợi dụng sự đùm bọc của người khác mà ỷ lại, thụ động, biếng nhác, không biết vươn lên, lâu ngày những chiếc lá mù phương hướng ấy cũng sẽ "mù giả thành mù thật". Vậy làm thế nào để phát huy được lối sống tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau? Đó là luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn hoạn nạn, rèn luyện một trái tim nhân hậu vị tha, có ước mơ, khát vọng, ý chí và sự sáng tạo gắn bó với cộng đồng. Hãy trao tặng yêu thương tới bất cứ đâu, trên gương mặt, trong ánh mắt, trong nụ cười và cả trong những lời chào nồng ấm. Con người cũng cần phân biệt lòng nhân đạo với thương hại và tẩy chay thái độ vô cảm. Đó là khơi dậy lòng nhân ái và xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, gìn giữ truyền thống nhân đạo của dân tộc. Rồi từ đó, con người mới sống có ý nghĩa hơn, và cuộc sống sẽ thực sự nở hoa, tràn đầy nhựa sống. Ngoài câu "Lá lành đùm lá rách", từ điển tục ngữ Việt Nam còn rất nhiều câu tục ngữ khác về lòng nhân đạo. Có thể kể đến như "Chia ngọt sẻ bùi", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người chung một nước phải thương nhau cùng", "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" hay "Thấy ai đói rách thì thương/ Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn".. Tương thân, tương ái là một tình cảm đặc biệt và nổi bật trong nhân sinh quan của người xưa. Chính truyền thống này là cơ sở tạo nên sức mạnh đoàn kết để bao đời nay dân tộc ta chiến thắng thù trong giặc ngoài, giữ yên ổn, vững bền đất nước. Cứ mỗi lần vượt qua khó khăn, nhân dân ta lại nhắc nhở nhau "Lá lành đùm lá rách". Giá trị nhân đạo sâu sắc của câu tục ngữ cũng chính là ở đó. Có thể thấy, thái độ nhường cơm sẻ áo, tương trợ lẫn nhau sẽ mang đến sự ngọt ngào, gắn bó, hòa hợp, là sợi dây vô hình kết nối những con người với nhau. Tình thương có thể mang lại niềm tin và động lực sống cho mỗi người, có thể vực dậy con người từ gông cùm của chiến tranh, từ vũng bùn của đói khổ, từ bóng tối của cô đơn. Hãy đùm bọc, sưởi ấm và khâu vá lại vết thương cho những chiếc "lá rách", để bản thân trở thành một chiếc "lá lành" trong cuộc đời của họ, thêu dệt một rừng cây xanh xươi tràn ngập sức sống, thêu dệt một cuộc đời sâu sắc nhân văn. Đây là một bài văn mình làm năm lớp 7, hy vọng làm tài liệu cho các bạn tham khảo. ^^