Review Phim Em Bé Hà Nội 1974 - Hải Ninh - Sức Sống Mãnh Liệt Giữa Chiến Tranh

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Hung93, 30 Tháng năm 2020.

  1. Hung93

    Bài viết:
    39
    Em đi trên phố phường

    Chan chứa tình yêu thương

    Em yêu những con đường

    Của thành phố quê hương

    Em bé Hà Nội - Nhạc: Hoàng Vân

    Giọng ca trong trẻo của một em bé vang lên giữa lòng Hà Nội trong những ngày cuộc chiến với đế quốc Mỹ đang trong giai đoạn khốc liệt nhất. Em là Ngọc Hà, dáng người nhỏ nhắn, tay cầm cây vĩ cầm, đang chạy xuyên giữa những dòng xe pháo binh to lớn để đi tìm người bố thất lạc - một chiến sĩ bộ đội tên lửa.

    Em bé Hà Nội là một bộ phim nhựa sản xuất năm 1974 do Hải Ninh làm đạo diễn; biên kịch Hoàng Tích Chỉ, Hải Ninh và Vương Đan Hoàn; với sự tham gia của NSND Lan Hương (lúc 10 tuổi), NSND Thế Anh, NSND Trà Giang, NSUT Kim Xuân.. ; lấy bối cảnh cuộc sống Hà Nội năm 1972 khi quân đội Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch Linebacker II, ném bom miền bắc Việt Nam. Phim đã nhận được giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần III năm 1975.

    Một tác phẩm chiến tranh được làm ngay trong thời chiến nên Em bé Hà Nội đã tạo được cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả khi những hình ảnh lịch sử hào hùng và đau thương của dân tộc được tái hiện một cách chân thực nhất. Để cùng sống lại trong khoảng thời gian ấy và theo chân cô bé Ngọc Hà giữa lòng Thủ đô, các bạn hãy tắt review này và bắt đầu xem phim thôi.


    [​IMG]

    Trong ký ức của Ngọc Hà, Hà Nội yên bình lắm. Em được đi chơi cùng bố mẹ và em gái Thùy Dương trong công viên, được đi ngắm pháo hoa rực rỡ trong đêm Giao thừa ở bờ hồ, được chạy nhảy thỏa thích dưới những tán cây xanh mướt. Thùy Dương vẫn còn ngồi đấy trong lớp học, vẫn ê a đọc chữ theo cô giáo, vẫn thỉnh thoảng lại lén liếc mắt ra cửa sổ để nhìn mẹ.

    Nhưng giờ đây, Hà Nội chìm trong làn khói mù mịt và tiếng nổ đì đùng suốt đêm, còn em đang đứng ở bên kia con sông tại nơi sơ tán, nhìn xa xăm về phía thành phố, nơi có mẹ và bé Thùy Dương.

    Câu chuyện mà Ngọc Hà kể cho anh lính pháo binh nghe bắt đầu với những câu hỏi đầy ám ảnh: "Tại sao chúng lại đem bom đến đây để ném hở chú? Tại sao chúng lại thích giết trẻ em, lại cứ đem bom ném xuống trường học?"

    Trong ký ức của Ngọc Hà, gia đình em thương yêu nhau lắm. Bố em là chú bộ đội còn mẹ em là cô công nhân nhà máy may. Mỗi lần ở nhà, Thùy Dương lại líu lo bài hát "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ", rồi nó còn chạy đến em nằng nặc đòi kéo đàn, mặc dù đã dụ nó đi bằng con gấu bông, nó vẫn cứ quấy em rồi khóc inh ỏi khắp nhà. Đôi lúc em cũng bực mình nó lắm nhưng rồi lại quên, lại cùng bố dẫn nó ra Hồ Gươm nghe chuyện cổ tích về vua Lê Lợi và Rùa thần.

    Nhưng giờ đây, em đứng trước một khung cảnh đổ nát, hoang tàn, một bầu không khí tang thương, đẫm máu. Toàn bộ trường học gần như đổ sập dưới làn bom đạn khủng khiếp, những bức tường nứt toác lộ cả sắt thép, tất cả đồ vật trong trường bị chôn vùi dưới những khối bê tông vỡ và cát bụi mù mịt. Xác người la liệt khắp nơi. Hà Nội bây giờ khác quá.

    Bằng thủ pháp kể chuyện cổ điển, đan xe khéo léo giữa quá khứ và hiện tại, đạo diễn Hải Ninh đã đưa ra liên tiếp những hình ảnh rất đối lập, rất trái ngược của Hà Nội giữa trước và sau khi quân đội Hoa Kỳ ném bom xuống phố Khâm Thiên. Với hai thái cực đối nghịch, bối cảnh phim đã gây một cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả. Sự khốc liệt của chiến tranh, sự tàn ác của quân xâm lược đã phá tan sự hòa bình của một đất nước, đánh mất cuộc sống yên bình của những gia đình nhỏ và cướp đi tính mạng của hàng trăm con người kể cả trẻ em.

    Nhịp điệu cả phim tương đối chậm rãi, mang đậm tính kể chuyện, có một vài cao trào nhỏ diễn ra trong quá khứ nhưng với nghệ thuật kể đan xen như đã nói ở trên, cuộc hành trình của Ngọc Hà và anh lính pháo binh vẫn đủ sức lôi cuốn khán giả trong hơn 70 phút phim.

    Một bộ phim chiến tranh nếu được làm trong thời điểm hiện tại, để tái dựng được bối cảnh đổ nát, hoang tàn là thực sự khó khăn và tốn kém khi phải nhờ đến công nghệ và sức mạnh của kĩ xảo điện ảnh. Nhưng Em bé Hà Nội được quay tại thời điểm 1974, ngay khi cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, nên yếu tố chân thực mà những hình ảnh trong phim mang lại là điều không thể chối cãi. Ngoài ra, hiệu ứng cháy nổ cũng được làm rất tốt, rất thật nhằm mô tả không khí thực sự khốc liệt của một cuộc chiến. Chính hai điều này đã mang tới sự ấn tượng và ám ảnh khó quên đối với người xem.

    Tuy nhiên, phim có điểm yếu là kết thúc vẫn còn mang nặng tính cách mạng chứ không tập trung vào câu chuyện của nhân vật chính làm mạch phim và mạch cảm xúc có phần đứt quãng, nhiều hình ảnh cuối phim dù rất chân thực nhưng lại mang hơi hướm của một phim tài liệu.


    [​IMG]

    Điểm ấn tượng nhất của Em bé Hà Nội là những hình ảnh mang tính biểu tượng nhằm truyền tải sức sống vươn lên tiềm tàng và mãnh liệt giữa lòng Thủ đô qua hai chi tiết đáng nhớ sau:

    Đầu tiên là phân cảnh người dân đứng xếp hàng dài chờ lấy gạo, nhưng khi nghe bé Ngọc Hà nói nhà ở phố Khâm Thiên, mọi người đều nhường em tiến lên phía trước. Tinh thần tương thân, tương ái, lòng yêu thương, cảm thông cho nhau trong những hoàn cảnh khó khăn của người dân Việt Nam vẫn luôn luôn được duy trì và phát huy. Tinh thần này không hề mất đi mà dường như được biến chuyển thành một sức mạnh lớn hơn, sức mạnh đoàn kết của một dân tộc chống lại kẻ thù. Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi trong phim xuất hiện hình ảnh một áp phích cỡ lớn được dựng ngay trên phố với dòng chữ: "Việt Nam nhất định thắng!"

    Nơi đây em đã sống

    Những tháng ngày vinh quang

    Của Hà Nội anh hùng

    Của Tổ quốc vinh quang

    Thứ hai là phân cảnh Ngọc Hà được đi sơ tán ngoài Hà Nội và tìm cách ru ngủ một em bé đang nằm trên võng trong vườn. Đây là phân cảnh theo mình là hay nhất trong toàn bộ phim. Bé cứ quấy khóc không chịu ngủ cho đến khi Ngọc Hà lấy đàn vĩ cầm ra đàn cho bé nghe bài hát "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ", tiếng đàn du dương, trong trẻo như một con suối nhỏ trong truyện cổ tích cứ thế ngọt ngào trôi đưa bé vào giấc ngủ ngon lành. Nhưng đột nhiên tiếng bom từ đâu xa dội lại xé toang không gian yên tĩnh làm bé choàng tỉnh. Và em đã hát, tiếng hát át đi tiếng bom đưa bé một lần nữa yên giấc. Một hình ảnh đầy tính biểu tượng được đạo diễn khắc họa đầy tinh tế. Tiếng hát của Ngọc Hà không đơn thuần là tiếng ru êm đềm, nó còn là tiếng lòng yêu chuộng hòa bình, là tinh thần lạc quan vươn lên trong hoàn cảnh mưa bom đạn lạc của tất cả người dân Việt Nam.

    Trong phân cảnh này có một chi tiết nhỏ cà khịa khá thú vị. Người bà ru đứa bé đã nói: "Cha bố cái thằng Nixon này, nó cứ rình rình để bắt nạt cháu bà này." (Nixon là Tổng thống Hoa Kỳ trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, chính phủ của ông đã đưa ra chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh bắt đầu từ năm 1968).

    Nhưng trên tất cả, biểu tượng lớn nhất cho toàn bộ phim, biểu tượng cho cả dân tộc, không phải là tiếng đàn vĩ cầm hay hình ảnh người dân xếp hàng lấy gạo, mà chính là Ngọc Hà - Em bé Hà Nội . Qua câu chuyện với người lính pháo binh, qua nét đẹp trẻ thơ và diễn xuất tự nhiên của NSND Lan Hương, Ngọc Hà hiện lên là đại diện cho mọi người dân Việt Nam kiên cường, anh dũng, lạc quan, yêu chuộng hòa bình và có niềm tin mạnh mẽ vào chiến thắng trước kẻ thù, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

    Hà Nội ơi trong ánh bình minh lên

    Mặt Hồ Gươm soi bóng cờ cao bay

    Hà Nội của em xinh tươi

    Tràn ngập niềm vui nơi nơi

    Hà Nội ngày nay đang lớn

    Ngày mai sẽ muôn vàn đẹp hơn.

    [​IMG]

    Em bé Hà Nội là một tác phẩm có vị trí đặc biệt trong lòng những khán giả lớn tuổi yêu mến điện ảnh cách mạng Việt Nam vì yếu tố chân thực của lịch sử và chất thơ mộng phảng phất của nó. Còn đối với khán giả trẻ ngày nay, trong bối cảnh hiện tại với rất nhiều tác phẩm giải trí được đầu tư hình ảnh rực rỡ và choáng ngợp nhờ sức mạnh của kĩ xảo điện ảnh thì những hình ảnh trắng đen chân thực đến ám ảnh của Em bé Hà Nội vẫn là một trải nghiệm điện ảnh thú vị; là một bài học lịch sử hấp dẫn ngoài những con số, sự kiện khô khan và nhàm chán được viết trong sách; và có thể là một niềm cảm hứng mạnh mẽ được đóng góp gì đó cho đất nước khi tất cả chúng ta ngay lúc này đang được sống trong hòa bình, tự do.


    Một bình luận của Hùng Nguyễn

    Bật mí nhẹ: Ngày nay tại phố Khâm Thiên có một đài tưởng niệm với trung tâm là bức tượng lấy nguyên mẫu từ chân dung một phụ nữ Hà Nội đã bị chết ở chân cầu thang nhà số 47. Người mẹ chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt, che chở cho con. (Theo báo Vietnamnet.vn). Hình ảnh người mẹ này đã được đề cập trong phim, các bạn nhớ tìm nha.

    Tái bút :D Tạm biệt Em bé Hà Nội, chúng ta lại quay về nước Mỹ để gặp gỡ người đàn ông bị căm ghét nhất Hoa Kỳ và đi tìm


     
    Aishaphuong, Admin, Mẩu Tũn17 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng sáu 2020
  2. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cực kì thích đọc bài review của bạn!
     
    Hung93 thích bài này.
  3. Hung93

    Bài viết:
    39
    Cảm ơn bạn nhiều :D Có ý kiến gì cứ nói để mình biết mà sửa nha ^^
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
  4. Mộ Thiện

    Bài viết:
    64
    Mình chưa xem phim này nhưng đọc thấy cảm động quá. *yoci 149*
     
    Hung93 thích bài này.
  5. Hung93

    Bài viết:
    39
    Phim cảm động lắm bạn :) nếu có thời gian thì nên xem 1 lần, đặc biệt hơn nếu bạn là người Hà Nội.
     
    Mộ Thiện thích bài này.
  6. Mộ Thiện

    Bài viết:
    64
    Haha mình là người Miền Nam bạn ơi nhưng cũng sẽ xem thử thế nào *qobe 102*
     
    Hung93 thích bài này.
  7. Hung93

    Bài viết:
    39
    Mình cũng là người Sài Gòn mà :D
     
    Mộ Thiện thích bài này.
  8. Thiên hi

    Bài viết:
    83
    Phim này chắc cảm động lắm, dù mình chưa xem nhưng đọc bài review của bạn cũng thấy xúc động lắm rồi. Có thời gian phải coi thử một lần mới được.

    Bạn viết hay và cảm động lắm.

    Chúc bạn thành công và được nhiều độc giả đón đọc hơn nhé!
     
    Hung93 thích bài này.
  9. Hung93

    Bài viết:
    39
    Phim cảm động lắm, nếu bạn rảnh thì nên xem 1 lần, cũng ngắn thôi (có 70 phút), biết đâu là một trải nghiệm khác lạ và có thể thêm yêu đất nước mình hơn :) (nhỏ mà có võ: D)

    Cảm ơn bạn cho nhận xét bài review của mình nha.
     
  10. Tố Văn Shared to be loved

    Bài viết:
    55
    Rất quý những người biết trân trọng lịch sử như bạn
     
    Hung93 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...