Dẫn chứng liên hệ bài Việt Bắc - Tố Hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 8 Tháng mười một 2020.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Điểm sáng tạo cho bài văn nghị luận từ lâu được đưa vào khung điểm chính thức của biểu điểm, đáp án các kì thi.

    Sáng tạo trong văn nghị luận thể hiện qua nhiều khía cạnh: Cách dùng từ, đặt câu, cách kiến tạo câu văn, cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật, cách vận dụng kết hợp các thao thác lập luận, cách so sánh, liên hệ mở rộng..

    Vậy làm thế nào để đạt được số điểm sáng tạo, với đoạn nghị luận xã hội là 0.25 điểm và bài nghị luận văn học là 0.5 điểm?

    Tôi xin chia sẻ một cách (trong nhiều cách) để đạt điểm sáng tạo, đó là phải biết vận dụng liên hệ so sánh thêm với những ngữ liệu có liên quan đến tác phẩm nghị luận.

    Chú ý:

    - Khi liên hệ, so sánh, ta phải chỉ ra điểm tương đồng hoặc khác biệt giữa các ngữ liệu để đi đến những nhận xét, khái quát cần thiết.

    - Không nên lạm dụng thao tác này, mỗi bài nghị luận chỉ nên liên hệ, so sánh từ 2 - 3 ngữ liệu.

    Dẫn chứng liên hệ bài Việt Bắc - Tố Hữu
    Liên hệ mở rộng khi viết đoạn mở bài:

    Mở bài 1:

    Chia li, tiễn biệt là một đề tài quen thuộc trong thơ ca xưa nay. Thế giới văn học tuyệt vời đã lưu giữ cho ta bao cuộc chia ly bất tử. Đó là cuộc chia ly của Lý Bạch với Mạnh Hạo nhiên trên lầu Hoàng Hạc: "Bóng người đã khuất bầu không - Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời"; là cuộc từ biệt Thúc Sinh của Thúy Kiều sau những ngày mặn nồng, thắm thiết: "Người lên ngựa, kẻ chia bào - Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san"; đó là "cuộc chia li chói ngời sắc đỏ - tươi như cánh nhạn lai hồng" trong thơ Nguyễn Mĩ ...Và đến "Việt Bắc" của Tố Hữu người đọc không thể quên cuộc chia tay lịch sử giữa những người cách mạng miền xuôi với người Việt Bắc. Đoạn trích [...] ghi lại phần nào tâm trạng luyến lưu, bịn rịn của người đi, kẻ ở trong giờ phút chia ly.

    Mở bài 2:

    Thơ xưa viết về chia li, tiễn biệt thường chất chứa nỗi buồn đau, sầu muộn; từ cảnh Thúy Kiều không nỡ dứt vạt áo Thúc Sinh:

    "Người lên ngựa, kẻ chia bào

    Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san


    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

    đến cánh người chinh phụ mỏi mắt trông theo bóng dáng người chồng khuất dần trong khoảng không vô tận:

    "Cùng trông lại lại cùng chẳng thấy

    Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

    Ngàn dâu xanh ngắt một màu

    Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai"


    (Chinh phụ ngâm)

    Cũng viết về cảnh chia ly, nhưng "Việt Bắc" của Tố Hữu lại mang đậm âm hưởng vừa lãng mạn, vừa hùng tráng. Điều đó được thể hiện phần nào trong đoạn thơ:

    "Những đường Việt Bắc của ta

    [...]

    Vui lên Việt Bắc Đèo De, Núi Hồng"


    Liên hệ mở rộng khi viết đoạn khái quát sau mở bài:

    "Việt Bắc" viết về cuộc chia tay lịch sử giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ, chiến sĩ về xuôi. Nếu các cuộc chia ly trong thơ cổ thường gắn với tâm trạng buồn đau, u sầu thì trong "Việt Bắc" Tố Hữu lại thể hiện những sắc điệu mới. Bởi bài thơ được sáng tác trong ngày chiến thắng, chia tay để rồi gặp lại, cả người đi người ở đều hướng đến một viễn cảnh tươi đẹp của đất nước. Điều này cũng cho thấy Tố Hữu luôn là nhà thơ của lẽ sống lớn, niềm vui lớn, tình cảm lớn. Thơ ông không đi vào những tình cảm cá nhân riêng tư mà chỉ hướng đến những cảm xúc lịch sử của lòng người, của thời đại. Khúc ca về cuộc chia tay của nhân dân VB với cán bộ về xuôi đã minh chứng cho điều Xuân Diệu nói: "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình".

    Xem tiếp bên dưới: liên hệ mở rộng phần thân bài
     
    Last edited by a moderator: 5 Tháng mười một 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Liên hệ mở rộng khi nhận xét về cách xưng hô mình - ta:

    Mình - ta vốn là cách xưng hô quen thuộc trong đời sống hàng ngày, là cách xưng hô của vợ chồng hoặc giữa những người có mối quan hệ thân thiết, gắn bó. Trong ca dao, dân ca cặp từ mình - ta thường xuất hiện trong các bài ca dao giao duyên như:

    Mình nói với ta mình hãy còn son

    Ta đi qua ngõ thấy con mình bò

    Con mình những trấu cùng tro

    Ta đi lấy nước tắm cho con mình


    Hay:

    Mình về có nhớ ta chăng

    Ta về ta nhớ hàm răng mình cười


    Hoặc:

    Mình về ta chẳng cho về

    Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ


    Cách xưng hô mình - ta gần gũi thân thương được Tố Hữu vay mượn trong ca dao, dân ca. Sáng tạo của nhà thơ là ở chỗ nếu trong ca dao, dân ca mình - ta là đôi lứa yêu nhau với một nam một nữ thì trong bài thơ mình - ta là người đi (người cán bộ miền xuôi) và kẻ ở (nhân dân Việt Bắc). Sáng tạo hơn nữa là trong bài thơ mình - ta có sự chuyển hóa, hòa quyện thành sự đồng vọng diễn tả chung tâm tư của cả người đi, kẻ ở. Cả mình và ta đều chung những kỉ niệm gắn bó, chung một nỗi niềm tâm trạng, nay phải chia tay biết bao lưu luyến, bịn rịn. Bài thơ đã vượt ra khỏi những cảm xúc riêng tư để chuyển tải một vấn đề rất lớn của đời sống cách mạng – đó là vấn đề ân nghĩa thủy chung của cách mạng với nhân dân.

     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng mười một 2022
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Liên hệ mở rộng khi phân tích đoạn 8 câu đầu:

    1. Cụm từ "mình có nhớ" được lặp lại 2 lần, riêng từ nhớ được lặp lại 4 lần trong thể hiện nỗi nhớ da diết, khôn nguôi của người ở lại. Họ lo sợ mai này bạn mình về nơi phồn hoa đô hội đầy cám dỗ sẽ không giữ được tình cảm son sắt, thủy chung. "Việt Bắc" là bài ca tình nghĩa. Câu hỏi vang lên dồn dập như nhắc nhở, như khắc sâu những tình cảm tốt đẹp của quân dân, của cách mạng và kháng chiến, của mình với ta. Nỗi niềm, tình cảm ấy của người ở lại còn được nhà thơ Tố Hữu nhắc đến trong đoạn thơ sau của bài thơ:

    Mình về thành thị xa xôi

    Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng

    Phố đông có nhớ bản làng

    Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng


    2. Lời người ở lại khơi gợi lại thời gian gắn bó trong suốt 15 năm. Câu thơ phảng phất âm hưởng của một câu Kiều về 15 năm tình nghĩa sâu nặng, thủy chung của Thúy Kiều và Kim Trọng:

    Những là dày ước mai ao

    Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình


    Mười lăm năm ấy là mười lăm năm gắn bó giữa những người cách mạng miền xuôi với nhân dân Việt Bắc trên chiến khu cách mạng. Mười lăm năm ấy được tính từ khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, từ khi Hồ Chí Minh về nước bắt tay vào xây dựng khu căn cứ địa cách mạng tại chiến khu Việt Bắc để làm thủ đô kháng chiến của dân tộc:

    Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt

    Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

    Bác về im lặng con chim hót

    Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ


    Cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc đã cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu gắn bó khăng khít và làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc "vang dội năm châu, chấn động địa cầu" và rồi là một cuộc chia tay lịch sử, người cán bộ cách mạng rời Việt Bắc về xuôi. Mười lăm năm "Mình đây ta có đắng cay ngọt bùi", mười lăm năm "bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng"...làm sao kể xiết biết bao ân tình. Bốn từ "thiết tha mặn nồng" cho thấy tình cảm giữa Việt Bắc và cán bộ thật thủy chung sâu nặng, keo sơn bền chặt. Hỏi không chỉ để nhắn nhủ người đi mà đây cũng là cách để người ở lại bày tỏ tình cảm của mình. Không biết ra về mình có nhớ không, còn ta không thể nào quên những ngày tháng ấy.

    3. Lời người gợi lên cảnh một cuộc chia tay đầy lưu luyến bịn rịn. Trong đó "áo chàm" là biện pháp nghệ thuật hoán dụ dùng hình ảnh chiếc áo màu chàm để chỉ người Việt Bắc, là cách dùng bộ phận để chỉ toàn thể vì người Việt Bắc thường nhuộm và mặc áo màu chàm. Màu chàm là màu sắc của núi rừng, bền bỉ, không hề phai nhạt như tình cảm mãi không bao giờ nhạt phai. Màu áo chàm thể hiện phẩm chất của người Việt Bắc giản dị, mộc mạc, chịu thương chịu khó và ân tình, thủy chung:

    Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

    Chàm nâu thêm đậm phấn son chẳng nhòa


    Cuộc chia tay có những người dân Việt Bắc đầy ân nghĩa đưa tiễn, giãi bày tình cảm nhớ thương. Người ra đi cũng chưa đi đã nhớ nhớ tiếng ai tha thiết, nhớ áo chàm, cồn nhỏ, nhớ cảnh nhớ người và tình cảm của người ra đi cũng thật son sắc, thủy chung.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười hai 2022
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Liên hệ mở rộng khi phân tích đoạn: Mình về rừng núi nhớ ai:

    Ban đầu, người ở lại giãi bày tình cảm một cách gián tiếp, tế nhị bằng cách mượn các hình ảnh thiên nhiên như rừng núi, trám bùi, măng mai. Đây là cách nói lấp lửng, giãi bày tình cảm đầy ý nhị, khéo léo mà nhà thơ Tố Hữu học được từ ca dao:

    Bây giờ mận mới hỏi đào

    Vườn hồng đã có ai vào hay chưa

    Mận hỏi thì đào xin thưa

    Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào


    Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với nghệ thuật hoán dụ "rừng núi nhớ ai", trong đó hoán dụ "rừng núi" chỉ Việt Bắc và người Việt Bắc, đại từ phiếm chỉ "ai" chỉ người cán bộ về xuôi đã diễn tả trong cuộc chia tay này, dường như cả thiên nhiên và con người Việt Bắc đều thương nhớ người cán bộ về xuôi.

    Người ở lại còn khéo léo bày tỏ tình cảm chân thành, mộc mạc của mình qua hình ảnh trám bùi, măng mai vốn sản vật của núi rừng Việt Bắc. Đây là các món ăn thường nhật của cán bộ kháng chiến, cũng được Hồ Chí Minh nhắc đến trong bài thơ "Tức cảnh Pác Bó":

    Sáng ra bờ suối tối vào hang

    Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng


    Khi những người cán bộ cách mạng ở Việt Bắc, người Việt Bắc lấy măng, hái trám để nuôi cán bộ. Vì thế bài thơ mới có những câu thơ tuyệt bút:

    Ve kêu rừng phách đổ vàng

    Nhớ cô em gái hái măng một mình


    Tình cảm quân dân thắm thiết nên khiến hình ảnh cô gái hái măng một mình trong rừng mà không hề gợi cảm giác lẻ loi, đơn chiếc. Nhưng bây giờ khi những người cán bộ cách mạng về xuôi trám và măng không có người thu hái nên để trám rụng, măng già.

     
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Liên hệ mở rộng khi phân tích đoạn bốn câu:

    - Ta với mình, mình với ta

    Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

    Mình đi, mình lại nhớ mình

    Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu..


    1. Trước nỗi lòng của người ở lại, người ra đi cũng khẳng định tình cảm son sắc thủy chung. "Ta – mình", "mình – ta" được lặp đi lặp lại, quấn quýt, quyện hòa làm một. Câu thơ đầu của đoạn thơ là sự vận dụng sáng tạo câu ca dao về tình cảm lứa đôi:

    Ta với mình tuy hai mà một

    Mình với ta tuy một mà hai


    "Đinh ninh" là sự khẳng định chắc chắn, mãi mãi gắn bó, thuỷ chung. Như vậy, người ra đi ở đây đã khẳng định tình cảm của mình với Việt Bắc và người Việt Bắc trước sau như một, lúc nào cũng mặn mà đinh nình, dù có thế nào cũng không thay lòng đổi dạ.

    2.

    Biện pháp nghệ thuật so sánh "Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu" đã khẳng định một lần nữa sự chung thuỷ son sắt, tình cảm bền chặt của người cán bộ kháng chiến với Việt Bắc. Nhà thơ Tố Hữu có lẽ đã sáng tạo câu thơ dựa trên mô típ quen thuộc "bao nhiêu" - "bấy nhiêu" của ca dao:

    Qua đình ngả nón trông đình

    Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu...
     
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Liên hệ mở rộng khi phân tích đoạn:

    Nhớ gì như nhớ người yêu

    Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

    Nhớ từng bản khói cùng sương

    Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

    Nhớ từng rừng nứa bờ tre

    Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

    Ta đi, ta nhớ những ngày

    Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi..


    Bằng nghệ thuật so sánh độc đáo, nhà thơ đã diễn tả nỗi nhớ về một mảnh đất như nỗi nhớ người yêu, một mối quan hệ chính trị lại giống như một tình yêu đôi lứa. Tình yêu luôn đi liền với nỗi nhớ và nỗi nhớ trong tình yêu thì luôn là nồng nàn, da diết, cháy bỏng nhất. Thơ ca xưa nay viết về nỗi nhớ trong tình yêu rất nhiều. Ca dao cũng có những câu như:

    Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

    Như đứng đống lửa như ngồi đống than


    Hoặc:

    Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

    Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai

    Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng thể hiện một nỗi nhớ mãnh liệt:

    Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh

    Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi


    Nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ lại được nữ thi sĩ Xuân Quỳnh miêu tả:

    Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức


    Nỗi nhớ người yêu là nỗi nhớ có khi ngẩn ngơ, ngơ ngẩn; có khi có khi bồn chồn, bối rối, bổi hổi, bồi hồi, mãnh liệt và thường trực.. Nỗi nhớ Việt Bắc và người Việt Bắc phải chăng hàm chứa mọi cung bậc cảm xúc ấy. Với hình ảnh so sánh này, Tố Hữu đã thể hiện được tình cảm rất sâu đậm của người đi bởi có nỗi nhớ nào thổn thức, thường trực và mãnh liệt hơn nỗi nhớ trong tình yêu.

    - Điệp từ "nhớ" được lặp lại hai lần trong câu thơ đã nhấn mạnh nỗi nhớ cồn cào, da diết khôn nguôi. Cuộc đời mỗi con người đều không tránh được chuyện đi và ở, hội ngộ và chia li. Những mảnh đất đã từng qua, ngững con người đã từng gắn bó đều để lại niềm thương và nỗi nhớ như nhà thơ Chế Lan Viên đã khái quát:

    Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn


    Mười lăm năm trên chiến khu Việt Bắc đã để lại bao tình cảm luyến thương nên trong giờ phút chia tay tất cả kỉ niệm trong suốt 15 năm gắn bó bỗng chốc ùa về với những ấn tượng, tình cảm sâu đậm nhất. Và người ra đi cũng nhu cầu được bày tỏ nỗi lòng.
     
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Liên hệ mở rộng khi phân tích đoạn:

    Ta đi, ta nhớ những ngày

    Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi..

    Thương nhau, chia củ sắn lùi

    Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

    Nhớ người mẹ nắng cháy lung

    Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

    Người Việt Bắc nhường cơm, sẻ áo, nuôi giấu người cán bộ cách mạng còn được thể hiện qua hình ảnh người mẹ Việt Bắc "nắng cháy lưng, địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô". Đây có lẽ là một trong những hình ảnh in đậm nhất trong lòng người ra đi. Người mẹ địu con lên nương rẫy trong cái nắng đến cháy da, cháy thịt để vừa trông nom, che chở cho đứa con thơ bên mình vừa kiên trì, cần mẫn "bẻ từng bắp ngô" để nuôi con, nuôi cán bộ. Sự tương phản, đối lập giữa cái dữ dội của thiên nhiên với ý chí nghị lực của con người càng làm tôn lên vẻ đẹp cần cù, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh của người mẹ dân tộc. Hình ảnh những người mẹ tuyệt vời, kì diệu trong những cuộc kháng chiến còn được gặp lại trong bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm:

    Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

    Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng.


    Chính người mẹ Việt Bắc, những người mẹ Việt Nam anh hùng với tình mẫu tử và tình cảm cách mạng thiêng liêng đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng của dân tộc, trở thành những nhân vật lịch sử trong các cuộc kháng chiến vĩ đại.
     
  8. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Liên hệ mở rộng khi phân tích đoạn:

    Ta về, mình có nhớ ta

    Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

    Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

    Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

    Ngày xuân mơ nở trắng rừng

    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

    Ve kêu rừng phách đổ vàng

    Nhớ cô em gái hái măng một mình

    Rừng thu trăng rọi hòa bình

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.


    1. Trên cái nền xanh ấy có điểm xuyết những bông hoa chuối đỏ tươi, thắp sáng cả cánh rừng đại ngàn. Màu đỏ tươi của bông chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng như ngọn lửa ấm thắp sáng lên bức tranh cảnh vật, xua tan bớt cái lạnh giá, u ám, hiu hắt của rừng núi vào mùa đông. Hai chữ "đỏ tươi" không chỉ là từ ngữ chỉ sắc màu, mà chứa đựng cả một sự bừng thức, một khám phá ngỡ ngàng, một rung động rất thi nhân. Hình ảnh bông hoa chuối đỏ tươi còn hiện lên như một biểu tượng của niềm tin, của tình yêu, của sự lạc quan như Nguyễn Mỹ cũng hướng đến trong "Cuộc chia li màu đỏ" :

    Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi

    Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người

    Nghĩa là màu đỏ ấy sẽ theo đi

    Như chưa hề có cuộc chia li


    2. Hình ảnh con người trong bức tranh cảnh vật mùa đông là hình ảnh người với công việc lên rừng hái củi, phát nương làm rẫy góp công góp sức cho cuộc chiến đấu. Bước chân đã tới lưng đèo, hình ảnh con người đứng giữa đèo cao, giữa núi đồi đầy vững chãi, tự tin, mang tâm thế của người làm chủ núi rừng, làm chủ cuộc sống. Tư thế và tâm thế ấy còn được thể hiện một lần nữa trong bài thơ "Lên Tây Bắc" của Tố Hữu thể hiện rõ quan niệm của nhà thơ về con người kháng chiến, trở thành một nét thi pháp đặc sắc trong thơ của ông:

    Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

    Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

    Núi không đè nổi vai vươn tới

    Lá ngụy trang reo với gió đèo


    Tâm thế là chủ ấy còn được thể hiện trong nhiều bài thơ của các nhà thơ cùng thời với Tố Hữu như Nguyễn Đình Thi:

    Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta

    Những cánh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa


    Hình ảnh người lên rừng lấy củi, phát nương, làm rẫy còn được miêu tả với con dao giắt cạnh sườn, ánh nắng mùa đông phản chiếu vào sáng lấp lánh. Ở đây, câu thơ vừa mang ngôn ngữ thơ nhưng lại vừa mang ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Con người như một tụ điểm của ánh sáng. Con người ấy đã trở thành linh hồn của bức tranh mùa đông Việt Bắc.

    Hình ảnh con người trong hai câu thơ không chỉ mang vẻ đẹp sử thi, tiêu biểu cho con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà còn gợi lên phẩm chất tốt đẹp của người Việt Bắc cũng là phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó.

    3. Nếu màu sắc của mùa đông là hai sắc màu xanh, đỏ thì bức tranh mùa xuân gắn với sắc trắng. Cùng với sự chuyển mùa, mùa đông sang mùa xuân, là sự chuyển màu trong bức tranh thơ. Màu xanh trầm tĩnh, lạnh giá của rừng già chuyển sang màu trắng tinh khôi của hoa mơ khi mùa xuân đến. Cụm từ "trắng rừng" cho thấy hoa mơ nở trắng, bao phủ cả khu rừng. Núi rừng Việt Bắc ngập tràn một sắc trắng tinh khôi, dịu nhẹ, ngọt ngào và mang sức sống bất diệt, xôn xao, rạo rực của mùa xuân. Hiện thực đầy mơ mộng này còn được nhà thơ Tố Hữu nhắc đến một lần nữa trong trường ca "Theo chân Bác" :

    Ôi sáng xuân nay xuân 41

    Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

    Bác về im lặng con chim hót

    Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ
     
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Liên hệ mở rộng khi phân tích đoạn:

    Nhớ khi giặc đến giặc lùng

    Rừng cây núi đã ta cùng đánh Tây

    Núi giăng thành lũy sắt dày

    Rừng che bộ đội rừng vây quân thù


    Những ngày kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc là những ngày tháng đầy gian khổ. Những ngày đầu ấy quân và dân ta không chỉ phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt là mưa nguồn, suối lũ, mây mù, với điều kiện sinh hoạt vật chất vô cùng thiếu thốn chỉ có miếng cơm chấm muối, chia sẻ với nhau từng củ sắn, bát cơm, cùng đắp chăn làm từ vỏ cây sui.. mà còn có cả những ngày giặc đến giặc lùng. "Giặc đến" là thời điểm nguy kịch, "giặc lùng" là cảnh nguy biến, hoảng loạn, tan tác, loạn lạc. Cảnh giặc đến gây bao tang thương đã được nhà thơ Hoàng Cầm khắc họa:

    Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

    Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

    Ruộng ta khô Nhà ta cháy

    Chó ngộ một đàn

    Lưỡi dài lê sắc máu

    Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang


    Hiện thực của những ngày đầu ta yếu, địch mạnh ấy cũng giống như khi Lê Lợi mới gây dựng khởi nghĩa Lam Sơn được Nguyễn Trãi viết trong "Bình Ngô đại cáo" :

    Ta đây!

    Núi Lam Sơn dấy nghĩa

    Chốn hoang dã nương mình.

    Nghệ thuật chiến tranh du kích là phải dựa vào là phải dựa vào địa hình hiểm trở, rừng núi để đánh giặc. Bởi vậy mà núi đá, rừng cây cũng tham gia đánh giặc. Núi rừng Việt Bắc tươi đẹp, hiền hòa trong bức tranh tứ bình nay bỗng trở thành những chiến sĩ thực thụ trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược..

    Những dãy núi trùng điệp dàn trải như thành lũy kiên cố bất khả xâm phạm che chở bộ đội, dân quân, du kích.. Tư thế hiên ngang kiêu hùng của những vách núi làm cho kẻ thù bất lực.

    Rừng cây cũng tham gia đánh giặc: Rừng cây vừa bao vây quân thù, vừa chở che bộ đội. Rừng núi vốn là những vật vô tri, song dưới con mắt của nhà thơ, trong cuộc kháng chiến trường kì toàn dân, toàn diện cũng trở nên có ý chí, có tình người. Chúng cùng quân dân ta tham gia chiến đấu và trở thành đồng đội với quân và dân ta trong cuộc chiến. Với nghệ thuật nhân hóa, Tố Hữu đã biên núi rừng, thiên nhiên thành những người lính anh dũng kiên cường.
     
  10. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Liên hệ mở rộng khi phân tích hai câu:

    Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung

    Nếu như đoạn thơ 10 câu trên là những ngày đầu khó khăn, gian khổ mới chỉ có những trận đánh, chiến thắng bước đầu thì đoạn thơ tiếp theo đã tái hiện khí thế chiến đấu, chiến thắng ngút trời của quân và dân ta. Đoạn thơ được kết cấu theo cấu trúc mà trong đó nét tả khái quát là miêu tả những con đường ra trận trên chiến khu Việt Bắc làm hiện lên khí thế ra trận của quân và dân ta. Sau đó là miêu tả cụ thể những đoàn quân, đoàn dân công và những đoàn xe cơ giới ra chiến trường trên những nẻo đường Việt Bắc . Và cuối cùng là nêu các tên địa danh là những chiến thắng trên khắp mọi miền tổ quốc, khẳng định chiến thắng về ta.

    Khí thế chiến đấu và chiến thắng ấy được thể hiện trước hết qua nét tả khái quát về những con đường ra trận trên chiến khu Việt Bắc. Hai câu thơ mở ra một không gian rộng lớn, hùng tráng là trên khắp các ngả đường Việt Bắc. Thời gian được thể hiện qua từ láy "đêm đêm" không chỉ thể hiện quãng thời gian lặp đi lặp lại là hàng đêm mà còn xác nhận một hiện thực thời đó là quân ta chủ yếu hoạt động và kiểm soát về đêm. Mặt khác, trong cuộc kháng chiến thần tốc ấy, để tiếp tế, chi viện cho chiến trường đủ cả về nhân lực và vật lực thì quân và dân ta phải hoạt động cả trong đêm. Hiện thực ấy được nhắc tới trong rất nhiều thi phẩm ra đời cùng thời như:

    Những đêm dài hành quân nung nấu

    Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu


    Trích:

    Đất nước - Nguyễn Đình Thi

    Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống

    Bộ đội bên sông đã trở về


    Trích:

    Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm

    Khí thế chiến đấu dũng mãnh của quân và dân ta được thể hiện rõ qua từ láy "rầm rập" và biện pháp nghệ thuật so sánh "như là đất rung". Từ láy "rầm rập" : Cho thấy sự chuyển động của những bước chân trên con đường ra mặt trận và hơn nữa cho thấy sức mạnh, nhịp độ khẩn trương của quân ta. Nghệ thuật so sánh có phần cường điệu "như là đất rung" càng nhấn mạnh khí thế chiến đấu, sức mạnh quân và dân ta, là sức mạnh nhân nghĩa của mấy ngàn năm lịch sử. Khí thế chiến đấu và chiến thắng ấy tưởng chừng có thể làm rung chuyển trời đất, lay động cả càn khôn. Mặt đất tưởng chừng rung chuyển dưới bước chân của những người khổng lồ đầu đội trời, chân đạp đất trong cuộc ra quân vĩ đại.

    Từ "của ta" một lần nữa khẳng định tâm thế làm chủ. Đó là tâm thế của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tâm thế ấy còn được Tố Hữu nhắc đến một lần nữa trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên:

    Của ta trời đất đêm này

    Sông kia, đồi nọ, núi này của ta


    Cũng là tâm thế được thể hiện trong thơ Nguyễn Đình Thi về thời ấy:

    Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta

    Những cánh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa


    Nhìn chung, hai câu thơ thể hiện rõ niềm tự hào làm chủ và khí thế chiến đấu chiến thắng cao ngất trời của những con người chưa ra trận mà như đã nắm chắc phần thắng trong tay. Truyền thống yêu nước đã kết tinh thành sức mạnh, thành khí thế hào hùng của cả dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược như "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi miêu tả:

    Đánh một trận sạch không kình ngạc

    Đánh hai trận tan tác chim muông

    Nổi gió to quét sạch lá khô

    Thông tổ kiến sụt toang đê vỡ.
     
    Last edited by a moderator: 12 Tháng hai 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...