Đứa Trẻ Ngồi Trước Đêm Trăng Tác giả: Trúc Phượng Thể loại: Truyện ngắn Bài hát đã được bật từ chiều trong tiệm bán lồng đèn ở phía đường đối diện. Hay quá! – Vừa lẩm nhẩm hát theo, nó vừa nghĩ. Năm nào vào ngày này, nó cũng được nghe bài hát ấy, lại được thu vào tầm mắt thứ sắc màu đẹp đẽ và rực rỡ kia. Nó quả là đúng đắn khi chọn sống ở đây mà, phải chi được sống ở chổ này mãi mãi. Mùi thơm của bánh tiêu mới ra lò bay khắp phố khiến bụng nó réo một hồi trống vang. Vừa xoa bụng nó vừa đi theo cái mùi thơm nhất trên đời đó. Chưa bao giờ đường phố quán xá lại vắng vẻ như ngày hôm qua, làm nó đến một mẩu bánh vụn trên đường cũng không tìm thấy. Đến nay đã tròn một ngày rồi. Nó dừng lại, trước mắt hiện lên chính là một quầy bánh tiêu đầy ắp. Màu vàng óng của bột được chiên giòn khiến bao tử nó quặn lên từng cơn. Nó trông ngóng nhìn người đàn ông dắt theo đứa bé đến, chọn lựa kỹ càng một hồi lâu rồi ông bảo gói cho năm cái bánh. – Ai ui! – Đang gắp giữa chừng, người bán bực dọc nhìn cái bánh lỡ tay làm rơi xuống mặt bàn. Đôi mắt nó sáng rỡ. Thằng bé nọ níu tay ba chỉ những cái bánh đang nằm ngay ngắn trên quầy kia. Người bán hàng liền cười trừ vứt cái bánh bị rớt xuống đất, gắp sáu cái liền trên quầy đưa cho hai ba con. Đến khi họ đã đi khuất dạng, nó liền lao tới như tên bắn, toan nhặt cái bánh đang yên vị trên mặt đất kia lên thì má trái đã bị một lực tác động mạnh đến nỗi nó phải bước loạng choạng vài bước, đôi mắt nheo lại khiến cho nước mắt chảy ra. Giọng nói ồm oàm cùng bộ mặt hung tợn chắn hết tầm nhìn trước mặt, đôi mắt mở to của lão và bàn tay chẳng khác gì cái bánh xe chỉ thẳng vào người nó. – Thằng ranh! Cút! Chửi đổng thêm một tiếng, lão liền không do dự cầm cái bánh rớt quăng cho con chó nuôi của mình. Vừa thấy con chó lớn, nó đã chạy thục mạng vì hoảng sợ, cứ tưởng như thứ đang bị xâu xé là nó chứ không phải cái bánh kia. Nhưng cũng chẳng chạy được bao lâu, được một đoạn thì nó mệt mỏi quỵ xuống, ngồi bó gối bên đường. Vết sẹo ở bắp chân lại nhói đau như thể nhắc nó nhớ về hậu quả của việc giành cái bánh mì hôm nọ với lũ chó luôn lảng vảng ở khu này. Nó ôm bụng đau đớn, dạ dày nó bị cào sạch vì chẳng có thứ gì để tiêu hóa. Hai hàng nước mắt chảy dài trên mặt nó. Đối với nó, khóc chỉ là một hiện tượng thiết yếu xảy ra hằng ngày như việc bầu trời có mây xanh nhưng chuyện đầy đủ ba bữa một ngày lại là điều xa xỉ mà chưa chắc cả đời này nó đã có được. Đói quá! Nó thèm ăn cái bánh mà vẫn thường nghe người ta gọi là "bánh trung thu" Nó đã từng được ăn chưa? Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối nó được ăn cái bánh đó? Quá lâu rồi, đến hương vị ra sao nó cũng không còn nhớ nữa, chỉ nhớ là rất ngon, là cái bánh ngon nhất nó từng.. – Này, nhóc! Nó giật mình, ra sức lau nước mắt vội nhìn lên. Một bác gái già ái ngại nhìn nó, trong tay là cái bánh tiêu còn nóng hổi. – Ăn đi! Đôi mắt nó liền chứa đựng cả dải ngân hà, không nói không rằng vội chộp lấy cái bánh tiêu như người chộp lấy chai nước giữa sa mạc hoang vắng. Bác gái không nán lại lâu hơn nữa mà một mạch bỏ đi. Lúc này nó mới sực nhớ ra, chưa kịp nhìn lâu hơn bóng bà ấy đã khuất dạng. Cái bánh tiêu chỉ sau hai giây đã biến mất này không đủ để lấp đầy bụng nó. Nó liền đứng dậy, nếu cứ ngồi đây thì vĩnh viễn cũng sẽ chẳng có đồ ăn, không còn nhớ tự bao giờ nó đã nhận ra được điều đó. Cứ đi mãi, chẳng mấy chốc ánh hoàng hôn đã nhuộm đỏ cả bầu trời. Phố phường như được bao trùm bởi đại tiệc của đủ thứ màu sắc. Màu đỏ của lồng đèn, màu vàng, màu trắng của những chú lân trong đoàn lân sư rồng của thành phố, màu nâu của những cái bánh được sắp xếp gọn gàng trong tủ kính, màu đen của những mái đầu.. Âm nhạc từ một cửa tiệm CD đã được bật từ sớm. Nhộn nhịp quá! Chỉ mới có năm giờ chiều mà dòng người đã tấp nập đi lại như con sóng đổ xô về phía thượng nguồn. Nó bị lóa mắt bởi cảnh tượng phồn hoa này. Vừa lượm mấy trái quýt đã mốc xanh trên đường vừa nhìn quanh quất trên phố, đột nhiên, ánh mắt nó dừng lại. Bên kia đường là một cửa tiệm bán lồng đèn. Những chiếc lồng đèn sặc sỡ đối với nó còn giá trị hơn mấy cái bánh tiêu đắt đỏ kia. Nó thích nhất là cái đèn ông sao lớn được treo trước cửa tiệm nhưng cái ông trăng thì vẫn đẹp nhỉ! Nó cũng thích cái lồng đèn kéo quân màu trắng ngà nữa! Nó muốn chạy qua đó nhưng có được không? Những hình ảnh sáng nay với ông chú bán bánh tiêu hiện lên rõ mồn một trong kí ức như muốn dập tắt đi cái mong ước đang dâng trào mãnh liệt trong tâm hồn nó. Rồi người ta sẽ đuổi nó có khác gì cái cách từng đuổi bầy chó hoang nọ? Nó chưa bao giờ tự hỏi mình tại sao hặc cũng có thể vì không bao giờ trả lời được nên dù có hỏi hay không cũng chỉ là điều vô nghĩa. Nó nghe thấy tiếng trẻ con vang vọng: – Mẹ ơi, lấy cái con cá này đi! – Cái đó không đẹp, mua ông sao ấy. Mắt thằng bé lấp lánh theo hướng tay mẹ nhìn chiếc lồng đèn lớn treo trước cửa tiệm. Ông chủ liền niềm nở lại gần tháo xuống, cười xoa đầu thằng bé: – Trung thu nhớ ngoan ngoãn nhe lời ba mẹ nhé. Nó trơ mắt đứng nhìn thằng bé ấy vừa đi vừa vung vẩy chiếc đèn trong tay, miệng ngâm nga bài hát "Rước Đèn Tháng Tám". Mẹ ư? Tiếng gọi này thì có ý nghĩa gì? Nếu nó cũng có thể gọi "mẹ", thì nó cũng sẽ được có cái lồng đèn ông sao ấy.. đúng không? Nhưng không được, nó không thể gọi. Vì không có lý do để gọi. Đôi chân nó ngập ngừng bước đi, đến lúc những ký ức về bầy chó hoang lại ùa về thì một hàng lồng đèn sặc sỡ treo trên giá đã gần ngay trước mắt. Đẹp quá, nó chưa bao giờ nghĩ trên đời này lại có thứ đẹp hơn thế. Bởi vậy chưa kịp suy nghĩ mà bàn tay của nó đã áp lên cửa kính đã được lau chùi sạch bong. Lẽ ra.. nó không nên làm thế. – Thằng nhóc này ở đâu ra đây? Nó giật thót rụt tay về nhưng cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi đó không phải là gương mặt dữ tợn của lão bán bánh tiêu ban sáng mà là ông chủ tiệm vừa bán cho thằng nhóc kia chiếc lồng đèn ông sao. Giọng nói tuy không ồm oàm nhưng ẩn chứa sự tức giận không thể che giấu được, bàn tay tuy không to nhưng đang cuộn chặt lại thành nấm đấm. Thôi thúc cho nó cái ý nghĩ tốt nhất bây giờ là chạy ngược lại về phía đường bên kia. – Mày ở đâu ra? - Ổng hỏi nó Nó đã sợ tới mức không nói được tiếng nào, chỉ biết run rẩy đứng đó. Cuối cùng cũng đạt đến giới hạn của sự kiên nhẫn, ông ta gằn giọng: – Đi đi! Mày làm bẩn hết cửa kính rồi! Nó còn muốn đứng đó như đã bị vài người bảo vệ lôi ra ngoài. Rất nhiều tiếng tỏ ra phiền phức của rất nhiều người kéo theo sau. Nó dùng bàn tay lấm lem lau đi nước mắt, đang định đi tiếp thì bỗng dưng.. Nó dừng lại trước hình ảnh phản chiếu của mình trong tấm gương nứt được dựng dựa lên cây cột bên đường. Tay nó chạm nhẹ vào gương mặt trong gương. Đây là.. nó đúng không? Cái mặt đen đủa, chân mang đôi dép rách, cả người thì lấm lem vết bẩn trong khi bộ đồ này đã đồng hành cùng nó suốt hơn tháng trời. Xấu xí quá. Ông chủ tiệm bán lồng đèn nói đúng. Nó không muốn làm bẩn lồng đèn ông sao. Nó không giống đứa bé đó, à không, là tất cả những đứa trẻ nó từng nhìn thấy. Nó không xinh đẹp, không trắng trẻo, không sạch sẽ, cũng k hông thể.. gọi mẹ. Vì vậy, chẳng có lồng đèn, chẳng có bánh trung thu, chẳng có quà, chẳng được thấy chị hằng, cũng chẳng được kể cho nghe sự tích chú cuội cung trăng. Đối với nó, đó là quy luật, nó chẳng bao giờ thắc mắc hay đặt ra cho mình cái giả thiết "nếu như..". Cách đối xử của mọi người trên đời này với nó đều là điều đương nhiên như thể câu chuyện này vốn dĩ là như thế. Nó ngồi bệt xuống bậc đá trên đường, vòng hai tay ôm lấy đầu gối. Đêm hôm nay thật lạnh, cái lạnh ngấm vào từng chút một trong người nó đau tới thấu xương. Nó lấy từ trong túi ra trái quýt bị mốc xanh, vừa ăn được một nửa thì chợt có bàn tay đụng nhẹ vào người nó. Là một đứa bé. N ó giật mình. Thằng bé trông chừng chỉ vừa chập chững bước vào lớp một. Đôi mắt tròn xoe cứ nhìn chòng chọc vào người nó. Nó bối rối nhìn xung quanh như chưa hiểu lắm cái chuyện đang xảy ra ở đây là như thế nào. Đang tính chạy đi thì thằng nhỏ đã lôi từ trong túi ra một thứ mà nó chưa từng nghĩ sẽ được nhìn thấy ở đây, ít nhất là ngay tại chỗ này. Một hộp bánh trung thu. Thằng bé chần chừ đưa cái bánh về phía nó, giọng nói còn non nớt của con nít lên năm: – Anh.. ăn không? Nó đứng chết trân hơn nửa ngày trời, nheo mắt nhìn thằng nhóc trước mặt. Chính thằng bé cũng đang giữ nguyên một tư thế đưa bánh về phía nó từ nãy đến giờ không thay đổi. Chẳng ai muốn di chuyển, vì thế thời gian ngừng lại. Cuối cùng có lẽ vì tư thế hiện giờ khó mà giữ lâu hơn được nữa, thằng bé tiến lại gần bóc vỏ bánh ra, bẻ một miếng bánh đặt vào lòng bàn tay nó. Đôi tay nó run rẩy, nhìn chằm chằm miếng bánh nhỏ trong tay khoảng hai giây rồi bỏ vào miệng. Trong một khoảnh khắc, nó biết rất khó để diễn tả được cảm xúc của bản thân lúc này cũng như hương vị của miếng bánh vẫn đang chạy trong khoang miệng kia. Hóa ra thứ mà nó cảm nhận được không chỉ là hương vị của một hỗn hợp được nướng chín. Nhìn biểu cảm của nó mà thằng bé phát sợ, lo lắng nói: – Bánh này.. là mẹ em mới mua hồi nãy. Không hiểu sao, nó muốn khóc. Lại là mẹ! Tại sao cứ phải là mẹ? Ai cũng có mẹ! Chúng nó đứa nào cũng có mẹ! Không có mẹ thì sao chứ? Không có mẹ là sai sao? Không có mẹ là lỗi của nó sao? Thế gian rộng lớn như thế vậy mà tại sao chỉ một mình nó là không thể gọi được tiếng "mẹ ơi"? Nó.. cũng muốn có mẹ. Tiếng khóc của nó như muốn xé nát tâm can người đối diện, bung toạt khỏi lồng ngực mà chạy khắp nẻo đường trong đêm đen như cái cách mà nó phải chạy giữa cuộc đời này.. có lúc chỉ để kiếm một miếng bánh trung thu nhỏ bé. Từng tiếng nấc lại là một lần nó cố sức lau đi nước mắt. Lau nhiều rồi, thời gian qua số lần nó lau nước mắt còn nhiều hơn lẽ sống nó tìm được để tồn tại. Ai mà biết được nó còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa. Trên đời này.. liệu còn có chỗ cho nó không? Nước mắt cứ thế tuôn ra như dòng thác không biết đâu là bến đỗ. Thằng bé kia chỉ còn biết cầm hộp bánh đứng nhìn nó như trời trồng. Chẳng biết đến bao lâu, tiếng khóc của nó mới dần dần nhỏ lại, chuyển thành tiếng nấc hợp nhất với sắc mặt mỗi lúc một xanh xao của thằng nhóc: – Ba mẹ em không cho bắt chuyện với người lạ, nhưng mà.. em không biết đi đâu hết. Em.. em xin lỗi. – tiếng thằng nhóc nghẹn ngào, chắc là còn hoảng loạn hơn cả nó. Nó vẫn không nói gì dù biết rằng thằng bé không có lỗi. Thằng nhóc cứ đứng đó, dường như không dám mời nó ăn bánh thêm lần nữa. Nó lấy tay quệt nước mũi mấy lần rồi ngồi bệt xuống đất, tiếp tục bóc thêm nửa trái quýt còn lại đưa cho thằng bé. Có lẽ vì bất ngờ mà thằng nhóc ngơ ngác hồi lâu mới đưa tay nhận trái quýt, ăn được vài miếng, nó liền nhăn mặt. – Quýt này lạ quá, không giống ở nhà em ăn. Nó không để ý tới, vẫn chuyên chăm bóc mấy trái quýt. Dù có để ý cũng chẳng biết đáp lại như thế nào. Nó có biết "quýt ở nhà em ăn" ra làm sao đâu? Đối với nó, từ trước khi cầm trên tay hộp bánh trung thu kia, những thứ này đã là xa xỉ. Thằng bé do dự nhưng cuối cùng cũng ngồi xuống bên cạnh nó: – Anh không đi xem múa lân hả? Trước xã có mở tiệc lớn lắm, còn có phát quà nữa. Nó mở miệng, đang phân vân không biết nên dùng đại từ xưng hô nào cho phải, bèn bắt chước những gì nó còn nhớ được từ những người xung quanh. – T.. tao.. không được đi. Cả hai đều giật mình. Lâu rồi, lâu lắm rồi nó đã không nói chuyện, tưởng như quên mất mình còn biết nói. Một câu này nói ra, kèm theo giọng mũi vì trận khóc vừa rồi, lại mang theo âm vực khàn khàn không sao tả nổi. Làm không ai tài nào tin được lời này là từ thanh quản của một thằng nhóc 10 tuổi phát ra. – Sao lại không được đi? Con nít ai cũng đi hết mà. Mắt nó nhìn về phía bầu trời đêm xa thăm thẳm. – Không biết.. người ta.. không cho tao vào. Thằng nhóc nở nụ cười, hào hứng nói: – Không sao, vậy để em kể cho anh nghe được không? Ở nhà ba mẹ khen em kể chuyện hay lắm. Nó không ừ hử gì, chỉ im lặng, chỉ là không biết bản thân có thực sự muốn nghe những điều đó. Thằng nhóc hơi ngập ngừng, sợ nó không muốn nghe, lại sợ nói nhiều quá với "người lạ" sẽ bị "ông kẹ" bắt đi mất nhưng trung thu thật sự rất vui, nếu nó không biết thì thật uổng. Vậy là thằng nhóc bắt đầu kể, kể rất nhiều. Trung thu năm nào bên xã cũng có tổ chức nhiều hoạt động vui tết. Trẻ em và người lớn đều được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân và thợ thủ công làm lồng đèn, nhiều món đồ chơi truyền thống từng làm điên đảo một thế hệ như: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông đánh gậy, con phỗng đất, con giống bột, diều giấy.. Hơn hết, chúng nó còn được những nghệ nhân dân gian lâu năm hướng dẫn làm bánh trung thu, được cầm trên tay cây cọ tô mặt nạ giấy bồi. Đêm xuống, mấy đứa nhóc cùng tham gia hoạt động thả đèn hoa đăng, như muốn gửi gắm ước nguyện của mỗi người tới đêm trăng rằm. Cuối cùng là hoạt động trung thu ý nghĩa nhất, thiếu nhi xếp thành hàng dài, đánh trống, rước đèn theo đoàn lân sư rồng rộn rã, vang dội cả một góc trời. Vừa nghe thằng bé hăng say kể, nó vừa chuyên tâm ăn bánh trung thu. Bởi chẳng hiểu gì, tất cả những gì thằng nhóc vừa kể ra đều không có sự góp mặt của nó. Có vẻ rất vui, có vẻ rất hào hứng. Tất cả những gì nó nhận thức được chỉ có thế thôi. Đột nhiên có tiếng từ đài phát thanh của ủy ban xã: "Trung tâm tìm trẻ lạc xin thông báo.." Đang kể huyên thuyên, tức thì thằng nhóc sáng rỡ mắt đứng bật dậy. Nó tròn mắt nhìn thằng nhóc này và liên hệ với những chi tiết trong mấy lời thông báo vừa rồi kia, hơi kích động đứng dậy theo: – Là.. mày hả? Thằng nhóc cười toe toét: – Dạ, hôm nay đông người quá, mới nhìn lại em đã không thấy ba mẹ đâu. Ra là ở chỗ mấy người múa lân xong thì vào. Nó hướng mắt về phía hội trường tay trái: – Bây giờ.. mày đi hả? Thằng nhóc đặt cả hộp bánh vào tay nó: – Dạ nhưng mà mai em lại qua đây chơi với anh. – Thật không? – nó dè dặt hỏi. Thằng nhóc lại cười, nụ cười sáng hơn cả ánh trăng: – Thật mà, mai em cho anh xem lồng đèn ông sao của em, đẹp lắm nhé. Nó ngập ngừng giơ ngón tay út ra, thằng nhóc không do dự làm một cái móc ngoéo bền chặt với nó. Và rồi, thằng bé quay lưng đi, bóng lưng nó cứ xa dần, xa đến khi khuất khỏi tầm mắt nó. Nó nhìn xuống hộp bánh trung thu vẫn còn đang ăn dang dở trong tay, lại ngồi xuống. Thằng nhóc ấy tựa như thứ ánh sáng lạ kỳ thắp sáng cái nơi tối tăm mà nó tự gọi là "nhà" đó. Đến khi thứ ánh sáng đó đi rồi, tất cả sẽ lại trở về theo quỹ đạo ban đầu thôi. Nó ngước nhìn lên ánh trăng rằm, có nhìn mãi cũng chẳng nhìn thấy chú cuội đang ngồi bên gốc cây đa hay chị hằng nga đang mỉm cười với nó. Chỉ có ánh trăng sáng, là đêm trăng sáng nhất mà nó từng được biết. Nếu trên đó thật sự có chú cuội, phải chăng chú cũng đang ngồi cô đơn bên gốc cây đa năm nào, ôm hoài bao suy tư và nỗi nhớ như nó bây giờ không. Nhưng có lẽ.. nó chưa từng có nỗi nhớ. Bởi chẳng có gì để nhớ. Ký ức, tự bao giờ đối với nó đã trở thành một khái niệm hết sức mơ hồ. Có lúc tưởng như đã bắt được, nhưng cuối cùng.. lại chẳng có gì trong tay cả. Trời lạnh quá. Nó nằm xuống nền đất lạnh lẽo, rúc vào trong góc mong tìm được một chút hơi ấm giữa cái rét đêm thu. Đến bây giờ nó mới tự hỏi. Trăng hôm nay sáng quá, nhưng liệu có đêm trăng nào đã từng dành cho nó không? Nhưng cuối cùng cũng chẳng có hơi ấm nào cả. Bụng nó đau thắt. Cái lạnh và đau đớn như hòa làm một. Trước mắt nó, xa xăm là người qua kẻ lại tấp nập, lồng đèn được đám nhóc cầm trong tay cũng phát ra thứ ánh sáng lung linh đẹp dẽ. Đâu đâu cũng là những nụ cười hạnh phúc. Từ một nơi xa thẳm, có tiếng hát vẫn vang vọng hoài trong đêm. "Bóng trăng trắng ngà Có cây đa to Có thằng cuội già Ôm một mối mơ" Kia có phải là chú Cuội không? Nó mỉm cười, lặng lẽ thở hắt ra một hơi nhẹ nhõm và cũng chính là hơi thở cuối cùng. Trúc Phượng Bài hát sử dụng trong bài: Thằng Cuội
Chào Trúc Phượng! Chị thay mặt các thành viên trong BGK Event Trung Thu gửi đến em tổng hợp nhận xét của các BGK nhé. Quá trình chấm và nhận xét của từng người là riêng biệt nhưng lời nhận xét sẽ được tổng hợp lại để tránh trùng ý và em dễ theo dõi nhé. 1. Ảnh bìa: Kích thước ảnh phù hợp, ảnh đẹp và ấn tượng, font chữ đẹp, tổng thể khá hài hòa. Câu quote hay, có trong truyện nhưng có điểm trừ nho nhỏ vì nó là câu trích dẫn của một bài hát (không phải quote tự sáng tác). 2. Nội dung: - Ưu điểm: + Câu chuyện hay, sáng tạo, cảm động, giàu tính nhân văn: Cũng là Trung thu nhưng mượn hình ảnh Trung Thu để nói về những đứa trẻ cơ nhỡ. + Văn phong: Văn phong tốt, mạch lạc, sinh động; cách hành văn mượt mà, linh hoạt. Văn phong tốt khiến câu chuyện và hình ảnh cậu bé lang thang gây ấn tượng với độc giả. + Các hình ảnh, tình tiết được chọn lọc và mang tính chân thật. Các các lời thoại được xây dựng hợp lí, phù hợp với tính cách nhân vật, mang lại cảm giác gần gũi, gây ấn tượng và xúc động mạnh, đặc biệt là đoạn nói chuyện với thằng bé bị lạc, nhân vật chính ngập ngừng rồi chọn xưng "tao". + Miêu tả tâm lý nhân vật rất tốt: Kể chuyện theo ngôi thứ 3 nhưng góc nhìn chủ yếu từ cậu bé lang thang khiến câu chuyện vừa có tính khách quan, bối cảnh rộng, bao quát (ngôi kể thứ ba) ; vừa có thể linh hoạt diễn tả cảm xúc, tâm lý nhân vật một cách chân thật, sâu sắc (góc nhìn chính từ nhân vật cậu bé). - Nhược điểm: + Lỗi chính tả, lỗi đánh máy: Nhìn quanh quất, diễn tả nỗi, nó còn muốn đứng đó như đã bị vài người bảo vệ lôi ra ngoài, bến đổ, không hiều sao.. + Thiếu nhiều dấu kết thúc câu. + Ngắt đoạn chưa phù hợp: Không nên 1 - 2 câu ngắn lại ngắt đoạn một lần mà cần chia đoạn theo diễn biến nội dung. + Chưa làm nổi bật câu hỏi phụ của event. Trên đây là tổng hợp nhận xét của BGK. Cảm ơn em đã mang đến event Trung Thu một câu chuyện sâu sắc và giàu tính nhân văn như vậy. Mong rằng em sẽ tiếp tục phát huy khả năng và có thêm nhiều bài viết hay trong tương lai. Thành phần BGK: @Phaledenvo @Nhật Thiên Thanh @Thiên Túc @Mạnh Thăng @Uất Phong
Em xin cảm ơn những lời nhận xét, góp ý chân thành đến từ BGK. Lời nhận xét khiến em cảm thấy rất vui và sẽ tiếp thu tất cả góp ý của các anh chị, điều đó giúp ích cho em rất nhiều. Em mong rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều bài viết hay và chất lượng cho diễn đàn