Tản Văn Đọt Mầm Thương Nhớ - Lê Gia Hoài

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lê Gia Hoài, 18 Tháng chín 2020.

  1. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    Tác Phẩm: Đọt Mầm Thương Nhớ

    Tác Giả: Lê Gia Hoài

    Thể Loại: Tản Văn

    Tôi xa quê đã hai mươi năm có lẻ. Vĩnh Tường quê tôi là vùng nông thôn thanh bình, yên ả như bao vùng quê trên đất nước này. Làng quê tôi được phù sa sông Hồng quanh năm bồi tụ nên đất đai trù phú, cây cối tốt tươi, nông nghiệp phát triển. Người dân trên khắp đất nước vẫn thấy hình ảnh Vĩnh Tường thấp thoáng trong thơ Bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương. Xa quê, mỗi lần nhớ về "những ngày xưa thương mến" tôi lại nhớ đến những đọt mía, mầm khoai thơm hương, ngọt đường trên những cánh đồng trải đầy mưa nắng.

    Đất đai quê tôi màu mỡ được người dân canh tác lúa, ngô, khoai và mía. Những đồng đất trũng, thấp thì trồng lúa, mỗi năm chỉ có một vụ, đan xen giữa các vụ lúa là vụ ngô hoặc khoai, thời gian còn lại thì để đất nghỉ ngơi – đó là cách nói dân gian, chứ thực tế là bỏ hoang đất vì không biết trồng thứ gì thêm nữa. Những đồng đất cao, ít bị lụt lội thì người dân trồng mía. Mía trồng phải mất một năm mới được thu hoạch. Nhưng cái hay của mía là chỉ cần trồng một lần có thể được thu hoạch hai đến ba lần. Năm đầu tiên thu hoạch gọi là mía "giồng", năm thứ hai gọi là mía "gốc" còn năm thứ ba gọi là mía "cội", thu hoạch xong lần ba thì phải trồng lại.

    Cứ vào cuối chạp đầu giêng là lúc khoai lang và mía đã được thu hoạch xong. Đây cũng là thời điểm mà bọn trẻ chúng tôi lại có cơ hội để kiếm cho mình những món ăn đặc biệt. Giữa trời rét mướt căm căm, mưa phùn lay phay, gió sông Hồng từng cơn thốc ngược, tôi và lũ bạn đầu trần chân đất lại rủ nhau ra đồng mót những đọt mía, mầm khoai.

    Đó là những mảnh khoai sứt, những mẩu khoai vỡ, hay cả những củ khoai rất to còn sót lại khi người dân giỡ củ mang về. Phần khoai lang còn sót lại ấy gặp mưa phùn, gió xuân đã bung mầm, trồi lên mặt đất. Bọn trẻ chúng tôi cứ thấy chỗ nào có mầm khoai mọc lên là dùng xén, liềm, dao hay những chiếc que nhọn đào khoét và thế là có được những mảnh khoai mầm tím ngát, ngọt lừ. Đó cũng là những đọt mía non nằm ở dưới đất trước khi trồi lên thành những cây mía bình thường. Khi phá luống, bưng gốc người thợ cày phải ghè mũi cày để đẽo, tỉa từng cụm gốc sao cho gốc mía đứt dễ bung lên. Chúng tôi đi theo sau các bác thợ cày, cứ thấy cụm gốc nào có đọt mía non mập mạp, trắng nõn rơi ra là nhặt, hoặc dùng dao đẽo các cụm gốc mía to, nhiều đọt mang về cùng bạn bè thưởng thức.

    Chẳng biết ngày ấy có phải do đói hay ít được thưởng thức bánh kẹo mà mỗi lần ăn những đọt mía, mầm khoai tôi lại thấy nó ngọt ngào, mát lành và thấm thía đến vậy. Những mầm khoai sống ấy có khi chẳng cần rửa, chúng tôi dùng mảnh tre sắc cạnh cạo qua lớp vỏ, lau nháo lau nhào vào chiếc áo bông hay chiếc quần ka ki rồi nhai rau ráu. Những đọt mía trắng nõn chẳng phải dóc vỏ, chỉ cần mang xuống bờ kênh chao qua, chao lại cho có lệ rồi cứ thế chia nhau giếc, gặm thật ngon lành. Có những đọt mía quá non, quá mềm nên chúng tôi đã ăn thẳng như ăn những mầm khoai hay củ đậu, vừa no bụng, vừa đỡ phí. Khi bụng đã lưng lửng thì những trò chơi dân gian như thả diều, cướp cờ, đánh khăng.. lại được chúng tôi tổ chức chơi một cách hồn nhiên, đầy phấn khởi.

    Những đọt mía, mầm khoai kiếm được chúng tôi vẫn ăn chung với nhau. Tôi nhớ có lần thằng Tự, (nhà nó nghèo nhất làng) hôm đó nó bận đi đánh dậm không mót được mầm khoai, đọt mía nào nhưng khi gặp chúng tôi chuẩn bị đánh chén "phần thưởng" nó xán vào xin được ăn cùng. Là bạn đồng lứa cùng làng nên chúng tôi chẳng tiếc gì và sẵn sàng mời nó cùng thưởng thức. Vừa ngồi vào "bàn tiệc" thằng Tự đã nhanh mồm ăn liền hai mươi mấy mảnh khoai và hơn chục mầm mía, có lẽ gần nửa số khoai, mía chúng tôi kiếm được ngày hôm ấy. Thấy nó ăn nhanh và "tốn" quá, thằng Dần (vốn nhỏ nhẻ, ăn chậm) bực tức, kéo chiếc rổ vào lòng hét lên: "Mày ăn gì mà tham thế". Nghe thằng Dần nói vậy, thằng Tự dừng ăn, miệng lắp bắp thật thà: "Mấy ngày nay tao chẳng được ăn gì nên đói quá, đến giờ tao mới được mấy thứ này vào bụng, bọn mày đừng trách tao nhé". Nghe nó nói vậy ai cũng hiểu gia cảnh và thông cảm cho thằng Tự nên đã nhường để thằng Tự được ăn thêm nữa. Mãi sau này tôi mới biết chính những sản phẩm "đi mót" ấy là nguồn nuôi sống không chỉ riêng gia đình thằng Tự mà còn nhiều gia đình khác nữa trong những ngày giáp hạt, tháng ba ngày tám.

    Tất nhiên cuộc "liên hoan" nào cũng sẽ qua đi, thức quà kiếm được cũng đã yên vị trong lòng lũ trẻ chúng tôi. Quê hương Vĩnh Tường giờ đã đổi thay. Những cánh đồng ngô lúa đã được thay thế bằng các nhà máy, xí nghiệp, bằng các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp.. Nhưng mỗi lần nhớ lại quê xưa thì hình ảnh thằng Tự, thằng Dần và bao đứa trẻ cùng trang lứa một thời ấu thơ đầy gian khó lại hiện về nguyên vẹn trong tiềm thức của tôi. Mỗi lần như thế thì vị ngọt, vị thơm, vị bùi, vị mát của những đọt mía, mầm khoai – một thức quà "tự cung tự cấp", dân dã, bổ dưỡng, đầy tình nghĩa như tấm lòng của người dân quê cứ ám ảnh lòng tôi, váng vất tim tôi để mỗi lần trở về tôi lại thấy yêu hơn mảnh đất Vĩnh Tường quê mình.

    [​IMG]
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...