Đôi Điều Cảm Nhận Về Bài Thơ Tình Ca Trên Bục Giảng Của Lê Gia Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Gia Hoài, 28 Tháng chín 2020.

  1. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    Bài Viết: Đôi Điều Cảm Nhận Về Bài Thơ:

    "Tình Ca Trên Bục Giảng" Của Lê Gia Hoài


    Tác Giả: Phan Trang Hy

    Thể Loại: Nghị Luận Văn Học

    Khi còn trẻ, có lần đọc "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách, tôi biết ông vừa là nhà sư phạm, vừa là nhà văn. Rồi khi đi dạy, tôi được biết thêm nhiều người vừa dạy học vừa làm thơ, viết văn. Quả là nghề dạy học và nghiệp văn chương của một số người lại gắn kết với nhau, cùng họ đi suốt cuộc đời. Với Lê Gia Hoài, tôi cũng nghĩ như vậy.

    Tên thật anh là Lương Cẩm Hóa, quê ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Vừa dạy học vừa làm thơ như là duyên nợ. Anh vừa phát hành tập thơ "Tình ca trên bục giảng" (Nxb Hội Nhà văn, 2018). Đây là tập thơ mang tâm sự của người làm công việc dạy học có duyên nợ với văn chương.

    Đọc cả tập thơ, tôi cảm thấy cuộc đời nhà giáo quả là thi vị trong tâm thế của những người coi trọng nghề dạy học. Không thể không thi vị khi cõi lòng thơ trào dâng hiến tặng cho đời. Riêng trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu những gì mình cảm qua bài thơ "Tình ca trên bục giảng" được tác giả viết vào ngày 18/11/2010, cũng là tên tập thơ.

    Trước tiên, chủ thể trữ tình trong bài thơ là "em", và đối tượng để chủ thể trữ tình ấy trao đổi là "anh". Rõ ràng chủ thể trữ tình là cô giáo. Cô giáo "bâng khuâng" giữa "bục giảng" và "anh". Một bên là tình yêu nghề, yêu học trò thân thương; một bên là tình yêu thương đôi lứa cận kề. Biết làm sao cho vẹn tròn tình cảm? Thế cho nên cô muốn người mình yêu thương hiểu được tâm tư của mình:


    "Em bâng khuâng giữa đôi dòng cảm xúc

    Bục giảng thân yêu và anh ở kề bên

    Từ lâu rồi em đã muốn viết lên

    Những tâm tư của riêng mình anh ạ!"

    Tâm tư ấy là nỗi lòng của cô giáo, nói rộng ra là nỗi lòng của bao người làm nghề dạy học. Cái nghề lấy con chữ làm vui; cái nghề ươm mầm tin yêu, lòng nhân ái cho lớp trẻ:

    [​IMG]

    "Yêu bục giảng để mỗi ngày tới lớp

    Không ngại gì với phấn trắng bảng đen

    Em nhận từ ánh mắt các trò quen

    Những tin yêu mà cuộc đời ban tặng.


    Yêu bục giảng em không nguôi thầm lặng

    Gieo cho đời những kiến thức xanh nguyên

    Để một mai trở về chốn bình yên

    Bao lớp người có thêm nhiều sức mạnh.


    Yêu bục giảng trái tim em kiêu hãnh

    Chở tình thương qua khắp nẻo bến bờ

    Trang giáo án cùng em dệt ước mơ

    Xây những lâu đài cho khát vọng vinh quang".

    "Yêu bục giảng" mở đầu và được nhắc lại trong 3 khổ thơ trên như khẳng định tình yêu nghề, yêu trò là trên tất cả. Chính tình yêu đó đã giúp người làm công việc tưởng như thầm lặng vượt qua bao nỗi nhọc nhằn của "phấn trắng bảng đen", để gieo "kiến thức xanh nguyên", để mãi dệt ước mơ qua từng trang giáo án. Ai đã từng làm nghề dạy học, không thể không khát vọng rằng học trò mình tin yêu cuộc đời này, học trò mình được lớn mạnh! Như "trái tim em kiêu hãnh", khát vọng ấy là thực lòng: "Trang giáo án cùng em dệt ước mơ/ Xây những lâu đài cho khát vọng vinh quang".

    Quả thật, chính khát vọng của người dạy học đã cho người đọc thấy được "mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện" (Vijaya Lakshmi Pandit).

    Trong các nghề, nghề nào cũng đòi hỏi lòng yêu nghề. Có yêu nghề thì mới thành công trong nghề. Và nghề dạy học cũng vậy. Bởi "không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình" (C. Jung). Chỉ có yêu nghề với lòng nhiệt thành mới thấy cuộc đời có ý nghĩa trong việc giảng dạy, mới thấy rằng còn có người thương yêu bên cạnh đồng cảm với mình:


    "Khi gửi trọn tình yêu trên bục giảng

    Chẳng bao giờ em thấy sợ cô đơn

    Đi bên em chẳng tính toán thiệt hơn

    Đã có anh – một tình yêu cháy bỏng".

    Hạnh phúc nào hơn khi có người yêu thương đồng cảm sẻ chia cùng mình trong nghề dạy học! Và cũng nhờ hạnh phúc ấy mà người dạy học lấy tình yêu nghề, yêu học trò làm lẽ sống:

    "Khi bục giảng với em là lẽ sống

    Em hiểu mình đang sống đẹp anh ơi!

    Tâm hồn em chỉ đơn giản vậy thôi

    Nhưng anh hãy tin em hạnh phúc suốt đời".

    Chọn cho mình lẽ sống và sống trọn với nó suốt đời. Lẽ sống trên bục giảng là lẽ sống đẹp của người dạy học. "Đơn giản vậy thôi", nhưng với "em" đó là hạnh phúc. Hạnh phúc ấy, em gọi là "Tình ca trên bục giảng".

    Tháng 11/2018

    Phan Trang Hy – Hội viên hội VHNT Đà Nẵng.
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    Bài Thơ: Tình Ca Trên Bục Giảng

    Tác Giả: Lê Gia Hoài

    Em bâng khuâng giữa đôi dòng cảm xúc

    Bục giảng thân yêu và anh ở kề bên

    Từ lâu rồi em đã muốn viết lên

    Những tâm tư của riêng mình anh ạ!

    * * *

    Yêu bục giảng để mỗi ngày tới lớp

    Không ngại gì với phấn trắng bảng đen

    Em nhận từ ánh mắt các trò quen

    Những tin yêu mà cuộc đời ban tặng.


    [​IMG]

    Yêu bục giảng em không nguôi thầm lặng

    Gieo cho đời những kiến thức xanh nguyên

    Để một mai trở về chốn bình yên

    Bao lớp người có thêm nhiều sức mạnh.

    *

    Yêu bục giảng trái tim em kiêu hãnh

    Chở tình thương qua khắp nẻo bến bờ

    Trang giáo án cùng em dệt ước mơ

    Xây những lâu đài cho khát vọng vinh quang.

    *

    Khi gửi trọn tình yêu trên bục giảng

    Chẳng bao giờ em thấy sợ cô đơn

    Đi bên em chẳng tính toán thiệt hơn

    Đã có anh – một tình yêu cháy bỏng.

    *

    Khi bục giảng với em là lẽ sống

    Em hiểu mình đang sống đẹp anh ơi!

    Tâm hồn em chỉ đơn giản vậy thôi

    Nhưng anh hãy tin em hạnh phúc suốt đời.

    *

    18/11/2010.

    *

    Lê Gia Hoài – THCS Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...