ĐỀ BÀI Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục, các giang hồ mạng truyền cảm hứng cho giới trẻ chẳng khác nào sự nguy hại của trò chơi "Cá voi xanh", "Thử thách momo" mà phụ huynh lo lắng bấy lâu. "Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm, bởi việc học sinh thần tượng những" giang hồ "mạng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng. Những hành vi vi phạm pháp luật được cổ vũ như hành động anh hùng sẽ góp phần làm tăng các vụ án nghiêm trọng về cả mức độ lẫn số lượng", Tiến sĩ Vũ Thu Hương phân tích (). Tâm lý lứa tuổi với sở thích vượt khỏi sự hiểu biết của phụ huynh cùng những ảnh hưởng của đám đông bạn bè khiến cho "văn hóa thần tượng" của giới trẻ ngày càng khó nắm bắt, khó kiểm soát. Nhiều xu hướng thần tượng lệch lạc hiện diện rõ hơn. Hành động của giới trẻ với cộng đồng cũng có nhiều biểu hiện không giống với thế hệ trước (). Xu hướng thần tượng đến mê muội, cảm tính đang trở thành mối lo ngại về những hành vi lệch chuẩn của một bộ phận thanh niên. Để ngăn chặn xu hướng này, không chỉ trông cậy sự vào cuộc, quản lý của cơ quan chức năng mà hơn hết là sự chung tay của gia đình, nhà trường trong tuyên truyền, nâng cao khả năng thẩm mỹ và nhân cách, đạo đức đối với giới trẻ. (Trích "Thần tượng" lệch lạc - Hồi chuông báo động trong giới trẻ, theo Hoàng Lân, báo Hà Nội mới) Câu 1: Xác định nội dung chính của văn bản trên? Câu 2: Theo tác giả, hậu quả của việc giới trẻ thần tượng các hiện tượng "giang hồ" mạng là gì? Câu 3: Theo anh chị, tại sao một bộ phận giới trẻ ngày nay lại thần tượng các hiện tượng "giang hồ" trên mạng xã hội? Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với quan điểm cho rằng: "Việc học sinh thần tượng những giang hồ mạng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng"? Câu 5: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về hệ lụy khó lường của việc thần tượng những "giang hồ" mạng. GỢI Ý Câu 1 - Nội dung chính của văn bản bàn về xu hướng thần tượng lệch lạc đáng báo động trong giới trẻ Câu 2 - Hậu quả của việc giới trẻ thần tượng các hiện tượng "giang hồ" mạng là khiến bạo lực học đường gia tăng, sẽ góp phần làm tăng các vụ án nghiêm trọng về cả mức độ lẫn số lượng Câu 3 - Nguyên nhân của việc thần tượng các "giang hồ" mạng được nêu trong bài viết là do thiếu hiểu biết về các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, đua đòi theo đám đông, tâm lý tò mò, thích nổi loạn để khẳng định bản thân, không ý thức được hậu quả.. Câu 4 – Quan điểm "việc học sinh thần tượng những giang hồ mạng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng" mang tính thuyết phục bởi trong văn bản cũng đã đề cập đến, hiện tượng mạng gắn liền với những hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội nhưng lại đang được cổ vũ như một hành động anh hùng và nhóm người bị tác động nhiều nhất bởi các hiện tượng như vậy trên mạng là đối tượng học sinh, sinh viên. Với tâm lý tò mò cộng với chưa đủ hiểu biết về các chuẩn mực đạo đức pháp luật, giới trẻ rất dễ bị kích động dẫn đến các trường hợp bắt chước, adua để khẳng định bản thân và nhận được sự chú ý từ mọi người. Việc sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề nhưng lại được tung hô, thu hút được nhiều lượt view, nhiều lượt like sẽ khiến họ cho rằng hành động như vậy là "chất", "ngầu". Và kết quả là trong thực tế, có không ít những video, clip trên mạng xã hội về hành động học hỏi các "giang hồ" mạng trở nên viral mà độ tuổi của những người trong video, clip đều còn rất trẻ, còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều đó đã và đang gây nên những ảnh hưởng xấu trong cộng đồng, cụ thể chính là nạn bạo lực học đường. Câu 5: Việc thần tượng những "giang hồ" mạng đang là một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại, đặc biệt là đối với giới trẻ. Những "giang hồ" mạng, với vẻ ngoài hầm hố, những câu chuyện đời lạ lùng và cách hành xử "ngầu", dễ dàng thu hút sự chú ý và tạo nên sự ngưỡng mộ. Tuy nhiên, việc thần tượng họ mang lại những hệ lụy khó lường. Đầu tiên, nó có thể làm suy giảm giá trị đạo đức và hành vi của giới trẻ, khi mà sự nổi loạn, bạo lực, hay bất chấp pháp luật được xem là "ngầu" và đáng học theo. Một ví dụ điển hình là các trường hợp thanh thiếu niên trong các nhóm "giang hồ mạng" bắt chước hành vi, nói tục, côn đồ, thậm chí xâm phạm quyền lợi người khác để thu hút sự chú ý trên các nền tảng mạng xã hội. Điển hình như vụ việc "Bà Tưng" hay những nhóm thanh niên làm video bạo lực trên YouTube để kiếm lượt xem, dù họ biết rõ hành vi đó có thể gây tổn hại đến cộng đồng. Các hình mẫu này có thể khiến thanh thiếu niên thiếu đi sự hướng dẫn đúng đắn và không còn coi trọng những giá trị tích cực như học vấn, lao động chân chính hay lòng nhân ái. Hơn nữa, việc coi thần tượng như một hình mẫu lý tưởng có thể dẫn đến những hành vi bắt chước tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật. Thay vì học hỏi từ những cá nhân nổi tiếng bởi tài năng, trí tuệ, hay đóng góp cho xã hội, giới trẻ lại dễ dàng bị lôi kéo vào lối sống thiếu trách nhiệm, đầy rủi ro và tội phạm.