Đọc hiểu: Những người đi tới biển, Thanh Thảo: Ai đang nhớ vùng quê mình ngoài đó

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 19 Tháng tư 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

    Đọc đoạn trích, trả lời các câu hỏi bên dưới:


    Ai đang nhớ vùng quê mình ngoài đó
    Những ngọn đồi đá ong nuôi giấc mơ bạch đàn
    Mẹ quét lá thấy dấu con trên đất
    ngày con đi chân cứng đá mềm


    Con đã trải đá mền rồi mẹ ạ
    Và đá cũng cứng hơn con tưởng rất nhiều
    Nhưng cây bạch đàn trên đồi kia đứng được
    Nó không tìm một chỗ sống khác hơn


    Cuối một đêm con qua khoảng rừng cháy trụi
    Cây như ngàn cánh tay khô khẳng níu bầu trời
    Bên hố bom B. 52 khét lẹt
    Sao Mai xanh như giếng nước tình cờ


    Phút cái đẹp bùng lên trước trăm lần đe dọa
    Đây là thời thách thức của bình yên
    Ôi mẹ bạch đàn dòng sông kiên nhẫn
    Những cánh rừng rồi sẽ tái sinh


    Cho nghiêng xuống đời ta những vòm trời xanh mát mẻ
    Lòng trẻ thơ mơ trái chín trên cành
    Trong gió bấc mắt mẹ nhìn đăm đắm
    Miếng trầu cay bền bỉ suốt mùa đông


    Con sẽ về chạy rát bỏng bàn chân
    Vầng trán mẹ giờ này lặng sóng
    Sau mưa bão mía ngọt dần lên ngọn
    Vẫn chỗ ướt mẹ nằm đất nước mình ơi!


    (Trích "Những người đi tới biển" –Thanh Thảo -)

    Câu 1. Bức tranh về "vùng quê mình ngoài đó" trong nỗi nhớ của người con – người chiến sĩ - được khắc họa với những hình ảnh nào?

    Câu 2 . Chỉ ra 01 phép tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ ba.

    Câu 3 . Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ "Nhưng cây bạch đàn trên đồi kia đứng được/ Nó không tìm một chỗ sống khác tốt hơn"?

    Câu 4 . Hình ảnh người mẹ trong đoạn thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

    II. LÀM VĂN (7, 0 điểm)

    Câu 1. (2, 0 điểm)

    Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những tác động tích cực khi mỗi con người biết "nuôi dưỡng ước mơ".

    Câu 2. (5, 0 điểm) : Phân tích số phận và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài thể hiện trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét nghệ thuật trần thuật của Tô Hoài trong tác phẩm

    Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta thường nói: Nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải con gái nhà Pá Tra: Cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra.

    Cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai nhớ. Những người nghèo ở Hồng Ngài thì vẫn còn kể lại câu chuyện Mị về làm người nhà quan thống lí. Ngày xưa, bố Mị lấy mẹ Mị không có đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già rồi mà cũng chưa trả được nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.

    Cho tới năm ấy Mị đã lớn, Mị là con gái đầu lòng. Thống lí Pá Tra đến bảo bố Mị:

    - Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho.

    Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, thì tiếc ngô, nhưng cũng lại thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mị bảo bố rằng:

    "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu".

    Đến Tết năm ấy, Tết thì vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái thì bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách. Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Một đêm khuya, Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu. Mị hồi hộp lặng lẽ quơ tay lên thì gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ, sờ một ngón thấy có đeo nhẫn. Người yêu của Mị thường đeo nhẫn ngón tay ấy. Mị bèn nhấc tấm vách gỗ. Một bàn tay dắt Mị bước ra. Mị vừa bước ra lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt, cõng Mị đi.

    [​IMG]

    Gợi ý đáp án:

    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1:


    Bức tranh về "vùng quê mình ngoài đó" trong nỗi nhớ của người con – người chiến sĩ - được khắc họa với những hình ảnh:

    - Những ngọn đồi đá ong nuôi giấc mơ bạch đàn.

    - Mẹ quét lá thấy dấu con trên đất.

    - Trong gió bấc mắt mẹ nhìn đăm đắm.

    - Vầng trán mẹ giờ này lặng sóng.

    - Sau mưa bão mía ngọt dần lên ngọn.

    Câu 2:

    So sánh: Cây như ngàn cánh tay; sao mai như giếng

    Câu 3;

    Hai câu thơ được hiểu:

    - "Đứng được" chỉ sức sống, sự vươn lên mạnh mẽ, sự bám trụ kiên trì.

    - Hai câu thơ đã khẳng định sức sống bền bỉ, kiên cường của cây bạch đàn trên vùng đất khô cằn, khắc nghiệt; quyết không rời bỏ mảnh đất nghèo mà chọn nơi khác.

    - Hình ảnh cây bạch đàn cũng mang ý nghĩa ẩn dụ cho những người con của quê hương với

    Câu 4:

    Hình ảnh của người mẹ gợi suy nghĩ:

    - Người mẹ hiện lên với sự tần tảo, lam lũ, với tình yêu thương sâu sắc, đầy bao dung, với sự kiên cường bền bỉ; giàu đức hi sinh.

    - Hình ảnh người mẹ rất thiêng liêng, đáng trân trọng, ngợi ca. Hình ảnh người mẹ là biểu tượng cho vẻ đẹp của quê hương, vẻ đẹp, truyền thống của đất nước. Hình ảnh người mẹ mang đến bài học về sự gắn bó, trân trọng, yêu thương gia đình; khơi gợi niềm tự hào về gia đình, về quê hương.

    LÀM VĂN

    Câu 1: Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những tác động tích cực khi mỗi con người biết "nuôi dưỡng ước mơ".

    a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

    Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo một cách hoặc kết hợp các cách: Diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, song hành hoặc móc xích, đảm bảo yêu cầu về cấu trúc đoạn văn.

    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

    Tác động tích cực khi mỗi con người biết "nuôi dưỡng ước mơ".

    c. Triển khai vấn đề nghị luận:

    Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo hợp lí, thuyết phục phù hợp với chuẩn mực, đạo đức và pháp luật. Có thể triển khai theo hướng sau

    - Giải thích Nuôi dưỡng ước mơ là những mục tiêu, hoài bão, mong muốn và khát khao mà con người đặt ra, gìn giữ, muốn đạt được trong khoảng thơi gian ngắn hoặc dài.

    - Phân tích: Nuôi dưỡng ước mơ "ở mỗi người có những tác động rất tích cực:

    + Giúp mỗi con người có định hướng sống, mục đích sống; giúp mỗi người sống có kế hoạch, vạch rõ các bước đi, càng nỗ lực, cô gắng để thực hiện ước mơ.

    + Người sống có ước mơ là người luôn luôn nhiệt huyết, cố gắng không ngừng nghỉ, không nản chí, không chùn bước trước những khó khăn thử thách. Từ đó chúng ta sẽ có thêm những bài học quý giá để hoàn thiện bản thân mình, có được những đức tính quý báu như kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ..

    + Người có ước mơ mới có động lực làm việc, học tập và cống hiến cho xã hội. Khi mỗi con người trên con đường thực hiện ước mơ của mình cũng chính là đóng góp cho xã hội, cho đất nước phát triển

    + Người sống có ước mơ sẽ sống tích cực, lạc quan, thấy cuộc sống tươi đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn, được sống một cách say mê, nhiệt huyết nhất.. ; là động lực thúc đẩy hành động, giúp ta biết trân trọng, nâng niu những nỗ lực mình đạt được.

    - Bài học nhận thức và hành động: phải có ước mơ mục đích sống cho riêng mình Cần phải cố gắng quyết tâm làm đến cùng để đạt được ước mơ mà mình mong muốn. Để đạt được ước mơ chúng ta cần ra sức rèn luyện học tập, tu dưỡng đạo đức để chuẩn bị những tư trang cần thiết cho con đường đi tới ước mơ của mình..

    d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

    Đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp Tiếng Việt.

    e. Sáng tạo

    Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

    Câu 2: Cảm nhận về số phận và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nghệ thuật trần thuật của nhà văn Tô Hoài thể hiện qua đoạn trích.

    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn trích văn xuôi

    Mở bài giới thiệu được khái quát vấn đề nghị luận, thân bài thực hiện được các yêu cầu của đề bài, kết bài khẳng định được vấn đề.

    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

    - Cảm nhận về số phận nhân vật Mị.

    - Nhận xét về nghệ thuật trần thuật của nhà văn Tô Hoài thể hiện qua đoạn trích

    c. Triển khai được vấn đề nghị luận:

    Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, vận dụng kết hợp các thao tác lập luận, phối hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

    * Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và đoạn trích

    - Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học VN hiện đại, có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau của đất nước. Sáng tác của ông thiên về diễn tả sự thật đời thường; lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có.

    - Vợ chồng A Phủ (1952) là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Đó là câu chuyện về cuộc sống cực nhục, tăm tối và qua trình qua trình những người dân lao động vùng cao Tây Bắc vùng lên tự giải phóng khỏi áp bức.

    - Dẫn đề

    * Phân tích số phận và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị

    - Số phận bất hạnh

    + Cảnh ngộ gia đình, món nợ truyền kiếp Mị- bị bắt về làm vợ ASử, trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí. Mở đầu cho chuỗi ngày đau đớn, cực nhục nhất của số phận Mị. Và là nỗi oái oăm, đau đớn, cực nhục nhất của số phận Mị.

    + Sống trong chuỗi vất vả, đau thương, cực nhục. Bị bóc lột sức lao động, chiếm đoạt tuổi xuân, bị biến thành công cụ lao động bị chà đạp về tinh thần, tê liệt ý thức về quyền sống. Sống âm thầm, lẻ loi, cô độc như một đồ vật, một con vật trong gia đình thống lí một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Cả ngày quần quật lao động, dáng vẻ âm thầm, lẻ loi, cô độc, xa lạ

    - Vẻ đẹp tâm hồn của Mị:

    + Cô gái trẻ trung, có tài, yêu đời, ham sống" Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị ".

    + Hiếu thảo, chăm chỉ, có lòng tự trọng, ý thức về quyền sống, nhân phẩm" con làm nương ngô giả nợ thay bố, bố đừng bán con cho nhà giàu

    - Đánh giá

    + Những đối nghịch, tương phản tạo tình huống có vấn đề để gây ấn tượng, thu hút sự chú ý. Vài nét chân dung gây ám ảnh, vài hành động lặp đi lặp lại+ dòng tâm tư nhân vật phù hợp; Ngôn ngữ kể giàu chất thơ, thể hiện tài năng quan sát và am hiểu phong tục tập quán của người dân miền núi Tây Bắc

    + Số phận của Mị có ý nghĩa tiêu biểu cho cuộc đời của rất nhiều những người lao động nghèo miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức, bóc lột của bè lũ thực dân, chúa đất. Từ đó, nhà văn đã tố cáo, phê phán mạnh mẽ tội ác của giai cấp thống trị miền núi, cũng như bày tỏ nỗi thương xót, đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau đớn, cuộc sống khốn khổ của người dân lao động nghèo

    * Nhận xét nghệ thuật trần thuật

    - Trần thuật uyển chuyển, linh hoạt ; cách giới thiệu nhân vật bất ngờ, tự nhiên ấn tượng, kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo: Cách giới thiệu ngắn gọn nhưng hấp dẫn bằng những đối nghịch, tương phản tạo tình huống có vấn đề để gây ấn tượng, thu hút sự chú ý. Từ đó Mị được giới thiệu vừa cụ thể, vừa khái quát gợi nhiều liên tưởng về thân phận.

    - Biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục, tập quán của người miền núi.

    - Tăng cường miêu tả trong mạch kể chuyện

    - Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc và sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ

    d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

    Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

    e. Sáng tạo

    Thể hiện suy nghĩ sâu sắc; có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ, sâu sắc.
     
    Dana Lê thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng sáu 2024
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...