Đọc hiểu: Lời ru của mẹ - Xuân Quỳnh: Lời ru ẩn nơi nào/ Giữa mênh mang trời đất

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 18 Tháng tư 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

    Lời ru ẩn nơi nào
    Giữa mênh mang trời đất
    Khi con vừa ra đời
    Lời ru về mẹ hát


    Lúc con nằm ấm áp
    Lời ru là tấm chăn
    Trong giấc ngủ êm đềm
    Lời ru thành giấc mộng


    Khi con vừa tỉnh giấc
    Thì lời ru đi chơi
    Lời ru xuống ruộng khoai
    Ra bờ ao rau muống


    Và khi con đến lớp
    Lời ru ở cổng trường
    Lời ru thành ngọn cỏ
    Đón bước bàn chân con


    Mai rồi con lớn khôn
    Trên đường xa nắng gắt
    Lời ru là bóng mát
    Lúc con lên núi thẳm
    Lời ru cũng gập ghềnh
    Khi con ra biển rộng
    Lời ru thành mênh mông.


    Lời ru của mẹ - Thơ Xuân Quỳnh, NXB Đồng Nai, 1997

    Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2: Bài thơ trên viết về đề tài gì?

    Câu 3: Ý nghĩa ẩn dụ của các từ ngữ sau là gì: Đường xa nắng gắt, núi thẳm.

    Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong các câu thơ:

    Lúc con nằm ấm áp

    Lời ru là tấm chăn.


    Câu 5: Hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào trogn bài thơ trên?

    Câu 6: Nhận xét về âm hưởng, giọng điệu của bài thơ.

    Câu 7: Từ "lời ru" lặp lại bao nhiêu lần trong bài thơ, thể hiện điều gì?

    Câu 8: Nêu suy nghĩ của em về vẻ đẹp của tình mẫu tử trong bài thơ Lời ru của mẹ.

    Câu 9: Em hãy kể tên 3 bài thơ mà em biết viết về mẹ.

    Câu 10: Nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ trên là gì?

    [​IMG]

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ: Năm chữ (ngũ ngôn).

    Câu 2: Bài thơ trên viết về đề tài: Gia đình (tình cảm mẹ - con).

    Câu 3: Ý nghĩa ẩn dụ của các từ ngữ đường xa nắng gắt, núi thẳm: Tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong hành trình cuộc sống của mỗi người.

    Câu 4:

    Lúc con nằm ấm áp

    Lời ru là tấm chăn.


    - Biện pháp tu từ: So sánh

    A: Lời ru;

    B: Tấm chăn;

    Từ so sánh: Là.

    - Tác dụng:

    + Làm nổi bật ý nghĩa lời ru của mẹ: Giống như tấm chăn ấm áp ấp ủ con; thể hiện tình yêu của mẹ dành cho con cũng như tình yêu con dành cho mẹ.

    + Tăng tính gợi hình, biểu cảm, sự sinh động, hấp dẫn cho câu thơ.

    Câu 5: Hình ảnh người mẹ trong bài thơ trên: Người mẹ trong bài thơ trên đã ru con suốt hành trình tuổi thơ, khiến người con có cảm nhận lời ru của mẹ luôn cạnh bên, gần gũi, ấm áp, yêu thương. Qua lời ru, có thể thấy người mẹ trong bài thơ là người phụ nữ tần tảo, giàu tình yêu thương.

    Câu 6: Nhận xét về âm hưởng, giọng điệu của bài thơ:

    Bài thơ mang âm hưởng nhẹ nhàng, thiết tha, sâu lắng. Âm hưởng ấy được tạo nên bởi thể thơ ngũ ngôn, từ ngữ giản dị, giàu cảm xúc, điệp từ "lời ru" lặp lại nhiều lần trong bài thơ..

    Câu 7: Từ "lời ru" lặp lại 11 lần trong bài thơ, thể hiện tình yêu thương mẹ dành cho con, gửi gắm trogn từng lời ru, đồng thời thể hiện lòng biết ơn của con trước sự chăm sóc ân cần của mẹ.

    Câu 8: Nêu suy nghĩ của em về vẻ đẹp của tình mẫu tử trong bài thơ Lời ru của mẹ.

    - Vẻ đẹp tình mẫu tử được biểu đạt qua hình ảnh lời ru của mẹ

    + Mẹ ấp ủ yêu thương trong những tháng ngày hoài thai và chào đón con ra đời bằng lời ru ngọt ngào, ấm áp (Khổ 1)

    + Mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng hình hài và bồi đắp tâm hồn, trí tuệ của con trong những tháng ngày tuổi thơ (Khổ 2, 3, 4)

    + Mẹ đồng hành, chở che, dõi theo, giúp con vững bước trên đường đời vô vàn gian truân, thử thách (Khổ 5)

    Qua lời ru, nhà thơ đã khắc họa chân thực và xúc động vẻ đẹp của tình mẫu tử: Yêu thương vô bờ bến, hi sinh tất cả vì con, mong mỏi con bình yên, hạnh phúc và thành công

    - Vẻ đẹp tình mẫu tử còn được biểu đạt qua tình cảm con dành cho mẹ: Con cảm nhận được tình yêu thương của mẹ qua lời ru; từ đó biết ơn mẹ, yêu thương, kính trọng mẹ

    Câu 9: Ba bài thơ viết về mẹ: Mẹ (Đỗ Trung Lai) ; Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương) ; À ơi tay mẹ (Bình Nguyên).

    Câu 10: Nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ trên:

    - Thể thơ năm chữ, linh hoạt trong vần nhịp;

    - Âm hưởng, giọng điệu bài thơ: Thiết tha, sâu lắng;

    - Ngôn ngữ: Giản dị, tinh tế, giàu hình ảnh, cảm xúc;

    - BPTT: Điệp từ "lời ru", phép ẩn dụ, so sánh..
     
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười một 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...