Đọc hiểu: Bạn đến chơi nhà - Nguyễn Khuyến Bạn đến chơi nhà Đã bấy lâu nay, bác tới nhà Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Ao sâu nước cả, khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không có, Bác đến chơi đây ta với ta! (Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập IV, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1963) Chọn đáp án đúng: Câu 1: Bài thơ trên thuộc thể thơ gì? A. Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. B. Thất ngôn bát cú Đường luật. C. Lục bát. D. Song thất lục bát. Câu 2: Trong các dòng sau, dòng nào là thành ngữ? A. Ao sâu nước cả. B. Cải chửa ra cây. C. Bầu vừa rụng rốn. D. Đầu trò tiếp khách. Câu 3: Nêu biện pháp nghệ thuật nổi bật được tác giả sử dụng trong bài thơ. A. Liệt kê B. Nhân hóa C. Đối lập D. Nói quá Câu 4: Từ câu thơ thứ hai đến câu sáu, tác giả nói về sự thiếu thốn về vật chất nhằm mục đích gì? A. Miêu tả cảnh nghèo của mình. B. Giãi bày hoàn cảnh thực tế của mình. C. Không muốn mời bạn ở lại. D. Thể hiện tình bạn đẹp vượt qua vật chất bên ngoài. Câu 5: Tâm trạng tác giả được thể hiện thế nào khi bạn đến chơi? A. Vui mừng, hạnh phúc. B. Lo lắng, xấu hổ. C. Thờ ơ, không quan tâm. D. Bực tức, khó chịu. Câu 6: Nhận định nào không đúng về bài thơ? A. Bài thơ thể hiện tâm trạng mừng vui khi có bạn đến chơi nhà. B. Thể hiện cuộc sống nghèo túng, khốn khó và nỗi hổ thẹn với bạn. C. Sử dụng từ ngữ thuần việt, giản dị, gần gũi cuộc sống thôn quê. D. Thể hiện tình bạn đậm đà, thắm thiết. Câu 7: Bài thơ gửi gắm thông điệp về điều gì? A. Tình cảm bạn bè chân thành, gắn bó. B. Cuộc sống nông thôn gần gũi, bình dị. C. Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. D. Cuộc sống nông thôn nghèo khó, thiếu thốn. Câu 8: Cụm từ "ta với ta" diễn tả điều gì? A. Chỉ người bạn và bản thân nhà thơ. B. Chỉ sự tâm đồng ý hợp giữa người bạn và nhà thơ. C. Chỉ sự riêng biệt giữa người bạn và nhà thơ. D. Chỉ người bạn và nhà thơ là một. Gợi ý trả lời: 1. B 2. A 3. A 4. D 5. A 6. B 7. A 8. B