Phân tích bài thơ Nhà Chật - Lưu Quang Vũ Nhà Chật Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống Phải bỏ hết những gì không cần thiết Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình Khoảng không gian của anh và em Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác Anh không giấu em một nghĩ lo nào được Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi Bạn thuyền ơi, ngoài kia trời lộng gió Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời Có lẽ, phải đến những năm tháng gần đây, song song với việc gia tăng dân số, nhu cầu nhà ở mới trở nên bức bách đối với mỗi con người và trở thành vấn đề nan giải của toàn xã hội.. Lưu Quang Vũ từng có những vần thơ ngợi ca thành phố anh sinh trưởng: "Trải bao đời thành phố có nhà tôi". Hay đâu, cũng chính bởi "trải bao đời" mà căn phòng anh ở chỉ còn là một ô ngăn, nhỏ nhoi lọt thỏm giữa một khu dân cư náo nhiệt ồn ào, nặng không khí mua bán đổi trao! Căn phòng hẹp, thật hẹp! Đến độ, sống trong căn phòng ấy, người ta không còn biết cách sao giấu được thái độ, tâm trạng của chính mình: Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác Anh không giấu em một nghĩ lo nào được Thậm chí hơn thế nữa: Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi Thì ra, cuộc sống đã nhắc người ta phải biết giữ thăng bằng. Thi hào Đức H. Heine từng vẽ ra một xã hội tương lai: Đó là xã hội của hoa hồng, bánh mỳ và thơ ca. Dĩ nhiên, để giữ được một cuộc sống hạnh phúc, cuộc sống "hoa hồng" thì người ta cần phải có thơ ca và cũng cần phải có cả.. bánh mỳ. Có thực mới vực được đạo mà. Ngay đến giấc mơ của con người cũng có "thoát" ra ngoài thực tế được đâu: Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo Trước kia, Xuân Quỳnh có 2 câu thơ nhiều người thích: "Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức". Chính nỗi lo toan thường nhật đã khiến trong giấc mơ người ta vẫn làm chủ được trạng huống của mình. Đành vậy, biết sao khác được! Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo. Cùng chung tồn tại trên một khoảng tường, dưới cái đinh của "chủ nghĩa hiện thực" là "bộ vỏ" của thân xác và cốt lõi của tâm hồn. Như vậy là, với các biểu tượng đối lập: Sách vở - xoong nồi, giấc mơ - thùng gạo, tranh treo - áo phơi (khổ đầu), cửa sổ (gian phòng) và mắt em - cửa sổ tâm hồn (khổ cuối), Lưu Quang Vũ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người bài trí sân khấu và gây dựng "tình huống" cho vở kịch. Độc giả đã nhận ra được phần nào khả năng liên tưởng của anh. Tuy nhiên, nếu nói về sự ví von, thì sự ví von hay nhất, đúng nhất, và cảm động nhất vẫn là: Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông Ngôi nhà này không thuộc dạng "bất động sản". Ngoài ý nghĩa là nơi trú ngụ của con người, nó còn phải có "chức năng" đưa chủ nhân của mình tới những bến bờ xa xăm: Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống. "Con thuyền" ấy phải chịu tác động của giông bão bầu trời cũng như của nghìn trùng sóng nước. Thậm chí, nó có thể bị chìm đắm bởi con người không biết "bỏ hết những gì không cần thiết" trong "hành lý" của mình. Tuy nhiên, với lá buồm được căng lên bằng tâm hồn đầy khát vọng và với chiếc neo của trái tim sâu nặng nghĩa đời, con thuyền ấy đã vượt qua bao nhiêu thác ghềnh, đặng tìm đến một miền.. Tiếc thay, trên con đường từ "sông" ra "biển", con thuyền ấy đã mắc cạn bên một chiếc cầu.. Ngày 29/8/1988, tai nạn giao thông ập đến bất ngờ đã cướp đi một gia đình nghệ sĩ tài hoa! Qua bài thơ, Lưu Quang Vũ muốn giãi bày với chúng ta một hoàn cảnh, nhưng trên hết là đem đến một phương châm sống, một cách vượt lên gian khó đời thường. Bài thơ tên gọi Nhà chật, nhưng đã xuất hiện lần đầu trên trang nhất tờ Người Hà Nội với tấm lòng bạn bè thật rộng mở..