Đoạn văn NLVH: Cảm nhận hình ảnh bếp lửa của bà trong bài thơ Bếp lửa - NV9

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 26 Tháng một 2023.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Viết đoạn văn 12 - 15 câu cảm nhận về hình ảnh bếp lửa của bàtrong tác phẩm Bếp lửa (Bằng Việt) - NV9

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một bếp lửa chờn vờn sương sớm



    Một bếp lửa ấp iu nồng đượm



    Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!



    Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói



    Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,



    Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,



    Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu



    Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!



    Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa



    Tu hú kêu trên những cánh đồng xa



    Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?



    Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.



    Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!



    Mẹ cùng cha công tác bận không về,



    Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,



    Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,



    Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,



    Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,



    Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?



    Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi



    Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi



    Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh



    Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:



    "Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,



    Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,



    Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!"



    Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,



    Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,



    Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng..



    Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa



    Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ



    Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm



    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,



    Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,



    Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,



    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ..



    Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!



    Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,



    Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,



    Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:



    - Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?



    Kiev, 1963

    Bếp lửa là hình ảnh bình dị, quen thuộc của mỗi gia đình Việt xưa, và là hình ảnh trung tâm kết tinh tư tưởng và chủ đề tác phẩm trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Bằng Việt. Trong khổ thơ đầu tiên, 3 tiếng "một bếp lửa" được điệp lại hai lần, trở thành một đoạn điệp khúc sâu lắng, in đậm trong tâm khảm và kí ức của tác giả. Từ láy "chờn vờn" gợi nhớ gợi thương đến dáng hình bập bùng, rung rinh, lúc mờ lúc tỏ của ngọn lửa trong ký ức, còn "ấp iu" lại gợi ra bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người nhóm lửa. Qua phép liệt kê bằng hệ thống các từ láy tượng hình, bếp lửa hiện lên sinh động và nồng ấm giữa cái lạnh buốt của "sương sớm". Công việc nhóm bếp được gọi về đầy cụ thể và cảm động, có lẽ bếp lửa của bà đang đồng hiện với bếp lửa hiện tại của tác giả, vừa gần đây vừa xa xôi trong hoài niệm, khiến thời gian và không gian cũng nhuốm một sắc bàng bạc. Trong những năm tuổi thơ đói khổ của cháu, ấn tượng và ám ảnh nhất vẫn là mùi khói bếp của bà - mùi khói đã hun nhèm mắt cháu để đến bây giờ nghĩ lại "sống mũi còn cay". Khói bếp là hiện thân của những cay đắng, cơ cực quấn dai dẳng lấy cháu, trùm phủ lên ký ức tuổi thơ. Nhưng qua hai khổ thơ sau viết về bà, dáng hình của bà đã in hằn lên ngọn lửa thân thương, khiến hình ảnh bếp lửa thực phát triển thành biểu tượng của tình thương, niềm tin và nghị lực sống mãnh liệt, "dai dẳng", không bao giờ tắt. Phép liệt kê, điệp ngữ "rồi" và trợ từ "lại" đã gợi ra sự biến đổi âm thầm đó: "Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen, Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn, Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.." Như thế, bếp lửa không chỉ được nhen lên bằng nhiên liệu củi rơm mà còn được nhóm lên từ ngọn lửa của sức sống, tình yêu "luôn ủ sẵn" trong lòng bà, của hy vọng bền bỉ và bất diệt. Ngọn lửa là hình ảnh ấm lòng, là niềm tin thiêng liêng kì diệu nâng bước cháu trên suốt chặng đường dài. Qua đó, người nhóm lửa là bà cũng trở thành người giữ lửa và truyền lửa cho cháu trong mọi hoàn cảnh. "Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm, Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi, Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui, Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ..", điệp ngữ "nhóm" được lặp lại 4 lần với những ý nghĩa phong phú và gợi nhiều liên tưởng sâu sắc: Ngọn lửa mỗi sớm mai bà nhóm là những gì cao quý nhất của con người: Tình yêu thương, niềm vui sưởi ấm, sự san sẻ tình làng nghĩa xóm và những tâm tình ước vọng của tuổi thơ. Nhờ ngọn lửa mà bà "ủ", bà "nhen", bà "giữ", cháu biết cách sống ân nghĩa, thủy chung, biết mở rộng lòng với mọi người xung quanh, biết sẻ chia, gắn bó với xóm làng, biết thấu hiểu, yêu và trân trọng dân tộc mình, quê hương đất nước mình. Câu cảm thán "Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!" và dấu gạch ngang tu từ chính là khoảng lặng đáng quý cho cháu thấm thía, nghẹn lòng. Để rồi khi cháu đã lớn rồi, đã được chắp cánh bay cao bay xa tới chân trời cao rộng có "khói trăm tàu, lửa trăm nhà", "niềm vui trăm ngả", thì vẫn luôn hướng về bà, về góc bếp quê hương, về cội nguồn tuổi thơ với một sự nâng niu và nhớ thương vô bờ bến. Qua đó, lòng bạn đọc cũng dâng lên một ngọn lửa biết ơn và tri ân sâu sắc gửi đến bà, đến gia đình và tìm về với nguồn sáng bình dị nơi góc bếp.

    [​IMG]
     
    Ưu Đàm Thanh TiLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...