Đoạn văn nghị luận xã hội: Biết lắng nghe

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Gia Hoài, 30 Tháng mười 2018.

  1. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    Nghị luận về câu nói hãy biết lắng nghe

    Trong cuộc sống muôn màu muôn điệu, đan xen hòa lẫn trong nhưng điều tốt đẹp còn không thiếu những điều còn đáng phải băn khoăn suy nghĩ nếu không muốn nói là xấu xa và tiêu cực. Vậy để tránh được những điều xấu xa, tiêu cực và làm cho những điều tốt đẹp ngày càng được nhân lên trong cuộc sống thì mỗi chúng ta phải biết lắng nghe. Lắng nghe là hiểu, đồng cảm, cảm nhận, sẻ chia.. với người khác trong cuộc sống. Biết lắng nghe là biết chia sẻ, đồng cảm.. Khi lắng nghe con người có thể hiểu biết hơn về người khác, có sự đồng cảm, đồng điệu, bao dung, giúp đỡ.. Biết lắng nghe con người có thể thấy được những nhận xét, đánh giá của người khác về bản thân, có cái nhìn khách quan, toàn diện về bản thân từ đó phát huy mặt mạnh, hạn chế, khắc phục mặt yếu. Không chỉ lắng nghe người khác mỗi người còn cần phải lắng nghe chính mình xem mình đang ở đâu, muốn gì, ra sao, thế nào.. để từ đó có những định hướng tốt đẹp hơn trong suy nghĩ và trong hành động. Chúng ta phải biết phê phán những người không biết lắng nghe: Tự cao tự đại, bảo thủ.. dẫn đến bị cô lập và không có kết quả tốt trong các hành động của mình. Mỗi học sinh cần biết lắng nghe những lời hay lẽ phải từ thầy cô, bạn bè, từ người thân trong gia đình và những người đã thành đạt trong xã hội để từ đó trở thành những tấm gương học sinh tiêu biểu ở mỗi trường, mỗi lớp và mang lại niềm tự hào cho bản thân, gí đình, nhà trường và xã hội.

    Được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người


    Cuộc sống luôn có nhiều áp lực nên không phải lúc nào ta cũng có đủ vững chãi để làm chủ hết bản thân, nhất là khi có những biến động bất ngờ. Trong những lúc tâm tư rối bời hoảng loạn hay chán chường lạc lõng, ta luôn ước ao có một người thân bên cạnh để được chia sẻ. Dù người ấy chẳng giúp ta giải quyết được vấn đề, thậm chí chẳng khuyên được một điều gì bổ ích, nhưng chỉ cần thái độ lắng nghe hết lòng cũng đủ khiến ta vơi đi rất nhiều phiền muộn rồi. Cho nên, được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người. Thế nhưng, điều nghịch lý là ai cũng muốn người khác lắng nghe mình, còn mình lại không chịu lắng nghe ai cả.

    Nếu ta thực sự muốn giúp người kia vơi đi những nỗi khổ niềm đau đang đè nặng trong lòng, thì việc trước tiên là ta phải biết lắng nghe họ. Cũng như vị thầy thuốc trước khi chẩn mạch kê toa thì phải luôn quan sát thần sắc của bệnh nhân. Sau đó, lắng nghe thật kĩ càng những báo cáo hay những lời than thở về bệnh trạng. Khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là ta đang đóng vai thầy thuốc để chữa trị bệnh cho họ. Dù ta không phải nhà tâm lý trị liệu, nhưng với lòng chân thành và thái độ lắng nghe đúng đắn, chắc chắn ta sẽ giúp được người kia ít nhiều. Vì vậy mỗi khi chúng ta chuẩn bị lắng nghe, ta phải hỏi kỹ lại mình đã thật sự vào vai của một người cứu giúp chưa?

    Biết lắng nghe. Điều kỳ diệu của cuộc sống!

    Đất nghe tiếng thì thầm của cỏ. Non cao nghe tiếng du dương của rừng thông. Ghềnh đá nghe tiếng róc rách của dòng suối. Gió nghe tiếng diều sáo thổi vi vu. Rừng thu nghe tiếng mùa thay lá. Vườn hoa nghe tiếng vội vã của bầy ong. Vạn vật trong vũ trụ lắng mình để nghe thanh âm của loài khác. Muôn loài trong trời đất yên lặng để thấu hiểu cảm giác của vũ trụ. Trong chiều hướng đó, không ngạc nhiên khi người ta nói:

    "Biết lắng nghe. Điều kỳ diệu của cuộc sống!"

    Nếu trong nguyên tắc yêu thương cần có đối tượng để thương yêu thì trong nguyên tắc lắng nghe cũng cần có đối tượng để lắng nghe. Vì yêu thương không chỉ là việc riêng của chủ thể và lắng nghe không chỉ là điều riêng của bản thân. Nếu ta yêu thương ai thì người đó là đối tượng để thương yêu. Nếu ta đang lắng nghe ai thì người kia là đối tượng đang cần sự cảm thông, chia sẻ. Nếu ta được yêu thương thì ta là đối tượng của người kia. Còn ta được người khác lắng nghe thì ta là người đang cần sự sẻ chia của người khác. Vì thế, câu nói gợi lên trong ta về sự quan trọng và điều cần thiết của việc lắng nghe, bởi lắng nghe không chỉ để xoa dịu những nỗi đau mà còn để cảm thông và chia sẻ.

    Người Mỹ dùng chữ "listening deeply" (nghe thật sâu) nghĩa là, chỉ mới biểu lộ thiện chí muốn nghe chứ không có thái độ toàn tâm, toàn ý khi nghe. Còn chữ "lắng nghe" của người Việt được hiểu rất hay, phải "lắng" thì mới "nghe" được. Chữ "lắng" ở đây là để cho lòng mình yên tĩnh, không để những mưu cầu hay chống đối làm phân tâm. Còn chữ "nghe" là đặt mình trong hoàn cảnh của đối tượng. Hiểu theo nghĩa này thì "lắng nghe" là lắng mình xuống, không suy tư, không cố chấp, buông bỏ mọi thành kiến hay những phiền muộn trong tâm để nghe người khác với tất cả lòng thành. Vì thế, "nghe thật sâu" của người Mỹ không mạnh bằng ý nghĩa "lắng nghe" của người Việt.

    Hiểu theo nguyên ngữ của việc lắng nghe là vậy, nhưng khi quy chiếu vào thực tế thì khác xa, bởi con người ngày nay phần nhiều chạy theo nhu cầu hưởng thụ. Ngay cả những người thân bên cạnh ta cũng không có thời gian để lắng nghe vì cứ mải mê lo kiếm tiền. Thế giới này chắc sẽ không có ánh sáng để vơi bớt tối tăm trong đêm đen nếu không có những người như bà Nancy, mẹ của Edison. Bà đã luôn lắng nghe, động viên và chia sẻ với Edison trong cuộc sống. Trong tiểu sử của Edison có kể lại giai thoại: "Một hôm, khi nhân viên thanh tra vào kiểm tra lớp học, thầy giáo của Edison chỉ vào cậu bé và nói: Học trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn. Edison rất căm giận hai chữ" điên khùng "và mang chuyện về kể với mẹ". Và mẹ của Edison đã lắng nghe với tất cả tấm lòng cùng sự cảm thông chia se, nhằm giúp đỡ Edison vượt qua mọi khó khăn.

    Bên cạnh đó, lắng nghe không chỉ hiểu ở lãnh vực tâm lý mà còn diễn tả ở con đường sự nghiệp. Vì sinh ra trong đời hầu như ai cũng được sự chỉ bảo của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Chỉ xét thái độ của người lắng nghe, nghĩa là phần lớn những người được thụ huấn nếu biết kiên trì học hỏi và đem ra thực hành những gì mình nghe được thì đường thành công vẫn luôn mở rộng. Để có được thành công trên con đường sự nghiệp như hôm nay, Ánh Viên đã luôn biết lắng nghe và thực hành những lời bảo ban của thầy cô giáo cũng như các huấn luyện viên, nhất là mỗi lần gặp khó khăn thì gia đình vẫn luôn là nơi cô chia sẻ nỗi niềm để qua đó tìm lại những "năng lượng đã bị mất."

    Mặt khác, lắng nghe không chỉ là tương quan của hai chủ thể mà nó còn là một tiếng nói nhiệm mầu chỉ bản thân mới cảm nhận được. Trong bài hát "Tôi đang lắng nghe" cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng những ca từ rất hay "Tôi im lặng để nghe tiếng thở dài, tôi im lặng để nghe lời của dòng sông, tôi im lặng để nghe tiếng thở than của ngọn đồi, tôi im lặng để nghe nỗi đau trên một bàn tay". Hiểu theo nghĩa này thì "lắng nghe" để nhìn lại bản thân, cảm nhận tiếng động xung quanh, dù đó là tiếng thở dài, lời của dòng sông hay tiếng than vãn của ngọn đồi.

    Cuộc sống có những biến đổi bất thường, dòng đời cũng lắm xoay chuyển không nguôi. Có những biến cố xảy đến làm ta sợ, có những bất ngờ không lường trước làm ta bơ vơ. Vì thế, không phải lúc nào con người cũng đủ tự tin để làm chủ bản thân, đủ vững chãi để bước đi trong cuộc sống. Lúc bơ vơ ta cần có ai đó để chia sẻ, lúc không vững chãi cần có một người để lắng nghe. Chia sẻ, lắng nghe trở thành nhu cầu của con người trong cuộc sống. Nếu chia sẻ làm cho con người bớt sầu khổ thì lắng nghe làm cho ta vơi đi niềm đau. Dung lượng trái tim của mỗi người có một giới hạn nhất định. Một nỗi khổ nếu được chứa đựng bởi hai trái tim thì sẽ vơi đi niềm đau. Nỗi đau quá lớn không được một ai ngồi bên cạnh để lắng nghe dễ làm người ta rơi vào trầm cảm và thường tự giam hãm trong "ốc đảo" của riêng mình. Nhất là trong xã hội ngày nay, khi con người chạy theo sự quyến rũ của tiền bạc, cứ hối hả với công việc "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm". Vì thế, xã hội hôm nay có nhiều người đang bị trầm cảm, đủ mọi thành phần. Có những đứa bé bị hiểu lầm hay không được bố mẹ quan tâm nên chúng tự nhốt bản thân trong phòng từ ngày này qua ngày khác, hoặc lao vào những thú chơi "ngông". Có những người già không có được sự quan tâm của con cháu nên phải tìm đến những thú nuôi để tâm sự cho nguôi ngoai nỗi cô đơn. Có những bạn trẻ vì ôm mối sầu đau quá lớn, không biêt bày tỏ cùng ai nên họ thường tìm đến cái chết. Có những cặp vợ chồng không tìm được sự đồng cảm và tiếng nói chung từ người bạn đời nên họ thường tìm đến với những người bạn thân hay những chuyên gia tâm lý để "trút bầu tâm sự". Vì thế, quan niệm nêu lên thật ý nghĩa, giúp con người gạt bỏ những bộn bề lao xao để cảm nhận mỗi phút giây của cuộc sống trôi qua là con người đang gần hơn với sự chết nhằm quý trọng mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống. Ngoài ra, lắng nghe là điều cần thiết của cuộc sống, nó không chỉ giúp ta hiểu được chính bản thân, sự vật xung quanh, giúp người khác vơi đi niềm đau, giúp người đối người được trải lòng mình. Đồng thời, tầm quan trọng biết lắng nghe nếu đem áp dụng vào cuộc sống sẽ giúp mỗi người thành công trên con đường sự nghiệp và công danh.

    Lắng nghe là nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Nỗi đau nếu được ai đó lắng nghe nó sẽ nhẹ thêm, nỗi thống khổ nếu được người khác sẻ chia nó sẽ vơi đi. Biết lắng sẽ giúp nhau dắt dìu bước qua những ngày tháng vất vả. Biết sẻ chia giúp những người xung quanh vượt qua tháng ngày gian nan. Vì thế, ngại ngùng gì ta không dừng lại để sẻ chia với người thân cận, mất mát chi không lắng mình xuống để nghe người xung quanh. Hiểu được tận cùng ý nghĩa của lắng nghe, ta sẽ thấy cuộc đời vẫn đẹp, trên vách đá vẫn có hoa nở đẹp tươi.

    Lê Gia Hoài giới thiệu.

    [​IMG]

    Xem thêm:

    Viết bài kiếm tiền cho học sinh *hot*
     
    Thùy Minh, AdminLove cà phê sữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 28 Tháng sáu 2020
  2. Wall-E

    Bài viết:
    595
    Trình bày suy nghĩ về ý kiến phải biết lắng nghe

    Đề bài:

    Mục đích cuối cùng của lắng nghe là để thấu hiểu hay cảm thông?

    Bài làm:

    "Bạn có biết chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn mỗi người, để mở cánh cửa hạnh phúc trong gia đình, để mở cánh cửa thành công trong xã hội là gì không? Đó là lắng nghe. Khi bàn về mục đích của lắng nghe, không phải ai cũng giải đáp được:

    " Mục đích cuối cùng của lắng nghe là để thấu hiểu hayv cảm thông? "

    Theo tôi, để mỗi người sẵn sàng lắng nghe người khác đã khó, để lắng nghe với thái độ chân thành càng khó và muốn lắng nghe để thấu hiểu tâm tư của người khác càng khó hơn. Vì để hiểu được một người không phải chuyện dễ dàng, càng khó khăn hơn nếu chúng ta thiếu trải nghiệm để có thể có thể ngồi lại lắng nghe, chia sẻ làm thỏa mãn người khác. Vậy nên, chúng ta đừng tự làm khó mình, hay chê trách mình không đủ khả năng thấu hiểu họ. Mà khi lắng nghe ai đó chia sẻ việc cần hơn là ta bình tâm lắng nghe với thái độ chân thành. Có thể ta không đủ khả năng để thấu hiểu hết được những điều mà họ chia sẻ. Ai cũng thế thôi, họ hiểu điều đó chứ.

    Nếu không thể hiểu điều này hãy tự đặt mình vào tình huống để hiểu những gì tôi đang chia sẻ. Vậy nên, chỉ cần lắng nghe, san sẻ với thái độ thật chân thành là đủ. Khi ấy người được lắng nghe sẽ tìm thấy được sự đồng điệu, đồng cảm về tâm hồn rồi. Vậy là chúng ta đã có câu trả lời:

    Mục đích cuối cùng của lắng nghe là thấu hiểu và cảm thông, nếu không thể thấu hiểu ta có thể cảm thông, san sẻ với họ. Nhưng cũng cần tránh kiểu lắng nghe hình thức – lắng nghe cho có lắng nghe. Như vậy, không những người chia sẻ bị tổn thương, lạc lõng mà chúng ta còn lãng phí thời gian hay thậm chí có thể mất họ. Vậy đó, cho nên mỗi người cần lắng nghe với thái độ chân thành. Đó là chìa khóa để mở cửa tâm hồn người khác, để mở cửa hạnh phúc gia đình và mở cánh cửa thành công trong cuộc sống.

    " Bước thứ nhất để đạt tới sự thông thái là im lặng, thứ hai là biết lắng nghe người khác nói. "

    Đề bài:

    Cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe, đó là một tệ nạn hết sức phổ biến - W. Shakespeare

    Viết bài văn ngắn khoảng 01 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về căn bệnh không chịu lắng nghe trong cuộc sống hiện nay.

    Bài làm:

    Một tiếng chim kêu buổi sớm khiến ta thêm yêu cuộc sống, một điệu nhạc hay ru ta vào giấc ngủ, một lời nói chân thành có thể an ủi ta khi đớn đau, những điều kì diệu của cuộc sống có được là nhờ con người biết lắng nghe. Thế nhưng, người hiện đại lại mắc một căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm: Căn bệnh không chịu lắng nghe. Shakespeare đã từng nói rằng:

    " Cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe, đó là một tệ nạn hết sức phổ biến. "

    Trong cuộc sống, lắng nghe không chỉ là sự thu nhận thông tin bằng thính giác, mà đó còn là một thái độ sống tích cực: Sự quan tâm, thấu hiểu người khác, thái độ cầu thị, sẵn sàng tiếp thu, chấp nhận những ý kiến trái chiều. Ngược lại," căn bệnh không chịu lắng nghe "chính là sự vô tâm, thờ ơ, là sự bảo thủ, hiếu thắng. Qua lời nhận định, Shakespreare muốn cảnh bảo chúng ta về tác hại của thái độ sống ích kỉ, cực đoan – căn bệnh" không chịu lắng nghe. "

    Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, không ít người mắc căn bệnh không chịu lắng nghe. Giới trẻ hiếu thắng, bảo thủ, lao vào những cuộc tranh cãi vô nghĩa trên các trang mạng xã hội, không ai lắng nghe ai để rồi dẫn đến những xô xát không đáng có ngoài đời thực. Hoặc có người thì vô cảm, không lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau của mọi người xung quanh. Vụ việc nữ sinh ở Trà Vinh bị bạn lấy ghế đánh vào đầu, dù gào khóc kêu cứu nhưng các bạn cùng lớp vẫn dửng dưng, vô cảm khiến chúng ta không khỏi đau lòng. Có khi, chúng ta không lắng nghe chính bản thân mình, không tìm ra được mục đích sống của mình, mà chạy theo những vỏ vật chất hào nhoáng bên ngoài, sống cuộc đời uổng phí. Hằng năm, vẫn có rất nhiều cử nhân ra trường mà thất nghiệp, hoặc phải làm trái ngành, vì họ học đại học không phải do đam mê, mà do kì vọng của gia đình, hoặc do bị cuốn theo những ảo tưởng của xã hội.

    Căn bệnh không chịu lắng nghe mang lại rất nhiều tác hại trong cuộc sống. Nó khiến người ta trở thành những kẻ ích kỉ, tự cao tự đại. Nó khiến quan hệ giữa người với người bị tan rã, khiến mỗi cá nhân trở nên cô đơn, lạc lõng. Nó ngăn cản con người phát triển. Những ý tưởng mới lạ không được lắng nghe thì sẽ chìm vào quên lãng. Không lắng nghe, con người không thể nhận ra lỗi sai của mình để khắc phục, do vậy không thể trưởng thành. Nguyên nhân của căn bệnh nguy hiểm ấy là do cái tôi của mỗi người quá lớn, quá cố chấp. Mặt khác, con người thường sợ hãi những gì khác biệt, những gì họ không hiểu rõ.

    Như vậy, để khắc phục căn bệnh không biết lắng nghe, mỗi người cần phải hạ thấp cái tôi của mình xuống, phải nhận thức được sự đa dạng của thế giới, chấp nhận những ý kiến trái chiều, quan tâm nhiều hơn, và yêu thương nhiều hơn. Là học sinh, bản thân tôi tự nhủ mình cần tập quan tâm hơn đến cuộc sống, quan tâm hơn đến cậu bạn bàn bên khi gặp khó khăn trong học tập, lắng nghe ý kiến của bố mẹ, thầy cô để rèn luyện, hoàn thiện bản thân..

    " Người yêu người sống để yêu nhau "

    Tố Hữu.

    Mỗi chúng ta hãy tập lắng nghe nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn, cởi mở hơn trước sự đa dạng của cuộc sống. Bởi cuộc sống là một khúc ca tuyệt vời, khi chúng ta biết lắng nghe.

    Bài làm 2:

    Truyền thuyết kể rằng, khi xưa trái đất sử dụng cùng một ngôn ngữ, loài người đã có thể xây dựng tháp Babel huyền thoại có khả năng chạm được đến thiên đàng. Thế mới biết, khi lắng nghe và thấu hiểu, con người có thể tạo ra được sức mạnh lớn lao như thế nào. Hiểu được ý nghĩa của sự lắng nghe trong cuộc sống, Shakespeare đã viết:

    " Cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe, đó là một tệ nạn hết sức phổ biến."

    Sự lắng nghe trong cuộc sống không đơn thuần là việc tiếp nhận thông tin bằng thính giác. Mà đó còn là một thái độ sống tích cực. Khi chúng ta lắng nghe, nghĩa là chúng ta quan tâm đến những người xung quanh, đó là sự yêu thương, chia sẻ. Khi chúng ta lắng nghe, nghĩa là chúng ta có tinh thần cầu thị, sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khác biệt của người khác để dần hoàn thiện mình.

    Vì vậy, sự lắng nghe trong cuộc sống có vài trò rất quan trọng. Nhờ lắng nghe, con người có thể khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi tiếng nói đòi quyền được giáo dục của cô bé Malala Yousafzai được thế giới lắng nghe, bất chấp những họng súng tàn nhẫn của Taliban, có nghĩa là thêm cơ hội trẻ em Pakistan được giáo dục, được trưởng thành. Nhờ lắng nghe, nhân loại tránh được những xung đột không đáng có, tránh được những đau thương, mất mát. Xu hướng ngoại giao của thế giới là đối thoại chứ không đối đầu, thông qua tổ chức Liên hiệp quốc và các diễn đàn quốc tế, thế giới lắng nghe nhau trong thái độ ôn hòa, nhằm giải quyết các vấn đề mâu thuẫn mà không gây tổn thất. Chỉ khi biết lắng nghe, nhân loại mới có thể tiếp thu các ý kiến tiến bộ để không ngừng phát triển. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, nạn phân biệt chủng tộc sẽ không bao giờ bị loại bỏ, nếu những tiếng nói tiến bộ trong xã hội không được lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng. Trong cuộc sống, chúng ta không chỉ lắng nghe người khác, mà còn phải lắng nghe chính bản thân mình, đó là cách để ta hiểu mình và sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

    Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn còn nhiều người mắc căn bệnh không chịu lắng nghe. Đó là những người vô cảm, thờ ơ trước tiếng kêu cứu của cuộc sống. Biết bao chú tê giác đã bị giết, bởi vì vẫn còn những người không chịu nghe và không chịu hiểu, rằng sừng tê giác không phải thứ thuốc trị bách bệnh. Vẫn còn những kẻ bảo thủ, độc đoán, không chấp nhận sự sáng tạo và những ý kiến mới mẻ, do vậy dần tụt hậu.

    Là học sinh, chúng ta cần học cách lắng nghe nhiều hơn: Trở thành một chỗ dựa chia sẻ tâm tình khi bạn bè gặp chuyện buồn; điềm tĩnh, cầu thị trong tranh luận, biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến trái chiều, tránh xúc phạm người khác chỉ vì sự hiếu thắng của bản thân.

    Để ngăn chặn con người chạm tay tới thiên đường, Chúa đã chia tách ngôn ngữ của nhân loại để họ không thể hiểu nhau nữa. Nhưng bằng cách lắng nghe mỗi ngày, thế giới đang xích lại gần nhau. Nhờ lắng nghe, con người ngày càng tiến bộ và xây dựng thế giới hòa bình, ổn định: Một thiên đường ngay trên mặt đất này, cho bạn, và cho tôi.

    ST.
     
    Thùy MinhLove cà phê sữa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...