Chào các tín đồ công nghệ, các bạn có nhu cầu mua điện thoại mới và những bạn chưa từng nghiên cứu hay biết nhiều về dòng điện thoại Vsmart do Việt Nam mình sản xuất. Trong bài review này, ngoài đánh giá về điện thoại Vsmart Star 4 mà mình mới mua thì mình cũng sẽ gợi ý thêm cho mọi người một sản phẩm khác của Vsmart với mức giá dưới hai triệu rưỡi và rất ngon lành, ngon hơn con Star 4 mình mới ôm về. Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích cho mọi người. Trước hết, ấn tượng đầu tiên về diện mạo đó là hộp đựng màu cam rất nổi bật. Với những bạn thích màu cam thì mấy bạn sẽ rất thích điều này. Hộp đựng khá dễ mở nên mọi người an tâm mở nhé. Chỉ cần mở tem niêm phong, kéo nhẹ đáy hộp sẽ thấy hết những gì bên trong. Tiếp theo là những món bên trong hộp. Ngoài một em điện thoại màu trắng (vì mình đặt mua loại màu trắng), mình còn có thêm phiếu bảo hành, que chọc sim, ốp lưng nhựa dẻo trong suốt, tai nghe, dây sạc và củ sạc. Giờ thì mình sẽ review nhẹ nhàng về từng món. Điện thoại Vsmart mình mua đã được gắn pin, phần năng lượng trong pin có khoảng năm mươi phần trăm. Nên khi mua về, các bạn cứ an tâm bật nguồn, kiểm tra độ nhạy của màn hình và các phần mềm có sẵn nhé. Một điểm trừ nho nhỏ là màn hình của điện thoại chưa được dán keo, nên nghịch một chút sẽ bám đầy dấu vân tay. Bạn nào cẩn thận thì mang điện thoại đi dán luôn, như vậy sau này sẽ dễ lau chùi và hạn chế được việc màn hình bị trầy xước trong quá trình sử dụng. Mặt trước của điện thoại có một camera chụp ảnh khá là chân thực. Nếu chụp trong môi trường đủ sáng thì chất lượng hình ảnh ổn, nếu chụp trong môi trường thiếu sáng thì tối thui. Tiếp theo là chuyện cạnh trên được thiết kế mỏng hơn cạnh dưới. Star 4 được thiết kế theo cách như vậy khiến mình hơi không ưng ý. Để bù đắp cho cái camera hơi mờ ảo của mặt trước, mặt sau có hẳn ba camera nằm trên một đường thẳng và được dán keo trong suốt để chống trầy. Bộ ba này chụp hình khá tốt, sắc nét. Bên cạnh đó, mặt sau còn có thêm cảm ứng vân tay, nên bạn nào muốn bảo mật điện thoại lên mức tối đa thì có thể thiết lập bảo mật vân tay. Như vậy, người duy nhất mở được điện thoại chỉ có một mình người sử dụng. Vsmart Star 4 được thiết kế phần lưng bo tròn một chút, cầm rất chắc tay nhưng vẫn còn cảm giác cấn nhẹ. Đối với khe sim, để có thể tháo lắp sim, các bạn lấy que chọc sim có sẵn trong hộp, chọt đầu nhỏ vào lỗ hình tròn và ấn nhẹ cho chỗ lắp sim trồi ra. Sau đó từ từ kéo khe, nhét sim và lắp lại. Khác với các dòng điện thoại khác, Vsmart có những phần mềm cơ bản như gọi, nhắn tin, đèn pin, ghi âm, bàn phím tiếng Việt.. và không có game. Nên bạn nào muốn chơi game thì lên cửa hàng Google Play để tải về nhé. Tiếp theo là về bộ phận sạc và tai nghe. Giống với em Itel Vision 1 Pro, phụ kiện sạc được chia thành hai phần là củ sạc và dây cáp. Công dụng của từng món cũng tương tự dây sạc và củ sạc của Itel Vision 1 Pro. Một điểm cộng cho bộ phận sạc là sạc khá nhanh và dễ dàng xếp gọn. Tai nghe nghe khá ổn, khá tốt để học ngoại ngữ. Nếu bạn nào thấy phần đệm tai hơi to, khó nhét vào tai thì có thể thay phần đệm khác. Nhà sản xuất có tặng thêm hai phần đệm có kích cỡ nhỏ hơn cho các bạn dễ dàng thay thế phần đệm hiện tại. Khi sử dụng được khoảng 7 ngày thì điện thoại tự hiển thị thông báo, yêu cầu nâng cấp từ Android 10 lên Android 11. Việc nâng cấp này yêu cầu kết nối mạng và tốn khoảng 1.5GB dữ liệu di động và cũng tốn khá nhiều thời gian. Nên trước khi quyết định nâng cấp (nếu máy có yêu cầu), bạn phải đảm bảo điện thoại có hơn 50% pin và điều kiện mạng ở nơi bạn làm việc ổn định nhé. Sau khi nâng cấp thì sẽ có một vài phần mềm được thay đổi theo hướng ít tốn bộ nhớ điện thoại hơn. Dòng điện thoại này có khả năng tự điều chỉnh ánh sáng màn hình cho phù hợp với điều kiện ánh sáng bên ngoài. Nên mọi người có thể an tâm sử dụng trong mọi kiểu môi trường sáng tối khác nhau. Tuy nhiên, chức năng này hơi hao pin một chút. Cái gì cũng vậy, bù qua sớt lại, bạn để máy chỉnh độ sáng giúp bạn thì máy sẽ ngốn lượng pin nho nhỏ coi như lấy tiền công. Vsmart Star 4 có hỗ trợ 4G, lên mạng mượt mà, chạy Youtube tốt, thích hợp cho các bạn thích xem video trực tuyến và lên mạng nhưng với dung lượng pin khá thấp (3500 mAh), bạn nào định chọn Star 4 để học online thì nên cân nhắc lại. Một dòng máy nhận đủ khen chê như Vsmart Star 4 có thể làm mọi người hơi lo lắng nhưng bản thân mình có sao nói vậy. Với những reviewer sành đồ công nghệ, họ còn bình luận và nhận xét gay gắt hơn. Để cho an toàn, mình sẽ gợi ý cho bạn nào đã có sẵn hai triệu rưỡi trong tay dòng điện thoại khác cũng do Vsmart sản xuất, đó là Vsmart Joy 3 4GB và Vsmart Star 5. Hai mẫu điện thoại này đều có mức giá từ hai triệu rưỡi đổ xuống và tốt hơn dòng điện thoại Star 4 mình vừa viết review. Hi vọng mọi người sẽ đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc review!
Cảm ơn Mya nhé! Ít ngày nữa, chị sẽ review thêm một chút về dòng điện thoại này. Hi vọng Mya sẽ ủng hộ!
Phần 2: Review camera và các tính năng cơ bản Ở phần trước, mình đã viết một chút về camera trước của điện thoại Vsmart Star 4. Ở phần này, mình sẽ viết kĩ hơn một chút và viết thêm một số nhận xét về các tính năng nghe gọi, lên mạng.. của dòng điện thoại này. Điện thoại Vsmart Star 4 có camera trước chụp ảnh khá chân thực. Ở điều kiện ánh sáng tự nhiên tốt, nếu chọn đúng hướng sáng thì sẽ cho ra ảnh khá đẹp. Nếu chọn chụp ngược sáng thì hình ảnh sẽ khá tối. Khi chụp trong điều kiện ban đêm với ánh sáng mạnh, bạn cần canh hướng chụp để có góc ảnh tốt nhất. Tuy vậy, với camera trước 8MP thì dù chụp trong đêm, hình ảnh vẫn đủ sắc nét. Nên khi đưa ảnh vào các phần mềm cắt sửa ảnh, ảnh sẽ không bị mờ đi nhiều. Có một điểm cộng nhỏ là camera trước của điện thoại có chức năng làm đẹp. Chức năng này có thể tự điều chỉnh tùy theo ý muốn của bạn. Nếu bạn đặt chế độ tự động làm đẹp, bảo đảm bạn sẽ không nhìn ra bạn trong hình. Theo mình thấy, chức năng làm đẹp này trong khoảng chấp nhận được chứ không thể nói là khá hay tốt. Còn tấm hình bên dưới là hình chụp bằng camera sau của điện thoại trong điều kiện ngược sáng một chút. Bộ ba camera này chụp ảnh khá tốt, khi zoom hết cỡ thì đường nét trong ảnh cũng không mờ nhiều. Nếu dùng camera sau để chụp ảnh lưu niệm thì khá thích hợp, và tốt hơn camera trước một chút. Vsmart Star 4 có loa khá tốt, vừa đủ để nghe, kể cả khi không dùng đến loa ngoài. Chức năng nghe - gọi của điện thoại này phù hợp với người trẻ lẫn người già. Bởi theo mình biết, có một số dòng điện thoại có loa rất nhỏ, nhiều lúc muốn người khác nói gì phải bật cả loa ngoài lên để nghe cho rõ. So với vài loại smartphone khác, thì Vsmart Star 4 khắc phục được khuyết điểm nóng máy, nóng pin khi hoạt động trực tuyến trong thời gian dài. Hôm qua mình dành hai tiếng rưỡi để nâng cấp Android nhưng máy không bị nóng nhiều. Sau đó mình lại chat với một số bạn bè trên mạng cũng khoảng một tiếng mấy, điện thoại chỉ hơi âm ấm, không bị nóng rực hay nóng hừng hực như các bạn nam khi nhìn thấy mấy chị người người mẫu khoe hình mặc áo tắm đâu. Vsmart Star 4 có một khe cắm thẻ nhớ. Khe này nằm cạnh chỗ đặt nano sim. Bạn nào có thẻ nhớ thì dùng thử nhé. Đối với mình, việc nâng cấp từ Android 10 lên Android 11 cũng không làm điện thoại khác hơn bao nhiêu. Ví dụ như ở Android 10, bàn phím tiếng Việt không hiển thị từ gợi ý thì ở Android 11, máy có hiển thị từ gợi ý. Hồi chưa nâng cấp Android, mình hay bị đá ra khỏi một số trò chơi, khi nâng cấp rồi thì không bị đá nữa. Cho nên bạn nào hay chơi game thì nên nâng cấp để tránh việc bị máy đá ra khỏi game nhé. Phần cuối cùng là về pin. Viên pin 3500mAh xả pin khá nhanh. Để tiết kiệm, mọi người có thể bật trình tiết kiệm pin hoặc xóa bớt một vài ứng dụng không cần thiết. Có lẽ nhà sản xuất đã biết trước về nhược điểm này nên đã cho tụi mình một bộ sạc nhanh. Sạc khoảng hai tiếng là pin đầy ngay. Để bộ sạc và pin dùng được lâu hơn, mọi người nên cắm sạc vào ổ điện chính chứ đừng cắm thêm những vật dẫn điện trung gian nào nhé. Trong mức giá hai triệu tư, con điện thoại Vsmart Star 4 này khá ổn với những người ít có nhu cầu chơi game trực tuyến và thích sống chậm. Với những bạn thích chơi game, nhất là game trực tuyến thì nên bỏ thêm chút tiền để mua hẳn một em điện thoại xịn sò để có những trải nghiệm tốt hơn trong quá trình sử dụng. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc review!
Mình đã dùng Vsmart tính tới thời điểm hiện tại cũng đâu đó cũng gần 3 năm. Chính xác thì là ngày 8/3/2019 mình đã bước chân gia nhập cộng đồng VOS với chiếc Vsmart Active 1 Và mới đây là ngày 20/10/2021 mình đã tự "lên đời" chiếc Vsmart Aris Pro bằng chính những đồng tiền do mình tự kiếm được, mặc dù sau đó máy bị lỗi phần cứng và phải đổi chiếc khác hôm 25/10/2021. Điểm cộng cực lớn của Vsmart chắc chắn ai cũng có thể nhận thấy đó là mức giá cực rẻ nhưng hiệu năng thì không hề thua kém các dòng máy trung cấp của các hãng lớn trên thế giới. Đặc biệt là chính sách hậu mãi tốt, bảo hành 18 tháng cho tất cả các dòng máy. Điều nuối tiếc nhất có lẽ cũng chính là Vsmart, vâng. Vỉngoups đã khai tử Vsmart để lại tiếc nuối cho kha khá người dùng, trong đó có cả mình Công nghệ ở Vsmart thì miễn bàn, có kha khá các tính năng mới như Camera ẩn dưới màn hình (Vsmart Aris Pro) hay công nghệ sim ảo Vsim (Vsmart Star 5) chưa chắc các hãng lớn dám thử nhưng Vsmart đã áp dụng - và thành công. Btw, Vsmart hiện tại vẫn là lựa chọn số 1 trong phân khúc giá rẻ nhưng hiệu năng ổn định, mặc dù sự thật rằng các chính sách ưu đãi đã không còn được như trước, nhưng các bên hệ thống phân phối của Vsmart vẫn luôn còn đó và sẵn sàng hỗ trợ cho bạn. ^^
Phần 3: Review một số phần mềm và phần cứng Chào mọi người, sau một thời gian im lặng thì mình lại quay về cằn nhằn vào ô bình luận đây! Hôm nay, mình sẽ review về chức năng phát wi-fi, chức năng viết ghi chú Keep, khe chứa thẻ sim - thẻ nhớ và tai nghe của dòng điện thoại này. Thật ra, khi đã nhận định con Star 4 này vừa ổn trong tầm giá thì mình cũng chuẩn bị tinh thần đón nhận những lỗi lặt vặt của nó rồi. Cụ thể thế nào thì mời mọi người đọc bình luận này nha. Thứ nhất, về chức năng phát WiFi. Vsmart Star 4 phát wifi nhanh, đường truyền ổn định. Để tránh phiền phức về việc phải nhập mật khẩu khi dùng Star 4 phát wifi cho thiết bị khác sử dụng, bạn nên vào phần cài đặt, tắt nhẹ tính năng bảo mật đi là được. Nhưng là vậy sẽ không an toàn khi bạn phát wifi hoặc quên tắt chức năng này khi đang ở chốn đông người, rất dễ bị câu trộm wifi đó. Thứ hai, về chức năng ghi chú. Đây là chức năng làm mình thấy ưng ý nhất ở dòng điện thoại này. Keep có thể dùng khi không có mạng (ngoại tuyến), viết và lưu dữ liệu không giới hạn, không bị đơ hay lag khi viết quá nhiều, quá lâu. Keep có thùng rác nên khi lỡ tay xóa mất phần dữ liệu vừa viết, bạn có thể vào thư mục Thùng rác để khôi phục lại. Lưu ý nhỏ là thùng rác này chỉ giữ rác trong bảy ngày nhé. Sau bảy ngày không ai ngó ngàng tới, rác trong thùng sẽ bị xóa vĩnh viễn. Đối với những bạn tập vẽ, Keep khá hữu ích vì nó có chức năng vẽ, dù khá sơ sài với cục tẩy, ba cây viết cơ bản, bảng màu đơn sơ và các nút lệnh. Thật ra, với mình vậy là quý lắm rồi. Còn với những bạn vẽ chuyên nghiệp thì đây sẽ là một hạn chế lớn. Thứ ba là về khe chứa thẻ sim. Kinh nghiệm sử dụng món này lâu bền là sau khi đẩy khe ra khỏi vị trí, mấy bạn nên kéo hết cả khe ra, đặt sim, thẻ nhớ vào rồi từ từ đẩy vào. Đừng kéo ra một nửa, hoặc chừa lại một chút để đẩy vào cho nhanh, như vậy dễ toang lắm. Mình đã làm vậy và kết quả là sau khi đẩy khe vào vị trí, nó đã ôm cả sim lẫn thẻ nhớ nằm cứng nhắc ở bên trong, dùng que chọc phá thế nào cũng không chịu nhảy ra. Nhưng may là sim và thẻ vẫn còn sử dụng được. Ít ngày nữa mình sẽ đem nó đi sửa. Lười một lần rồi hối hận tới già luôn. Cuối cùng là về tai nghe của điện thoại. Với máy tính, tai nghe cắm khít và khá tương thích, dẫn truyền âm thanh ổn, dùng để học ngoại ngữ hoặc nghe nhạc khá tốt. Với dòng điện thoại đi cùng, nó không được khít nhưng vẫn nghe nhạc được. Nếu có dùng tai nghe để nghe nhạc trên điện thoại, mọi người đừng xoay chân của tai nghe, làm vậy, âm thanh bạn nghe dễ thoát ra ngoài lắm. Đó là chút chia sẻ cuối cùng của mình về dòng máy này. Hi vọng toàn bộ bài viết sẽ giúp ích cho mọi người! Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc review!