1/ Hoàn cảnh Chí Phèo là một cô nhi, hắn không cha, không mẹ, lang thang đầu đường xó chợ. Cuối cùng vì cái nghèo, vì những thứ bậc giai cấp mà hắn bị tống vào tù để rồi trở thành một "con quỷ" của làng Vũ Đại. Dũng trong "Song lang" cũng thế. Gia đình anh tan vỡ khi anh trong độ tuổi quan trọng nhất của đời người, tuổi vị thành niên, độ tuổi hình thành nên tâm tính của một con người. Để rồi sau khi mẹ bỏ đi theo đam mê nghệ thuật của riêng mình, cha mất, anh trở thành cánh tay đắt lực của bà Tư, "Dũng thiên lôi", sai đâu đánh đó. Và cũng như Chí Phèo, nhân vật Dũng là một tay đòi nợ mướn. Cả hai đều là những tay đòi nợ lành nghề, khét tiếng, tính cách lập dị quái gở và luôn chìm trong cái vòng lẩn quẫn của màn đêm đen tối trong chính cuộc đời của họ. 2/ Người tri kỷ Chí Phèo sống lầm lũi như một cái xác không hồn, là nỗi sợ của bao người ở làng Vũ Đại, cho đến khi hắn gặp Thị Nở, người con gái đã làm tan chảy tái tim "quỷ" bằng một bát cháo hành. Và cũng như thế, Dũng trong phim qua bao ngày đầm mình trong bóng đêm do anh tự tạo ra cũng đã gặp được người mang lại cho anh ánh sáng, là Linh Phụng. Linh Phụng có lòng tin, niềm đam mê sâu sắc với nghiệp hát, cuộc gặp gỡ ban đầu đầy "tia lửa" và lần gặp "anh hùng cứu mỹ nhân" đã như đưa tâm hồn hai nhân vật gặp nhau, giao thoa trong cái niềm đam mê nghệ thuật cải lương truyền thống còn chôn giấu sâu trong trái tim Dũng. Không ai biết được Thị Nở có thật lòng yêu Chí Phèo hay không, cũng như không ai biết được rốt cuộc mối quan hệ thật sự giữa Linh Phụng và Dũng là gì. Có thể là tình bạn, là sự đồng điệu trong hai tâm hồn cô đơn, là mối tình "đam mỹ"? Tất cả là do nhận xét của riêng từng người. Nhưng tuy nhiên có thể chắc chắn rằng việc Thị Nở cũng như Linh Phụng đều là những tia sáng dẫn đường cho hai trái tim mãi đắm chìm trong sự cô đơn u tối của cuộc đời. Tuy nhiên khác với Thị Nở, trong đoạn cuối cùng của phim, Linh Phụng không hề hay biết cái chết của Dũng cũng như sự xuất hiện của anh trước đoàn hát. Và cơn mưa ấy, cơn mưa đã rửa trôi đi tất cả máu và nước mắt của Dũng hoặc có lẽ nó đã rửa đi tâm hồn của anh. 3/ Cái chết Cuối cùng là cái kết. Trong tác phẩm của Nam Cao, Chí Phèo chết. Trong giờ khắc cuối cùng của sự sống, hắn muốn diệt trừ đi cái ác, tìm lại lương thiện cho chính mình, dùng phần "con" cuối cùng đeer tìm lại cái phần "người" đã đánh mất. Còn về Dũng, đến cuối cùng, khi anh quyết định từ bỏ lối mòn của bóng tối đi theo niềm đam mê nghệ thuật, anh bị giết chết. Hung thủ không ai khác chính là kẻ mượn nợ có vợ con vì quá áp lực nợ nần đã tự sát. Có lẽ đó là một sự trớ trêu đối với cuộc đời Dũng. Trong bao năm ác liệt với nghề, lần đầu tiên anh ra tay hào hiệp giúp con nợ trả nợ, làm một anh hùng thầm lặng. Vậy mà đến cuối cùng, anh lại chết trong tay con nợ ấy dưới sự thù hận của hắn. Cả hai tác phẩm đều đưa cái chết của hai nhân vật làm dấu chấm lặng cho mình, những "khoảng trắng" của nghê thuật. Chí Phèo chết vì muốn được lương thiện, Dũng chết trên tay người mình đã giúp đỡ. Hai cái kết mang lại nhiều suy nghĩ và trăn trở trong tâm hồn người xem. Phải chăng những con người ấy khi đã đi vào ngõ cụt của bóng tối thì chỉ có cái chết mới làm tan đi bao tội lỗi và cho họ được tái sinh một lần nữa? Họ chết, khi đứng giữa lằn ranh của đen và trắng. Dường như màu đen của bóng tối vĩnh hằn đã kéo chùn bước chân Chí Phèo và Dũng khi họ tiến dần về ánh sáng. Vậy thì rốt cuộc giữa thiện và ác, giữa những tâm tối của cuộc đời, khi bàn tay của xã hội đương thời không đủ rộng lớn để ôm ta vào lòng, con người sẽ phải đi về đâu, trở về đâu? Và câu hỏi duy nhất của mình sau khi xem xong "Song lang" là: Phải chăng đạo diễn không chỉ lấy cảm hứng phim từ nghệ thuật cải lương truyền thống của dân tộc mà còn từ tác phẩm "Chí Phèo" nổi tiếng của nhà văn Nam Cao? - Thích Vị - Đây là những suy nghĩ của mình về sự giao nhau giữa hai tác phẩm này, không biết có ai cùng quan điểm không nhỉ? Góc thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Góc Bình Luận: Tác Giả Thích Vị